Wednesday, November 24, 2010

TỔNG THỐNG NGA CẢNH BÁO NGUY CƠ TRÌ TRỆ DO MỘT ĐẢNG ĐỘC QUYỀN CHÍNH TRỊ (RFI)

Trng Thành   -  RFI
Thứ tư 24 Tháng Mười Một 2010

Ngày hôm qua, 23/11/2010, tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra một thông điệp chưa từng có về nền chính trị nước Nga có nguy cơ rơi vào trì trệ trong tình trạng một đảng độc quyền lãnh đạo. Thông điệp này đã được đưa trên trang blog cá nhân của ông Medvedev, trong đó tổng thống Nga cảnh báo tình trạng các đảng đối lập bị loại ra bên lề.

Thông điệp của tổng thống Nga được cho là gián tiếp nhắm vào đảng cầm quyền tại nước này, đảng Nước Nga Thống nhất.
Ông Medvedev khẳng định : “Tình trạng trì trệ trong đời sống chính trị Nga là rất xấu cho cả đảng cầm quyền, cũng như các đảng đối lập”.
Tổng thống Nga nhấn mạnh : Nếu như các lực lượng chính trị đối lập không có bất cứ cơ hội nào để chiến thắng trong các cuộc bầu cử, sau các nỗ lực chính trực của họ, thì họ sẽ rơi vào suy thoái và bị loại ra bên lề. Ngược lại, nếu như đảng cầm quyền không có nguy cơ bị mất quyền lực, thì chính đảng ấy cũng sẽ bị cằn cỗi và suy thoái, như bất cứ cơ thể sống nào, khi rơi vào trạng thái bất động.

Tuyên bố kể trên đã được đưa ra trước bài phát biểu thường niên rất được trông đợi của tổng thống Nga vào ngày 30/11 tới trước Quốc hội lưỡng viện, trong đó ông Medvedev sẽ đề cập đến các cuộc bầu cử Quốc hội (2011) và tổng thống (2012).

Theo truyền thông Nga, ngày hôm nay, tổng thống Medvedev sẽ nhắc lại lời cảnh báo này.
Đảng Nước Nga Thống Nhất, đảng do thủ tướng Putin đứng đầu, nắm quyền kiểm soát Quốc hội Nga, kể từ sau các cuộc bầu cử 2003. Kể từ đó, đảng Cộng sản là lực lượng chính trị đối lập duy nhất có được các nghị sĩ trong Quốc hội. Có mặt trong Quốc hội còn có nghị sĩ của hai đảng khác, ủng hộ đường lối của đảng cầm quyền.

Xin nhắc lại là đây không phải là lần đầu tiên, tổng thống Nga đưa ra một nhận định mang tính phê phán về đời sống chính trị và kinh tế Nga. Trong một bài báo xuất bản năm 2009, ông Medvedev đã từng phê phán sự trì trệ và tham nhũng tại Nga, nơi ngự trị của một nền kinh tế lạc hậu và một nền chính trị rất thiếu dân chủ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment