Monday, November 1, 2010

QUAN SÁT SỰ THAY ĐỔI Ở ĐÔNG NAM Á QUA MỘT CHUYẾN ĐI (Vũ Quang Việt)

Vũ Quang Việt
Cập nhật : 01/11/2010 20:03

Quan sát sự thay đổi ở Đông Nam Á qua một chuyến đi
Vũ Quang Việt

Chuyến đi Lào, Thái Lan và Miến Điện (Myanmar)  suốt tháng 10 vừa qua đã cho tôi một cái nhìn qua loa về những gì đang thay đổi ở ở đây.

Rõ nhất là đồng tiền các nước trên đang lên giá so với đồng đô la Mỹ. Ở Lào, một đồng USD trước đây là 10 ngàn kip giờ chỉ còn dưới 9 ngàn. Đồng Thái cũng lên giá, trước kia có lúc đôla lên gần 40 bạt giờ chỉ còn 29 bạt (lên giá 15% so với năm 1997). Ngay cả đồng chét (viết là kyat) ở Miến Điện, giờ USD chỉ còn dưới 900 so với hơn 1000 một năm trước. Lý do là các nước này có tăng dự trữ, do xuất khẩu tăng so với nhập khẩu. Ở Thái Lan hiện nay, để đối phó với việc đồng bạt lên giá, Ngân hàng Trung ương Thái đã quyết định có biện pháp hạn chế nguồn vốn ngoại tệ nóng đầu tư vào Thái, ra lệnh hạn chế cho các tổ chức bán tài sản tài chính cho người đầu tư nước ngoài.  Đồng tiền các nước khác như Phi, IndonesiaSingapore đều thế cả. Những gì đang xảy ra ở những nước này ngược hẳn với những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Tại Việt Nam, cán cân thương mại với nước ngoài vẫn thiếu hụt rất lớn, thiếu hụt ngân sách  tiếp tục tăng mạnh, do đó cung tiền tăng, lạm phát tiếp tục tăng cao (vẫn khoảng 10% năm 2010), và tiền đồng tiếp tục mất giá. Vấn đề phát triển nằm trong tiềm năng khủng khoảng.

Có thể nói Lào là trong những nước thân thiện với Việt Nam nhất, không chỉ từ chính phủ nhưng từ cán bộ và người dân đã có quan hệ lâu đời, với rất nhiều người trong thời chiến đã được gửi sang Việt Nam học tập ngay khi còn nhỏ. Lào quyết định nâng tầm của ngành thống kê, chức Tổng cục trưởng sẽ lên ngang tầm chức thứ trưởng thứ nhất và số nhân viên có thể tăng từ 60 lên đến 1000. Họ nói học tập Việt Nam để trong tương lai có thể theo dõi phát triển từng tỉnh. Tôi góp ý là không nên để các tỉnh tự tính, vẽ hươu, chạy đua báo cáo tăng trưởng thống kê như ở Trung Quốc và Việt Nam. Tôi được mời sang tham dự hai ngày hội nghị bàn về kế hoạch dài hạn 10 năm phát triển ngành thống kê này. Phó Thủ tướng Thứ nhất và nhiều Bộ trưởng trong đó có Bộ trưởng Kế hoạch đã ngồi suốt ngày nghe trao đổi. Buổi sáng ngày hôm sau, lúc 5:00 sáng Phó Thủ tướng cùng các Bộ trưởng cũng tham gia cuộc đi bộ hưởng ứng Ngày Thống Kê. Khoảng 15 phút cuối, ông Phó Thủ tướng kêu chạy bộ, tôi quan sát thấy nhiều người chạy được một lúc thì le lưỡi đứng thở. Buổi chiều tôi ra xem ông Thứ trưởng Kế hoạch cùng một số công chức đánh bi sắt và uống bia. Họ vẫn còn giữ tác phong thân tình của ngày chống Mỹ. Ngày hôm sau, cả một buổi sáng là buổi lễ cầu kinh Phật với một đoàn tăng lữ ê a hát kinh ngay trong hội trường Tổng cục Thống kê, kéo dài đến cả tiếng, đánh dấu sự thay đổi, và cầu may mắn. Cũng như mọi người, tôi ngồi kiểu xếp vòng dưới nền nhà, ê chân muốn chết, nhưng không ngờ cũng chịu đựng được. Không biết Lào có tuyên bố Phật giáo là quốc giáo hay không.   

Ở Đông Nam Á, về mặt chính trị quốc tế thì rõ ràng là đang có chuyển biến mạnh, không chỉ là thái độ muốn thay đổi của Mỹ và chính là thái độ của các nước như Việt Nam và Miến Điện đã mở cơ hội cho Mỹ hành động nhằm có vai trò đóng góp mạnh hơn vào an ninh của khu vực, trong chính sách phòng hộ nhằm đối phó chính sách bành trướng thiếu trách nhiệm của Trung Quốc. Mỹ đã tuyên bố trở lại Châu Á và sẽ có vai trò tích cực trong việc bảo vệ lợi ích của họ ở đây. Liên tiếp các cuộc họp ở mức cao cấp nhất đã diễn ra trong năm 2010.

Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN với sự tham dự của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc đem vấn đề hòa bình ở Biển Đông thành nội dung của chương trình nghị sự của tổ chức khu vực này và tạo được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ, đặt Trung Quốc vào thế không còn muốn làm gì thì làm. Như vậy về mặt ngoại giao, Việt Nam đã thành công bước đầu. Vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong nghị trình của năm tới khi Indonesia làm chủ tịch. Ông Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia, một nước không có tranh chấp biển đảo ở Biển Đông đã tuyên bố như sau về biển Đông khi hội nghị kết thúc ở Việt Nam : “ Không nên có chỗ cho chính trị vũ lực và chính sách ngoại giao pháo hạm. Tất cả phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình… Chúng ta nhận ra rằng, hòa bình và ổn định trong khu vực là quý giá và do đó các tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, phải được giải quyết thông qua ngoại giao và phải được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế ”.  Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2001 có thể được bàn để biến thành hiệp định, làm cơ sở luật pháp cho hành xử của các nước trong tương lai, dù không đưa đến việc giải quyết tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Việt Nam tuyên bố là không tìm cách “ ngăn cản ” sự “ trỗi dậy ” của Trung Quốc. Nhưng đây chỉ là tuyên bố để không gây căng thẳng với nước lớn này chứ vấn đề “ phòng hộ ” là chính sách đương nhiên của Mỹ và hầu hết các nước ASEAN, chỉ có điều chính sách này không nhìn Trung Quốc như kẻ thù, hay địch thủ cần “ be bờ ” chống lại mà tìm cách hợp tác với Trung Quốc vì hòa bình và phát triển nhưng với yêu cầu là Trung Quốc có thái độ hành xử của một nước lớn có trách nhiệm.

Kavi Chongkittavorn, nhà bình luận Thái trên tờ Nation (2/11/2010) đánh giá là “…Việt Nam, khép lại một năm làm nước chủ tịch, và thật đáng tự hào khi nhìn lại ” và “ quang vinh đáng được ghi cho sự khôn khéo ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc thách thức yêu sách của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa sau 8 năm bất động kể từ khi ký kết Tuyên bố về Hành xử ở Biển Nam Trung Hoa ”. Điều nhận xét này tôi nghĩ là không quá đáng.

Nhưng đấy mới chỉ là bề ngoài. Thành quả quan trọng nhất của ngoại giao năm 20010 không phải chỉ là những lời tuyên bố mà là việc hình thành thể chế hợp tác quân sự đã đạt được tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng cộng (ADMM+) gồm các nước ASEAN, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Nam Hàn, Tân Tây Lan, Trung Quốc và Úc. Thiết chế này chỉ ra đời vào năm 2006, cách đây 4 năm và lần đầu tiên được mở rộng như thế vào năm 2010, đã lập ra năm nhóm làm việc (working groups), đó là : bảo vệ hoà bình, an ninh biển, y tế quân sự và chống khủng bố.

Miến Điện (Myanmar) có một vị thế quan trọng vì nó là nước giáp ranh Trung Quốc, và là con đường duy nhất nối miền Nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương. Theo tin đồn về thì Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự, từ năm 1992, hoặc các trạm trên các đảo ở biển Andaman nằm trong Ấn Độ Dương để theo dõi các hoạt động hải quân của Ấn Độ. Điều mà nhà nghiên cứu Andrew Selth ở Griffith Asia Institute sau khi xem xét tư liệu đã bác bỏ [1]. Việc Trung Quốc có quan hệ hợp tác về quân sự và các lãnh vực khác với Miến Điện là điều không thể chối cãi vì Trung Quốc là nước độc nhật có liên hệ mật thiết với Miến Điện khi nước này bị cô lập hoàn toàn kể từ 1990 khi bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam và đảng của bà bị cấm sau khi thắng cử với 81% phiếu. Miến Điện trong hai mươi năm đã bị cô lập. Đầu tư nước ngoài trong thời gian này cộng lại chỉ khoảng 16 tỷ trong đó 10 tỷ USD là từ Thái Lan. Vai trò quan trọng của Trung Quốc được các nhà quan sát nhấn mạnh, nhưng chỉ là bán võ khí và bán hàng hóa rẻ tiền. Đầu tư của Trung Quốc không đáng kể. 40% xuất khẩu của Miến Điện (khoảng 7 tỷ USD) là vào Thái Lan, chủ yếu là bán khí đốt. So với hai mươi năm trước đây, khi có mặt lần đầu ở Miến Điện, tôi thấy thủ đô cũ Yangon không có gì thay đổi, vài ba khu cao ốc cao cấp tư nhân mới được xây bán với giá 200 ngàn USD một căn  hộ có diện tích 1500 sf (gần 140 mét vuông, chú thích của Diễn Đàn), các cơ sở nhà nước lớn đẹp vẫn đóng cửa không thể cho thuê sau khi rời tới thủ đô mới. Một tòa nhà cao có thể 15-20 tầng cho thuê làm văn phòng vẫn chưa có ai thuê. Nói chung, phát triển và đầu tư lớn nhất ở Miến vẫn là việc xây dựng thủ đô Naypyidaw, cách thủ đô cũ 5 tiếng lái xe tốc độ 100 km/giờ trên xa lộ gần như không người đi, qua những khu vực hết ruộng là đồi và bụi cây nhưng rất ít làng mạc và con người. Thủ đô mới cũng rất lạ lùng là các công sở cách xa nhau rất xa, chỉ thấy xa lộ và cây nhưng khi đi sâu mới thấy nhà. Bộ này cách bộ kia cũng rất xa. Từ khách sạn ở tới Bộ Kế hoạch làm việc cũng mất 25 phút lái xe với tốc độ 100 km/giờ. Không có gì ở cạnh khu khách sạn để có thể đi ăn mua bán dễ dàng. Có thể coi những người phải đến làm việc ở đây là đi biệt xứ.

Hầu hết viên chức nhà nước vẫn ở một mình còn gia đình ở lại Yangon, thủ đô cũ. Viên chức nhà nước do đó chỉ biết làm việc. Tiền lương thấp nhất là 80 USD một tháng. Lương cấp giám đốc, cục trưởng vào khoảng 200 USD một tháng. Tuy nhiên họ không phải trả tiền thuê nhà và tiền điện nước. Ngoài ra họ có thể được cấp đất khoảng 60 m2 với giá rẻ, xây nhà, do một công ty thầu nhà nước chỉ định, tốn tất cả khoảng 5 ngàn USD. Tôi đã có dịp đến thăm một căn nhà như thế. Người công chức ở Miến Điện do đó chỉ biết có làm việc, không thể và không được phép có việc làm thêm. Phải nói là sau 20 năm bị cô lập hầu hết công chức vẫn nói tiếng Anh khá giỏi, rất thông thạo máy tính và làm việc chuyên cần. Điều nhận xét này là dựa vào thời gian 2 tuần làm việc trực tiếp hàng ngày với khoảng 40 người trong một hội trường lớn, được chia ra thành từng nhóm liên quan đến các hoạt động kinh tế khác nhau, để đánh giá và tính toán lại toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế của Miến Điện. Họ đề nghị tôi sang làm việc lần thứ hai (sau lần giảng dạy năm ngoái) cũng là giảng dạy. Nhưng tôi đã đề nghị là các cuộc giảng bài sẽ rất vô ích nếu như không trực tiếp xử lý số liệu. Tôi cũng ngạc nhiên là cấp lãnh đạo đồng ý, và kể cả cấp vụ trưởng và giám đốc ngồi cùng vào bàn với nhân viên làm việc này. Tất cả số liệu là từ dưới báo cáo lên được cộng lại; ngoài trừ số liệu từ thu chi ngân sách có thể kiểm chứng, các số liệu khác đều đáng ngờ. Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu hộ gia đình được Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm ngoái, tôi đã dùng chúng để đánh giá lại các số liệu báo cáo. Khó có thể tưởng tượng được những sự khác biệt rất lớn mà chính họ cũng ngạc nhiên. Khó có tưởng tượng là chi tiêu gạo trên đầu người khi điều tra chỉ khoảng 13 kg một tháng nhưng báo cáo thì gấp ba. Tất nhiên công việc chưa hoàn thành vì còn cần kiểm chứng với các bộ, tăng trưởng kinh tế ở đây sơ bộ tính không thể quá hơn 6% (chủ yếu là do xây dựng thủ đô mới và sản xuất khí đốt) nhưng trong 5 năm nay báo cáo tăng trưởng năm nào cũng trên dưới 10%.

Có thể quan sát thấy sự chờ đợi thay đổi của nhân viên nhà nước nhưng không thấy họ tỏ ra háo hức, vì có thể nói không biết chuyện gì sẽ xảy ra và những người nắm quyền hiện nay sẽ hành động như thế nào sau cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11 năm nay. Tuần cuối cùng tôi ở đó thì đường dây internet cả nước coi như bị cắt. Khi trở lại Yangon tôi phải đến cơ quan Liên Hợp Quốc, được đối xử như ngoại lệ, để sử dụng internet nhưng cũng rất chậm.  Chính quyền cũng ra lệnh không cho báo chí và quan sát viên các nước ngoài, kể cả tổ chức ASEAN gửi người vào theo dõi bầu cử. Chỉ có những người ở đó sẵn mới được theo dõi và cũng phải đứng xa phòng bỏ phiếu 50 mét. Theo Hiến Pháp mới thì 25% đại diện ở Quốc hội sẽ do Quân đội bổ nhiệm. Đây là Hiến Pháp học theo Indonesia thời Suharto. Các tướng lãnh hiện đang nắm quyền từ Thủ tướng đến Bộ trưởng đã từ bỏ quân đội để ra tranh cử. Chỉ ngoại trừ Tư lệnh Quân đội. Ông ta có thể được Quốc hội đề cử thành Tổng Thống. Chức Thủ tướng cũng bị bãi bỏ.

Dù gì giới ngoại giao thế giới mong muốn là các đảng phái khác Đảng do Quân đội lập ra có cơ hội tranh cử vào 75% ghế trống kia và sẽ có một tiếng nói nhất định thay vì không có tiếng nói như hiện nay. Hai mươi năm cô lập cũng không thể thay đổi được Miến Điện thì bất cứ một thay đổi nào cũng còn tốt hơn hiện nay, nhất là các nước Tây phương và Ấn Độ muốn lôi kéo Miến ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc. Qua quan sát sơ sài tôi thấy Miến Điện rất có tinh thần quốc gia. Không thấy có chỉ dấu lộ liễu về hoạt động của Trung Quốc. Nhìn vào thống kê cũng thấy vai trò của Trung Quốc, đầu tư của họ còn nhỏ bé, có thể nói là không đáng kể. Thái độ của người Mỹ đối với Miến Điện cũng đã có thay đổi giống như sự cố gắng tiếp cận với Việt Nam trong thời gian qua. Đó là sự vận hành của chính sách an ninh “phòng hộ.” Cũng vì thế mà Liên Hợp Quốc đã mở ra các hoạt động hợp tác với Miến Điện và vì thế mà tôi mới có dịp trở lại sau 20 năm, dưới tư cách một tư vấn độc lập.   

Vũ Quang Việt
1.11.2010
[1] Ai muốn theo dõi kỹ hơn, có thể đọc bài Chinese Military Bases in Burma: The Explosion of a Myth của Andrew Selth ở đây.
.
.
.

No comments:

Post a Comment