Thursday, December 30, 2010

DALLAS NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 2010 (Đoàn Thanh Liêm)

Đòan Thanh Liêm  (bút ký)
Thứ năm, 30 Tháng 12 2010 01:47

Tôi vừa trở lại thăm bà con và bạn hữu ở vùng DallasFort Worth quen thuộc (DFW) vào trung tuần tháng 12 năm 2010. Trời mùa đông tại khu vực miền bắc Texas tuy lạnh, với nhiệt độ trong khỏang 5-15 độ C, nhưng lại có nắng chan hòa, chứ không có mưa ướt sũng như ở California. Vào dịp Mùa Lễ Giáng sinh, nên tôi đã được bà con dẫn đi tham dự rất nhiều buổi Gặp Mặt Liên Hoan của các tổ chức hội đòan, cũng như của những công ty xí nghiệp. Điển hình như vào chiều ngày Thứ bảy 18 tháng 12, tôi đã lần lượt tham gia liên tục trong ba sinh họat tại thành phố Arlington của Công ty Luraco, của Ban Đại Diện Cộng Đồng Tarrant County, và của Công ty Thẻ Điện thọai V247.

Cũng như các chuyến vãng gia trước đây (home visit), tôi đến thăm bà con tại nhà và ở với họ mỗi nơi một vài ngày, để hàn huyên tâm sự, trao đổi tin tức về tình hình gia đình và bàn thảo với nhau về một số chuyện liên hệ giữa chúng tôi. Và nhân tiện, họ cũng giới thiệu tôi tham gia một số sinh họat xã hội văn hóa tại địa phương. Nhờ vậy mà tôi có được thêm một số hiểu biết về tình hình sinh họat của bà con người Việt tại nhiều nơi, cũng như quen biết thêm được một số bạn vốn năng nổ họat động trong các tổ chức cộng đồng.

Nói chung, qua nhiều lần thăm viếng DallasFort Worth trong mấy năm gần đây, thì tôi rất phấn khởi được chứng kiến sự thành công về nhiều mặt của bà con mình tại khu vực miền bắc tiểu bang Texas này. Và đặc biệt được đón nhận những tình cảm thân thương quý mến của nhiều bà con bạn hữu sinh sống tại địa phương. Trong bài viết này, tôi xin ghi lại chi tiết về một số người và việc thật nổi bật đáng nhớ trong vùng Dallas – Fort Worth vào những ngày cuối năm 2010 Canh Dần.

I – Tình người vẫn nồng thắm

Trời đã lạnh, gió lại càng làm cho lạnh thêm, nhưng trái tim mỗi người tôi gặp gỡ quen biết tại đây thì lúc nào cũng nồng nàn ấm áp, dù đó là bà con ruột rà máu mủ, hay chỉ là bạn bè bằng hữu xa gần. Năm nay, tôi đã đến thành phố Fort Worth thăm gia đình chú Phan Văn Thống là con của bà cô ruột của tôi. Chú Thống cũng sấp xỉ tuổi với tôi, nhưng chú vừa mới qua đời trên hai năm nay. Thím Thống và các cháu đã đón tiếp tôi hết mực ân cần, tươm tất. Tôi đã cùng gia đình cháu Kim Anh – Dũng đi dự Thánh Lễ Giáng sinh được cử hành tại Hội trường thuộc giáo xứ Việt nam tại đây, vì lý do số người tham dự quá đông, vào khỏang cả ngàn giáo dân, thì ngôi thánh đường không thể chứa hết được. Vào giữa khuya, tòan thể gia đình đã quây quần quanh bàn tiệc thật là êm đềm ấm cúng. Và tôi đã có dịp kể cho các cháu nghe biết về nhiều kỷ niệm trong gia đình bên nội các cháu, mà vì sinh sau đẻ muộn nên các cháu không hề được chứng kiến.

Tiếp theo, tôi lại đến thăm gia đình cô Lê Thị Trung ở thành phố Arlington là bà con cô cậu của bà xã nhà tôi. Chú Đam ông xã của cô cũng đã lìa đời từ 15 năm trước, nên một mình cô phải lo cáng đáng chăm sóc cho các cháu, mà may mắn thay đến nay cả ba cháu đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm tươm tất và cũng đã xây dựng được gia đình riêng của mỗi người. Vì các cháu đều có nhà ở gần kề nhau, nên cô có điều kiện dễ dàng thuận tiện chăn dắt cho các cháu nội ngọai lên đến tất cả là 8 cháu ở lớp tuổi từ 2 lên đến 14-15 đã theo học ở trường trung học. Dịp này, tôi đã gọi điện thọai về bên nhà ở California để cô Trung có thể trực tiếp chuyện trò với bà xã và với mấy bà con khác trong gia đình bên ngọai các cháu.
Về phía bạn hữu, thì tôi cũng đã gặp lại rất nhiều người là bạn lâu năm, cũng như là bạn mới quen biết gần đây. Hai người bạn cùng quê từ tỉnh Nam Định miền bắc là các anh Đỗ Huy Hòang và Phan Đình Minh. Qua anh Hòang trước đây là Chủ tịch Hội Cao niên ở Arlington, mà tôi đã có dịp sinh họat chung với quý vị hội viên tại đây, trong đó có bác sĩ Phạm Văn Chất và phu nhân là những thành viên kiên trì năng nổ nhất. Anh Minh thì lần này kéo tôi lên đài phát thanh Saigon-Dallas để tham gia cuộc hội luận trong chương trình trực tiếp truyền thanh quen thuộc “Từ Cánh Đồng Mây”, cùng với mục sư Phạm Ngọc Thạch và Cô Thu Trâm ở trong nước bữa đó tường thuật về việc đàn áp tín đồ Tin lành ở Saigon vào dịp lễ Noel năm nay.

Người bạn cùng học chung với tôi tại trung học Chu Văn An Hanoi từ hồi trước năm 1954, đó là anh Vũ Tiến Thông. Cả hai anh chị Thông & Vân đều là bác sĩ có phòng mạch ở cả thành phố DallasArlington họat động liên tục từ nhiều năm nay. Lần này, tôi đến ở với gia đình bạn trong một ngày và được anh chị dẫn đến thăm anh chị bác sĩ Đào Quốc Anh-Như Tuyết đã về nghỉ hưu tại thành phố Richardson sát với Dallas. Anh Thông còn khám bệnh và cấp thêm thuốc cho tôi uống đễ ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, anh bạn lưu ý tôi phải lo kiểm sóat mỗi ngày, không được để cho huyết áp ở mức quá cao khiến gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe thường gặp ở người lớn tuổi. Tôi thật cảm động về sự ân cần chăm sóc của anh bạn học cùng lớp từ trên 50 năm xưa với mình. Anh chị vừa mới có một đứa cháu ngọai đầu tiên, nên gia đình thật vui tươi nhộn nhịp vào lúc cha mẹ bế cháu về thăm ông bà ngọai.

Về số các bạn đồng nghiệp, thì có luật sư Ngô Thúy Loan, bà xã của bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chị công tác với anh em chúng tôi trong tổ chức trợ giúp các trẻ em “Bụi Đời” (SBF Shoeshine Boys Foundation) ở Saigon trước năm 1975. Và đến luật sư Nguyễn Xuân Phước đi du học ở Mỹ từ năm 1973, hiện là một trong những người tham gia sinh họat cộng đồng khá tích cực ở Dallas. Cả hai luật sư này đều cư ngụ tại thành phố Arlington. Và đã nhiều lần tôi đến ở với anh bạn trẻ Nguyễn Xuân Phước và dĩ nhiên là chúng tôi trao đổi nhiều với nhau về các vấn đề pháp lý, đặc biệt về lãnh vực Luật Hiến Pháp mà cả hai chúng tôi đều quan tâm theo dõi.

Về giới truyền thông báo chí, thì tôi cũng lại gặp các khuôn mặt quen thuộc như các chị Thu Nga, Liên Bích, các anh Trương Sỹ Lương, Trần Lộc, Nguyễn Văn Lập, Mai Văn Đức, Trần Thọ, Thái Hóa Lộc. Đây là những người từng sinh họat trong ngành phát thanh, truyền hình và báo chí trong vùng Dallas từ nhiều năm nay.

Đặc biệt, phải kể đến anh chị Phan ngọc Thuần còn khá trẻ ở lớp tuổi 40, mà vừa mới cho trình làng tờ nguyệt san Chính Việt Thời Báo được mấy tháng nay. Từ mấy năm gần đây, mỗi lần đến Dallas là tôi đều được bạn Thuần chăm sóc đưa đón, sắp xếp nơi ăn chốn ở, cũng như chuyên chở để tôi đi gặp gỡ bà con, hay tham dự các sinh họat cộng đồng tại địa phương. Cả hai vợ chồng đều có cơ sở kinh doanh trong lọai dịch vụ bảo hiểm, địa ốc khá thành công vững chãi, mà lại còn tham gia tích cực với cộng đồng từ nhiều năm nay. Nhờ có sự hướng dẫn của Thuần, mà tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều về tình hình tại chỗ và tiếp súc với nhiều nhân vật họat động trong vùng phía bắc Texas với tổng số người Việt định cư lên đến 50-60 ngàn, như sẽ được ghi lại trong phần sau của bài bút ký này.

II – Niềm An ủi cho Tuổi Già và Hy vọng cho Lớp Người Trẻ

Vào ngày 23 tháng 12, tôi được luật sư Phước chở đến tham dự buổi sinh họat cuối năm tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên tại Dallas. Có đến trên 150 vị lớn tuổi có mặt trong buổi Gặp Gỡ tại hội trường khá là khang trang thóang mát này. Dưới sự điều khiển nhịp nhàng sinh động của ông Đỗ là người sáng lập và chịu trách nhiệm chính yếu của Trung tâm, các cụ ông cụ bà đã phấn khởi tham gia sinh họat thân hữu với các bạn cùng lứa tuổi với mình. Ngòai phần chúc thọ và mừng sinh nhật cho các vị cao niên theo thứ bậc từng lớp tuổi với các màn tặng hoa hồng và đồng ca bài “Happy Birthday” dành riêng cho từng cá nhân, là phần văn nghệ “Cây nhà Lá vườn” do chính các hội viên trình diễn, thật là hồn nhiêm xôm tụ. Ong Đỗ luôn luôn nhắc nhủ các cụ phải chuyên cần tham gia tập thể dục dưỡng sinh do các hướng dẫn viên tự nguyện của Trung tâm biểu diễn cho các học viên cử động thân hình và múa tay theo với điệu nhạc nhịp nhàng. Đó là bí quyết tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của người cao niên, còn hơn là việc uống các lọai thuốc chữa trị khác nữa.

Cũng như tại nhiều Hội Cao Niên khác, Trung tâm này còn hay tổ chức các lớp bồi dưỡng Anh ngữ, dậy sử dụng computer, giúp luyện thi gia nhập quốc tịch, làm đơn từ xin trợ cấp an sinh xã hội, xin trợ cấp về nhà ở (housing) v.v…Nói chung là đủ các thứ dịch vụ cần thiết giúp cho người lớn tuổi có được một cuộc sống “An cư lạc nghiệp”.

Về sinh họat của giới trẻ, thì tôi được tham gia buổi Gặp gỡ cuối năm của giới sinh viên trẻ do Chi Hội Văn Hóa Khoa học Dallas-Fort Worth (VCSA/ DFW = Vietnam Culture & Science Association) hợp tác với các Hội Sinh Viên (VSA Vietnamese Student Association) trong vùng cùng đứng ra tổ chức tại Arlington vào chiều tối Thứ sáu 17 tháng 12. Các tham dự viên và quan khách lên đến trên 120 người, phần đông là những sinh viên trẻ tuổi, mà đã hay còn đang theo học tại các trường Đại học trong vùng, nên không khí của buổi sinh họat thật là năng động, vui nhộn và phấn khởi. Các em sinh trưởng tại Mỹ thì quen nói tiếng Anh trôi chảy, nhiều hơn là tiếng Việt. Do đó mà chỉ tại môi trường dành riêng cho giới trẻ như tại đây, các em mới cảm thấy thỏai mái, tự nhiên tham gia với các trò chơi đa dạng đày tính chất sáng tạo và linh họat.

Thế hệ trẻ, nhất là lại sinh trưởng trên đất Mỹ, thì các em dễ hội nhập vào với dòng chính của xã hội Mỹ. Vì thế các em có lợi điểm là quen thuộc với lề lối sinh họat và làm việc tập thể (team work) với năng suất cao, thích nghi được với sự tiến bộ của thời đại ngày nay. Đó là điểm son của thế hệ trẻ, mà điển hình là các đòan thể hiệp hội của giới thanh thiếu niên như Hội Hướng Đạo, Hội Sinh viên, Hội Văn Hóa Khoa Học, các tổ chức sinh họat của giới trẻ thuộc các tôn giáo v.v…

Sau cùng, tôi cũng xin ghi nhận ít dòng về sự thành công của các công ty như Luraco Technologies, Inc., và NPI Technologies (New Product Introduction), mà tôi được biết đến khi tham dự hai buổi Liên hoan cuối năm của các đơn vị này. Năm 2010, Luraco vừa được trao giải thưởng là một trong số 100 công ty đứng đầu tại Dallas trong số hơn 10,000 công ty trong vùng Dallas-Fort Worth.” Giải thưởng Dallas 100 “ này do Khoa Thương Mại Đại Học SMU thành lập từ năm 1990 (Southern Methodist University), nhằm vinh danh những ý tưởng mới cũng như sự vững mạnh và phát triển của các doanh nghiệp trong khu vực. Còn công ty NPI thì chuyên về nghiệp vụ giới thiệu sản phẩm mới tới việc sản xuất hàng lọat tại nước ngòai (mass production overseas) và hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều sáng kiến tân kỳ độc đáo. Cả hai công ty này đều do các thành phần trẻ cỡ tuổi 40-50 sáng lập và điều hành.

Nói chung, thì trong 10 ngày viếng thăm Dallas – Fort Worth vào cuối năm 2010, tôi đã được gặp gỡ với nhiều bà con bạn hữu và chứng kiến sự phát triển rất khả quan về nhiều mặt kinh tế kỹ thuật, cũng như về văn hóa xã hội của bà con người Việt định cư trong vùng. Điều này đã gây cho tôi một sự lạc quan, một ấn tượng đẹp đẽ, đặc biệt đối với tương lai tươi sáng của thế hệ người trẻ là con em của chúng ta vậy.

Houston 30 tháng 12 năm 2010
Đòan Thanh Liêm
.
.
.

No comments:

Post a Comment