Thursday, December 30, 2010

NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN (LM Nguyễn Hồng Giáo)

Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM

Một sự đồng thuận chung của dân chúng với chính quyền lãnh đạo, ít nhất là trong những giá trị căn bản của xã hội phải theo đuổi và những vấn đề lớn của đất nước phải giải quyết, là không thể thiếu cho bất cứ nhà cầm quyền chân chính nào. Nhưng trong tình hình hiện nay ở Việt Nam ta, không khó để nhìn thấy một khoảng cách ngày càng rộng lớn thêm giữa lòng dân và “ý Đảng”, giữa những ước nguyện của người dân và không ít chủ trương chính sách, nhất là ngôn ngữ hoa mỹ của chính quyền các cấp. Lòng dân ngổn ngang trăm mối: ngán ngẩm, cam phận, cảm giác bị phản bội, mất niềm tin…

Trước đây khi viết về tâm trạng người dân, tôi còn thường dùng từ “bức xúc”, nhưng bây giờ dường như họ cũng chẳng còn quan tâm tới việc chung, còn mong muốn cho những người lãnh đạo tìm ra được giải đáp cho các vấn đề của mình và của đất nước. Nhưng nay có vẻ như họ đã thất vọng, chán chường và muốn “buông xuôi”. Những biểu hiện bề ngoài của bất bình thỉnh thoảng xảy ra trước đây trong giới nông dân và công nhân (như biểu tình, đình công, dù thường là quy mô nhỏ vì thiếu tổ chức và bị coi là bất hợp pháp) bây giờ không còn được nghe nói tới nữa, có lẽ vì nhiều lý do nhưng chắc không phải vì các nguyện vọng của họ đã được chính quyền đáp ứng tốt đẹp. Bất bình cũng có mặt tích cực cho một đời sống xã hội lành mạnh hơn. Bây giờ, nếu đúng là không còn những biểu hiện đó nữa, nhà cầm quyền có lẽ sẽ hài lòng, nhưng đó sẽ là một sự hài lòng thiển cận và nguy hiểm. Có vẻ như đa số quần chúng nhân dân cảm thấy bị bỏ rơi trong một xã hội vẫn được tổ chức chặt chẽ và lãnh đạo bởi một đảng cầm quyền tự dành cho mình rất nhiều thứ quyền và lợi.

Mới đây, ngay trong tháng 11 năm 2010 này, khi tôi ngồi xem Thời sự buổi tối Đài VTV với mấy người nông dân trẻ ở một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một người buột miệng nói bên tai tôi: “Nhà nước nói gì cứ việc nói, người dân chẳng thấy nó liên quan gì tới họ cả: đường nhà nước, nhà nước đi, đường dân, dân phải liệu mà đi, tự xoay xở cho cuộc sống thực tế của mình …” Đó chẳng phải là một phản ứng bộc phát chân thật và rất đáng cho chính quyền quan tâm sao? Chính câu nói đó khiến tôi quyết định viết bài suy nghĩ này mà tôi đã có dự định ít lâu nay.

Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đã mang lại những kết quả to lớn dễ trông thấy trong một ít năm đầu, khi xã hội mới chuyển từ nền kinh tế bao cấp qua kinh tế thị trường, nhưng càng về sau càng khựng lại và đụng vào những lực cản xem ra không thể nào vượt qua: đó là nạn tham nhũng, lãng phí “nay đã trở thành quốc nạn tràn lan, tinh vi” (Tuổi Trẻ, Thứ năm 21 – 10 – 2010, tr.8); là bộ máy hành chánh cồng kềnh, tốn kém và thiếu hiệu quả mà bao nhiêu cuộc cải cách hành chính chỉ là như “thuốc bôi ngoài da”; đó là dàn cán bộ, đảng viên phần lớn thiếu trình độ, thiếu chuyên nghiệp, năng lực và đức độ, được “tuyển dụng” theo một chính sách thiếu dân chủ, dựa trên tiêu chuẩn chính trị đảng phái; và cuối cùng là những định hướng phát triển sai lầm. Tất cả những lực cản đó, theo tôi, đều liên quan tới hệ thống chính trị không được đổi mới.

Bây giờ những nguồn lợi kếch xù từ tài nguyên và nền kinh tế đổ vào những thành phần nào trong xã hội thì ai cũng đoán biết: một phần không nhỏ vào túi những người có chức có quyền và những tay làm ăn “liên kết” với kẻ cầm quyền. Cuộc sống của họ, của gia đình và con cái họ tương phản biết bao với cuộc sống khó khăn của đại bộ phận nhân dân! Hố ngăn cách giàu nghèo chỉ thấy nới rộng ra chứ không hề giảm. Đâu rồi những hứa hẹn của chủ nghĩa xã hội ưu việt?

Mà thật ra, ước nguyện của nhân dân hiện nay đâu có gì cao xa? Đó chỉ là những ước muốn thực tế và khiêm tốn, chẳng hạn như: không bị các ông kẹ của phường, xã gây phiền hà; có công ăn việc làm ổn định; có đồng lương đủ sống; vào nhà thương không bị tình cảnh hai ba người một giường hay nằm ngoài hành lang; có việc đến cơ quan không bị lạnh lùng đẩy từ phòng ban này qua phòng ban khác, hoặc không bị bó buộc phải bôi trơn khi muốn làm bất cứ một thủ tục nào; rồi con cái không bị hành hạ bởi một nền giáo dục quá bất cập như lâu nay… Người nông dân thì mong muốn nhà nước có chủ trương, chính sách căn cơ lâu dài trợ giúp học đối phó với những tình hình rủi ro liên miên xảy ra, như bệnh dịch, thiên tai, giá cả phân bón, thuốc trừ sâu và thực phẩm gia súc tăng cao, hoặc nông sản mất giá…; họ nơm nớp lo sợ chính quyền lấy mất đất đai cho những dự án kinh tế không đâu vào đâu, hoặc lấy rồi khoanh vùng để đó, hoặc chính quyền đổi mục đích sử dụng khiến giá đất lập tức đội lên… Người dân nhìn đám đất cũ của mình mà tiếc đứt ruột vì nay bị bỏ hoang hoặc có giá cao nhưng đã vào tay những ai đó thủ lợi mất rồi; nếu mua lại, họ phải trả theo giá mới mà số tiền chính quyền đền bù không thể đủ. Nói đất đai là sở hữu toàn dân nhưng người chủ thực tế là các cán bộ, viên chức, đảng viên, còn nhân dân làm gì có quyền tham gia vào việc quản lý đó. Và có lẽ vì thế mà, như mọi người đều biết, đất đai là lãnh vực người dân bị nhũng nhiễu và bị thiệt thòi nhiều nhất (xem bài Tham nhũng trong quản lý đất đai, của Mai Hà, trên báo Thanh Niên, ngày Thứ sáu 26 – 11 – 2010, tr.5). Tại sao cứ “kiên trì” chủ trương công hữu về đất đai này để làm khổ nhân dân, tạo cơ họi cho kẻ có chức có quyền tham nhũng và kiềm hãm sự phát triển đất nước?

Nhưng chúng ta hãy quay lại với những chuyện nho nhỏ của đời sống nhân dân thường ngày. Có những chuyện bao năm nay được nhìn nhận là vô lý và hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng không thấy chính quyền thực lòng để lý tới: giá thuốc tây luôn luôn cao và tăng đều một cách bất thường; giá sữa cũng luôn lằm trên tầng cao ngất nghểu, con nhà nghèo đừng hòng leo tới; năm này qua năm khác, cứ vào năm học mới, phụ huynh lại cứ phải chạy trường chạy lớp bấn lên, phải lo nộp đủ thứ phụ thu vô lý do nhà trường tự ý đặt ra; rồi là chuyện dạy thêm học thêm tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm (con nít tiểu học cũng học thêm!); chuyện vé tàu vé xe tự động tăng vào những dịp lễ nghỉ nhất là dịp Tết nguyên đán hoặc chuyện các trạm xăng dầu gian dối móc túi người tiêu dùng, lâu lâu bị phát hiện, bị phạt nhưng rồi đâu lại vào đấy. Sự quản lý của chính quyền thường không hiệu quả, chắc hẳn vì các “ông” chính quyền chẳng “sốt sắng” chi với quyền lợi của nhân dân, đó là chưa nói trường hợp các ông có “phần ăn” trong những chuyện như thế. Không phải hoàn toàn vô cớ mà người ta nghi ngờ… Họ không làm hết bổn phận với nhân dân, nhưng chưa hề có ông nào vì thế mà bị mất chức! Người dân cam chịu nhưng chắc chắn họ không thể “đồng thuận” với nhà cầm quyền được.

Sau nông dân, thành phần xã hội bị thiệt thòi nhất là giới công nhân, so với đóng góp to lớn của họ cho sự phát triển. Mặc dù chế độ cộng sản nào cũng coi công nhân là giai cấp của mình, nhưng cuộc sống của người công nhân Việt Nam không biết bao giờ mới mon men tới mức sống của công nhân trong các  nước tư bản hiện nay; công nhân ta không được hưởng một chính sách ưu đãi nào, họ không được tổ chức và không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi họ. Giới công nhân không coi Công đoàn là tổ chức của mình, cho mình bởi vì trong thực tế, công đoàn thường đứng về phe chủ khi có tranh chấp chủ – thợ. Quyền đình công của họ thực tế là không có. Còn có luật pháp, nhưng nhiều ông chủ vẫn thường ngang nhiên vi phạm, tùy tiện tăng ca, tăng giờ lao động, bóc lột sức sao động của công nhân; chính quyền chỉ can thiệp khi báo chí đưa các vụ vi phạm lớn ra công luận. Bỏ làng xóm ra thành thị hay khu công nghiệp tìm một việc làm với hy vọng thay đổi cuộc sống và kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng với đồng lương nghèo nàn, lại còn gặp biết bao hoàn cảnh sống xã hội phức tạp khôn lường, đa số đề “vỡ mộng”, một số thậm chí bị “tha hóa” – nói theo ngôn ngữ mác-xít. Tóm lại, học cũng tự bươn chải, tự xoay xở lấy, chẳng biết cậy nhờ vào đâu. May mắn hơn, nhiều công nhân công giáo biết sống liên kết với nhau và nương tựa vào các xứ đạo, tu viện hay đoàn thể tôn giáo ở gần, ít ra là về mặt tinh thần.

Trong phạm vi những vấn đề lớn của đất nước, tôi có cảm tưởng là nhà cầm quyền càng lúc càng tỏ ra xa rời nhân dân, và như cố tình hành động ngược lại với nguyện vọng chung. Lấy vài trường hợp điển hình. Vụ cho khai thác bôxít ở Tây nguyên, hay vụ chính quyền một số địa phương cho thuê đất, thuê rừng dài hạn, mà có trường hợp là những vùng đất, rừng trọng yếu. Chuyện đã đâu vào đó rồi mới được Quốc Hội biết và đưa ra thảo luận.

Để độc giả thấy chính quyền thiếu trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý đất nước, xin nêu một số liệu khó tin (đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số 44-2010, ngày 7 – 11 – 2010, tr.7): “87%, đó là tỉ lệ diện tích đất trồng rừng mà Việt Nam cho nước ngoài thuê được giao cho Tập đoàn Innov Green, Trung Quốc (274.848/288.974 ha) với giá thuê chỉ 180.000 đ/ha, theo Báo cáo công bố ngày 29 – 10 của Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc Hội. Báo cáo này cũng cho hay ‘một số giấy chứng nhận đầu tư được cấp ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh’”.

Vụ bôxít cũng là một điển hình khác về sự ưu ái khó hiểu dành cho Trung Quốc. Bây giờ mặc dù nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân sĩ và một số tướng lãnh đạo (như bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Bảo Châu…), cũng như đông đảo nhân dân yêu nước đã lên tiếng đề nghị ngưng việc khai thác bôxít lại vì những lý do rất chính đáng, nhưng quan điểm của Đảng và Chính phủ vẫn không thay đổi, bởi vì (đơn giản) “vấn đề đã được Đảng suy nghĩ và thông qua rồi” (Đại diện của vài triệu đảng viên làm sao thay cho toàn dân được?). Một thành viên nào đó của Chính phủ còn mạnh mẽ tuyên bố tại Quốc hội: “Dự án khai thác bôxít phải được tiếp tục!” Cũng như liên quan tới dự án xây dựng Đường cao tốc Bắc Nam, Quốc Hội đã bỏ phiếu kín tán thành rồi, nhưng sau đó ít lâu, khi dư luận đã lắng xuống, một thành viên chính phủ lại dõng dạc tuyên bố: Dự án phải được đưa ra thảo luận lại! Thật lạ lùng, hai ông Bộ trưởng “phán” với tư cách nào, trong lúc tại Quốc Hội các ông chỉ là những thành viên như mọi thành viên khác thôi? Nên biết Quốc Hội (lập pháp) nằm trên Chính phủ – tức Thủ tướng và các Bộ trưởng – (hành pháp).

Nhưng hành động tréo ngoe của các ông lại cũng có điều hữu ích, nó cho ta hiểu cụ thể của sự vận hành không xuôi của thể chế ở nước ta (Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ). Nhân dân bầu ra Quốc Hội, nhưng trong Quốc Hội và trong “Nhà nước”, hầu như chỉ có đảng viên. Vậy muốn thể chế ấy thực thi dân chủ là chuyện bất khả, xét theo bản chất sự việc. Thông thường Nhà nước nào quản trị đất nước cũng muốn dựa vào nhân dân; khi đề ra một chính sách lớn hay phải lấy một quyết định quan trọng cho những vấn dề lớn của đất nước, họ đều tìm kiếm sự đồng thuận của nhân dân (thông qua các cơ quan dân cử chẳng hạn). Nhưng ở ta nhiều khi lại khác. “Trên” chỉ hỏi ý kiến “dưới” khi nào muốn (khi biết chắc sẽ được ủng hộ), còn khi mình đã tự quyết định rồi thì nếu có đưa xuống cho cấp dưới trao đổi, chẳng qua là trao đổi về cách thi hành quyết định mà thôi. Bây giờ người ta bắt đầu nói tới sự cần thiết của dân chủ trong việc phát triển đất nước, nhưng có vẻ như người ta vẫn chưa biết coi trọng nhân dân, hoặc là sợ ý dân không hợp ý mình.

Trong một nước dân chủ, nhà nước rất cần và khuyến khích các sáng kiến và hoạt động của những tổ chức xã hội do công dân tự nguyện lập ra; trong lúc tìm kiếm những lợi ích riêng, các tổ chức ấy cũng góp phần làm cho đời sống xã hội thêm phong phú, công ích được tăng tiến mà nhà nước không phải bao cấp hết. Ở nước ta, cho đến thời Đổi mới gần đây, xã hội chỉ có Đảng và Chính quyền ở trên và dân chúng ở dưới; trên bảo dưới nghe, các tổ chức trung gian như Mặt Trận, các đoàn thể nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ … chỉ là cánh tay nối dài của Đảng. Bây giờ, theo xu thế chung của nền văn minh, người ta cũng muốn xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, pháp trị, nhưng rõ ràng bước tiến từ cách cai trị độc quyền (“cực quyền”) đến dân chủ còn ngập ngừng và vướng mắc đủ thứ. Bao năm nay nhà cầm quyền ra sức làm cho người dân trở thành những công dân thụ động và thờ ơ đối với đời sống đất nước, nay dân bắt đầu có những ý kiến và sáng kiến thì họ lại có vẻ lo sợ hơn vui mừng. Như trong việc bảo vệ lãnh thổ đất nước trên Biển Đông, trước những hành động xâm chiếm của nước ngoài cứ thường xuyên lặp đi lặp lại như một thách thức, chính quyền chỉ biết phản đối bằng vài câu tuyên bố mang tính hình thức theo thông lệ và hầu như là khuôn sáo, thì người dân bức xúc muốn bày tỏ một thái độ phản đối cụ thể bên ngoài, dù là rất ôn hòa và nhẹ nhàng, nhưng chính quyền vẫn không chấp nhận.

Qua mấy suy nghĩ từ những sự việc và tình hình cụ thể trên đây, tôi tự hỏi: chính quyền muốn ưu tiên bảo vệ ai, bảo vệ cái gì hay những giá trị nào? Họ “kiên trì” cái gì? Họ muốn xây dựng một xã hội như thế nào, cho ai? Thật không dễ trả lời. Nhưng theo ấn tượng của tôi, thì: những điều ưu tiên trong hoạt động của nhà cầm quyền không phải là công bằng xã hội, không phải là chất lượng cuộc sống, không phải là lợi ích của nhân dân trên lợi ích của phe nhóm, không phải là ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trên định hướng của Đẳng và Nhà nước… Nhà cầm quyền “kiên định” một chọn lựa ý thức hệ mang tên chủ nghĩa xã hội mặc dù chính họ không còn và không thể trung thành với phần lớn nội dung của nó như trước nữa, đơn giản vì nó đã bị thực tiễn và lịch sử chứng minh là sai. Chủ nghĩa xã hội bây giờ chỉ còn giá trị như một lý tưởng cao cả nhưng xa vời để nhắm tới hay để kích thích người ta hành động, nhưng sẽ tai hại vô cùng nếu nó vẫn được coi là một học thuyết hay một chương trình để thực hiện. Kiên trì thứ chủ nghĩa xã hội như thế phải chăng là ngược với ý dân và kiềm hãm bước tiến của dân tộc?

Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM
.
.
.

No comments:

Post a Comment