Sunday, December 26, 2010

MÙA BIỂN ĐỘNG của NGUYỄN MỘNG GIÁC (Thụy Khuê - phê bình văn học)

Thụy Khuê (phê bình văn học) 
 tháng 8/2006

Hình ảnh một người di tản ngày ngày sau giờ làm việc mỗi ca đêm trở về ngồi trên "chiếc Toyota pick-up đậu dưới một tàn cây cao ở công viên El Dorado thành phố Long Beach" viết nốt ba tập chót của bộ trường thiên dài 1860 trang trong nhiều năm trời... sau cùng, người ấy hạ bút: "Phải chờ đến bảy năm bốn tháng, cuối cùng tôi mới viết được ba dòng chữ đơn giản sau đây vào trang bản thảo:
HẾT
Bắt đầu viết ngày 28 - 01 - 1982 tại đảo Kuku,
Nam Dương.
Viết xong ngày 02 - 06 - 1989 tại Orange Country,
Hoa Kỳ
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". (Tha hương, Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849)
Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.

Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định. Dạy học tại Huế, Qui Nhơn và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục tại Sài Gòn trước 75. 1971 bắt đầu viết văn, từ 72 đến 75, đã có 5 tác phẩm: Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận). Bão rớt (truyện ngắn) và 3 tập truyện dài: Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bayĐường một chiều . Vượt biển năm 1982. Định cư tại Hoa Kỳ. Từ 1985, Nguyễn Mộng Giác thay Võ Phiến chủ trương tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, 1986, đổi tên là Văn Học. Tại hải ngoại, ngoài tập trường thiên Mùa biển động gồm 5 cuốn: Những đợt sóng ngầm (1984), Bão nổi (1985), Mùa biển động (1986), Bèo giạt (1988) và Tha hương (1989); Nguyễn Mộng Giác còn cho in hai tập truyện ngắn: Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng và bộ trường thiên Sông Côn mùa lũ viết ở trong nước từ 1977 đến 1981, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1991. Cuốn sách mới nhất là tập tiểu luận nhận định văn học tựa đề: Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản.
 Giữ điạ vị chủ biên tạp chí Văn Học trong gần 20 năm, Nguyễn Mộng Giác đã khám phá, khuyến khích, nâng đỡ rất nhiều cây bút mới, nhiều tài năng trẻ đến chỗ thành danh, ít ai quên được công lao của người anh đầu đàn ấy.
 Ông là một trong những cột trụ đã xây dựng nên nền văn học Việt Nam hải ngoại.

Mùa biển động khi mới ra đời được những người yêu văn nghệ đích thực đón nhận như một hiện tượng văn học quan trọng nhất ở hải ngoại, nhưng tác phẩm đã gây gió bão trong lòng cộng đồng người Việt di tản. Chính bản thân Nguyễn Mộng Giác cũng là hồng tâm cho các mũi dùi chĩa vào đánh phá, bởi quan niệm trung dung của ông trong tác phẩm. Thời kỳ đó, vết thương chiến tranh còn đang đỏ máu, người Việt đôi bờ vẫn còn nhìn nhau qua lăng kính hận thù phân cách, thái độ trung dung được coi như một sự "phản bội", "đầu hàng", Nguyễn Mộng Giác đã nhìn xa hơn người đương thời, can đảm trong ngòi bút, ông đã ghi lại cuộc sống trăm mặt cuả miền Nam trong chiến tranh mà không bận tâm đến vị trí bên này bên kia. Chính điều đó đã tạo bề dầy cho tác phẩm. Thời gian trôi qua, chúng ta đã có khoảng cách để đọc lại Mùa biển động trong một tình thế khác, ngoài những ân oán ban đầu, giá trị của tác phẩm hiện ra rõ ràng hơn, chỗ đứng của nó trong văn học Việt Nam cũng được xác định hơn.


Tương quan phản tỉnh và thế chân vạc trong Mùa biển động
Mặc dù viết truyện ngắn và tiểu luận rất hay, nhưng Nguyễn Mộng Giác vẫn là người của đường dài, của những bộ trường thiên. Ý thức xã hội, kỹ thuật tranh biện và nghệ thuật phân tích tâm lý là ba sở trường của Nguyễn Mộng Giác; từ ba trục đó, ông tổ chức không gian và thời gian trong tiểu thuyết.
Mùa biển động là một trong những bộ trường thiên tiểu thuyết hoàn chỉnh nhất trong văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua, tác phẩm bao trùm được cả cái vi mô lẫn cái vĩ mô, tái tạo không khí xã hội và tâm lý người dân miền Nam trong suốt thời kỳ 20 năm, từ thập niên 60 đến 80. Nguyễn Mộng Giác không những có cái nhìn bao quát về cuộc sống, mà còn đào sâu xuống những khúc mắc nội tâm của con người. Ông nhận xét và ghi chép khách quan như một chứng nhân, nhưng có tài biện minh và đối chất, đặc biệt trong tương quan phản tỉnh giữa cha và con, giữa bạn bè, giữa già và trẻ, giữa trí thức và bình dân, giữa người dân và chính quyền, giữa quyền lực và tội ác, giữa đàn áp và nổi loạn, giữa thực tế và lý tưởng. Tất cả những mâu thuẫn ấy được Nguyễn Mộng Giác diễn tả sâu sắc trong hai bộ trường thiên Sông Côn mùa lũ Mùa biển động. Nếu Sông Côn mùa lũ lấy bình phong lịch sử là cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, thì Mùa biển động là lịch sử hiện đại xuất phát từ bối cảnh bạo động ở Huế những năm 60 sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, đến hết thập niên 80, khi Nguyễn Mộng Giác vượt biên: Gần trọn 20 năm dâu bể. Có thể nói, trong Sông Côn mùa lũ, bộ trường thiên đầu, Nguyễn Mộng Giác chưa thật sự tạo được không khí xã hội và hệ thống ngôn ngữ thời Quang Trung, nhưng đến Mùa biển động, không những ông tái tạo được không khí xã hội miền Nam qua ngôn ngữ sống động của thời đại, mà ông còn đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn của nhiều hạng người, dệt nên khung cảnh đời sống dân cư thành thị miền Nam trong chiến tranh và hoà bình, với những con người trần trụi vừa ngây thơ vừa phức tạp thuộc số đông thầm lặng bị lôi vào cuộc chiến, sống với, sống vì cuộc chiến mà trong thâm tâm không hề gắn bó với một thứ lý thuyết, một chính thể, một nền chính trị nào: Đó mới là căn cước đích thực của nhân dân miền Nam, nửa phần của đất nước. Mộng Giác đã viết được về họ một cách chân thực và hầu như toàn diện. Cho nên, ngoài giá trị văn chương, tác phẩm còn có giá trị tư liệu về mặt xã hội học.

Không gian tiểu thuyết được dựng trong thế chân vạc, nằm trong con số ba: Huế, Bình Định, Sài Gòn, ba thành phố thiết thân của Nguyễn Mộng Giác: nơi sinh, nơi trưởng và nơi dựng ngòi bút. Ba thành phố gợi lại ba địa thế Bắc, Trung, Nam, phân rẽ và phân liệt trong lịch sử. Nguyễn Mộng Giác chọn Huế. Một sự lựa chọn có ý thức: bởi Huế là địa chỉ của tình yêu, là Diệu Chi thời xa cách. Huế trở thành hồng tâm, Huế như một tang thương, Huế như một bắt đầu, Huế là kinh đô, Huế là hàn thử biểu, Huế là trung tâm biển động. Hai tập đầu Những đợt sóng ngầmBão nổi hơn 400 trang, viết rất nhanh trên đảo Kulu, nằm trong không gian Huế, thời gian của các mối tình chớm nở giữa Ngữ và Diễm, giữa Nam và Tường, cũng là thời gian của lãng mạn, của thử thách, của thao thức và của lý tưởng với những xáo trộn trong tuyến đầu những năm 64-67. Nguyễn Mộng Giác khắc hoạ chân dung ba nhân vật chính: Tường, Ngô, Ngữ của ba gia đình, ba giai cấp, ba cái nôi, như ba miền đất nước, hình thành những cá nhân, những khuynh hướng suy nghĩ và hành động khác nhau, đối chất với nhau trong hoàn cảnh lịch sử đương thời.
Ông bà Thanh Tuyến, "phong lưu lâu đời", gốc Hà Nội di cư vào Nam sau 54, sống tại Huế với ba con Tường, Quỳnh Trang và Quỳnh Như. Ông bà Văn, trí thức trung lưu, "lai Bắc, lai Trung". Ông Văn, giáo sư trung học, trước đã theo kháng chiến, mất liên lạc phải về tề; gia đình ông Văn có bốn con: Ngữ, Nam, Quế, và Lãng. Gia đình ông Bỗng, gốc Huế, nghèo, ông Bỗng làm nghề soát vé tầu hỏa, hai con Ngô và Diễm. Tập hợp ba gia đình và 15 nhân vật ấy tạo thành một môi trường sống sát sao với đời người dân thành thị miền Nam lúc bấy giờ.
Ba gia đình, ba tình thế, ba cách sống khác nhau, hệt như thế chân vạc trong cuộc chiến: thế Bắc, thế Nam và thế không tham chiến: Tường theo Bắc, Ngữ đứng về Nam, Ngô lơ lửng trong tư thế nghệ sĩ, phi chính trị, rồi bị cuốn về Bắc.
Tường, Ngô và Ngữ, ba người bạn thân: Tường con nhà giàu, là giáo sư triết ở Quốc học. Ngữ, gia đình trung lưu, bỏ học dở dang, bị động viên, thỉnh thoảng viết văn. Ngô họa sĩ, không kiếm ra tiền, phi chính trị, chưa tìm thấy con đường sáng tạo. Cả ba trở thành biểu tượng của tầng lớp trí thức trẻ thành thị, với những "thao thức", những khát vọng, muốn dấn thân, muốn đập vỡ một cái "gì đó" mà chưa xác định rõ được nó như thế nào. Với Tường là phải đập vỡ cái trưởng giả, cái "bóc lột" của bố mẹ, làm giàu trên "xương máu nhân dân". Ngô muốn đập vỡ cái cổ dài Modigliani nhưng chưa tìm được chiếc cổ nào thay thế. Ngữ muốn đập vở cái dĩ vãng kháng chiến hụt của bố, với những hào quang chết yểu mà sống dai, để tìm một đường đi mới cho thế hệ mình, nhưng chưa kịp tìm ra, anh lại phải lăn vào một tình thế phũ phàng hơn bố.
Tóm lại, cả ba đều có ý thức phản tỉnh, nhưng theo những phương thức và đường lối khác nhau, thường trực trong thế đối đầu.

Những tranh luận gay go, căng thẳng, giữa Tường, Ngô và Ngữ, phản ảnh những vấn đề đặt ra cho cả một thế hệ thanh niên miền Nam: Muốn cải thiện xã hội, Tường chủ trương cách mạng đến cùng, chàng muốn "dấn thân" theo nghiã hiện sinh của Sartre. Theo cách mạng, chàng kỳ vọng ở một "lý tưởng cộng sản" trong sạch, công bằng, để có thể lật đổ một chính quyền quân sự tham nhũng, bất công, thối nát. Ngữ suy tư âm thầm, nhìn thế cuộc dưới con mắt nhà văn, luôn luôn tìm cách đặt lại vấn đề, nhưng không có "lập trường vững chắc"; bị động viên, chàng trở thành hạ sĩ quan hầu cận, giữ chân cạo giấy văn phòng và đương nhiên ở trong thế đứng của người lính quốc gia. Ngô nghệ sĩ lừng khừng không muốn tham gia chính trị, không dứt khoát theo bên nào, chống bên nào. Không khí thường trực đối chất tay ba giữa Tường Ngô và Ngữ, trong suốt hai mươi năm chiến tranh và hoà bình, tựa như những đợt sóng ngầm khi chìm khi nổi của thời thế, của lựa chọn, của những sai lầm, những tín điều, những thức tỉnh...
Những đối chất biện luận tay đôi, tay ba, theo họ từ trên ghế nhà trường, nhập cuộc với thời thế, tham dự vào những giai đoạn bi đát nhất của cuộc đời. Sau mỗi hành động, dù "đúng đường" hay "lạc lối", sự tranh cãi, đối thoại với bạn đem lại cho họ những giây phút xả láng, nhưng không giúp họ giải mã các vấn đề, càng không làm họ quên được cái cảm tưởng bất lực, bế tắc, chán nản, thất bại, dù đứng ở phía bên này hay phía bên kia.
 Bị bắt quân dịch, trở thành hạ sĩ quan hầu cận các ông lớn, Ngữ đốp chát phê bình cái "trong sạch" của Tường:
"- Vâng. Mày là thằng có bàn tay sạch nên mạnh bạo chê bai kẻ khác (...) Mày tự hào chưa hề yếu đuối, thoả hiệp? Mày nhớ lại coi. Nhớ lại cái thời mà tao với mày còn học đệ nhị và đột nhiên cả hai đều khám phá ra cái nhạt nhẽo vô vị của điều mình học. Tao bỏ trường, còn mày mày sợ thầy mẹ buồn. Lên đệ nhất mày cũng than phiền chương trình triết học chắp vá và chỉ đưa đến những ảo vọng về trí tuệ, những ngộ nhận về hạnh phúc. Rồi chính mày học thuộc lòng những ảo vọng, những ngộ nhận đó, thuộc đến nỗi mày vừa đậu được cái bằng tú tài triết vừa đậu luôn vào đại học sư phạm.
Mày chịu khó học thuộc bài hơn ai hết, dù mày không tin chút xíu nào giá trị trong các bài đó. Nhờ chịu buông xuôi từ đầu nên mày khỏi kẹt vào khúc cuối. Mày được hoãn dịch vì công vụ, khỏi mặc áo lính, nên khỏi phải nghe lời thằng cha căng chú kiết nào hết. Tay mày sạch. Được rồi. Nhưng muốn giữ trong sạch, mày phải nhờ vả vào bàn tay không được sạch lắm của nhiều người, trong đó có cả tao. Mày nhớ chưa?" (Những đợt sóng ngầm, trang 36).

Tham dự vào cuộc đấu tranh Phật giáo, bị tù, Tết Mậu thân được phe cách mạng "giải phóng", bị miễn cưỡng "nhập cuộc" trong việc giết người tập thể, Ngô tra vấn Tường:
"Ngô hỏi tiếp, giọng trầm lại:
- Mày lên khu hai năm nay, trở về thành cán bộ cốt cán. Mày đã điều khiển bao nhiêu cuộc học tập như thế rồi?
Tường nổi cáu quát lên:
- Mày bỏ ngay cái giọng mỉa mai đó, nếu không muốn bị giết như một con chó dại. Mày có biết tình hình hiện nay ra sao không? Anh Năm, người tao dẫn mày tới gặp lần đầu, đã bị bọn bắn lén giết chết. Ở đâu cũng có kẻ thù len lỏi rình rập. Chưa biết lúc nào tụi Mỹ tấn công qua đây, chưa biết lúc nào viện binh của chúng tới được Mang Cá. Mày hãy liệu mà giữ thân. Mày nói với tao như vậy không sao. Lỡ người khác nghe...
Ngô cắt lời bạn:
-  ... Thì đi học tập là xong chứ gì! Tao mong được chính mày điều khiển cuộc học tập.
Giọng Tường đanh lại:
- Vâng. Nếu cần. Vì bánh xe lịch sử đã quay thì nếu cần phải cán lên rác rưởi mà tiến.
Ngô không nhìn vào mắt Tường nữa, cúi xuống nói, giọng đều đều như không cần ai nghe:
- Bánh xe lịch sử! Đỉnh cao của trí tuệ! Lương tâm của loài ngưòi! Không đâu, Tường ơi! Mấy năm trước nghe những lời như thế từ miệng mày nói ra, máu tao nóng lên, tao say sưa, tao thấy mình phải trở thành gió thành bão. Bây giờ mày đừng hòng dùng những tiếng đao to búa lớn đó dụ hoặc tao! Tao hiểu hết rồi! Tao hiểu làm sao ngưòi ta có thể giết hàng trăm mạng người mà vẫn ăn ngon ngủ yên. Chỉ vì cái "bánh xe lịch sử", cái "đỉnh cao trí tuệ" chó chết đó! Giết người thì cứ nói đại là giết người, đừng có uống bùa để quên mùi máu tanh!
Tường giận quá, không tìm được câu độc địa nào để đáp lời Ngô. Ngô cũng cố tránh không nhìn Tường, vì biết nếu nhìn thẳng, chàng không nỡ nói hết những điều cần nói. Cuối cùng, Tường bảo:
 - Tao cầu mong cho mày sống sót sau vụ này! Tao cầu mong cho mày biết sống khôn ngoan hơn. Chẳng còn gì để nói với mày nữa. Tao đi đây!" (Mùa biển động tập 3, trang 728).

Cái thế "chân vạc" trong các cuộc tranh luận tay ba về lý tưởng, về lẽ sống, về lựa chọn trong cuộc đời nhỏ bé của họ, luôn luôn dẫn đến ngõ cụt, đến sự rút lui, đến chỗ không thể giải quyết nổi. Nhưng dù nhỏ bé thế nào thì cái thế chân vạc đó cũng lại tượng trưng cho một cuộc phân tranh lớn hơn, một thế đồ lớn hơn trong đất nước Việt Nam. Tóm lại cả ba "thế": được, thua, đứng lưng chừng đều "hỏng" cả. Nguyễn Mộng Giác đã từ nội tâm con người bước ra để đến với nội tâm của xã hội, nội tâm của chiến tranh, tan rã của hoà bình, và ông đã thành công, bởi Nguyễn có cái nhìn toàn diện, nhạy cảm, thành thực và khiêm tốn.


Những thế hệ ngã ba
Ông Văn, nhà giáo, tiêu biểu cho thế hệ thứ nhất, lạc đường trong các ngõ quặt của lịch sử: bị mất liên lạc với cách mạng, về thành, nuối tiếc dĩ vãng "vàng son", say sưa kể lại những chiến thắng Vạn Giả, Ninh Hoà... Cuộc đời còn lại bên cạnh vợ con, kể như không, kể như bất hạnh, kể như bỏ. Nhưng nếu bị con vặn lại: "Nếu ba không mất liên lạc, thì bây giờ sẽ thế nào?" Thì ông khựng lại. Không có câu trả lời. Không biết trả lời. Ông, kẻ bị hỏi và người hỏi ông đều bối rối. Họ là những kẻ đứng trước ngã ba đường của lịch sử, nhưng không biết chọn ngã nào cho thoả đáng, ngã nào cũng kẹt. Vũ Khắc Khoan đã đặt câu hỏi tương tự trong Thần Tháp Rùa. Thanh Tâm Tuyền đã đặt trong Bếp lửa. Doãn Quốc Sỹ trong Khu rừng lau. Ông Văn, bà Thanh Tuyến... trong Mùa biển động đã sống lại những kinh nghiệm ngã ba trong cuộc kháng chiến chống Pháp ấy. Rồi họ lại bị kéo vào ba cuộc chiến mới: cuộc "thánh chiến" xuống đường của thanh niên phật tử miền Trung "bảo đảm" không đổ máu. Cuộc chiến Mậu thân đẫm máu cố đô, và cuộc chiến sau cùng giã từ vũ khí 1975.
Mùa biển động bám sát lịch sử, song hành với lịch sử và dùng lịch sử làm gương chiếu hậu: thế hệ thứ nhất của những Phạm Duy, những Văn Cao, những Tố Hữu, những Nguyễn Đình Thi... đã mỏi mệt, tưởng như có thể vĩnh biệt chiến trường, không ngờ thế hệ thứ nhì của những Trịnh Công Sơn, những Hoàng Phủ Ngọc Tường, những Nguyễn Mộng Giác... vẫn lại tiếp tục leo thang, vẫn phải trực diện với chiến tranh, vẫn phải "lên đường", phải bước qua cầu và lại bối rối. Mỗi lựa chọn đều có những khúc mắc của hoàn cảnh, có sự sắp đặt của phi lý và sự cam phận của con người.
Trong hai tập đầu Những đợt sóng ngầmBão nổi, Nguyễn Mộng Giác đã phác họa bối cảnh Huế và những ngày lịch sử, với cuộc nổi dậy của sinh viên, học sinh và Phật tử ở Huế. Ông đã dựng lại được không khí hoài nghi và mất tin tưởng của một thế hệ thanh niên: Tường, lý tưởng, mù quáng, ngay thẳng và cực đoan, tranh luận với bạn bao giờ cũng chiếm phần hơn, nhưng khi trực diện với chính mình, Tường lại và mất tin tưởng. Ngô, lãng mạn không định hướng, Ngô đã nhiều lần sung sướng vì tìm được cái "màu chàng cho là "đã lắm", "cái màu ngọc bích lửng lơ giữa ngậm ngùi và bồi hồi, nó buồn không duyên cớ, nó buồn không hiểu vì sao mà buồn" (Những đợt sóng ngầm, trang 37), nhưng Ngô nghi ngờ cả cái màu lý tưởng ấy của mình và khi bị các bạn chỉ trích thì bao nhiêu cái "đã lắm" tan thành mây khói. Ngữ, một người lính bất đắc dĩ, một nhà văn nghiệp dư, yếu mềm và lạc lõng bị cuốn vào chiến tranh. Ngữ hoài nghi cái xã hội thối nát, nhưng anh không chống lại, và cũng không làm sáng tỏ được nghĩa khí của mình. Ngữ chất vấn cái chắc nịch của Tường, cái "lý tưởng cộng sản" của Tường, nhưng Ngữ cũng không làm sáng tỏ được cái "lý tưởng quốc gia" của mình. Ngữ là hình ảnh của người dân bình thường, có chút lòng "trinh bạch" ngoi trong biển động. Bão nổi chấm dứt bằng sự thất bại của cuộc "cách mạng thánh chiến" trước sức đàn áp của chính quyền quân sự. Cơn sốt thanh niên đã đi qua, con người già thêm về tuổi tác, về kinh nghiệm. Cuộc ly tán thứ nhất bắt đầu ngay sau cuộc thánh chiến: Tường vào bưng theo cách mạng, rồi được ra Bắc. Ngô bị tù. Nam cuốn vải tự thiêu, tử vì đạo, nhưng không chết. Ngữ bị kỷ luật phải đổi lên cao nguyên.
Hai năm sau, Huế tiếp xúc với định mệnh lần thứ nhì khốc liệt hơn chuyến đầu: Huế gặp Tết Mậu thân. Biến cố Mậu thân xẩy ra trong Mùa biển động tập ba, và sau Mậu thân, phận người trôi như Bèo giạt: Huế mất cả hồn lẫn xác

Tương quan phản tỉnh và đối chất trong thế hệ thứ hai gay gắt hơn: Nếu thế hệ thứ nhất phân liệt vì đường lối chính trị quốc gia-cộng sản, họ còn có thể đồng ý với nhau về mục đích chống ngoại xâm. Ngược lại, thế hệ thứ hai, cùng là người Việt, nhưng có cả một dòng sông ngăn cách, họ có ý thức hệ khác nhau, có súng ống đạn dược thả cửa nã vào nhau. Họ không thể "nhất trí" về khái niệm "ngoại xâm", và không có một thứ lý tưởng chung nào dứt khoát rõ ràng. Bởi nếu miền Bắc có thể an tâm dùng chiêu bài "chống Mỹ cứu nước" như một chân lý thoả đáng, tạo được sự "nhất trí" đồng thuận của nhân dân miền Bắc. Thì ở miền Nam, xã hội cởi mở hơn, hiện hữu nhiều luồng tư tưởng đối chọi, mọi quan hệ đều có thể nằm trong khuôn khổ phản tỉnh và đối chất, không ai có thể "nhất trí" với ai về bất cứ vấn đề gì. Sự hoài nghi và mất niềm tin, ảnh hưởng từ những trào lưu tư tưởng hiện đại gặt hái được ở đại học, trở thành thuốc bổ cho thanh niên. Vai trò của người Mỹ ở miền Nam lại càng phức tạp hơn. Đối với phần đông dân chúng miền Nam, người Mỹ không phải là "ngoại xâm", người Việt miền Nam cũng không có mặc cảm "cõng rắn cắn gà nhà". Người Mỹ dù có đổ tiền, đổ quân lính vào miền Nam, họ vẫn không phải là "thực dân" và họ không có y đồ "xâm lấn". Người dân miền Nam là một toàn khối "ô hợp" nhiều thành phần: từ người dân Nam, gốc Nam, gốc Trung, đến người Bắc di cư, Hố Nai họ đạo, Bắc Kỳ cũ, lương, giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, trí thức, bình dân, chống cộng, thiên cộng, thuộc thành phần thứ ba... đại đa số thờ ơ với chính trị, chính quyền; thậm chí coi kinh chính quyền; nhưng trừ một thiểu số đặc biệt như Tường, phần đông cũng không theo cách mạng, tất cả các loại cách mạng, bởi họ không tin vào các lý thuyết, các lý tưởng. Họ thiết thực: Họ sống. Họ cố gắng sống còn. Họ sống với chiến tranh. Có người lợi dụng chiến tranh. Có người lợi dụng viện trợ Mỹ để làm giàu. Có người lừa bịp các anh bộ đội lớ ngớ mới vào. Có người bị đàn áp khốn khổ sau ngày thống nhất.
Người miền Nam tìm cách thích nghi với mọi hoàn cảnh, dù người đến "đóng" trên đất của họ là ai, là người Mỹ hay người Việt, là "chiến tranh giải phóng" hay "chiến tranh chống Cộng". Họ thích nghi với mọi danh từ, họ học nhanh lắm, họ sẵn sàng tự gọi mình là ngụy: hồi thời ngụy, tôi... họ sẵn sàng chấp nhận hai chữ "giải phóng" lẹ làng hơn bất cứ một danh từ nào khác, bởi họ không quan tâm đến nhãn hiệu, đến việc cần phải có một sự chính danh. Họ không tha thiết đến bất cứ sự chính danh nào. Họ sống.

Mùa biển động với trên dưới một trăm nhân vật khác nhau, đã cất lên được những tiếng nói đa dạng ấy, đã mô tả được những rắm rối trong tâm hồn người Việt miền Nam, về cái quan hệ phức tạp Mỹ-Việt, về cái "mất nết" của Sài Gòn, cái phi chính trị của người dân miền Nam, Nguyễn Mộng Giác đã trình bày được bản chất, được căn cước của người miền Nam trong 20 năm chiến tranh và hoà bình. Ngữ, nhân vật chính, rất gần gụi với hình ảnh tác giả, điển hình cho cái phức tạp và hoài nghi trong bản chất của người miền Nam, tính chất buông trôi, thả lửng, để thời cuộc cuốn vào những cơn gió lốc mà không có phản ứng gì rõ rệt: sự an phận thủ thường. Thoạt mới nhìn qua, thấy Ngữ chiến đấu chống người "anh em", Ngữ là "đồng Minh" của Mỹ, nhưng bên trong, Ngữ chưa bao giờ theo Mỹ, Ngữ chưa bao giờ bỏ "anh em", chưa bao giờ Ngữ thôi là bạn của Tường, của Ngô và ngược lại về phía Tường, Ngô cũng vậy: Cãi nhau kịch liệt nhưng khi nguy nan, bao giờ cũng tìm cách bảo vệ bạn. Tác phẩm đã nói lên được tình trạng phản tỉnh, đối chất và đối lập thường trực trong đời sống người miền Nam, đồng thời lột được tính cách bi đát, khôi hài và thất bại trong các cuộc "nổi dậy", bi kịch của lịch sử: Người miền Nam không thích "nổi dậy", không "hạp" với những hình thức cách mạng. Họ bất cộng tác.


Những bi kịch của lịch sử
Bi kịch thứ nhất là cuộc "thánh chiến" tử vì đạo ở miền Trung, được trình bày dưới cái nhìn có khoảng cách, điềm đạm, mỉa mai, châm biếm của một ngòi bút trung dung. Việc xuống đường của thế hệ Tường, tưởng như mới mẻ, sáng suốt, có chiều kích triết học hơn thế hệ ông Văn đi kháng chiến thời trước, nhưng rốt lại cũng bi đát và khôi hài không kém gì trường hợp ông Văn đi kháng chiến hụt, mất liên lạc với cách mạng, phải về tề. Lớp sau chê lớp trước, tưởng mình trí thức hơn lớp trước, có ý thức hơn lớp trước, nhưng rồi họ cũng không sáng suốt gì hơn, họ cũng không làm chủ tình thế gì hơn, họ cũng bị trôi đi, bị đẩy vào, và họ cũng phải chạm trán với những khúc ngoặt tình cờ, phi lý.
Ở cuộc "nổi dậy" thứ nhất này, đã thoáng thấy cái mỉa mai nhẹ nhàng mà cay đắng của một Mộng Giác hoài nghi và tỉnh mộng: Không khí thì hừng hực sôi động hăng hái phất cờ, dưới sự chỉ đạo của một thày Tường, đầy tim nhiệt huyết, đầy đầu lý thuyết; những cô cậu con nhà giàu, có mặc cảm "sống thừa", có chút ảnh hưỏng triết học hiện sinh, muốn "dấn thân" giúp đồng bào "phát khởi cuộc cách mạng xã hội không đổ máu theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo" (Những đợt sóng ngầm, trang 66). Cả một bầy "người người lớp lớp" sinh viên học sinh choai choai, đàn em của Tường, Ngô, Ngữ... ào ào tham gia "phong trào" như ong vỡ tổ, nghĩ đến sự xuống đường như một cớ "cúp cua" (trốn học) chính đáng.
 Đó là một cuộc "cách mạng kiểng", dẫn đầu là các cô các cậu con nhà, như anh em Tường và Quỳnh Như, lấy tiền bố mẹ chi cho các cuộc họp hành, ăn quà, đấu láo, đòi lật đổ "cái tư bản" của "ông bô", kẻ đã trợ cấp mọi hoạt động "cách mệnh" của chính mình. Cuộc "cách mạng" dấy lên, không từ tiếng nói của tầng lớp bị o ép, bị bóc lột, mà từ tiếng các cậu ấm cô chiêu, mượn giàn phóng thanh của ban nhạc rock "hoàng gia", bắc loa nói hộ kẻ bị "bóc lột". "Tổ" họp cũng là những "tổ " ăn quà, từ các quán bánh bèo Vỹ Dạ, bún bò Mụ Rớt, bánh khoái Đông Ba... Nhưng bước tiếp theo, không còn đùa nữa, họ bị dẫn đến những địa điểm nguy hiểm hơn, đến những rắc rối quan trọng hơn, và họ không có đủ kinh nghiệm lẫn khả năng để giải quyết tình thế. Trò chơi của tuổi trẻ đã biến thành trận đồ bát quái, đẩy đến những vũng lầy khác. Lý tưởng dấn thân, cải cách xã hội, thoát thai từ triết học nhà trường, từ một bài báo của thầy Nguyễn Văn Trung trên Hành Trình, một bài thơ của thầy Nhất Hạnh, một đoạn tuỳ bút của Lý Chánh Trung, một bài phiếm luận của cha Nguyễn Ngọc Lan; khiến "họ thao thức nỗi thao thức của lớp đàn anh đi trước (...) niềm thao thức đi tìm chỗ đứng trong lịch sử, tìm lối biện minh cho cuộc đời đang sống và dự định cho tương lai. Cũng như lớp đàn anh, họ chưa tìm ra được lý lẽ nào hoàn toàn khả tín" (Những đợt sóng ngầm, trang 148), đã dẫn họ vào một trận địa khác, ghê gớm và phức tạp. Tất cả những mớ lý thuyết ấy, những "thao thức" ấy, dần dần vượt trên tầm vóc nhà trường, bước lên sách vở, cởi áo trừu tượng mà đi vào cụ thể, để biến thành bạo lực:
"- Cháy cháy. Chúa ơi! Chúng nó đốt nhà! Cứu tôi với.
Khói ngùn ngụt bốc lên, cùng với tiếng gỗ và tre nổ lốp bốp. Lợi dụng lớp khói mù, đám thanh niên hăng máu cả hai bên hùa ra đâm chém, đánh vật, quyết giết lẫn nhau.
Tường vừa vất cái micro pin định đổi chỗ núp thì hai ba người từ đám khói mù khét lẹt chạy đến ôm chàng vật xuống. Chàng bị đòn hội chợ, trước mắt chỉ thấy khói lửa quay cuồng." (Những đợt sóng ngầm, trang 109).
Đó là kinh nghiệm đầu tiên về "cách mạng" không đổ máu của Tường. Khi Tường nhận ra cái không tưởng của chính mình, thì đã muộn, Tường đã dấn thân quá sâu về phía "bên kia".
Phía "bên này", "tình thế" cũng không khá hơn: Lãng, em út của Ngữ, trong cơn giận, bỏ học, 17 tuổi, tự xung vào lính:
"Tiểu đoàn dù của Lãng vừa thất trận ở vùng rừng phía tây Ái Tử nên đám tàn quân vừa thoát chết được chở về Đông Hà chờ bổ sung lực lượng. Đây là trận đầu của Lãng, và những gì cậu trải qua hãi hùng quá, hãi hùng hơn trí tưởng tượng dựa theo các phim chiến tranh và phim cao bồi Lãng được xem ở Huế nhiều. Trong phim tuy nhân vật chính là bọn cướp giết người không hề nhíu mày, nhưng trước khi dẫn nhau ra đường đấu súng với nhau, giữa thanh thiên bạch nhật, lão chủ quán rượu béo phệ còn có đủ thì giờ thu lại chai rượi thừa và nhận đủ tiền rượu, anh Do Thái mũi khoằm chủ tiệm hòm còn thì giờ chùi bóng hàng hoá chuẩn bị xuất kho. Giờ lâm tử được báo trước bằng điệu nhạc dồn dập chát chúa tiếng thanh la hoặc mấy phút yên lặng nghẹt thở. Lãng cũng cầm súng quyết đấu, nhưng kẻ thù không hiện diện rõ ràng. Rừng dày âm u. Muỗi vắt. Đói khát. Bãi đấu không được phát quang và vào những lúc bất ngờ nhất như dừng chân lại thở hoặc ngả lưng chờ gô nước sôi pha trà uống thuốc sốt rét, đột nhiên tắc cù một phát. Một "con" ngã. Thân thể oằn lên một cái, tay chân co giật chút xíu, rồi hết. Không có nhạc dạo mà cũng không có chuông nhà thờ chiêu hồn. Lãng thất vọng não nề, oán trách bọn làm phim lưu manh chuyên dụ dỗ con nít vào những cuộc thanh toán hấp dẫn. Hành quân liên tiếp hai tuần lễ mà chưa bao giờ tiểu đoàn dù của Lãng tận mắt nhìn thấy kẻ thù. Giá chúng chịu theo đúng luật giang hồ, gửi thư hẹn giờ ở bãi đất trống, rồi hai bên theo từng đôi một mang súng Colt 12 và K54 hiên ngang bước ra khỏi rừng, một bên bập điếu Tam Đảo một bên bập điếu Ruby Quân tiếp vụ, đến cách nhau khoảng 40 thước thì dừng lại. Khẩu K54 kềnh càng kéo trễ cái nịt nhựa mầu nâu. Khẩu Colt 12 bám chặt vào đai nịt Mỹ. Hai bên nhìn nhau chờ phát súng lệnh, hai tay phải nắm chặt vào thắt lưng. Rồi giờ phút nghiêm trọng đến. Hai phát súng nổ nhưng chỉ có một cái xác ngã xuống. Giá được như thế thì Lãng đâu có đào ngũ. Cuộc chiến tranh ngoài đời chán phè, khổ như chó mà chết lãng nhách. Về Đông Hà, Lãng dốc hết túi uống rượu, rồi lận súng lục vào lưng dù về Huế. Một ông bạn nhậu mới quen ở quán rượu Đông Hà biếu xâu tai người phơi khô cho Lãng làm bùa. Hắn hứa lần sau nếu chịu chi cho hắn nhậu một bữa đã thật đã như hôm nay, hắn sẽ biếu một cái mật Việt cộng. Lãng khâm phục ông bạn mới ra mặt. Đây rồi. Đúng là trang hảo hớn cở Steve Mac Queen hay Charles Bronson trong phim Mỹ.
Lãng đeo xâu tai người sau lần áo mai-dô bẩn, thú vị vì cảm giác nhột nhạt mỗi lần cúi xuống bị xâu tai khô cọ nhẹ vào da ngực. Lãng ngây ngất khi chợt nghĩ lúc nào cũng có 15 kẻ vô danh áp tai lên ngực lắng nghe nhịp đập của trái tim mình. (...)
Về đến Huế, trong túi Lãng không còn một xu. Cậu vừa mệt, chán, lại vừa thèm rượu. Qua khu Lạc Sơn, Lãng ngập ngừng. Một phần vì không biết phải giấu xâu tai người ở đâu trước khi về nhà, một phần vì mùi nem nướng bốc lên ngào ngạt thơm tho. Lãng muốn xài cái xâu tai khô lần cuối trước khi vứt xuống gầm cầu Gia Hội. Cậu gọi nem lu bù, rượu bia uống tì tì hết chai này đến chai khác. Lãng cần say để đủ bạo trả tiền nem và tiền rượu bằng thứ tiền đặc biệt. Lãng say mèm nên thay vì cởi nút áo rằn ri ra lấy xâu tai dọa chị bán nem rồi bỏ đi (như các bạn của Lãng trả tiền rượu bằng cách bỏ lọt trái lựu đạn vào đáy cốc), cậu lại mang lủng lẳng xâu tai khô để bô lô ba la làm hề. (...) có một bác cyclo giàu Phật tâm bạo gan bước đến lên lớp cho thằng say một thôi dài. Lãng nghe tiếng được tiếng mất. Bác phu cyclo trỏ xâu tai người bảo làm như vậy là gieo mầm ác cho cả họ. Lãng lại tưởng ông ta định cướp của quý của mình. Từ lúc Lãng rút dao cho đến lúc bác xích lô ngã xuống vì bị đâm chếch một nhát vào bả vai, có lẽ không được vài cái tích tắc.(...)
Lãng giã rượu ngay từ khi bị quân cảnh hốt lên xe chở về đồn, và cậu đổ mồ hôi run lập cập khi nhớ lại những điều đã làm. Lãng vừa khóc vừa khai hết, không giấu diếm điều gì. Lãng còn năn nỉ anh quân cảnh thụ lý hồ sơ xin đừng báo tin cho gia đình biết chuyện ô nhục. Lãng rối rít nói:
Em lạy anh. Anh cứ đánh em đi, cứ còng cả hai chân hai tay em rồi bỏ đói em đi. Nhưng em lạy anh, đừng cho ba má em biết. Em lỡ dại lần đầu!" (Những đợt sóng ngầm, trang 133-134- 135).
Trích đoạn trên đây phản ảnh rõ nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác căn bản dựa trên sự đối chất. Đối chất là đầu mối, không những trong tư tưởng của nhân vật, mà còn trong cả mọi tình thế, mọi không gian. Sự đối chất sẽ làm bật ra ánh sáng, làm lộ những khôi hài và đớn đau của hoàn cảnh. Màn "xâu tai" của Lãng tiêu biểu cho cách trình bày hiện thực đối chất trong tác phẩm: Nguyễn Mộng Giác lấy khôi hài làm chủ đớn đau, như muốn rịt vết thương đi, nhưng thực sự là ông đã làm cho nó toác ra, sâu hơn, rộng hơn, rồi ông nhận chìm nó xuống, cho nó ngậm cười, khiến dư âm của nó dội lại lâu dài và đau xót hơn.
Lãng là một trong những nhân vật phụ thành công nhất của Nguyễn Mộng Giác, Lãng là cậu lính kiểng của mọi nơi mọi thời, Lãng đứng ngoài nhãn hiệu quân đội nhân dân hay cộng hoà, Lãng là hiện thân của ngây thơ, trong trắng, trong một cuộc chiến tính toán, có hậu trường sa lầy. Lãng đi đánh nhau, không hăng hái "vì tổ quốc", như những người lính Bắc, cũng không miễn cưỡng bị bắt quân dịch như phần đông những người lính Nam. Lãng tự nguyện. Vì sao? Vì Lãng tự do, Lãng khoái những hình ảnh cao bồi trên màn ảnh: Lãng xông vào cuộc chiến với hai con mắt nai, và khi nhận ra sự thật phũ phàng thì đã quá muộn. Lãng tưởng chiến tranh là phim cao bồi phóng đại tô màu. Khi chạm với đói khát, tắc cù, tắc bọp, với kẻ thù vắng mặt và cái chết hiện hữu, Lãng bị khủng hoảng tinh thần, Lãng đào ngũ. Chuỗi "xâu tai" là hiện thực chết khô của máu, Lãng bám vào đó như một "cứu cánh" bởi nó chứng minh "tính anh hùng" (giết được nhiều kẻ thù), cái mà Lãng không thể làm được. Tỉnh rượu, Lãng trở về với tuổi thơ, lăn beo ra khóc lóc, nhận tội và van xin đừng mách mẹ. Tất cả cái bi đát của chiến tranh nằm trong những đối chất khôi hài ấy: đối chất giữa hai khung cảnh: phim cao bồi và đời sống thực, giữa chết thật và chết giả, giữa người hùng và con nít, giữa bi kịch và hài kịch. Và trong chiến tranh, tất cả mọi thể loại chiến tranh, cứu nước hay không cứu nước, bao nhiêu "con nít" đã lao đầu vào, đã đánh mất ngây thơ của mình, như thế?


Thế giới phụ nữ
Thế giới phụ nữ hiện ra trong không khí lãng mạng của các nữ sinh trung học: Huế ngây thơ những năm sáu mươi. Rồi Huế mất trinh trong tuyến đầu của bạo lực. Huế trải dài trong thảm kịch Mậu Thân. Huế mất chồng. Huế trở thành quả phụ. Nam, gắn bó với Tường, mang thân phận Huế. Diễm, người yêu của Ngữ chìm nổi như cô Kiều, một cô Kiều sợ nghèo quyết không lấy chồng lính, trao thân vào lầu ông Mân, rồi bán buôn, mánh lới, làm giàu, làm cả người "em hậu phương" nuôi "anh tiền tuyến". Quỳnh Trang thay Diễm làm một Thúy Vân bên Ngữ. Quỳnh Như mô-đéc trong cuộc tình Mỹ-Việt, nhưng cũng không tìm ra hạnh phúc. Những người phụ nữ ấy dệt nên cái nền tình cảm của con người. Họ không có ý thức chính trị. Họ chỉ biết tần tảo, nuôi chồng, nuôi con, làm giàu và tìm hạnh phúc. Nếu Diễm, Quỳnh Như, Nam... có mạnh dạn xuống đường phất biểu ngữ trong tuyến "tranh đấu" đầu tiên, thì cũng chỉ là hành động theo đóm ăn tàn, động cơ chính là Tường, họ muốn làm theo ý Tường. Nam "tự thiêu" không phải vì Phật, mà tuyệt vọng vì Tường. Nói chung, họ hành động vì những lý do tình cảm hoặc thực tiễn. Trong suốt thời gian chiến tranh, đàn ông vắng mặt hoặc già yếu, họ trẻ, họ gánh tất cả, từ miếng ăn trong gia đình đến những quay quắt, những ngõ quặt, những mất mát tang thương chôn cất. Sống thời chiến nhưng họ là những yếu tố của thời bình. Họ là hậu phương và hậu cần. Họ là điểm tựa tình cảm và kinh tế, là linh hồn của tiểu thuyết. Sự đối chất của họ cũng khác với sự đối chất trong thế giới đàn ông: hoặc nhẹ nhàng dí dỏm như câu chuyện thầm thì trong đêm giữa chị em Quỳnh Như, Quỳnh Trang; hoặc vô tư như những lời tâm sự giữa Diễm và Quỳnh Như, tạo thế giới ý nhị riêng tư của những người con gái; hoặc ngấm ngầm đay nghiến ghen tuông như thế đối đầu triền miên giữa Quỳnh Trang và Diễm, thế chiến tranh lạnh của cảnh "chồng chung". Diễm là một hình ảnh pha trộn giữa lãng mạn và quyết liệt. Lãng mạn trong tình yêu. Quyết liệt trong cuộc sống. Quỳnh Trang nhập trọn vai Thúy Vân thời đại. Cái vi mô trong Mùa biển động chính là những ánh mắt, những thì thầm, những bạo dạn, những dồn nén, vòng vo... trong cuộc tình, trong ghen tuông, trong chia ly, trong tan vỡ, trong chờ đợi, trong đổi chác... tất cả gói trọn trong ngôn ngữ và cử chỉ của những người đàn bà: Một thế giới không chiến tranh súng ống, một thứ hoà bình trong lòng chiến tranh. Tất cả những cái nhỏ li ti đó tạo ra sinh khí của cuộc sống thầm lặng, chúng góp thành biển động, thành bão nổi trong thâm tâm con người, mà mỗi người đàn bà trong Mùa biển động dưới ngòi bút của Nguyễn Mộng Giác đều có khả năng nhập cuộc.


Mùa biển động 3: Mậu thân
Mậu thân là ngõ quặt của lịch sử và của tình người. Huế như một nhân vật khổng lồ bao trùm lên các nhân vật khác. Huế như một thành phố, cố đô của một đất nước. Huế như một trái tim, hồng tâm của con người. Từ Huế, phát xuất sự phản tỉnh, cuộc chiến nội tại của con người. Từ Huế, bắt nguồn sự tan nát, ly tán, đổ vỡ của cuộc chiến toàn diện. Và cũng từ Huế, con người đạt tới chặng trưởng thành với những bất hạnh và gian dối.
Con đường của Tường, Ngô, Ngữ từ nay rõ ràng hơn, xác định hơn. Tết Mậu thân, Tường trở về Huế: từ một thanh niên lý tưởng, xác quyết và nổi loạn, Tường biến thành một người cam phận, chấp nhận và đồng lõa. Tường đã hoàn toàn lột xác sau khi ra Bắc.
Ngô lội theo số phận: sau khi được giải phóng khỏi cảnh tù tội, chàng miễn cưỡng biến thành chiến sĩ cách mạng, được lệnh trực tiếp tham gia thi hành các vụ xử lý chôn người.
Ngữ, từ cao nguyên về nhà ăn Tết, vô tình rơi vào cuộc chiến Mậu thân. Ngữ đã thắng được sự sợ chết để trở thành "anh hùng", tử thủ cùng đồng đội.
Con đường Mậu thân của ba người bạn chia đôi một cách rõ ràng và sâu sắc như đất nước họ. Mậu thân là cuộc gặp gỡ trực diện Nam-Bắc đầu tiên, mọi ảo ảnh tan vỡ. Sau khi truyện trò với người lính Bắc, mặc dù với nhiều thiện ý, Ngô cũng không tránh khỏi "buồn rầu nhận ra rằng sự chia cách đất nước không phải chỉ ở bề ngang, độ sâu của dòng sông Bến Hải. Nó sâu xa hơn nhiều. Hố ngăn cách hun hút như một vực thẳm, vì một lớp trẻ lớn lên bị từ chối không được biết gì đến cái quá khứ đã diễn ra trước khi họ chào đời. Những người cùng chung một ngôn ngữ mà nói với nhau không thể hiểu nhau." (Mùa biển động 3, trang 710).

Mặt trận Mậu thân diễn ra toàn diện trên chiến trường và trong lòng người. Miền Bắc tiến quân âm thầm, kín đáo. Những người bộ đội từ trong đêm tối bước ra, tràn vào các khu phố, nơi người dân Huế đang sắm sửa đón Tết trong không khí lạc quan, không ngờ vực.
Mậu thân quay ngược lá bài. Huế biến động để trở thành biển động. Mậu thân đưa các nhân vật đến trước bờ vực, họ phải nhẩy và mỗi người nhẩy một cách khác nhau. Ngữ, từ một người nhút nhát, đi lính nhưng không muốn dây dưa gì đến chuyện chém giết, vẫn coi mình là một thứ "tùy phái để các quan to sai vặt" (trang 620), "Ngữ vẫn khinh rẻ đời lính địa phương quân thiếu hấp dẫn và buồn nản của mình" (trang 629), bây giờ, Ngữ trở thành người hùng "can đảm" chĩa họng súng vào "quân thù".
Tường biến thiên ngược chiều với Ngữ. Sau hai năm "công cán" ở Bắc, chàng trở thành một người hoàn toàn thụ động. Sợ sệt và kính nể là hai đức tính Tường mới hấp thụ được. Trước đây chàng đã từng mắng thẳng vào mặt cha là "thằng nhà giàu bần tiện chạy xe bằng máu và mồ hôi của dân lao động" (trang 87), và Tường đã từng lên micro ở hội trường tố cáo bộ ba "Thiệu, Kỳ, Có" phải lập tức trả lại chính quyền cho dân sự (trang 227). Tiếng Tường đã làm "rúng động" các hội trường. Vậy mà bây giờ, Ngô nhận xét:
"Tường giới thiệu Ngô với người vừa dẫn họ lên lầu. Qua cách thưa gửi cung kính, một điều "báo cáo anh Năm" hai điều "báo cáo anh Năm", Ngô đoán người đàn ông da ngăm đen, mặt xương xương trạc trên năm mươi này giữ chức vụ lớn lắm. Ngô nghe hai tiếng "báo cáo" Tường nhắc đi nhắc lại hoài trong câu chuyện thật là lạ tai. Kỳ cục nữa. Vì nếu theo nghĩa Ngô hiểu thì Tường dùng hai tiếng đó không đúng, trong khi Tường đã từng đi dạy." (trang 603)
Vì đâu Ngữ, một nhà văn có những suy tư nhân bản, chống chiến tranh, lại quay một trăm tám mươi độ để nhận ra rằng: "điều quan trọng là sống sót, là phải giết kẻ hằm hằm muốn giết mình" (trang 629). Điều gì đã khiến Ngô, một họa sĩ hiền lành, chỉ biết đam mê một chất màu lơ lửng, có thể vẽ một bức tranh ma quái: "Ngay cả lúc Ba Liệu đang huyên thuyên, sở dĩ Ngô dằn được cơn buồn ngủ là vì chàng mải quan sát các cử động, đường nét biến hóa trên khuôn mặt người cán bộ. Ánh bạch lạp lung linh chỉ chiếu sáng được một phần ba khuôn mặt Ba Liệu: mảnh tóc dài phủ lên một nửa trán, tạo ra một mảng mờ trên gò má lấm tấm mụn. Ổ mắt sâu, ánh sáng phản chiếu từ con mắt ướt nên long lanh phát quang. Đôi môi mấp máy phóng đại thành những cử động ngộ nghĩnh trên tấm vách phía trái. Ngô nghĩ đến những mảng màu đen tuyền chen lẫn những khoảng trống màu vàng nhờ. Vài chấm đó chung quanh ngả tím. Bức tranh sẽ linh hoạt một cách ma quái, rực rỡ một cách tang tóc" (Mùa biển động 3, trang 647). Và một tâm hồn như Ngô sao có thể làm trọn nhiệm vụ dù chỉ là "canh gác" cho bọn Sáu Lăng - Chị Miềng xử lý 170 người? Làm xong "nhiệm vụ" đó "Ngô cảm thấy mình trở thành một người khác, nguồn máu luân lưu trong người chàng dường như cũng khác. Cả trái tim dòng máu luân lưu đó cũng đổi nhịp hoạt động" (trang 721). Tất cả bí mật của các sự thay đổi nằm trong biến cố Mậu thân.
Viết về những bí mật của sự đổi thay đó trong Mùa biển động 3, Nguyễn Mộng Giác đã dùng sở trường của mình để phân tích tâm lý nhân vật. Ông tiệm tiến từ ngoại cảnh vào nội tâm con người, cởi mở những khúc mắc, giải thể những hành động kinh hoàng nhất. Cùng với dòng tiến quân trong trận địa Mậu thân, cả hai bên dần dần bị tước mất tự do, chiến tranh và chính trị đã cướp đi phần tinh thần của họ khiến họ trở thành những hình nộm của chính mình. Họ đã chiến đấu ngược lại những lý tưởng mà họ theo đuổi hồi trẻ: sự phẫn nộ của tuổi trẻ trước bất công xã hội, trước sự tham nhũng và bất tài của chính quyền, những vấn đề nhân bản, nhân quyền. Những đòi hỏi này không còn giá trị trong chiến tranh. Mọi trật tự đảo ngược. Quan hệ ta-địch thay thế cho mọi quan hệ khác. Trong chiến tranh không có công bằng xã hội, không cần công bằng xã hội. Trong chiến tranh không có nhân bản, không cần nhân bản. Ngược lại phải giết cho được càng nhiều kẻ thù càng tốt. Trong chiến tranh chỉ có anh hùng là đáng kể. Trong chiến tranh không có nhân quyền, chỉ có sự trả thù. Có những người bị bắt. Những kẻ ác ôn. Những người bị hành quyết. Những người chỉ điểm. Những kẻ xử lý thần sầu.
Điều đáng tiếc là Mùa biển động 3, viết ở thời điểm mà Nguyễn Mộng Giác bị "đánh dữ dội" nên dường như để phòng thân, đôi chỗ ông đã phải giải thích hoặc lên án cộng sản như muốn để làm sáng tỏ "lập trường quốc gia" của mình, nhược điểm mà hai tập đầu không có. Dù sao chăng nữa Mùa biển động 3 vẫn là tác phẩm chủ chốt của bộ trường thiên. Về mặt thời sự, chúng ta có thể theo dõi diễn biến từng ngày qua dự tính trận đồ của các bộ chỉ huy hành quân. Về mặt nhân văn, đời sống của người dân Huế được vẽ kỹ, từng khu, từng nhà. Bằng sự chừng mực và điềm tĩnh hiếm có, Nguyễn Mộng Giác đã viết về những tuyệt lộ của con người như Sáu Lăng, như Chị Miềng trong những cuộc "xử lý chôn người thần sầu" và lạnh lẽo. Họ là những người bình thường, nhưng động lực nào đã khiến họ nhúng tay vào tội ác một cách bình thản, không gợn chút ghê tay?


Mật đắng của hoà bình
Sau những ân oán của Mậu thân, Huế như một mẹ già ngã ra vì kiệt sức. Huế mang bạo bệnh. Huế bị vi trùng ung thư tiêu diệt. Những đứa con sống sót trở thành những phận bèo, giạt mỗi đứa một nơi. Bèo giạt là sự ly tán và đoạn tuyệt với Huế. Bèo giạt trầm lặng hơn. Mỗi gia đình có một lý do để rời Huế. Cuộc di tản bỏ Huế vào Bình Định, Sài Gòn diễn biến như một chiến dịch leo thang, như một bệnh dịch lan tràn. Những nấm mồ đắp vội vã chôn theo cả tâm hồn những người còn sống. Gia đình Ngữ, sau khi tìm thấy thi hài ông Văn trong một mồ chôn tập thể, đi vào một ngõ quặt mới: Nam, từ một người tranh đấu hàng đầu trong hàng ngũ đấu tranh xuống đường năm 66, oặt ra, câm nín, buông xuôi, hững hờ với cuộc sống. Một mặc cảm "phạm tội" nào đó vây quanh mỗi cá nhân và gia đình của họ. Ông Thanh Tuyến nghĩ mình "có tội" vì là cha của Tường, gia đình ông Bỗng cũng không thoát khỏi mặc cảm vì có Ngô và thái độ cộng tác của ông Bỗng trong thời kỳ Huế bị Bắc quân tạm chiếm.
Tất cả những vết thương đó đào sâu và chém nặng trong tâm hồn Huế. Vấn đề trách nhiệm được Nguyễn Mộng Giác đặt ra một cách thầm lặng mà sâu sắc ở cả hai phía, bên này lẫn bên kia.
Sau Mùa biển động 3, Bèo giạt (tức Mùa biển động, tập IV) như chìm xuống trong thời hưu chiến 1968-1972. Miền Nam chờ đợi hiệp định ngừng chiến 1973, mỗi gia đình cố gắng trở lại cuộc sống hàng ngày của mình. Tác phẩm Bèo giạt nghiêng về sự xây dựng cuộc sống đời thường hơn là thực tế chiến tranh. Quỳnh Như bắt đầu cuộc tình Mỹ-Việt. Ngữ cố gắng "lập thân". Bèo giạt để cho Ngữ có đủ thì giờ sống hai mối tình. Tâm sự những người Huế bỏ Huế sau Mậu thân, tìm đến những thành phố khác phía Nam, được tác giả mở rộng hơn. Họ khắc khoải như gia đình bà Văn khi phải rời Huế vào Bình Định. Nam viết thư kể cho Ngữ: "Má ngồi thẫn thờ, cả ngày nhìn ra cửa như trông đợi ai. Má không nói năng gì suốt hai ba hôm liền. Con Quế đi cả ngày để tìm mối buôn bán (có lẽ nó sẽ sang một sạp bán đồ Mỹ dưới chợ), má im lìm như cái bóng, còn em, anh thử tưởng tượng em sống ra ! Em cứ tự hỏi vì sao mình ở đây, vì sao cả gia đình lại chọn cái thành phố hiu hắt này mà tới? Vì sao phải bỏ Huế? Em nhớ Huế da diết, nhớ đến cả những điều vặt vãnh nhất. Nếu em có cánh, em đã bay về Huế, dù biết về rồi cũng chỉ ngồi bên lề đường nhìn qua khu vườn và căn nhà đã đổi chủ." (Bèo giạt, trang 824)
Rời Huế vào Quy Nhơn, mớ biển người trôi giạt ấy cũng không tìm thấy được một cõi bình yên cho tâm hồn. Đất Quy Nhơn cũng thấm mùi chiến tranh, cũng lạc loài, xơ xác, không người chăm nom, tiêu điều và đổ vỡ như ngôi mộ Hàn Mặc Tử:
"Mộ Hàn Mặc Tử nằm trên núi, từ đó, nhìn bao quát được cả Quy Nhơn. Một bên là đầm Thị Nại, một bên là bờ biển. Quy Nhơn như một trái tim khô co quắp nằm phập phồng chờ những đợt sóng xanh ve vuốt, xoa bóp để hồi sinh. Cả mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng vậy. Trước kia, khi chiến tranh chưa tàn khốc như ngày nay, chắc phong cảnh ở đây đẹp lắm. Sau lưng là núi xanh, phía trước là biển cả. [...] Bây giờ, thăm mộ thi sĩ em xót xa đến muốn khóc. Mộ nằm lọt thõm vào một doanh trại quân sự, ai muốn vào thăm phải xin phép. Cây cối chung quanh bị khai quang nên chỉ còn đất núi trơ trọi. Mộ bị nứt, lâu ngày không quét vôi lại, nên những dòng chữ sơn lưu niệm hoặc hình vẽ tục tĩu, lớp này chồng lên lớp kia, không "thơ" chút nào. Giữa bấy nhiêu cái đìu hiu ngổn ngang, tượng đức mẹ Maria nhìn xuống như đầy thương xót." (Bèo giạt, trang 827)
Hàn Mặc Tử tương tự như phận số chung của những nụ bèo, lang thang tìm một quê hương thứ nhì, nhưng chưa tìm thấy đất sống, thực thụ nuôi dưỡng con người. Gia đình Ngữ lay lắt buôn thúng bán mẹt ở đất Quy Nhơn. Gia đình ông bà Thanh Tuyến trở lại ở Sài Gòn. Gia đình Diễm, chân bước hai hàng giữa Huế và thủ đô miền Nam. Tường, Ngô miệt mài bên kia vĩ tuyến. Ngữ cố gắng lập thân, cần cù bước theo số phận. Quỳnh Như, Quỳnh Trang lần lượt lập gia đình. Bèo giạt gắn bó tạm thời thân phận con người. Về phía thời sự, tác phẩm ghi lại tình hình chiến sự miền Trung với mùa hè đỏ lửa, tình hình cai trị của chính quyền quân sự tại Bình Định và cao nguyên, tình hình hòa đàm Paris, tình hình phản chiến bên Mỹ, tất cả các mốc thời sự đó được phơi bày khá rõ ràng và kỹ lưỡng. Bèo giạt chấm dứt ở những giây phút ngắn ngủi của vài giờ ngưng chiến sau hiệp định Paris 1973 với những hàng: "Lãng im lặng. Hỏa châu vẫn liên tiếp nổ lụp bụp trên trời. Trăng mờ thê lương. Tự nhiên Lãng nhớ lại một câu trong bài ca của Trịnh Công Sơn [...]Hôm nay hòa bình sao đất mẹ chưa vui. Rồi Lãng tự hỏi: Mà đã hòa bình chưa?" (Bèo giạt, trang 1202)
Hai chữ hòa bình vừa đặt ra đầu năm 73, đã bị dìm sâu và ngộp thở trong không khí chiến tranh: Trận chót.
Tha hương (hay Mùa biển động V) tiếp tục hành trình còn lại của những ngày trước và sau 30 tháng tư 1975.
Tác phẩm Tha hương, dày nhất, hơn 600 trang là tác phẩm đồ sộ nhất trong bộ 5 cuốn và cũng là tác phẩm bao trùm nhiều chủ đề nhất. Tha hương mở ra những mê lộ giữa chiến tranh và hòa bình, giữa sống và chết. Với Tha hương, Nguyễn Mộng Giác đã có mặt ở nhiều khu vực cùng một lúc, từ cục diện chiến tranh đến những giây phút phức tạp của tâm hồn con người. Mười bẩy chương đầu của Tha hương, Nguyễn Mộng Giác đã dựa theo hai tác phẩm Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong và Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy để ghi lại những trục chính đưa đến kết thúc chiến tranh: đó là cuộc triệt thoái cao nguyên trên liên tỉnh lộ số 7 và cuộc rút quân khỏi Quảng Trị, Thừa Thiên.
Những ngày Bắc quân tiến vào Sài Gòn và cuộc sống miền Nam sau ngày đổi chủ đã được sống lại dưới ngòi bút tả xung hữu đột của một Nguyễn Mộng Giác trung thực, chừng mực và tài hoa. Ba gia đình bị lôi cuốn vào dòng chảy của lịch sử, một lịch sử phẫn nộ và nghiệt ngã, đưa đến những sụp đổ bất ngờ và phi lý; con người vong thân, lạc loài trong vùng tuyệt mù đầy tội ác và tuyệt vọng. Tất cả những yếu tố trên đây pha trộn, mê hoặc, lôi cuốn người đọc vào một mê hồn trận mà thắng bại, được thua chỉ là ảo ảnh. Một hiện thực duy nhất thật sự có mặt đó là sự sống còn trong một vùng đất đầy nghi ngờ với những ân oán hận thù không lối thoát, với sự bội tín của con người.
Chưa bao giờ hai chữ hòa bình đem lại những dư âm đẫm máu và nước mắt như thế: Miền Nam thua trận, cuộc triệt thoái cao nguyên diễn ra kinh hoàng trên liên tỉnh lộ số 7. Từ Quảng Trị, Thừa Thiên, dòng người quân, dân chen chúc nhau trên những tuyệt lộ để tìm lối thoát ra biển. Những vụ tự sát, những vụ giết người để chiếm chỗ trên tầu, những điên loạn thể xác và tâm linh. Nhờ dựa theo hai tác phẩm của Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy mà Nguyễn coi như đồng tác giả, Mộng Giác tạo được bối cảnh toàn diện về cuộc rút quân kinh hoàng hầu như trên toàn lãnh thổ miền Nam, tuy so với hai tác phẩm gốc, phần viết lại của Nguyễn Mộng Giác không tự nhiên và sinh động bằng. Nhưng với bút pháp giản dị và trong sáng, với những nhận xét tinh tế, sắc sảo, Nguyễn Mộng Giác khai triển phần tâm lý và triết lý tinh vi hơn nguyên tác.
Cũng lúc ấy, Quỳnh Như và chồng sống ở Mỹ, cho một cái nhìn toàn cảnh về biến cố 75, nhìn từ ngoài nước. Ngòi bút của Nguyễn Mộng Giác thật sự tung hoành bắt đầu từ trang 1432 trở đi cho đến hết: ông nhìn lại biến cố 30 tháng tư từ thủ đô miền Nam nơi ông đã sống, đã chứng kiến cảnh bạo loạn của dân chúng miền Nam sau khi bại trận.
Tha hương không phải là tác phẩm viết về người di tản. Tha hương chỉ là một tình trạng của con người: họ tha hương trên phần đất quê hương của mình. Tha hương bắt đầu từ sự tha hương, bỏ Huế sau Tết Mậu thân, rồi tha hương bỏ Quảng Trị, bỏ Thừa Thiên, bỏ Bình Định, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết về Sài Gòn, ra Phú Quốc... Tất cả là những cuộc tha hương đầy máu và nước mắt. Tha hương là mất trọn tài sản, là bị lừa lọc, là bán một chuyến đi, một chỗ vượt biên bằng bao lượng vàng, bằng bị bỏ rơi, bằng bị bắn chìm...
Sự hội ngộ của hai miền Nam Bắc vừa mừng mừng tủi tủi, vừa ray rứt phân chia như cuộc hội ngộ giữa Tường và Nam sau 9 năm xa cách: "Dù cố gắng cả hai đều thấy mình không tự nhiên" (trang 1671), nó giống như sự pha trộn lắp ghép sỏi sạn đầy phân hóa của gia đình ông bà Thanh Tuyến: có người con trai cả, Tường, theo cách mạng, có người con gái út, Quỳnh Như lấy Mỹ và có người con rể Ngữ là lính ngụy.
Những người theo cách mạng trở về như Tường và Ngô, cũng không hơn gì những người thua trận như Ngữ và Lãng: họ có niềm đau riêng, Ngô nói với Ngữ: "mày cực khổ đó. Có bị bọn công an làm khó dễ đó nhưng tâm hồn mày bình an [...] Mày ở vào phe bị thua không ai tin mày mà giao cho mày trách nhiệm gì cả nên mọi sự rối beng, tồi tệ, mày vô can [...] Tụi tao khác mày nhiều lắm, thấy đất nước ngày càng tồi tệ, dân ngày càng đói rách, tụi tao xót xa. Nếu từ ngày giải phóng đến nay đất nước có khá hơn một chút, một chút xíu thôi, tụi tao cũng đỡ mặc cảm [...] Khổ cho tụi tao là không có cai gì để khoe được với mày cả. Vậy thì bao nhiêu hy sinh để làm gì? [...] Tao nói thật, nhiều khi mày làm tao đau mà mày không biết. Mày kể cho tao nghe những chuyện bê bối, hống hách của cán bộ, công an, với vẻ mặt đắc thắng, sung sướng, mày quên mất là mỗi lời mày kể đâm vào da thịt tao như những mũi dao." (Tha hương, trang 1817)
Trong những tác phẩm viết về giai đoạn lịch sử đau thương này, dưới dạng hồi ký hay tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, Tha hương là tác phẩm toàn diện nhất. Nguyễn Mộng Giác đã có cái nhìn toàn bộ về khung cảnh lịch sử và những biến chuyển tâm lý, xã hội. Ông phân phối đời sống từng nhân vật trong bối cảnh chung một cách nhịp nhàng và sống động. Một Ngữ tầm thường, không cá tính, luôn luôn là phận bèo, sống thân tầm gửi vào những người đàn bà. Ngữ điển hình cho lớp người "trung bình", "mờ nhạt", không có phản ứng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tường là một mẫu người "hùng", đao to búa lớn trong môi trường tự do, khuất phục và cam chịu trong môi trường độc tài, hoàn toàn bất lực trong cuộc sống. Ngô là mẫu nghệ sĩ có tâm huyết, giỏi phân tích nhưng kém về hành động. Lãng là hình ảnh ba gai của người lính thủy quân lục chiến liều lĩnh và ngây thơ. Lãng chính là sự sống còn sót lại trong một môi trường đầy tử khí.
Những người đàn bà trong Tha hương có một chỗ đứng riêng biệt. Ngòi bút Nguyễn Mộng Giác tế nhị khi ông viết về tình yêu, về những người phụ nữ: từ tâm lý Quỳnh Trang vợ hiền, mẹ đảm đến Diễm liều lĩnh, đắm say. Tình yêu của Ngữ với hai người đàn bà trong Tha hương cũng là thứ tình yêu chín mùi, dồn dập, say đắm. Sở trường trong những nhận xét tinh vi, nhỏ nhoi của đời sống hàng ngày, từ cử chỉ âu yếm thầm kín giữa hai vợ chồng, qua lời ăn tiếng nói nửa vời, ngập ngừng nhưng đầy ý nghĩa, đến những sắp xếp thu vén của người vợ lo cho chồng đi cải tạo, ... Nguyễn Mộng Giác không bỏ thiếu một chi tiết nào.
Diễn biến trong Tha hương dường như chảy xuôi một mạch không bị gián đoạn, sa lầy trong những biến cố chính trị, quân sự như ở một số chương trong những tập trước. Bối cảnh lịch sử và biến chuyển đời sống con người hòa nhuyễn với nhau: phần ngoại cảnh Nguyễn Mộng Giác có cái nhìn bao quát sống động bao nhiêu thì phần nội tâm ông phanh phui những tình cảm, những tư tưởng khúc mắc, vòng vo của mỗi con người cũng với con mắt sâu sắc và tinh tường ngần ấy.
Bao nhiêu nghịch cảnh, bao nhiêu hình ảnh cảm động, đau lòng, Nguyễn Mộng Giác luôn luôn đưa ra trước mắt người đọc những tình thế đối lập, những tương quan đối chất: hình ảnh người cảnh sát nghiêm chỉnh bắn súng vào đầu và giọng kể thêm mắm thêm muối khôi hài của Lãng. Hình ảnh người mẹ cầm cánh tay đứa con vừa bị cắt cụt đem về cất đi, ngộ sau này chôn nó sẽ có đủ tứ chi. Cuộc sống gian dối hai mặt của Ngữ với vợ và với người tình, trong một Sài Gòn hoang loạn. Những con người (như Ngữ) bị đi học tập cải tạo, và những vệ binh canh Ngữ, cùng đói khát và đi ăn trộm bắp ban đêm với nhau trong cái trại tù mông mênh là sự tha hóa trên quê hương đất nước.
Qua những hình ảnh khi tầm thường, khi dã man, bi tráng, khi trào lộng, xót xa... Nguyễn Mộng Giác đã vẽ được thực trạng miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, gợi lại những băn khoăn, đánh thức nhũng nghi vấn, truyền cho người đọc những nỗi hoang mang khắc khoải. Nguyễn Mộng Giác chừng như đã giải toả cái thế chân vạc của đất nước: trong chiến tranh, thắng, bại, lừng khừng đều đưa đến thất bại. Sau chiến tranh, hoà bình chỉ là một mặt trận khác: mặt trận của thanh toán, của ân oán giang hồ, và con người chắc còn lâu lắm mới có thể khâu vá lại những vết thương, những đợt sóng ngầm, những cơn bão nổi trong tâm hồn mưng mủ.
Ai cũng có thể tìm thấy rớt rơi đâu đó một khoảnh khắc, một đoạn đời mình trong toàn thiên Mùa biển động.

Thụy Khuê
Paris, tháng 5/2001
Les Issambres tháng 8/2006

 © Copyright Thụy Khuê 2006
.
.
.

No comments:

Post a Comment