Monday, December 27, 2010

BỐN NHẬN ĐỊNH SAI LẦM VỀ TRIỀU TIÊN (The Washington Post)

Washington Post
Cập nhật lúc :5:59 AM, 26/12/2010

Triều Tiên từ lâu là một tâm điểm của giới truyền thông thế giới và mọi người tưởng biết rõ chân tơ kẽ tóc của họ. Tuy nhiên, tờ Washington Post khẳng định, dư luận thế giới đang có nhiều quan điểm sai lệch về Bình Nhưỡng.

Triều Tiên không “điên rồ”
Theo tờ báo này, giới chức Bình Nhưỡng có thế “khác người”, song họ không “điên rồ”. Không giống như những gì được miêu tả trong bộ phim “Team America” mà dân chúng Mỹ được xem, giới ngoại giao của Triều Tiên có kiến thức uyên thâm và được đào tạo bài bản. Họ am hiểu về nước Mỹ cũng như rất biết cách thưởng thức rượu vang đỏ của California.
“Trong nhiều cuộc đàm phán với họ với tư cách một quan chức dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, tôi luôn thấy những lập luận của họ có lý”, chuyên gia Victor D. Cha nhấn mạnh trên tờ Washington Post.
Theo chuyên gia này, không thể nói là “điên rồ” nếu một người vừa có những lập luận logic và vừa hiếu chiến. Trong trường hợp của Triều Tiên, khiêu khích là một phần trong các nỗ lực liên tiếp nhằm “hút” lương thực, nhiên liệu cũng như sự công nhận về chính trị.
Ông Victor D. Cha dẫn chứng nghiên cứu mới đây của ông tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế cho thấy, mỗi động thái khiêu khích của Triều Tiên đều dẫn đến một cuộc đàm phán mà ở đó, Bình Nhưỡng thu về được một khối lượng hàng viện trợ.
“Triều Tiên đang cư xử hoàn toàn logic. Việc một quốc gia không còn nhiều thứ để mất như Bình Nhưỡng sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm bằng cách gây bất ổn để đổi lấy những gói viện trợ quý giá là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông Victor D. Cha nhấn mạnh.

Ông Kim Jong-Un đủ năng lực để kế nhiệm cha
Không thể phủ nhận con trai út của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il còn quá trẻ bởi chỉ mới ở tuổi 27 nhưng nếu ai đó tin rằng, sự non trẻ này có thể khiến kế hoạch chuyển giao quyền lực của chính quyền Triều Tiên bị đổ vỡ thì người đó hoàn toàn sai lầm.
Thực tế cho thấy, nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên Kim Il-Sung lên nắm quyền khi mới 36 tuổi. Con trai ông là đương kim Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il bắt đầu tiếp nhận quyền lực khi cũng chỉ ở tuổi 30.
Đối với chính quyền Triều Tiên, việc một đương kim lãnh đạo quyết định “truyền ngôi” cho một lãnh đạo trẻ là hoàn toàn có chủ ý bởi nếu như vậy, người kế nhiệm có thể nắm quyền trong một thời gian dài ổn định, khoảng 40 đến 50 năm.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-Un dường như cũng có một đội ngũ cận vệ dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng “dìu dắt” ông trên con đường lãnh đạo đất nước.

Ngoại giao không phải là lời giải chính xác cho bài toán hạt nhân Triều Tiên
Các vòng đàm phán chỉ có thể tạm thời “hạ nhiệt” chảo lửa Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng, tất cả những gì Bình Nhưỡng mong muốn là quay trở lại vòng đàm phán 6 bên hoặc đàm phán song phương với Mỹ về các gói viện trợ lương thực, nhiên liệu và an ninh.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, câu chuyện khát vọng của Triều Tiên là muôn thưở. Nhìn lại thời kỳ nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, không biết bao nhiêu vòng đàm phán diễn ra với kết quả Bình Nhưỡng thu về hơn 30 tỷ USD từ các gói viện trợ.
Mắt xích của vấn đề nằm ở chỗ, chính quyền của Tổng thống Obama hiểu rõ hơn ai hết, Triều Tiên luôn muốn sử dụng các vòng đàm phán để thu về các gói viện trợ kinh tế, song quốc gia này không bao giờ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Vì vậy, trước mỗi bàn đàm phán, giới chức ngoại giao Mỹ thường không mang nhiều hy vọng bởi họ biết, đàm phán có thể mang lại một thỏa thuận đáng giá “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhưng đồng thời họ cũng tiên lượng được rằng, thỏa thuận đó có thể dễ dàng bị Bình Nhưỡng phá bỏ để bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới.
Vậy nhiều người không khỏi ngạc nhiên, lý do gì khiến giới chức Mỹ phải hao công tốn của tiến hành các vòng đàm phán mà họ biết trước kết quả này. Thực tế là họ gần như không còn sự lựa chọn nào khác.
Nếu tính đến giải pháp quân sự, Washington sẽ phải chứng kiến thiệt hại rất lớn về người và của. Trong khi đó, một thực tế không thể chối cãi là Mỹ khó có thể “hạ gục” chính quyền Triều Tiên nếu không có sự trợ giúp từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền của ông Obama cũng không còn “mặn mà” với gói cấm vận Bình Nhưỡng bởi lâu nay giải pháp này không còn hữu dụng.

Trung Quốc không thể “tháo gỡ” vấn đề Triều Tiên
Mỗi chuyên gia lại có một nhân định riêng về cách tiếp cận Bình Nhưỡng của Bắc Kinh. Một số cho rằng, Trung Quốc chỉ muốn trợ giúp Triều Tiên “ở mức độ vừa phải”, trong khi một số khác đánh giá rằng, Bắc Kinh không thể tìm ra cách thức hợp lý để trừng phạt Bình Nhưỡng. Nhiều nhà phân tích khác lại nhận định, Trung Quốc muốn Triều Tiên tạm thời làm hao mòn sức mạnh của Mỹ trong thời gian Trung Quốc củng cố sức mạnh.
Dù mỗi nhận định đều có ý đúng nhưng thực tế, Bắc Kinh không có nhiều “quyền năng” như dư luận vẫn nghĩ bởi Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Thực tế Bắc Kinh có thể cắt nguồn cung dầu khí để gây sức ép lên Bình Nhưỡng nhưng nếu làm vậy, khả năng sụp đổ của chính quyền Triều Tiên là rất cao. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc. Vấn đề khi đó sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, có thể nói, “chơi” với Triều Tiên là bài toán hóc búa nhất đối với giới chức Trung Quốc.

Bích Diệp
.
.
.

No comments:

Post a Comment