Thursday, November 25, 2010

THANKSGIVING 2010 : TẠ ƠN NƯỚC MỸ CÁCH NÀO ?

(11/25/2010)

Thực tình mà nói đối với người Việt Nam, ngày Lễ Tạ Ơn là một dịp để chúng ta nhớ lại một quá khứ hầu tri ân những gì mà chúng ta được thừa hưởng từ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai của thế hệ người Việt Nam kế tiếp. Có người Việt Nam cho tới bây giờ vẫn còn hận chuyện chính phủ Hoa Kỳ quay lưng lại với đồng minh VNCH khiến cho ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm trở thành một thảm kịch cho hàng chục triệu dân Miền Nam Việt Nam nên cũng đã có người nói chẳng có gì đáng phải tri ân nước Mỹ. Nhưng nhiều người khác cho rằng nghĩ như thế thì cũng hơi quá đáng. Chỉ nội việc dân chúng Hoa Kỳ chấp nhận cho chúng ta, những nạn nhân của Cộng sản, dung thân và dần dà trở thành công dân của xứ sở này cũng khiến cho chúng ta phải mang ơn rồi, huống chi khi sống ở đất nước này chúng ta còn được hưởng cái quí giá nhất là một nền dân chủ, tự do mẫu mực cho cả thế giới.

Thời gian sau biến cố Tháng Tư Đen là một cuộc đổi đời đầy cay đắng. Chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt cho sự thất trận, cho việc bỏ nước ra đi bằng những phương tiện hiểm nghèo mười phần chết chỉ có một phần sống mà thôi, cho việc phải đối phó với một đời sống gay gắt khi định cư ở Hoa Kỳ. Dù bất cứ đến Mỹ từ ngồn gốc nào, từ vượt biển, HO, hay ra đi trong vòng trật tự do người ruột thịt bảo lãnh, không ai là không trải qua những thời kỳ khó khăn khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ.

Nói tóm lại cái bối cảnh chân ướt chân ráo có lẽ là bối cảnh chung của đủ mọi sắc dân khi họ đến định cư tại Hoa Kỳ từ những thế kỷ trước cho đến bây giờ. Lễ Tạ Ơn có nguồn gốc từ những người hoạn nạn đi tìm đất để khẩn hoang, nghĩa là những người nhập cư từ một vùng đất khác tới đây. Câu chuyện về ngày lễ này cũng có lịch sử của nó và được truyền lại cho những thế hệ sau bằng nhiều cách kể lể khác nhau, nhưng chung qui đều dựa trên căn bản là một ngày lễ để Tạ Ơn đấng thiêng đã phò trợ để một công việc nào đó thành công.

Người Mỹ gốc Việt Nam trong những năm đầu hình thành cộng đồng chưa quen với ngày lễ này lắm, nhưng sau thời gian hội nhập thì họ bắt đầu nhận ra cái ý nghĩa vô cùng sâu sắc của Lễ Tạ Ơn trong tháng 11 hàng năm so với hoàn cảnh của họ. Ngay cả sự thành công cũng có những cách nhìn đổi thay tùy theo năm tháng. Chẳng hạn như cách đây khoảng 15 năm, những người cũng thuộc diện “chân ướt chân ráo” tới Mỹ thường được coi là thành công nếu sau đó họ trở thành chủ chợ, chủ những trung tâm mua bán, chủ các nhà hàng lớn, những cơ xưởng, có con cái học hành thành đạt những học vị cao hoặc vào làm với chính quyền tiểu bang hoặc liên bang ở thượng tầng, trong quân đội Mỹ hoặc con cái trở thành những dân cử gốc Việt, dấu hiệu rõ rệt nhất về sự hội nhập với dòng chính.

Theo thời gian, tình hình xã hội cũng có những thay đổi nên cách nhìn sự thành công của một người nhập cư gốc Việt cũng có những đổi thay. Họ được kể là thành công nếu như họ trở thành những công dân tốt của đất nước mình dung thân, nuôi dạy con cái nên người và có giáo dục, chọn lựa và giữ gìn được những cái tốt của nền văn hóa Việt Nam.

Riêng trong ngành truyền thông và báo chí tại hải ngoại, chúng ta có nhiều điều để nói đến chuyện tri ân nước Mỹ và tri ân đến những người làm công việc khai phá ngành truyền thanh, truyền hình và báo chí Việt ngữ tại hải ngoại. Nhưng trên hết, chúng ta phải bày tỏ lòng tri ân với cuộc tranh đấu của nhiều nhà hoạt động Mỹ để hình thành được Đệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp, một luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận của con người. Sau đó là đến những cuộc tranh đấu, và trong nhiều trường hợp đổ máu, để gìn giữ và phát triển nền tự do này. Kế đến là những nhà hoạt động dân quyền Hoa Kỳ và trong đó hẳn phải kể Tiến sĩ Martin Luther King Jr. người đã can đảm và kiên nhẫn tranh đấu cho quyền bình đẳng mầu da, điều đã mang đến sự bảo vệ chung cho những người nhập cư không phải gốc Âu châu.

Tiếp đến, chúng tôi muốn nói tời báo chí Việt ngữ là ngành mà chúng tôi đang hoạt động ở Hoa Kỳ. Ở khoản này, tôi muốn nhấn mạnh đến ân nhân của ngành báo chí Việt ngữ là tác giả bộ chữ VNI. Không có bộ chữ này thì ngày nay báo chí Việt ngữ ở Mỹ cũng vẫn còn phải đánh dấu bằng tay. Phải nói một cách thẳng thắn rằng bộ chữ VNI giữ một yếu tố quyết định trong việc phát triển ngành báo Việt ngữ ở Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung.

Sau cùng, chúng ta cần phải nói lời tri ân đến những độc giả cho đến nay vẫn còn đọc báo Việt ngữ, vẫn còn xem truyền hình, nghe truyền thanh Việt ngữ và những trung tâm đang miệt mài dạy ngôn ngữ Việt cho thế hệ thứ hai và sẽ tới thế hệ kế tiếp. Việc giữ gìn Việt ngữ ảnh hưởng rất nhiều đến báo chí Việt ngữ ở Mỹ cũng như ở hải ngoại nói chung.

Một người phải bỏ vùng đất quê hương gốc của mình sang sống tại một vùng đất khác họ phải đương đầu với cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng. Mồ hôi, nước mắt, cay đắng, sức lao động phải bỏ ra, phải trải qua là chuyện đã đành. Nhưng trên hết là họ phải giữ được niềm tin để gạt bỏ những điều cũ không còn thích hợp với vùng đất mới và chấp nhận những đổi thay của cuộc sống để bước vào cuộc sống mới trong nền văn hóa mới nhiều khi đối chọi với văn hóa gốc của mình.

Trong 35 năm qua, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đã phải tranh đấu rất gắt gao với chính mình để hiểu, để thông cảm và để chấp nhận rằng ngày nay Hoa Kỳ không còn phải là đồng minh của chúng ta mà Hoa Kỳ hiện nay chính là đất nước của chúng ta.

Những ai chấp nhận cách nhìn đất nước Mỹ như đã trình bày ở trên sẽ thấy Lễ Tạ Ơn, tức Thanksgiving Day mang ý nghĩa rất sâu sắc cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt chúng ta. Bởi thế chúng ta tạ ơn nước Mỹ bằng cách góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. (V.A)
.
.
.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-11-25

Thanksgiving được dịch sang tiếng Việt là Ngày lễ Tạ Ơn, được tổ chức tại Hoa Kỳ vào ngày thứ 5 của tuần lễ cuối tháng 11 và kéo dài qua đến thứ hai tuần sau.
Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, theo truyền thống của người Mỹ. Theo thói quen, đây là dịp gia đình sum họp, nghỉ ngơi và mua sắm nhộn nhịp.
Dịp này, mọi người cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Ơn Trên, đất nước và những ai từng giúp đỡ, cưu mang mình trong cuộc sống tâm linh và vật chất.

Dịp này, Ban Việt Ngữ chúng tôi đã ghi lại tâm tư, nguyện ước của một số người Việt định cư tại Hoa Kỳ, khi bước vào mùa lễ Tạ Ơn, xin mời anh Đỗ Hiếu.

Tạ ơn đời, tạ ơn người

Một nhà dân chủ, một nhân vật bất đồng chính kiến từng bị sách nhiễu, canh chừng, quản chế nay được định cư tại Texas, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Chính Kết nói lên những suy nghĩ của mình trong dịp lễ Tạ Ơn, để tạ ơn đời, tạ ơn người:
“Trước hết, tôi cũng cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã đón nhận tôi và cũng đã cưu mang vô số người Việt Nam, họ đã tìm được tự do. Nói chung, nhân lễ Tạ Ơn, tôi nhớ tới mọi người để tỏ lòng tri ân đối với họ.”

Kế đó, ông Lê Hữu Phúc, một cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, từng phục vụ các đơn vị Biệt Động Quân trước năm 1975, chia sẽ cảm nghĩ của ông, qua câu chuyện với RFA:
“Chúng ta tạ ơn Thượng Đế đã sắp đặt cho những gì chúng ta đã có, cám ơn mọi người cho chúng ta cơ hội gặp nhau, biết nhau, làm bạn với nhau. Xin cám ơn tất cả những gì đã xảy đến trong cuộc đời dù tốt hay xấu, vì mỗi cái đều có ý nghĩa riêng của nó. Trong dịp lễ này, trước hết chúng tôi dùng đoàn tụ gia đình, có những người bạn bè thân với nhau, nhóm làm việc với nhau.”

Tri ân Hoa Kỳ

Từ bang Oklahoma, Hoa Kỳ, ông Doan Đặng, một người cầm bút, sau tháng 4 năm ,1975 đã bị giam cầm hàng chục năm ròng rã trong các trại lao động khổ sai dưới chế độ cộng sản, hướng tâm tư mình đến những người mà mình biết ơn:
“Từng làm công tác truyền thanh trước năm 1975, sau 13 năm trong các trại tù, mà ngày hôm nay tôi được đứng trên đất nước này, trong khi rất nhiều bạn bè, kể cả các chiến hữu, đồng bạn với chúng tôi đã nằm xuống trong trại tù, đã bỏ xác ngoài biển cả.
Cho tới hơn 30 năm nay, tôi vẫn còn sống và hít thở được không khí tự do, thì nhân ngày lễ Tạ Ơn này, nhờ Trời, Phật, Chúa. Tôi cũng cám ơn đất nước này đã cưu mang cho mình hình hài này, đã cưu mang cho tất cả những người còn sống sót sau biến cố khủng khiếp nhất của năm 1975 tại quê hương Việt Nam. Hiện còn rất nhiều người Việt ở quê hương đang chịu những bức bách, khổ cực. Nhờ đất nước Hoa Kỳ mà mình có được sự thành đạt hôm nay.”

Không quên Việt Nam

Ông cũng nói lên sự mong ước đối với quê hương, đất nước Việt Nam:
“Tôi cầu xin sự an bình cho tất cả mọi người còn đang phải sống trong cảnh khổ cực ở Việt Nam, trong đó có những bạn bè của chúng ta. Nhân ngày lễ này, tôi cũng cầu nguyện cho đất nước được thật sự và hoàn toàn tự do, chứ không chỉ có tự do trên ngôn từ.”

Một nữ công nhân xuất khẩu lao động từ Lào Cai sang Jordan làm việc, đã cùng hàng trăm bạn đồng cảnh khác gánh chịu bao cảnh áp bức, ngược đãi, đàn áp, rồi may mắn được thoát qua Thái Lan, sau đó đến Mỹ định cư hồi tháng 7 năm nay, nói về những cảm nhận của mình, khi sống trên một đất nước tự do thật sự:
“Phương Anh sống từ nhỏ ở Việt Nam nên chưa chứng kiến lễ Tạ Ơn như thế nào, nay được sống ở Hoa Kỳ, cảm thấy vui mừng, ngày này rất thiêng liêng. Phương Anh muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình. Cũng xin biết ơn CAMSA, BPSOS đã giải cứu Phương Anh khỏi bàn tay của cộng sản. Cám ơn đất nước và chánh phủ Hoa Kỳ đã giúp đỡ Phương Anh hội nhập vào cuộc sống hôm nay.”

Dịp này, cô cũng nhớ đến đất nước của mình với một niềm ước mơ:
“Nhân ngày tạ ơn này, mình phải biết ơn trên, biết những người đã giúp đỡ cho mình, trong những thời gian mình gặp khó khăn nhất, biết ơn những hàng xóm, những người đã cưu mang mình. Biết ơn Thượng Đế đã cho mình nơi ăn, chốn ở, thức ăn, thức uống.”

Theo tài liệu lịch sử được lưu truyền thì Lễ Tạ Ơn lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực thuộc địa Plymouth, Massachussets vào năm 1621, cũng có sử sách nói rằng lễ Tạ Ơn sớm nhất diễn ra ngày mồng 8 tháng 9 năm 1565 tại khu vực, ngày nay mang tên là Saint Augustine, bang Florida.
Lễ Tạ Ơn ở Mỹ thường được tổ chức trong khung cảnh gia đình đầm ấm, khác với những ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ hay lễ Giáng Sinh, là dịp mừng lễ hội công cộng, với những cuộc diễn hành, tranh tài bóng đá, xem lễ, đốt pháo bông, trình diễn ca nhạc.
Theo truyền thống từ ngày xưa, trong dịp lễ Tạ Ơn người Mỹ thường dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn với món gà tây nướng là chính và không thể nào thiếu vắng trong mọi gia đình, khắp cả nước dù là nghèo khó hay giàu sang.
Thanksgiving cũng được long trọng tổ chức tại Canada, lễ này được tổ chức vào ngày thứ hai, tuần thứ hai của tháng 10.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment