Friday, November 26, 2010

TIỀM NĂNG “TRẺ” HƠN NƯỚC MỸ

Tạ Phong Tần
26/11/2010
Bài đã đăng Thời Báo (Canada)


Người ta thường nói đùa với nhau rằng học sinh Mỹ học môn lịch sử nước Mỹ là sướng nhất vì lịch sử nước Mỹ ngắn nhất thế giới. Nếu tính từ thời kỳ từ lúc người Châu Âu chưa khám phá ra Châu Mỹ, thời thuộc địa, thời lập quốc, thời nội chiến… thì nước Mỹ bắt đầu từ năm 1493, cách đây 517 năm. Nếu tính từ ngày Tuyên ngôn thành lập Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ (năm 1776) đến nay thì nước Mỹ có 234 năm tuổi.
Cứ theo thực trạng “trẻ hóa” di tích ở nước ta hiện nay, e rằng người Việt không biết lấy đâu ra bằng chứng chứng minh với thế giới về lịch sử tồn tại mấy ngàn năm của nước Việt. Và nước Việt ta có “tiềm năng” được thế giới coi là “trẻ” hơn nước Mỹ.
---------------------

Giữa năm 2008, dư luận cả nước giật mình sững sốt rồi phẫn nộ khi biết “di tích Văn chỉ Vĩnh Xương, nơi thờ Khổng Tử, đã được thành phố Nha Trang bán đấu giá hơn 23 triệu đồng. Tỉnh Khánh Hòa vừa phải chuộc lại các hiện vật với số tiền trên 220 triệu đồng” bằng tiền ngân sách (VnExpress ngày 18/12/2008).
Thời gian gần đây, báo chí trong nước liên tục đưa tin nhiều di tích lịch sử (đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia lẫn chưa xếp hạng, nhưng “có tuổi” đáng nể) được (hay bị) “trùng tu” bằng cách “trẻ hóa” di tích từ vài trăm năm tuổi đến trở thành 1 tuổi.

Nhiều nhà văn hóa, nhà sử học, nhà báo, nhà văn đã “la làng” khi người ta làm cho di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang niên đại 418 năm trở thành cái “lò gạch” 1 tuổi xấu xí.

Tôi không lạ về việc di tích trở thành “lò gạch”, bởi lẽ ở quê tôi, người ta cũng “trùng tu” kiểu như vậy. Có điều ở vùng đất cực Nam tổ quốc này quá xa xôi nên ít ai chú ý, và các bậc văn nhân, văn hóa quê tôi vì một lẽ gì ấy họ cũng im lặng như không nhìn thấy cái “lò gạch” mới lù lù. “Lò gạch” mới ở quê tôi là tháp Vĩnh Hưng, một “di tích kiến trúc cổ được xây dựng tại ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay”.

Tháp Vĩnh Hưng chưa trùng tu (mặt trước)

Tháp Vĩnh Hưng chưa trùng tu (mặt sau)

Tháp Vĩnh Hưng đã được "trùng tu"


Trang Thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu giới thiệu, “Theo sự khảo sát của các nhà khảo cổ Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, Tháp được xây dựng lên để thờ một vị vua Khmer có tên là Yacovar – Man.
Tháp được xây dựng trên một diện tích hơn 1.000 m2. Bình diện chân tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6 m và 6,9 m, chiều cao của Tháp còn lại 8,2 m (đỉnh Tháp đã bị sập), cửa Tháp quay về hướng Tây. Toàn bộ ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch, chúng được kết dính với nhau bằng một loại keo (có giả thuyết cho rằng keo này được làm từ thực vật).
Những lần khảo sát và thăm dò các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và những tượng đồng – đặc biệt có tượng bốn mặt. Nhưng lý thú hơn cả là lần khai quật gần đây nhất (3/2002) các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng đồng đặc biệt quí hiếm, bên cạnh đó còn có những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn. Mặc dù chưa công bố kết quả nhưng những bức tượng ấy các bạn khó tìm thấy ở đâu đó được cho dù trong những quyển sách nói về tượng cổ.
Di tích này đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa vào năm 1992 và dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được bắt đầu thực hiện. Dự án ấy đã được mở đầu bằng cuộc khai quật đầu năm 2002 và sẽ kết thúc dự án bằng phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến Tháp cổ này”.

Viết rành rành như thế, nhưng nhìn hình tháp đã trùng tu mới thấy “tá hỏa tam tinh”, không thể hiểu nổi người ta căn cứ vào đâu mà đem cái khung bê-tông cốt thép hình chữ nhật to đùng ấn vào giữa lòng tháp, trên nóc tháp cũng là một tấm bê-tông đúc. Còn gạch nung trùng tu là loại gạch mới, gắn dính với nhau bằng xi-măng, hoàn toàn không hài hòa với kết cấu cũ của tháp, các cạnh tháp thì bị “gọt” trở thành “vuông vức, bén ngót”. Cây cỏ, rêu phong tạo nên vẻ cổ kính của tháp cũng biến mất luôn. Vẻ hoang sơ, huyền bí mang tính tâm linh của tháp Vĩnh Hưng giờ đây đã đi vào dĩ vãng.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi tưởng chừng như khá hơn vì sự có mặt rất nhiều vị quan chức mang đầy người học hàm Giáo sư, Tiến sĩ thường xuyên “đi ra đi vào” coi ngó, nhưng xem ra số phận các di tích ở Hà Nội không kém phần “bi đát”.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nêu lên thực trạng trùng tu các chùa Thiên Phúc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), chùa Hội Xá (Long Biên, Hà Nội) làm các chùa này “tách khỏi mặt đất, xây cao tầng”, từ “vốn dĩ phải hòa với thiên nhiên, vũ trụ mà nay được xây thành nhà tầng chỉ đạt một mục đích duy nhất là lễ bái, dù đây chỉ là một phạm trù trong văn hóa”.

Hay việc tu bổ khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) biến cầu Bạch bằng gỗ thành cầu đá. Các đền đài, lăng tẩm triều Lê bị tu bổ bằng các vật liệu xây dựng mới, “việc xây thêm nhiều kiến trúc mới không chính xác với lịch sử đã làm biến dạng, mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích. Đình Yên Phụ – ngôi đình   cổ duy nhất ở Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 đã trở thành ngôi đình “một tuổi” sau khi tu bổ”.

Thanh Niên ngày 09/11/2010 cho hay: “Dự án tu bổ, tôn tạo hai di tích tượng đài vua Lê Thái Tổ và đình Nam Hương hoàn thành vào tháng 10.2009. Nhiều nhà nghiên cứu và du khách đã vô cùng sửng sốt khi nhận ra những chuyện lạ trong việc trùng tu – tôn tạo tại đây.

Nhiều kiểu kiến trúc mới được đưa vào khu di tích đình Nam Hương. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai con rồng bò ngược vừa được xây mới trên cầu thang dẫn lên đình và tường ngôi đình. Không chỉ có vậy, ông cảm thấy rất “chướng mắt” về việc để kiểu đèn đá sân vườn (theo kiểu Nhật Bản) trong khu di tích đình Nam Hương. “Trông rất thô kệch, xấu xí”. Ông Kiên nói thêm: “Hơn 20 năm làm trùng tu di tích, tôi chưa bao giờ thấy rồng bò ngược từ dưới lên như ở đây. Còn ông rồng ôm góc tường thì tôi chưa từng thấy bao giờ ở mọi di tích cổ”.

Báo Thanh Niên (ngày 08/11/2010) bình luận: “Nhưng phong trào tôn tạo di tích  diễn ra ở khắp nơi, hàng loạt các di tích đã, đang và sẽ bị biến dạng với cách làm thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm”.

Luật Di sản văn hóa sửa đổi (có hiệu lực từ 01/01/2010) “quy định phải có quy chế riêng cho việc tu bổ di tích, tránh được những bất cập hiện tại, như việc giám sát phải diễn ra liên tục chứ không thể chờ hậu kiểm, những người tham gia trùng tu di tích phải có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp”. Tuy nhiên, Luật có hiệu lực cũng chưa đi vào thực hiện được vì phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Ngày 21/9/2010 Chính phủ mới ban hành Nghị định 98/2010/NĐ-CP “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa”, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 11 năm 2010.

Việc trùng tu ồ ạt hàng loạt công trình phải cố gắng hoàn thành trước dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (10/2010), chẳng biết sau khi Nghị định có hiệu lực thì nước ta có còn di tích nào quý để mà trùng tu?

Người ta thường nói đùa với nhau rằng học sinh Mỹ học môn lịch sử nước Mỹ là sướng nhất vì lịch sử nước Mỹ ngắn nhất thế giới. Nếu tính từ thời kỳ từ lúc người Châu Âu chưa khám phá ra Châu Mỹ, thời thuộc địa, thời lập quốc, thời nội chiến… thì nước Mỹ bắt đầu từ năm 1493, cách đây 517 năm. Nếu tính từ ngày Tuyên ngôn thành lập Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ (năm 1776) đến nay thì nước Mỹ có 234 năm tuổi.
Cứ theo thực trạng “trẻ hóa” di tích ở nước ta hiện nay, e rằng người Việt không biết lấy đâu ra bằng chứng chứng minh với thế giới về lịch sử tồn tại mấy ngàn năm của nước Việt. Và nước Việt ta có “tiềm năng” được thế giới coi là “trẻ” hơn nước Mỹ.

Tạ Phong Tần
.
.

No comments:

Post a Comment