Friday, December 31, 2010

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC CƠN SÓNG DỮ (Kim Nguyên)


Vào dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, đài phát thanh RFA đã phát loạt bài nói về tội ác của Cộng Sản tại trại giam Cổng Trời do thông tín viên Mặc Lâm thực hiện. Trong bài đầu tiên, tác giả đề cập đến chuyện bách hại xảy ra tại nhà thờ lớn Hà Nội vào mùa Giáng Sinh năm 1959. Kết quả là linh mục chánh xứ Trịnh Văn Căn (sau là Hồng Y thứ nhì của giáo hội Công Giáo Việt Nam) bị 12 tháng tù treo, cha phó Nguyễn Văn Vinh cùng một số tu sĩ, giáo dân khác bị bắt đưa vào trại giam Cổng Trời và tất cả đã bỏ mình trong chốn địa ngục trần gian ấy. Điều đáng nói ở đây là thủ phạm trực tiếp của vụ bách hại chính là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, tiền thân của cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam hôm nay, tổ chức do nhà nước thành lập này đã gây biết bao nỗi đoạn trường cho giáo hội Công Giáo, đã giúp Cộng Sản len lỏi vào hàng ngũ lãnh đạo giáo hội và hiện đang tiếp tục đóng vai trò trung gian để “nối kết” giáo hội Công Giáo và nhà nước Cộng Sản qua chiêu bài “đối thoại”. Xin bấm vào “link” để xem (và nghe) loạt bài này.

Đọc lại những trang sử viết bằng máu và nước mắt của giáo hội Miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản, những ai còn có chút lòng với Giáo Hội không khỏi cảm thấy bùi ngùi và căm phẫn cho cái chính sách tàn độc của những người Cộng Sản, từ Liên Xô qua Trung Quốc, đến Việt Nam. Và cảm thông cho cái thái độ im lặng, nhẫn nhục và bất hợp tác của các vị chủ chăn miền Bắc trong một thời gian dài. Các ngài chẳng có sự lựa chọn nào khác, vì chủ trương nhất quán của Cộng Sản là  tiêu diệt Công Giáo thẳng tay, không thương tiếc, không khoan nhượng. Những giáo sĩ, giáo dân tội nghiệp kia nếu muốn trung thành với niềm tin của mình thì bắt buộc phải bước đi trên những con đường khổ nạn.
Qua những kinh nghiệm đau thương, giáo hội Miền Bắc đã chín chắn hơn, hiểu rõ CS hơn và cung cách tiếp cận, ứng xử với CS cũng già dặn hơn như chúng ta thấy được qua biến cố Đồng Chiêm hay Thái Hà. Người không tán thành thì chỉ trích thái độ của các giám mục miền Bắc là “não trạng tiền Vatican” và họ cổ võ việc “đối thoại” với Cộng Sản vô thần.
Đối thoại dĩ nhiên là điều tốt, nhưng dưới chế độ Cộng Sản vô thần, không bao giờ người công giáo được đối thoại theo đúng nghĩa: nói chuyện với nhau một cách bình đẳng, không có cái cung cách kẻ trên – người dưới, kẻ vênh váo – người khúm núm; trình bày một cách thẳng thắn những gì muốn nói với nhau, và lắng nghe nhau trong tinh thần tôn trọng: nếu anh sai tôi có quyền chỉ cho anh thấy cái sai mà không hề bị anh để ý, trả thù; nếu tôi nói đúng thì anh phải thành tâm, phải sửa đổi. Nếu ngồi vào bàn chỉ để nghe người ta “lên lớp”, “hô khẩu hiệu”, còn mình thì cười cầu tài hay nói vuốt theo, mình chỉ có thể tán thành chứ không có quyền phản đối, khi ý kiến hai bên bất đồng thì họ giành quyền bác bỏ ý kiến của mình và hành động theo ý của họ thì đó không phải là đối thoại mà là mối tương quan của kẻ thống trị và người bị trị.

Giáo hội Công Giáo Việt Nam hôm nay bị chỉ trích từ nhiều phía về sự thụ động trước những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự sống còn của dân tộc, hay những tệ trạng xã hội, những bất công, nghịch lý xảy ra hàng ngày, khắp nơi trên mọi lãnh vực và xảy ra khắp mọi miền đất nước. Để biện hộ cho thái độ bàng quan, vô cảm này, người ta thường trưng ra cái lý do “giáo hội không làm chính trị”. Thoạt nghe cũng có vẻ có lý. Nhưng suy xét cho kỹ thì rõ ràng không phải vậy, mà đó chỉ là cái cớ để né tránh những va chạm với kẻ có quyền thế nhằm đổi lấy sự an toàn cho bản thân và nhận đươc những ân sủng được ban phát bằng cách này cách khác. Đồng ý là giáo hội có sứ mạng riêng, không lập đảng giành lấy chính quyền để cai trị quốc gia, hay hô hào dùng bạo lực truất phế người này, hạ bệ người kia; những việc đó không phải là ơn gọi của những người chọn con đường tu trì đang làm nhiệm vụ cai quản giáo hội. Nhưng lên tiếng trước những bất công và nghịch lý của xã hội, cổ võ cái đúng, phê phán cái sai không phải là làm chính trị. Cho dù phải chịu bách hại, phải chấp nhận hy sinh thì những người chọn con đường bước chân theo Thầy Chí Thánh cũng vẫn luôn được mời gọi làm chứng cho lẽ phải.

Xin đơn cử một thí dụ về thái độ cần phải có của những người được Thiên Chúa trao phó trọng trách dẫn dắt đoàn chiên của Ngài: Hiện nay Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Đông Nam Á. Theo thống kê chính thức của nhà nước thì mỗi người phụ nữ Việt Nam phá thai 2,5 lần trong đời. Nếu kể cả những trường hợp không chính thức (phá thai chui, phá thai ở bệnh viện nhưng không ghi vào sổ hay phá thai bằng những phương pháp dân gian…) thì số lần phá thai trong đời người phụ nữ Việt Nam còn cao hơn nữa, có thể là cao nhất thế giới cũng nên. Xin được hỏi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã làm gì trước những tội ác kinh khủng này? Điều đáng nói là xã hội (trong đó có những con chiên mà các ngài có nhiệm vụ chăn dắt) ngày càng trở nên thờ ơ vô cảm trước tệ trạng này, họ không xem đó là tội ác nữa. Hay là các ngài vô tư quá không nhìn thấy? Hội Đồng Giám Mục có dám đặt vấn đề với những người có trách nhiệm với xã hội về việc này không? có dám gióng lên tiếng nói của lương tri trước thảm cảnh hàng triệu thai nhi vô tội bị “tàn sát” hàng năm không ? hay đó là việc của nhà nước? Giáo Hội “không làm chính trị” nên không tiện đề cập đến?

Một hiện tượng bất công đang diễn ra, không thể chấp nhận được đối với những người còn lương tâm là việc Chủ tịch tỉnh, các quan chức hàng đầu trong tỉnh Hà Giang hè nhau đi mua dâm nữ sinh, mà người dắt mối chính là ông hiệu trưởng ngôi trường các em học, sau đó chính các em nữ sinh lại bị  ở tù trong khi các quan vô sự. Mới đây, các cơ quan điều tra đã đưa ra kết luận là “không đủ chứng cớ” để buộc tội các quan, nghĩa là họ được “hạ cánh an toàn” trong khi hai cô bé nạn nhân nhỏ bé tội nghiệp cô thân cô thế kia vẫn đang (và sẽ) phải tiếp tục ngồi tù. Những đấng bậc có trách nhiệm về đạo đức đâu cả rồi mà không ai có tiếng nói trước chuyện tưởng như hoang đường ấy đang xảy ra trên đất nước Việt Nam ?

Những người mang sứ mệnh Ngôn Sứ trên vai đã làm gì trước cảnh hàng trăm, hàng ngàn đồng bào bị chính quyền cưỡng bức, đánh đập, xua đuổi ra khỏi mái nhà, khu đất mà tổ tiên họ bao đời vun xới để “thu hồi” đất bán cho những doanh nghiệp với giá gấp trăm, gấp ngàn lần số tiền rẻ mạt họ trả cho những khổ chủ tội nghiệp kia. Số tiền lời thì quan chức chính quyền chia nhau bỏ túi! Thật, những người dẫn dắt giáo hội đã không có tiếng nói nào cả, thậm chí khi chính những tín hữu cô đơn, đau khổ kia chạy đến cùng chủ chăn của mình để  kêu cầu (trường hợp Cồn Dầu), thì nhận được câu trả lời lạnh lùng, vô cảm, vô tri: “rất tiếc, tôi không làm được gì cả… ”, và bỏ mặc đàn chiên của mình trước đàn sói dữ. Những giáo dân khốn khổ kia chưa bỏ cuộc, họ tiếp tục kêu cầu đến những cấp cao hơn: Hội Đồng Giám Mục, Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục. Tiếng kêu của họ nhờ những phương tiện truyền thông đã vang đi khắp nơi trên thế giới. Lần này, người ta cảm thấy được an ủi cộng thêm một chút vui mừng (?) khi thấy lá thư của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp chủ tịch Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình gởi cho chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Nhưng rồi sau khi lá thư được công bố thì những người dân vô tội kia vẫn bị  đưa ra tòa, bị xử án, không có một dấu hiệu nào cho thấy nhà của họ, đất của họ sẽ khỏi bị chính quyền cướp mất, thậm chí họ còn tiếp tục chịu những đe dọa, khủng bố của nhà cầm quyền. Đến nay người ta chưa thấy một tiếng nói khác từ phía giáo quyền, mà chỉ thấy hình ảnh “hữu nghị thắm thiết” giữa giám mục của họ với ông xếp của lũ cướp ngày kia. Nếu sự “can thiệp” của hội đồng giám mục ngưng lại ở đó thì có lẽ không quá đáng khi bảo các ngài đã “đánh trống bỏ dùi”.
Trong việc này, có thể một trong 2 trường hợp sau đây đã xảy ra: Trường hợp 1: Hội Đồng Giám Mục thực lòng muốn can thiệp nhưng chính quyền không đếm xỉa đến, cứ tiếp tục hành vi cướp đất của dân. Điều này chứng tỏ họ không xem Hội Đồng Giám Mục là đối tác để đối thoại, và Hội Đồng Giám Mục cũng im lặng, mặc nhiên chấp nhận cách cư xử bất công (và bất nhân) này. Trường hợp thứ 2 là thấy dư luận (trong cũng như ngoài nước) “bức xúc” quá nên các ngài cho tung ra một lá thư để cho dư luận xì xú bắp, rồi thôi. Trong cả 2 trường hợp, các vị chăn dắt Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã không làm tròn vai trò của những chủ chăn đối với đoàn chiên, tự chối bỏ vai trò làm chứng và bênh vực cho lẽ phải.

Vào cuối tháng 11-2010 đại hội Dân Chúa, được Hội Đồng giám mục cho là một biến cố trọng đại của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vừa qua đi với lễ nghi long trọng và những bài tham luận không lấy gì làm đặc biệt, đề cập đến những vấn đề chung chung, vô tội vạ, ai cũng thấy, trong khi những điều tối quan trọng lại cố tình tránh né, lãng quên. Những vấn đề “nóng” như: sự băng hoại tột cùng nền đạo đức; niềm tin của giáo dân vào những vị đại diện Thiên Chúa bị tổn thương trầm trọng; sự can thiệp thô bạo của thế quyền vô thần vào nội bộ các tôn giáo (nói chung) và Công giáo (nói riêng); những bất công, áp bức tràn lan khắp nơi mà nạn nhân chính là những con người bé nhỏ, cô đơn mà giáo hội có bổn phận phải bênh vực; phụ nữ, trẻ gái, công nhân Việt Nam bị buôn bán như những món hàng… không hề được nêu lên trong đại hội “hoành tráng” ấy.  

Đại hội dân Chúa vừa được tổ chức có rất nhiều điểm giống với cách tổ chức của những cuộc đại hội đảng: những cuộc vận động, tuyển chọn đại biểu, những thành phần “không nên cho tham dự” bị loại ra bằng cách này hay cách khác… Cho dù vị giám mục đại diện hội đồng giám mục giải thích như thế nào, cũng không thuyết phục được người tín hữu về việc dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng bề thế, hiện diện ở Việt Nam hàng thế kỷ nay, đã đóng góp rất nhiều cho công việc quảng bá Tin Mừng, đã đồng hành với Giáo Hội Việt Nam  qua nhiều thăng trầm lại không có đại diện trong đại hội này. Điều đáng chú ý là dòng Chúa Cứu Thế không được đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam dành cho nhiều thiện cảm (nếu không muốn nói là căm ghét, muốn khai trừ) chỉ vì các cha dòng Chúa Cứu Thế không chấp nhận cúi đầu chấp nhận cái ác, không chịu im lặng trước bất công.

Nhân đề cập đến dòng Chúa Cứu Thế, xin được mở một dấu ngoặc nhỏ: Giáo dân Việt Nam ai cũng thấy sự khác thường và vô lý khi dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn muốn phong chức cho các cha, các thầy lại phải lên tận vùng Cao Nguyên mời Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh “xuống núi” để truyền chức khi mà ngay tại Sài Gòn có một hồng y và một giám mục, xa hơn thì Xuân Lộc, Bà Rịa, Phan Thiết, Mỹ Tho… nơi nào cũng có giám mục. Tại sao đi đến tận Kon Tum mời một vị chủ tế? Và không phải ngẫu nhiên khi vị chủ chăn đáng kính này cũng là một đối tượng “được” nhà nước đặc biệt chú ý vì sự khẳng khái của ngài. Chẳng lẽ không được lòng nhà nước vô thần cũng có nghĩa là không được lòng giáo quyền? có khi nhà nước chưa khai trừ thì giáo quyền đã khai trừ trước. Người giáo dân Việt Nam không dám tin điều này, nhưng trước những sự kiện hiển nhiên như vậy, xin những người có trách nhiệm hãy lý giải làm sao cho thuyết phục. Cách nay một vài năm, chú tôi, một linh mục cai quản một giáo xứ ở địa phận Xuân Lộc, đã bị giám mục địa phận cách chức, cho về ngồi chơi xơi nước dù chưa đến tuổi nghỉ hưu chỉ vì ông dám lên tiếng phản đối nhà nước lấn chiếm đất của giáo xứ ông cai quản. Trên đất nước Việt Nam còn bao nhiêu vị linh mục bị “kỷ luật” ví dám phản đối hành động cướp ngày của nhà nước như chú tôi?

Hôm trước, đọc bài Trung Quốc: Giáo hội tự trị – Việt Nam: Tôn giáo lễ hội của cha pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thấy ngài phân tích thật đúng, tôi cảm phục những tiếng nói can đảm (và cô đơn) như vậy của cha Tỉnh, cha Đỗ Xuân Quế và một số hiếm hoi những vị chủ chăn “uy vũ bất năng khuất”. May mà giáo hội Việt Nam hôm nay còn có các ngài. Dù biết có thể sẽ phải trả giá bởi những cách trả thù hèn hạ của chính quyền, có khi phải trả bằng cả chính mạng sống của mình nhưng các ngài vẫn can đảm cất tiếng.
Sống với Cộng Sản lâu ngày, các vị có trách nhiệm trong giáo hội của mình cũng bị ảnh hưởng cái bệnh “hoành tráng về hình thức, đại khái về nội dung”, nặng phần phô trương bề mặt hơn là đi vào chiều sâu của tâm linh qua các lễ hội đình đám ở các giáo xứ, giáo phận. Tôi không vơ đũa cả nắm, vì không phải tất cả các linh muc, giám mục đều như vậy, nhưng phải đau lòng nhìn nhận rằng hiện tượng phô trương ngày càng phổ biến trong giáo hội Việt Nam. Thông thường, các Giám Mục, Linh Mục  cử hành lễ kỷ niệm vào những dịp ngân khánh (25 năm), kim khánh (50 năm) ngày chịu chức. Ngày nay, nhiều vị tổ chức kỷ niệm hàng năm, rất “hoành tráng”, để phô trương thanh thế, để tiêu tiền hơn là để cảm tạ hồng ân về đoạn đường đã đi qua và cầu xin ân sủng trên bước đường sắp tới.

Vài ngày nữa đây, sẽ là lễ bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, có mời đại diện nhà nước Việt Nam, nghe nói là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Đã đến tham dự, lẽ nào lại không lên đọc diễn văn, thế là người Cộng Sản vô thần lại được dịp dùng chính diễn đàn của đại hội để hô khẩu hiệu, để dạy dỗ hàng giáo phẩm và giáo dân Việt Nam. Nghĩ tới việc đó, ai còn có lòng yêu mến giáo hội không khỏi ngán ngẩm, cay đắng và đau lòng.

Sự kiện gần đây ở giáo hội bên Trung Quốc là gáo nước lạnh dội và niềm hy vọng của những ai còn mơ hồ về “thiện chí đối thoại” những người Cộng Sản vô thần: Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã tỏ thiện chí muốn bắt tay với chính quyền Trung Cộng bằng những nhượng bộ quan trọng: công nhận một số giám mục, linh mục của giáo hội do nhà nước thành lập, đồng ý cho chính quyền Cộng Sản được có ý kiến trong việc lựa chọn giám mục. Thế nhưng Cộng Sản đã trở mặt: chính quyền Trung Cộng mới đây ngang nhiên phong chức giám mục không cần sự đồng ý của tòa thánh Vatican, cưỡng bách các giám mục hiệp thông với Vatican phải tham dự lễ tấn phong. Họ vừa  cho mở đại hội giáo dân, đại diện chính quyền đến dự đại hội đã công khai công kích Vatican. Đại hội này đã bầu một giám mục quốc doanh làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc…. Đến nỗi Đức Giáo Hoàng, người chủ trương đưa bàn tay ra hòa giải với những người Cộng Sản vô thần, dù không muốn, đã phải công khai, mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Bắc kinh xâm phạm trắng trợn tự do tôn giáo của người dân. Thêm một chứng cứ về sự trở mặt của Cộng Sản.

Tại sao các vị lãnh đạo giáo hội Việt Nam cứ phải đặt vấn đề “đối thoại” với “đối đầu” trong tương quan với nhà nước? Tại sao không thể cư xử với nhau bằng mối tương quan giữa những con người trưởng thành: tôi luôn luôn cố gắng đến với anh với lòng tử tế, cư xử với anh bằng tình người và anh cũng hãy cư xử với tôi trong tinh thần ấy. Nếu anh có gì sai thì tôi có quyền nói là nó sai, anh không được cưỡng bách tôi phải làm ngược với lương tâm của tôi. Nói như vậy với nhà nước có phải là “làm chính trị” không? hay là cứ phải “tốt đạo đẹp đời” mới được? và “tốt đạo đẹp đời” theo lối giải thích của Cộng Sản là gì nếu không phải là ngoan ngoãn cúi đầu “chấp hành” mọi sự áp đặt của nhà nước?

Hãy nhìn thẳng vào hiện tình của Giáo Hội Việt Nam hôm nay để thấy rằng giáo hội Công Giáo Việt Nam đang đứng trước những cơn sóng dữ. Bàn tay thuồng luồng của Cộng Sản vô thần ngày càng luồn sâu vào những hoạt động của giáo hội không khỏi làm cho những giáo dân, giáo sĩ yêu mến giáo hội lo âu. Nhưng người Công Giáo không được quyền đánh mất niềm tin. Bước qua năm 2011 chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện cho giáo hội mẹ được thổi vào luồng sinh khí mới, luồng sinh khí của Chúa Thánh Linh. Giáo hội chính là Nhiệm thể của chúa Kitô, chúng ta xác tín rằng Ngài không để giáo hội mà Ngài đã tạo dựng bằng chính máu của mình bị dẫn dắt vào con đường lầm lạc bởi những người đã và đang thỏa hiệp với loài quỷ dữ. Xin cùng nhau nguyện cầu cho những ai đang lầm lạc được sớm thức tỉnh để quay về như đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh, nguyện cầu cho họ đừng quên rằng người Cha nhân từ luôn ngóng đợi từng giờ, từng phút để được ôm đứa con yêu dấu vào lòng và nói với nó lời thứ tha khi nó thành tâm quay về…
Ngày cuối cùng của năm 2010 đầy biến động.
VQ Bỉ
© Kim Nguyên
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment