Monday, November 1, 2010

TRÍ THỨC CỘNG SẢN (Chu Việt)

Chu Việt
Đăng ngày 01/11/2010 lúc 12:40:16 EDT

Phải nói ngay, “trí thức cộng sản” là một khái niệm tự thân mâu thuẫn. Đã là người trí thức thì không thể là người cộng sản và ngược lại. Trí thức có thể thiên tả như một số giáo sư đại học bên Mỹ hay như J.P. Sartre một thời, nhưng thiên tả không có nghĩa là dấn thân tranh đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, người cộng sản cũng biết suy nghĩ nhưng họ chỉ suy nghĩ một chiều, theo đường lối của đảng và nếu thảng hoặc có ý nghĩ chệch hướng thì không thể nói ra. Bởi vậy “trí thức cộng sản” là một ý niệm không tưởng.

Trí thức ở Việt Nam thường có học vấn hay học vị tương đối cao nên được cộng sản liệt vào thành phần “tiểu tư sản thành thị”, đơn giản là vì có tiền của theo học ở những định chế học đường trung hay cao thường chỉ có ở đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn hay ở ngoại quốc. Thí dụ không hiếm: Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tường Tam, Võ Nguyên Giáp, v.v. Những nhà văn nhà thơ danh tiếng như Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Tô Hoài, Hàn Mặc Tử và sau này như, Chế Lan Viên, Trần Dần, Quang Dũng, những nhạc sĩ, họa sĩ như Văn Cao, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… cũng có thể liệt vào hàng ngũ trí thức, ấy là chưa kể những nhà phê bình như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh.


Học thức dẫu sao cũng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Người trí thức đích thực phải có những phẩm cách khác người. Theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi:
“Thứ nhất, phải có sự tự do trong tư tưởng – đó là một phẩm cách hàng đầu. Bởi vì nếu anh để tư tưởng bị khuất phục bởi một thứ giáo điều nào đấy, thì không bao giờ anh có sự sáng tạo được, và cách nghĩ của anh sẽ méo mó, thiên lệch, thậm chí là thấp hèn.
Thứ hai, là sự độc lập đối với quyền lực. Quyền lực đương nhiên là chúng ta phải tôn trọng, vì quyền lực là đại diện cho chỗ đứng cao nhất của một bộ phận đang điều khiển đất nước. Nhưng phải luôn luôn có một sự độc lập để tỉnh táo nhận biết đâu là chỗ đúng, chỗ sai, để nhận thấy những khiếm khuyết, chỗ nào không khiếm khuyết của xã hội”.

“Con người thường không hoàn hảo, do đó càng đòi hỏi người trí thức phải có sự độc lập suy nghĩ để tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu… Và việc tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu… này để phục vụ lợi ích tối thượng của đất nước, chứ không phải là của những nhóm quyền lực khác. Tóm lại, người trí thức phải đứng ở chỗ đứng khách quan nhất”.


Nhà văn Phạm Thị Hoài, trong bài nói chuyện “Tư cách của trí thức Việt Nam”, bàn về tư cách hay thân phận của những trí thức mà cô cho là “quan văn phò chính thống”. Cô dè dặt không cho ví dụ nhưng ta có thể kể Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Khắc Viện, v.v. như những “quan văn”. Cô giải thích:

“Một người bạn vong niên của tôi ở Hà Nội, ông Nguyễn Kiến Giang, gần đây có đưa ra một khái niệm là ‘tính cách phò chính thống của trí thức Việt Nam’. Tôi thì gọi đó là tư cách quan văn, theo cái mô hình trị nước là một ông vua có thể u mê, có thể anh minh, hai bên tả hữu là quan văn và quan võ. Tôi gọi tư cách chính thống của trí thức Việt Nam này là “tư cách quan văn”.

“Song câu chuyện ‘phò chính thống’, câu chuyện ‘quan văn’ không chỉ dừng lại khi Nho học thất thế. Công bằng mà nói thì ở một giai đoạn ngắn của lịch sử, tức là ở đầu thế kỷ 20 trong cả nước, và từ năm 1954 đến năm 1975 ở miền Nam, đã có một cơ hội để cặp bài trùng trí thức và quyền lực có thể tách nhau ra được, và quả thực cũng có tách nhau ra phần nào. Nhưng đấy là một khoá học tiếc thay rất ngắn, quá ngắn để trí thức Việt Nam vượt ra khỏi cái vòng kiềm toả và tự kiềm toả bằng quyền lực chính trị để trở thành một lực lượng độc lập như giới trí thức ở các xã hội dân chủ hiện đại. Chúng ta có thể coi những vận động cải cách xã hội và dân trí ở Việt Nam đầu thế kỷ XX là độc lập với chính quyền nửa phong kiến nửa thực dân đương thời. Và quả nhiên có một tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ tự do, tức là không ăn lương của nhà nước, không hưởng bổng lộc của chính quyền, không phải là các công chức, viên chức, cán bộ trong bộ máy cai trị, một tầng lớp như vậy quả nhiên là có xuất hiện, điều này cũng lặp lại ở miền Nam trong khoảng thời gian 1954-1975.”

Đúng vậy. Khoảng thập niên 30-40, ở miền Bắc đã có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Khái Hưng, Huy Cận. Và tại miền Nam khoảng thời gian 1954-1975, những Nguyễn Hiến Lê, Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Bình Nguyên Lộc, v.v.

Tuy vậy, nước ta chưa có một giới trí thức (intelligentsia) đúng nghĩa, chỉ có những trí thức cá nhân đơn lẻ nên không tạo được sức mạnh phản biện xã hội mạnh mẽ. Cũng may, gần đây, có nhóm trí thức Bauxite Việt Nam do GS Nguyễn Huệ Chi điều hành và cáng đáng gây được ý thức phản biện đáng kể ở cả trong và ngoài nước. Cứ điểm mặt những trí thức và văn nghệ sĩ trong danh sách biểu đồng tình thì đủ biết. Còn trong nước? Có lẽ chỉ có những blogger mà con số chắc không nhiều.

Người cộng sản thì sao?

Trần Đức Thảo, nhà đấu tranh mác-xít, sau khi qua đời được nhà nước cộng sản vinh danh là “đại trí thức”, trong một chừng mực nào đó cũng có dáng dấp một “quan văn” phò chính thống. Năm 1951, khi đến yết kiến, Hồ Chí Minh bảo ông: “Tôi sợ chú về nước không có đất cắm dùi”. Một lời cảnh báo tiên tri. Quả thật, sở học Mác-xít của ông chỉ được dùng để dạy sinh viên trong một thời gian nhất định. Còn những lãnh đạo Mác-xít chính thống như Trường Chinh chỉ dùng ông để dịch sách. Ông về Việt Nam chính yếu là vì lòng yêu nước, nhưng hăm hở: “Tôi sẽ dạy các anh (chỉ lãnh đạo) thế nào là chủ nghĩa Mác-xít”. Tội nghiệp cho một nhà nghiên cứu triết học uyên bác như ông mà bị truy bức, khiến cuối đời mắc bệnh tâm thần, sang đến Pháp mà nhìn đâu cũng thấy công an!

Người cộng sản chân chính thứ thiệt phải là thợ thuyền vô sản hay nông dân bần cố. Hãy hỏi các quý ông Đỗ Mười hay Lê Đức Anh thì rõ. Cách mạng vô sản ở Việt Nam là một trường hợp nghịch lý, ở chỗ do trí thức lãnh đạo. Vì thế nên mới có lắm “quan văn” phò chính thống. Cách đây ít lâu, tác giả Nguyễn-Khoa Thái Anh có chỉ đích danh ba người mà ông cho là cộng sản “chân chính”: Đặng Thùy Trâm, Tôn Nữ Thị Ninh, và Nguyễn Khoa Điềm. Chỉ có thế thôi ư? Thật ra, đó chỉ là những kẻ lãng mạn. Những người du nhập chủ nghĩa cộng sản vào nước ta, những kẻ chỉ đạo Cải cách Ruộng đất và truy bức Nhân văn Giai phẩm, những kẻ chủ trương xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực, chủ mưu chính sách “học tập cải tạo”, đánh tư sản mại bản, cưỡng bách hợp tác hóa, và kinh tế mới… đó mới là những người cộng sản chân chính. Số còn lại chỉ là những kẻ lãng mạn, những kẻ theo đóm ăn tàn, dù chức vụ hay quân hàm có cao đến đâu, “quan văn” và “quan võ”.


Người cộng sản chân chính bên Trung Quốc phải là Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, và “quan văn” Quách Mạt Nhược. Gốc gác tiểu nông nên Mao không đánh giá cao trí thức mà ông cho là “không có ích bằng cục phân” (khi nói chuyện tại Diên An). Cục phân còn có ích để bón ruộng, còn trí thức thì chỉ ấm ớ phê bình, chẻ sợi tóc làm tư những chuyện không đâu. Sau chiến dịch “Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh” 1956, những con rắn độc trí thức mới ló đầu ra khỏi lỗ, Mao liền khởi động chiến dịch “diệt hữu khuynh”, do Lục Định Nhất chủ mưu “đập cho chúng một trùy vỡ sọ chết tươi”. Do đó, ngoại trừ nhà văn Đinh Linh, còn hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ đều trở thành “quan văn”.

Xã hội cộng sản như Bắc Hàn, Cuba là một xã hội khép kín, không có trí thức. Và nếu có thì đã cao chạy xa bay ra nước ngoài. Việt Nam có một thời cũng như thế (cột đèn biết đi, nó cũng đi). Công an bán bến, ai muốn đi cứ việc chi vàng. Con số thuyền nhân lên tới hàng trăm ngàn: tự do quý hơn mạng sống. Không biết bao nhiêu đã ngủ yên dưới lòng đại dương. May có chương trình ra đi có trật tự nên đã nhiều người được định cư tại nước ngoài. Hiện nay đã có gần 3 triệu người Việt tự do sống khắp trên thế giới, hàng năm gửi về Việt Nam 8, 9 tỷ USD, chính thức và không chính thức.

Những trí thức miền Nam cũ còn kẹt ở lại Việt Nam phần lớn đã chuyển sang làm ăn kiếm tiến, không còn màng gì tới thân phận trí thức của mình nữa. Có muốn làm “quan văn” cũng không ai cho vì chủ nghĩa lý lịch và không phải đảng viên. Việt kiều trí thức ở nước ngoài về muốn đóng góp giúp nước cũng chỉ cho làm chuyên viên kỹ thuật. Một anh bạn tôi, giáo sư kinh tế, được mời về làm cố vấn Ngân hàng Trung ương. Tước hiệu là “Ngài cố vấn”, nhưng công việc chỉ là mở lớp huấn luyện cho cán bộ ngân hàng trung cấp.

Người cộng sản thù rất dai. Hồi kháng chiến chống Pháp, những trí thức bỏ về thành chỉ vì không còn phương tiện sinh sống đều bị coi là Việt gian cho đến tận bây giờ. Nhưng họ vẫn thành tâm với kháng chiến. Về thành họ đều “chùm trăn” không chịu hợp tác với chính quyền Bảo Đại. Trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy cũng vậy. Mặc dầu có sự đóng góp to lớn trong những năm đầu kháng chiến với những bản hùng ca làm nức lòng thanh niên chiến đấu như những bài “Về đồng hoang”, “Nhạc tuổi xanh”, “Thu chiến trường”, “Ngày về”, “Bà mẹ Gio Linh”…, nhưng sau khi ông từ chối những đậc ân của cụ Hồ, tât cả công trình của ông đều bị sổ toẹt, ông trở thành persona non grata, và trong kỷ niệm 50 năm nhạc Việt tuyệt nhiên không có bài nào của ông, coi như nền nhạc Việt Nam chưa bao giờ có tên người nhạc sĩ kháng chiến tên Phạm Duy. Các trí thức về thành giữa cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954 cũng một số phận như thế. Ngay những văn nghệ sĩ ở lại với kháng chiến như Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt cũng bị trù dập cho đến gần cuối đời chì vì trót có phẩm cách và tư duy độc lập của những nhà trí thức. Tập thơ Về Kinh Bắc có điều gì sai trái mà khiến cho Hoàng Cầm bị tù đày? Kiệt xuất và hào hùng như bài “Nhất định thắng” của Trần Dần sao khiến cho nhà thơ phải định tự sát? Ai? Phải, ai chịu trách nhiệm về những tội ác này?

Cách đây ít lâu tôi về thăm Việt Nam. Một số người quen bảo tôi hãy từ bỏ “mặc cảm”. Ô hay, mặc cảm gì? Tôi làm gì có mặc cảm về con đường tôi chọn lựa, mà một phần cũng do hoàn cảnh đưa đẩy? Nhớ, sử gia Trần Quốc Vượng đã có lần than “Ôi, thằng người Việt Nam, làm trí thức Việt Nam biết bao là hệ lụy”. Ông kể chuyện (xem Trong cõi, NXB Trăm Hoa) giáo sư Nguyễn Từ Chi, nhà dân tộc học danh tiếng, chỉ vì kết hôn tự do mà 25 năm sau không bao giờ được ra nước ngoài. Số phận bất hạnh của “quan văn” Việt Nam là thế đó.

Cho nên, phải có sự lựa chọn dứt khoát. Một là cúc cung tận tụy làm “quan văn” ngậm miệng ăn tiền, trên bảo sao thì làm vậy. Hai là phải có đảm lược lên tiếng như người trí thức đích thực, dù hậu quả ra sao.

Không thể có cái gọi là “trí thức cộng sản”.
Chu Việt
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment