Friday, November 26, 2010

TẢN MẠN 8 : "ÔI NGHÌN NĂM THĂNG LONG" (Nhiếp Vĩnh Trang)


Văn hoá “CƯỜNG ĐIỆU – ĐÁNH BÓNG”!

Nhà nước chỉ thị cho thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỉ niệm thủ đô 1000 năm tuổi trong 10 ngày, từ mùng Một đến mùng Mười tháng Mười, năm 2010 (10.10.10) với những việc trên bề nổi gồm: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, chỉnh trang bộ mặt thành phố rồi tổ chức ngày hội. Ấn tượng nhất  của công việc này phải kể : Sử dụng công nghệ cao cho việc chăng đèn, kết hoa, làm các panô điện tử. Việc dọn dẹp rác rưởi trên phố bao gồm cả rác bẩn lẫn “rác… người”, riêng “rác trời” (1) thì bó tay). Mở cửa bảo tàng Hoàng thành Thăng long, bắn pháo hoa, duyệt binh, tuần hành v.v và v.v…
Theo báo chí “lề phải” – Đại lễ Nghìn Năm Thăng Long (ĐLNNTL) đã “thành công mĩ mãn, kết thúc tốt đẹp”. Người dân HN tự hỏi: Bầy ra việc tôn vinh thủ đô kiểu này làm gì để tốn kém hàng chục nghìn tỉ đồng, mất thời gian, chết người… trong khi có thể thay thế bằng cách khác hiệu qủa hơn, chi phí chỉ bằng 1%: Xuất bản văn hoá phẩm, sản xuất phim ảnh, truyền hình, (thêm trang, thêm tiền nhuận bút) cho báo viết, báo nói, báo mạng và những hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác trên phạm vi cả nước để toàn dân cùng “tự hào về cái nôi nghìn năm văn hiến”. Thế nhưng đáng tiếc: Bộ sậu của ông Nguyễn Thế Thảo – được lệnh chọn phương án Đại lễ tốn tiền công qũy? Tại sao vậy?
Tôi đem thắc mắc nói với ông bạn cũng là cán bộ nằm trong Ban tổ chức ĐLNNTL. Ông kia mỉm cười, nháy mắt, buông câu tỉnh bơ – bằng cách nhấm nhẳn đọc mấy câu thơ: “Thớt có tanh tao, ruồi mới đậu / Ông thầy ăn một, bà cốt ăn… mười”!

Vậy thì hết nói rồi!

Đây là loại văn hoá cường điệu – đánh bóng, thường xẩy ra trong qúa khứ – hồi những năm sáu mươi, bẩy mươi. Loại văn hóa này, lúc đó, những người tổ chức chẳng được gì, vì lúc đó (thời XHCN), tư duy con buôn, “tư bản đỏ” chưa được du nhập, ngấm vào máu của các loại cán bộ có chức quyền. Còn bây giờ, thời thế đã lật ngược 180 độ – thời “kinh tế thị trường có định hướng XHCN” đã khác xa. Chủ đầu tư (A) phải thuê chủ thầu khoán (B) làm những việc cần khoán. Theo lệ bất thành văn nhưng được bên B thực hiện nghiêm chỉnh: Ký xong hợp đồng thi công (làm) xong – ngay tắp lự: Xùy ra từ 10 đến 20% trên tổng dự toán, lót tay cho A để “lại qủa”. Điền đó trả lời câu hỏi: Tại sao ông Nguyễn Thế Thảo và Sếp trên cao của ông  lại chọn cách tiêu tiền vô tội vạ cho một việc làm chưa chết ai, chưa cần thiết vào lúc này!…
Đối với đa số cư dân HN và những người quan tâm đến danh tiếng của thủ đô Nghìn năm Văn hiến – chỉ lắc đầu, thở dài thườn thượt, rồi nhắc lại câu thơ trong bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan, với tâm trạng buồn bực: “Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường”…
Cánh xe ôm, đánh giầy và dân gánh hàng rong, trộm vặt đường phố thì ngậm ngùi rên rỉ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Hà Nôi ơi Hà NộiÔi Nghìn Năm Thăng long” (2), tuồng như luyến tiếc một cái gì đó, than thân trách phận,  giống như bị tên trộm siêu việt móc mất… “ví tiền còm” .

Mọi chuyện đều có nguồn gốc, nguyên nhân!

Thứ nhất:
Tiếng chuông ĐLNNTL được bộ sậu của Bí thư Phạm Quang Nghị và Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo – chủ tịch UBND Thành phố – gióng lên ngay từ khi mới nhậm chức. Ban bệ ĐLNNTL được thành lập và triển khai nhiều việc nhằm làm cho đại lễ thật hoành tráng. Chỉ kể vài ba việc trên bề nổi, (chứ ở bề sâu… thì chịu):
Cùng với những “việc vặt”, trước tiên cho làm bộ phim Lý Công Uẩn nhằm vinh danh người đã khai sáng ra vùng đất thiêng rồi đặt tên cho nó là Kinh đô Thăng long. Thế là “Cha con nhà” Điện ảnh Việt Nam như vớ được vàng, xúm sít hăm hở vào cuộc với tâm thức phải làm một bộ phim thật hoành tráng, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nền điện ảnh cách mạng VN: Làm ra sản phẩm tinh thần hay, chất lượng cao để “cúng cụ”.
Muốn vậy, kế hoạch phải do chính Giám đốc hãng phim Truyện khởi thảo, rồi phải chọn 2 tổng đạo diễn  (nhưng sau, té ra là 3 vì không thể không có giám đốc – đạo diễn, dây máu ăn phần). Cuối cùng lập ra được bản tổng khái toán 200 tỉ (thời đó hơn 10 triệu USD).
- Sao lại chọn phương án làm phim tốn tiền thế?
- Ồi! Hỏi ngớ ngẩn thế! Kinh phí càng nhiều thì “lại qủa” cho “trên”càng lớn, họ sẽ ủng hộ hết mình – theo tỉ lệ thuận. Thế mà cũng không hiểu!
 (đây mới chỉ là TKT thôi. Nếu quyết toán , theo truyền thống của nước VN XHCN – sẽ gấp rưỡi, gấp đôi).  
Cuộc chạy đua làm phim khá ngoạn mục. Nhiều kịch bản chọn – ghép vào lấy 1, nhiều phương án  thực hiện cảnh quay, trang phục, phương tiện… cuối cùng đối chiếu với khả năn g của ĐAVN: Không có cơ sở vật chất làm phim, không thể tiêu hết 10 triệu đô la.
- Khó gì, đi sang Trung Quốc thuê phim trường, đạo cụ.
- Ừ đúng!
Thế là cha con kéo nhau sang tham quan phim trường Hoành Điếm vì ở đó có đầy đủ tất cả mọi thứ để làm một bộ phim có kinh phí 200 tỉ .
Sau chuyến đi thăm dò, chọn cảnh trở về, học cách quảng cáo của những nhà kinh doanh điện ảnh tư bản: Chụp một số ảnh đại cảnh , dinh thự, đền đài, ngựa xe, cho người đóng phim mặc trang phục (Những thứ này là đạo cụ của trường quay HĐ, dành cho giới làm phim TQ, cho diễn viên, con người và chuyện phim của TQ). Không may cho cha con nhà ĐAVN – Không “xin ý kiến” giới Sử học khiến họ tự ái. “Coi chúng ông như rơm rác à? Ôm một đống tiền mà hành xử như thế à…”?
Nhà sử học có vai vế – Lê Văn Lan lên tiếng, vạch ra những bất cập trong việc dựng cảnh, trang phục cho diễn viên đóng những vai tái hiện thời đại vương triều Lý cách đây 1000 năm trước… Thế là như gãi đúng chỗ ngứa: Những người đang và sắp bị “móc túi” nổi đoá dùng thứ ngôn ngữ dân dã cả trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn đời thường – chê, lên án!!!…
 Bên chủ quản giật mình, vì chuyện đã không còn khống chế được đành vội xì – tốp dự án làm phim – sản phẩm cúng cụ. Đúng là – “Trai cò cắn nhau- “dân (ngư) ông” (chủ nhân ông) đắc lợi vì suýt mất oan thêm 200 tỉ! Đĩa mật ngọt qúa thơm nên ruồi nhặng kéo đến kiếm chác… rồi tức nhau dẫn đến tranh giành… “đánh nhau” chí choé khiến Mật và chất thải của ruồi nhặng vung vãi trong không gian làm dân cư khó ngửi. Kết qủa là – ông Nghi, ông Thảo ngại điều ong tiếng ve , ra lệnh STOP dự án. Chẳng cúng thì đừng. Chưa làm đã tranh giành nhau… Rách việc.
Câu chuyện làm phim cúng cụ (CC) này còn có vĩ thanh ngoạn mục hơn: Một lái buôn cò con, vô Điện Ảnh – Giám đốc công ty truyền thông có danh xưng hợi bị…dài, vững – Trường Thành (hay Thanh) , định dựa vào nền điện ảnh khác có thế,  có tiền, có trình độ tay nghề cao – nhẩy vào làm thay “cha con” ĐAVN để chứng minh khả năng mình. Nếu làm được là gián tiếp chê ĐAVN nhằm gặt hái danh tiếng, làm nền cho việc đòi tư nhân hóa nền ĐA XHCN. Họ lặng lẽ sang nhờ “quan thầy”, dấm dúi với “quan ta”, làm một bộ phim Cúng Cụ khác. Đáng tiếc cho “cha con” Điện ảnh Trường Thành (ĐATT): Bộ phim sặc mùi Tầu, là của Tầu, … Chỉ mới vừa hé ra, nó đã chết đứ đừ bởi dư luận của nhân dân VN và ngay lập tức: Cha con ĐAVN được dịp trả thù: “Ông mà không được làm, không “dây máu để ăn phần”, thì… không thằng nào làm được”!
Chẳng biết cuộc đi đêm giữa báo chí với ĐAVN ra sao mà ngay sau khi các hình ảnh bộ phim của ĐATT lên báo, nhiều trang văn hóa của các báo đăng tải các bài viết chê bộ phim kia cùng các ý kiến phản bác… Trong tình thế này, khi nhà cầm quyền TQ đang “đè đầu cưỡi cổ” các lãnh tụ ta, “bố thằng nào” dám cho chiếu bộ phim Lý Công Uẩn – đường dẫn tới thành Thăng Long – trên đất Việt. Trừ phi, “Xếp” lớn bị sức ép… bị (dạng như tống tiền) nên tặc lưỡi: “Không thể không chiếu” – giống như ông phó TT NSH trên diễn đàn Quốc hội , truyền đạt lại ý trên, khẳng định: “Không thể không làm Đường sắt cao tốc”. Cũng còn may là chưa tới hoàn cảnh, tình trạng “liều” cho chiếu phim “rồi muốn ra sao thì ra”.

Chuyện thứ hai:
Sau nhiều năm đào bới xới lộn trên mảnh đất nằm trong quần thể HTTL xưa, các nhà Sử học nước nhà (lại họ) tuyên bố với dư luận – cả trong lẫn ngoài nước về công trình mà họ vừa khai quật: Nào là dưới đất sâu (người xem chứng khiến bằng mắt thịt so với một mô đất còn giữ lại -  khoảng hơn 2 mét) – di chỉ của các vương triều kế tiếp nhà Lý – nằm chồng đè lên nhau. Nào là có rất nhiều di vật (hình như mười mấy nghìn) từ các triều đại nằm lẫn trong đất, vương vãi khắp nơi, dù đó chỉ là những mảnh gạch ngói vụn…
Ông Viện trưởng viện sử học VN Phan Huy Lê xuất hiện trên nhiều diễn đàn công bô, quảng bá. Điều gây ấn tượng nhất cho người chứng kiến là: Ông Phan có cái miệng rất tươi, tươi đến độ từ khi chưa há ra đến khi thuyết trình tràng giang đại hải – miệng ông vẫn cười. Cái miệng ông thể hiện đầy đủ các loại cười : Cười ruồi, cười mỉm, cười ý nhị, cười sảng khoái, cười thoải mái… Cái miệng của nhà đứng đầu ngành sử học VN khi nói đã truyền cảm cho người nghe sự vui mừng, củng cố cho họ niềm tin, vì nhà Sử học, đồng nghĩa với nguyên tắc: Chân thực, cẩn thận, khoa học và chính xác, cho dù bị chém đầu cũng không bóp méo sự thật, lẩn tránh sự thật.
- Đó là chuyện những nhà chép Sử ở TQ thời xa xưa. Còn hôm nay, người chép SửViệt Nam hành nghề khó lắm… sao bằng người xưa được.
- Ông Viện trưởng cười thì đã sao, hại gì đến ai?
- Hại chứ!
Nếu ông Phan không cười, hay ít ra khi truyền tải một thông tin có tính nghiêm túc trong một vấn đề đòi hỏi tính Sự Thật cao, thì sự hứng khởi của dân Việt chưa bốc lên, có lẽ họ sẽ bớt nổi… xung hơn. Bởi vì sau khi đến xem tại hiện trường vô cùng hoành tráng – trên khu đất rộng mấy hecta, được dựng cột kèo sắt, lợp tôn che mưa nắng: Chẳng có cái gì ngoài bãi đất hoang trộn lẫn gạch ngói vụn!
Đi mãi… đi mãi – mới thấy có một cái giếng nông chèo choẹn, được quây lại. Dường như các nhà Sử học VN cho rằng đây là di tích của Nghìn năm Thăng long – của vương triều nhà Lý . Người xem chú ý: Thành giếng tròn xếp gạch giống như mọi cái giếng của dân ta đang được dùng ở nông thôn thời nay. Cũng có ít ảnh chụp, phóng to treo trong gian trưng bầy. Còn thì – hết!
- Tốt nhất bạn hãy thực mục sở thị, hay đến tận nơi mà chiêm ngưỡng , sẽ rõ ngay. Bãi đất còn đây, các nhà Sử học Việt Nam còn đó!
Chuyện Di Chỉ Nghìn Năm Thăng Long hình như cũng hao hao… gần giống công trình của “nhóm nhà khoa học VN”: Phát hiện ra hạt thóc 4 nghìn năm rồi rùm beng công bố tin, bài, ảnh chụp… rồi đưa sang Nhật xét nghiệm. Đến nay, tin đó không thấy báo (lề phải) khai thác. Không thấy công bố cho dư luận trong và ngoài nước biết: Hạt thóc đó là hạt thóc nào? Tồn tại mấy nghìn năm, mấy trăm năm, hay chỉ mới được con chim ăn vào bụng, do tiêu hóa của nó tồi – nên ỉa ra cả… thóc ? Hay chỉ mới rơi xuống, xuất hiện ít ngày, ít tháng, NKHVN tình cờ nhặt được và lu loa lên!
Từ việc xem bảo tàng Hoàng thành Thăng long, mọi người liên tưởng, nhẩm, ước tính: Tiền hì hục đào bới mấy năm, tiền chi cho bộ máy khảo cổ, tiền tuyên truyền, tiền làm nhà che bãi đất, tiền… và tiền… có dễ cũng đến dăm ba trăm tỉ!

Tiếp theo đó…

Rồi thì quyét vôi, trang điểm nhà mặt tiền, đào gạch lát đá vỉa hè hồ Hoàn Kiếm, (định) làm 5 cổng chào mỗi cái 50 tỉ v.v và v.v . Có một việc quan trọng khác nếu thực hiện sẽ ngốn hàng chục nghìn tỉ: Dời trung tâm hành chính quốc gia về chân núi Ba vì và làm Trục đường Thăng Long… Cứ tưởng đây là việc lớn chỉ có trí thức, nhà khoa học hay quan chức cao cấp mới hiểu và lĩnh hội được ý tứ sâu xa của quyết định này. Ai ngờ, khi ngồi trên xe ôm, một người đàn ông vốn là chiến binh ở thành cổ Quảng Trị, về hưu kiếm cơm bằng chạy xe ôm, nghe tôi khoe, bác ta lỏng tay ga cho xe chậm lại, tiếp chuyện: Chúng nó lừa, bịp cả đấy. “Thằng” quan lớn nào cũng có hàng chục hecta đất, cơ ngơi, biệt thự nằm ở khu vực này. Chúng nó chia nhau hoặc mua với gía rẻ mạt. Bây giờ vẽ ra dự án, nếu hai công trình đó triển khai thực hiện, giá đất ở đây sẽ tăng chóng mặt – hàng trăm, hang nghìn lần”.
- Nếu vậy, ai sẽ là người gặt hái trên bãi vàng này?
- Chắc chắn KTS Nguyễn Thế Thảo, Bí thư Phạm Quang Nghị  và những người phê chuẩn dự án – Rồi!…
Tạm thời dự án chưa thực hiện.
Đất vẫn còn đây.
Tiền bạc vẫn còn đó. Ít lâu sau 2 dự án sẽ được thực hiện. Lúc đó dù có về vườn, NTT và các quan chức cao cấp vẫn sẽ thực hiện được ý đồ. Chỉ khổ cho nhân dân thôi.
Còn vô vàn những việc chi hàng tỉ … tỉ bạc của công qũy, dưới danh nghĩa phục vụ cho đại lễ  NNTL . Cũng may, chỉ mới có vài việc bị sức ép của dư luận, đã cứu được gần 1000 tỉ bạc. Còn bao nhiêu việc phải chi nữa, thử hỏi cái cuộc ĐLNNTL này ngốn mật bao nhiêu tiền. Ai có thể kiểm tra, tổng quyết toán và ai là người sẽ chịu trách nhiệm ? Đố ai biết số chi đó sẽ là bao nhiêu: 1/3, 1/4 hay một nửa so với vụ chìm tầu Vinashin…

Kể ra mà đau lòng

Ngân qũy, dự trữ quốc gia có bao nhiêu tiền mà tập đoàn lãnh đạo cứ cho phép bên dưới “đốt” một cách tự do, thoải mái thế? Cứ y như là: Tranh thủ còn nắm quyền, phải cho bên dưới tiêu thì bên trên mới có lộc, thế là cả guồng máy thoả sức tìm cách tiêu bằng cách vẽ ra các dự án. Hiện nay đã thành lệ: Bất cứ công trình nào, dù to hay nhỏ, bên nhận thầu đều phải lại qủa từ 10 đến 20% tổng kinh phí dự toán cho bên chủ thầu. Nhà thầu khoán (bên B) gật hết. Họ không sợ vì đã thành lệ: Khoản chi đó sẽ được bổ xung, điều chỉnh vào phần phát sinh của Tổng dự toán. Chi bao nhiêu ngoài dự toán sẽ được chủ thầu (bên A) kí xác nhận ngay. Rốt cuộc, tiền đó của công quỹ, quan chức lớn nhỏ lấy một cách tự do thông qua hình thức lại qủa của bên B.
Chuyện tham nhũng trong xã hội VN đã trở thành bình thường, bởi cái cơ chế này đẻ ra, duy trì, nuôi dưỡng. Căn bệnh này hầu như hết thuốc chữa trị, nếu không điều chỉnh, thay đổi đường lối và hệ thống chính trị. Hơn 80 nghìn tỉ thất thoát của Vinashin chỉ là con số nhỏ, so với tổng số thất thoát hàng năm, hàng nhiều năm nay, và tương lai của nhiều năm sắp tới. Điều đáng quan ngại hơn: Tham lam, ăn cắp đã ngấm vào máu của mọi loại cán bộ có chức có quyền. Móc túi công qũy chưa thoả lòng tham, họ quay ra toa rập với ngoại bang để thoả lòng tham, bằng cách bán đất hiếm, đất thường, tài nguyên và cả sự toàn vẹn lãnh thổ!…  
Chuyện tiêu phí vào ĐLNNTL chỉ “nhỏ như con thỏ” thôi!

 Còn một chuyện ĐLNNTL đáng nói

Hôm 5.10 – giữa cuộc đại lễ – mấy contene pháo hoa (mấy chục tấn) – tự dưng nổ tung ngay khi đang bốc xếp vào nơi tập kết để hôm sau đưa đến các điểm bắn chào mừng ĐLNNTL (29 điểm). Nhân dân HN biết ngay nhưng mãi sang 6.10, cơ quan truyền thông mới đưa tin dè dặt, với số tử vong là 4 ngưởi (2 chuyên gia Đức, 1 chuyên gia Singapor, 1 người Việt Nam). Bạn thử tưởng tượng: Khi pháo về nhiều người được huy động đến bốc rỡ… Ngay trên mặt đất mà mấy chục tấn thuốc nổ tung thì sự thiệt hại sẽ như thế nào? liệu có phải 4 người chết không hay con số đã bị dấu nhẹm?
Lại nữa: Nghe nói số pháo này được nhập từ Đức, do một công ti của Singapor thầu cung cấp. Cho đến nay, nguyên nhân của vụ nổ chỉ được nói ngoài lề: Do sự cố kĩ thuật.
Với tính chất quan trọng của mặt hàng này, phía Đức – ngoài công nghệ chế tạo hiện đại, bảo quản an toàn, chất lượng hàng cao, sẽ không thể tự dưng phát nổ. Vậy thì sự cố kĩ thuật kia là gì? Dư luận chung của mọi người đều quy về: Đây là một vụ phá hoại nghiêm trọng. Tại thời điểm này, hoàn cảnh kia… ai là người thù ghét cái đại lễ vinh danh tổ tiên người việt chống phong kiến TH ? Ai đang gây sức ép hòng thu phục VN đi vào qũy đạo – làm chư hầu cho một guồng máy hiếu chiến, điên rồ? Câu trả lời chỉ có một: Chính là nhóm đầu lĩnh bá quyền Bắc Kinh do Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo – cầm đầu.
Nghi thì cứ nghi. Nhưng chứng cớ chưa được trưng ra.
Đau hơn hoạn mà không dám mở mồm, nói lên lời. Cũng giống như chuyện anh chồng “léng phéng”, chị vợ nổi đóa trừng trị kẻ chủ mưu… bị bóp cho “sặc gạch” bởi chỉ coi trọng “lệnh ông” mà không để “cồng bà” trong mắt!!
Bài học này phải mua bằng gía quá đắt. Đắt không chỉ mất tiền, mất người, mất danh tiếng, mà cay hơn – như một cái tát tai khá mạnh làm nổ đom đóm mắt những người lãnh đạo các cơ quan bảo vệ, cơ quan tình báo của công an, quân đội “Bách chiến bách thắng”!
Tuy vậy cũng sẽ có ích cho các loại cơ quan này của VN. Đây là bài học xương máu. Hãy mở to mắt, dỏng tai nghe và tỉnh táo mà suy nghĩ: Kẻ thù đã len lỏi, núp sâu trong những cơ quan trên lãnh thổ VN. Đây mới chỉ là cái tát tai thôi. Nếu không cảnh giác, tỉnh đòn, sẽ còn nhận qủa đấm, thậm chí quả đấm thép, lúc đó sự thất bại sẽ thảm hại hơn nhiều. Trận chiến dành lại cao điểm ở Hà Giang năn 1984 được Cục phòng vệ dân sự Nhật Bản cho biết: Vì có kẻ phản bội nằm trong Cục tác chiến của bộ Quốc phòng VN bán tin cho TQ mà cuộc đánh chiếm lại cao điểm kia thất bại, hàng nghìn chiến sĩ ta thiệt mạng oan uổng…
Cuộc ĐLNNTL liệu có đúng như đánh gía của quan chức chóp bu HN – Không? Đành nhắc lại câu thơ của thi sĩ Tố Hữu và Bà Huyện Thanh Quan mà dân chúng HN đọc sau ĐLNNTL – qua đi:
- “Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường!” (3)
- “Hà nội ơi Hà Nội…
Ôi! Nghìn năm Thăng Long!” (2)

© Nhiếp Vĩnh Trang
© Đàn Chim Việt
 ————————————————-

 Ghi chú:
(1) – Dây cáp điện từ thời Pháp thuộc để lại tới nay đã gần một thế kỷ mà VN  vẫn chưa cải tạo, xây dựng, cho đi ngầm. Trông đám dây này lơ lửng trên không, dân HN gọi đó là rác trời.
(2) Nguyên văn cả khổ thơ:
“Hà nội ơi Hà Nội
Cay đắng tám năm ròng
Lại về đây Hà Nội
Ôi nghìn năm Thăng long”.
(3)  Câu kết của bài thơ nổi tiếng Thăng Long hoài cổ của BHTQ.

-------------------------------

.
.
.

1 comment:

  1. Nghìn năm Thăng Long thể hiện tâm lý vĩ cuồng vị kỷ (narcissistic grandiosity) của đám nội-thực-dân, nô dịch.
    http://vietsoul21.net/2010/11/24/pho-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-dan-2/

    ReplyDelete