Tuesday, November 30, 2010

VỤ WIKILEADS LÀM THAY ĐỔI NGOẠI GIAO THẾ GIỚI

Sài Gòn Tiếp Thị
Ngày 30.11.2010, 15:52 (GMT+7)

SGTT.VN - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói bà “rất lấy làm tiếc” trước vụ tiết lộ chấn động của WikiLeaks và cho rằng vụ này “không chỉ đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn tấn công vào toàn thể cộng đồng quốc tế”.

Tổn hại nỗ lực ngoại giao
Vụ hàng loạt điện tín vừa bị WikiLeaks tiết lộ đã giội gáo nước lạnh vào nỗ lực ngoại giao của Mỹ, đúng vào lúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang cố tạo dựng lại niềm tin của thế giới vào chính sách đối ngoại Mỹ.
Cả ngoại trưởng Hillary Clinton, thượng nghị sỹ John Kerry lẫn các cựu quan chức ngoại giao Mỹ đã phải đồng thanh kêu gọi các nhà ngoại giao tiếp tục trao đổi thẳng thắn với các đối tác nước ngoài, mà “không cần phải lo ngại về nguy cơ bị tiết lộ”.
Ngoại trưởng Hillary Clinton nói bà “rất lấy làm tiếc” trước vụ tiết lộ của WikiLeaks và cho rằng vụ này “không chỉ đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn tấn công vào toàn thể cộng đồng quốc tế”.
“Tất cả các nước, trong đó có Mỹ, cần các cuộc trao đổi riêng tư và thành thực”, bà Clinton nói. Bà tin rằng quan hệ đối tác mà chính quyền Obama đã cố gắng tạo dựng sẽ vượt qua được thách thức hiện nay.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ ở Nga James Collins cho rằng vụ tiết lộ thông tin này “chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm khả năng xây dựng niềm tin của Mỹ, vì người ta sẽ khó có thể tin rằng nội dung cuộc trao đổi được giữ kín”.
Ông Haas, hiện là chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ nói: “Tổn thất lâu dài là thực tế. Các chính phủ nước ngoài sẽ rất ngần ngại chia sẻ bí mật, thậm chí cả những đánh giá thẳng thắn của họ về các đối tác khác của Mỹ”. Ông nói vụ này còn gây ra một số vấn đề trực tiếp tới an ninh của Mỹ, ví dụ nỗ lực chống khủng bố ở Yemen sẽ bị ảnh hưởng, do các nhà lãnh đạo nước này cảm thấy cần phải giữ khoảng cách với Mỹ.
Trong số những tài liệu vừa được tiết lộ có cuộc trao đổi giữa Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh với tướng David Petraeus của Mỹ, trong đó ông Abdullah Saleh thừa nhận đã nói dối nhân dân nước ông khi tuyên bố các lực lượng vũ trang Yemen đã tấn công al-Qaeda, trong khi trên thực tế do quân Mỹ tiến hành.
Thượng nghị sỹ John Kerry, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nói: “Yemen có thể không sẵn sàng hợp tác chống khủng bố” và vụ tiết lộ thông tin của WikiLeaks cần phải bị khởi tố. Người phát ngôn của Nhà trắng Robert Gibbs cũng coi vụ tiết lộ thông tin này là “tội phạm”.
Cả các nước đồng minh lẫn kẻ thù của Mỹ cùng cho rằng vụ tiết lộ thông tin hôm 29.11 của WikiLeaks sẽ gây tổn hại cho nỗ lực ngoại giao và làm cho thế giới kém an toàn hơn. Ngoại trưởng Thuỵ Điển Carl Bildt nhận định vụ này:“Làm suy yếu hoạt động ngoại giao trên toàn thế giới, mà trước hết là của Mỹ, đồng thời làm cho thế giới ít an toàn hơn”.
Pháp chỉ trích vụ tiết lộ thông tin là “thiếu trách nhiệm” và “xâm phạm chủ quyền của các quốc gia”. Anh cũng nhận định vụ này gây tổn hại cho lợi ích an ninh quốc gia của họ, nhưng tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Hàng loạt nước khác cũng lên án WikiLeaks

“Trung Quốc ủng hộ tái thống nhất bán đảo Triều Tiên”
Theo AFP, mạng tin WikiLeaks ngày 29.11 tiết lộ các tài liệu của Mỹ cho thấy Trung Quốc - vốn từ lâu được coi là nhà bảo hộ của CHDCND Triều Tiên - ngày càng nghi ngờ về tầm ảnh hưởng của mình và sẽ ủng hộ việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu chế độ này sụp đổ.
Tờ Guardian của Anh đăng tải bức điện tín bị rò rỉ của đại sứ Anh Richard Hoagland cho biết trong một bữa tối hồi năm ngoái, đại sứ Trung Quốc tại Kazakhtans Trình Quốc Bình đã tiết lộ rằng Bắc Kinh coi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là "rất rắc rối". Ông Trình nói: "Trung Quốc hy vọng về lâu dài, hai miền Triều Tiên sẽ tái thống nhất trong hòa bình", song ông dự đoán "hai miền tiếp tục chia cắt trong ngắn hạn".
Trong khi đó, tờ New York Times đăng tải một bức điện tín khác cho biết một quan chức Trung Quốc (đã bị xóa tên) tiết lộ Bắc Kinh cho rằng CHDCND Triều Tiên đã "đi quá xa" sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai và bắn một quả tên lửa.
Quan chức này nói với một nhà ngoại giao Mỹ rằng "giới chức Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng đối với giới chức CHDCND Triều Tiên và thúc giục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán". Tuy nhiên, những lời phản đối này "không có tác dụng" và Mỹ là "nước duy nhất có thể đạt tiến bộ với CHDCND Triều Tiên".
Trong một trong những bức điện tín gần đây nhất, ngoại trưởng Hàn Quốc lúc đó là Yu Myung-Hwan được trích dẫn phát biểu hồi tháng 1 rằng CHDCND Triều Tiên đang ngày càng "hỗn loạn và một số quan chức cấp cao đã đào tẩu". Tình hình căng thẳng xuất hiện khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il bị một cơn đột quỵ, chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người con trai út là Kim Jong Un.
Bức điện tín dẫn lời ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc, nói với các quan chức Mỹ sau chuyến thăm tới Bình Nhưỡng rằng Kim Jong Il tuy sụt cân, nhưng xuất hiện "trong tình trạng sức khỏe tốt và đầu óc vẫn sắc sảo".
Nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng ở CHDCND Triều Tiên do lo ngại nếu chính quyền này sụp đổ sẽ gây ra làn sóng người tị nạn và sẽ có nước láng giềng là một Triều Tiên thống nhất và là đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao Hàn Quốc Chun Yung-Woo được trích dẫn trong bức điện tín, nói rằng ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc dần tin rằng CHDCND Triều Tiên có "ít giá trị là quốc gia vùng đệm đối với Trung Quốc" kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Ông Chun cũng cho biết Hàn Quốc tin rằng CHDCND Triều Tiên đã "sụp đổ hoàn toàn về kinh tế" và sẽ "sụp đổ về chính trị" trong 2-3 năm sau khi Kim Jong Il mất.

Tên gọi “sau lưng” của các nhà lãnh đạo
Theo AFP, những tài liệu mà Wikileaks vừa tiết lộ cho thấy chính quyền Mỹ đòi hỏi các nhà ngoại giao của nước này phải tiến hành những hoạt động mà thông thường là công việc của các nhân viên tình báo CIA. Cụ thể, Washington yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ hoạt động tích cực hơn nữa trong vai trò như một điệp viên, thu thập các thông tin cá nhân của những quan chức nước ngoài.
Chẳng hạn, vào tháng 4.2009, Ngoại trưởng Mỹ ký một chỉ thị mật khác, đề nghị các cơ quan đại diện ở nước ngoài chuyển về nước những tin tức chi tiết về một số chính khách của ba nước châu Phi là Congo, Rwanda và Burundi. Đồng thời, Washington cũng quan tâm đến những nhân vật có nhiều triển vọng trở thành lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, thương mại, tình báo... như tình trạng sức khỏe của họ, quan điểm về nước Mỹ, bằng cấp, nguồn gốc sắc tộc, trình độ ngoại ngữ, vân tay, ảnh chân dung, nhận diện qua phân tích ADN, các ảnh chụp quét tròng mắt.
Qua các thông tin động trời mà Wikileaks tiết lộ, giờ đây người ta còn biết được những ngôn từ nhảm nhí mà các nhà ngoại giao Mỹ dùng để nói về những đối thủ truyền thống cũng như về cả những bạn bè thâm giao của Washington.
Hóa ra, trong giới những nhà ngoại giao Mỹ, người ta đã lén gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là “hoàng đế cởi truồng”, còn Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai là “gã hoang tưởng”, Thủ tướng Nga Vladimir Putin là “chúa tể đầu đàn”, Thủ tướng Đức Angela Merkel - “bà ngạo mạn”, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi là “tay hám gái”, còn nhà lãnh đạo Iran Mahmoud Ahmadinejad thì bị các nhà Ngoại giao Mỹ gán cho biệt hiệu “Hitler”.
Còn theo tạp chí Spiegel của Đức, một nhà ngoại giao Mỹ đã miêu tả Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi là "cẩu thả, tự phụ và là một nhà lãnh đạo châu Âu thiếu hiệu quả thời hiện đại"
Điều dễ hiểu là tới đây, tại những cuộc hội đàm thương lượng song phương hoặc tại những bữa tiệc chiêu đãi chung với đại diện Mỹ, thì nụ cười trên khuôn mặt những nhân vật trọng trách của chính giới các nước sẽ khá là gượng gạo.
Nhiều nước đã đưa ra tuyên bố gay gắt phê phán Wikileaks
T.H

------------------------------



.
.
.

No comments:

Post a Comment