Wednesday, December 1, 2010

ĐIỂM SÁCH : HẢI CHIẾN HOÀNG SA (Đinh Lâm Thanh)

Đinh Lâm Thanh
Paris, 01.12.2010

ĐỌC TÁC PHẨM ‘ HẢI CHIẾN HOÀNG SA’ CỦA ỦY BAN NGHIÊN CỨU TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA
 ĐINH LÂM THANH

       Đây là một công trình biên khảo giá trị, tập trung nhiều tài liệu, nhiều dữ kiện xác thực, khác xa với những tác phẩm nói về sử mà chúng ta thường thấy một vài người thường viết theo lối nhìn cá nhân…đôi lúc không tránh khỏi một vài điểm chủ quan. ‘Hải Chiến Hoàng Sa’ được trình bày trong 470 trang sách, bìa cứng, in trên giấy dày, trình bày trang trọng, rõ ràng với 194 phụ bản gồm hình ảnh, bản đồ, tài liệu. Những dữ kiện trong tác phẩm nầy do nhiều học giả, sử gia, nhà văn, nhà báo…nhất là một số chiến sĩ các cấp, các ngành trực tiếp hoặc gián tiếp tham dự trận đánh cung cấp. Điều nầy có thể chứng tỏ được rằng tác phẩm nầy là một tài liệu sống thực và chính xác.

      Sách được chia thành sáu chương thu gọn trong ba phần chính :

      Phần thứ nhất : Gồm hai chương trình bày về Đại Cương về quần đảo Hoàng Sa.

      Phần nầy, trước tiên các tác giả đề cập đến vị trí, tài nguyên và chủ quyền của VNCH trên quần đảo Hoàng Sa. Quan trong nhất, một số hình chụp các bản đồ quần đảo hiện đang lưu trữ tại các thư viện quốc gia Tây Phương, trong đó gồm có một số tài liệu quý giá như :
- Bản đồ Tây Nam Thái Bình Dương (trang 63) trích trong Vallard Atlas năm 1547.
- Bản đồ Bãi Cát Vàng do Gerand Mercator vẽ năm 1569 (trang 64)
      - Bản đồ Indes do Petrus Plancius vẽ năm 1594 (trang 90), dựa trên bản đồ của nhà họa đồ Bồ Đào Nha tên Bartolomeu de Lasso, có ghi chú rõ ràng : ‘Cofta de Pracel has belonged to Cochinchina’ nghĩa là ‘Quần đảo Pracel thuộc về An-Nam)
      - Các bản đồ kế tiếp trên các trang từ 91 đến trang 114 do các quốc gia Tây phương vẽ ra trong thế kỷ thứ 16 đều xác nhận quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
      - Đặc biệt các bản đồ Địa lý và Lịch sử Trung Quốc năm 1821 (trang 115), bản đồ Trung Quốc và Nhật Bản do người Hòa Lan vẽ vào thế kỷ 19 (trang 117) đều xác nhận quần đảo Hoàng Sa không nằm trong hải phận và cũng không thuộc quyền của Trung Quốc .
      - Bản đồ 43 (trang 125) trong Quảng Đông thông chí năm 1897 và bản đồ 44 (trang 126) do Trung Quốc xuất bản 1905 đều xác nhận lãnh thổ cực Nam của Tàu tối đa chỉ kéo đến đảo Hải Nam mà thôi.
      - Và cuối cùng các bản đồ 45, 46, 47, 48 và 50 (từ trang 127 đến 134) của chúng ta từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đều vẽ ‘Bải Cát Vàng (Quần Đảo Hoàng Sa) đều thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam.
      Cũng trong phần thứ nhất nầy, người đọc còn tìm thấy rất nhiều chứng tích bằng văn bản dưới thời Nguyễn, xác nhận rằng lúc đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam.
      Những sử liệu hiện nay còn lưu trữ trong các thư viện quốc tế, thì dù Tàu cộng có âm mưu và xảo quyệt thế nào đi nữa cũng không thể nhập nhằng các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh hải của Trung cộng.  
     
      Với ba nguồn sử liệu Ngoại Quốc, Trung Quốc và Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đã chứng xác thực rằng các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa là của Quốc Gia Việt Nam. Vậy ngày 19 tháng 1 năm 1974 Tàu cộng đem quân qua xâm chiếm Hoàng Sa là một hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc Gia Việt Nam. Ngày nay Trung cộng cũng không thể căn cứ vào việc trao đổi, buôn bán và hiến dâng – một hình thức triều cống - của tập đoàn cộng sản Việt Nam để ngang nhiên chiếm đoạt, vì, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia Việt Nam là của dân tộc Việt Nam chứ không phải là món hàng riêng tư của đảng cộng sản để Hà Nội lén lút dâng (thủ phạm Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng) cho Tàu cộng trước đây cũng như đàn em sau nầy đem bán cho quan thầy lấy hai tỷ (2 tỷ) dollars chia nhau bỏ túi.

      Như vậy có thể khẳng định, những dữ kiện trong tập tài liệu nầy sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc đòi lại chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trước tòa án quốc tế sau nầy.

      Phần thứ hai : Nội dung chính của cuốn sách đề cập đến Trận Hải Chiến Hoàng Sa trong bốn chương :

      Đây là trọng tâm tài liệu. Nhóm chủ trương muốn lưu lai hậu thế về diễn tiến trận đánh giữa Hải Quân VNCH với Hải Quân Tàu cộng ngày 19.1.1974. Phần tài liệu nầy được trình bày trong 151 trang qua các giai đoạn :

      Chương 1 : Tương quan lực lượng giữa Hải Quân VNCH với Hải Quân Trung cộng : Ở đây tài liệu giới thiệu cho độc giả quan niệm thiết kế của hai lực lượng Hải Quân VNCH và Hải Quân Tàu cộng để dẫn đến việc so sánh tổ chức cũng như trang bị của Hải Quân VNCH và của địch. Qua phần nầy, độc giả sẽ không ngạc nhiên về sự thất bại chắc chắn sẽ rơi vào phía Hải Quân VNCH khi đề cập đến vấn để trang bị phương tiện và vũ khí.

      Chương 2 : Các tác giả cho chúng ta hiểu tường tận các diễn biến trước của trận đánh, âm mưu xâm chiếm, chuẩn bị kế hoạch thật chu đáo của Trung cộng trước khi chúng tấn công quần đảo Hoàng Sa do quân VNCH đang trấn giữ. Về phía chúng ta, tài liệu cũng cho biết các hoạt động ngoại giao VNCH, từ việc phản khán luận điệu của Tàu cộng cũng như các cuộc chuẩn bị từ trung ương đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I và kế hoạch của Hải Đoàn Đặc Nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa trước trận hải chiến.

      Chương 3 : Trận đánh được mô tả thật tỷ mỷ giữa hai lực lượng Hải Quân của VNCH và Trung cộng, trong đó, các tác giả ghi lại từ việc Hải Quân VNCH chuẩn bị tấn công đến diễn tiến các lần chạm súng của các Phân Đoàn 2 (HQ16 & HQ10) và Phân Đoàn 1 (HQ4 & HQ5). Cũng trong chương nầy, tài liệu cũng không quên đề cập kế hoạch ném bom các chiến hạm Tàu cộng của Không Quân VNCH. Cuối cùng độc giả còn thấy tài liệu đã liệt kê thiệt hại giữa Hải Quân VNCH cũng như của Tàu cộng, đồng thời nêu ra những nhận xét và ưu khuyết điểm của cuộc chiến mà độc giả có thể tìm được ở cuối chương nầy.     

      Chương 4 : Tài liệu ghi rõ các diễn biến sau khi Tàu cộng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và các nổ lực vận động ngoại giao của VNCH cũng như phản ứng của thế giới trong đó gồm có Hoa Kỳ, dân chúng trong ngoài nước và ngay cả của ngụy quyền Hà Nội.

      Phần thứ ba : Phần nầy dành để ghi lại những cuộc phỏng vấn quý vị sĩ quan các cấp đã trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến trận chiến Hoàng Sa với hải quân Trung cộng như các vị Đề Đốc Chung Tấn Cang, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, Phó Đề Đốc Hốn Văn Kỳ Thoại và bảy vị sĩ quan thuộc binh chủng Hải Quân Việt Nam, và hai vị sĩ quan thuộc Binh chủng Không Quân…Ngoài ra người đọc còn thấy ý kiến cũng như những nhận xét của nhiều vị như Ls Vương Văn Bắc, Ls Trần Thanh Hiệp, ông nguyễn văn Ngân và ông Bùi Tín.

      Những điểm son của cuốn sách :

      - Là một tài liệu lịch sử được soạn thảo và viết ra bởi Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa thuộc Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải Việt Nam Cộng Hòa, từ đó, người đọc tìm thầy những chi tiết được đắn đo chọn lọc để viết ra, xác thực với những gì đã xảy ra từ năm 1974. Có thể nói đây là một tài liệu mà người đọc không tìm thấy lối nhìn và quan niệm có tính cách cá nhân do một người viết ra.
      - Trong cuốn Hải Chiến Hoàng Sa, các tác giả trình bày những điểm thuận lợi hay bất lợi, điểm mạnh cũng như điểm yếu từ việc quyết định của Trung ương cũng như trong kỷ thuật tác chiến do địa phương định đoạt. Cuốn tài liệu không mang tính cách phô trương của trận chiến của Hải Quân VNCH, nhưng qua tài liệu lịch sử nầy, người đọc ngày hôm nay cảm nhận được sự can trường của Hải Quân CNVH, dù gặp nhiều trở ngại nhưng đã chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm của những người lính Hải Quân, xã thân để bảo vệ đất nước.  
      - Những điều ghi trong tác phẩn nầy là sự kiện lịch sử cho các thế hệ mai sau nghiên cứu để biết cha ông họ đã can trường chiến đấu và đã hy sinh trong danh dự nhằm bảo vệ quê hương. Và đây cũng là bằng chứng để chứng cho thế giới thấy dã tâm tàn bạo của Tàu cộng trong âm mưu thôn tính các quốc gia nhỏ bé Á Châu.

      Cuối cùng, chúng tôi cũng xin mượn vài giòng của Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa để kết luận những ý nghĩ thô sơ của một người đã đọc qua cuốn sách nầy : Trước tình trạng lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam ngày càng bị mất về tay Trung Cộng, nhu cầu về một thiên nghiên cứu ghi lại đầy đủ và trung thực diễn tiến trận hải chiến Hoàng Sa trở thành khẩn thiết. Thiên nghiên cứu nầy sẽ là một phần trong hồ sơ vạch trần mưu đồ xâm lăng nước ta của Bắc Kinh qua việc trắng trợn chiếm đoạt Quần Đảo Hàng Sa. Đồng thời, đây cũng là sử liệu giúp dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ mai hậu, có thêm kinh nghiệm để bảo vệ bờ cõi.

Đinh Lâm Thanh
Paris, 01.12.2010
.
.

No comments:

Post a Comment