Tuesday, November 30, 2010

NIỀM TIN NÀO CHO NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Tạp Chí PHÍA TRƯỚC # 40)

TCPT số 40
Tháng Mười Một 23, 2010

Download TCPT40 – Bản in (8.6MB)
Download TCPT40 – Bản thường (4MB)
Download TCPT40 – Bản mini (2.5MB)

Trong những năm gần đây khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy nhưng cũng nhanh chóng vượt qua và thực hiện nhiều cuộc bức phá với GDP tăng trưởng các năm liên tục cao trên 6%. Vậy tại sao những chuyên gia hàng đầu trong nước vẫn phải lên tiếng lo lắng trong khi nền kinh tế chúng ta vẫn đứng số hai châu Á về tốc độ phát triển?
Đó là những lổ hổng lớn, và nhiều người lại phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng: niềm tin.

Từ những lời hứa…
Tăng trưởng GDP hàng năm của nước ta thuộc hàng top của châu Á và thế giới khi hàng năm đều tăng trưởng trên 5%, và năm nay có thể đạt ngưỡng 6.5%. Nhìn vào các con số này có thể thấy rằng nền kinh tế nước ta tăng trưởng ở một mức cao. Tuy nhiên, con số mà gắn kèm và phải trả cho nó là lạm phát, nợ, thất thoát là một ngưỡng đã vượt xa mặt bằng của thế giới.
Lạm phát năm nay, rất có thể sẽ ở ngưỡng hai con số khi mà 10 tháng đầu năm đã là 8.75% so với cùng kỳ 2009. Và với tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng tín dụng, nước ta phải chăng đang tăng trưởng âm?
Giá cả hàng hoá leo thang chống mặt buộc nền kinh tế nước ta phải thêm khoản chi phí tăng lương căn bản cho người lao động để đảm bảo mức sống, nhưng khoảng lương tăng thì lúc nào cũng chậm và ít hơn khoản giá đã nhảy trước.
Tốc độ tăng GDP cao là điều kiện cần để tăng nguồn thu và đạt thặng dư ngân sách. Tuy nhiên, ở Việt Nam tăng trưởng GDP chủ yếu do tăng lượng đầu tư mà không đi kèm với tăng hiệu quả, bằng chứng là hệ số ICOR không ngừng tăng lên (ICOR ở Việt Nam đã là 8). Vì đầu tư không thể tăng mãi nên đến một lúc nào đó, tốc độ tăng trưởng sẽ phải giảm. Đáng lo ngại là chính vào lúc tốc độ tăng trưởng GDP giảm cũng là lúc nhiều khoản nợ nước ngoài của Chính phủ đáo hạn.
Theo báo cáo của của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những điểm đáng chú ý về kinh tế Thái Lan và Indonesia là những nước này duy trì một tốc độ tăng trưởng cao, có cán cân tài khoản vãng lai thặng dư và lạm phát được kiểm soát tốt.
Điển hình là số liệu dự báo cập nhật của ADB cho thấy, năm nay Thái Lan có thể tăng trưởng 7,5%, trong khi lạm phát chỉ 3,2% và cán cân tài khoản vãng lai có thể thặng dư ở mức 4% GDP.
Một vấn đề khác đáng chú ý là mức độ khả tín của các quan chức hàng đầu trong Chính phủ. Nhớ cách đây hai năm vào tháng 6 năm 2008, trong một diễn đàn kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thay mặt Chính phủ tuyên bố không phá giá đồng VND nhưng chỉ sau đó vài tháng, mức phá giá 3% VND so với USD được điều chỉnh với lời giải thích ngắn gọn: “điều hành linh hoạt”.
Và chỉ vài tháng trước đây, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bơm USD để ổn định tỷ giá khi tỷ giá leo lên đến hơn 21.000 VND, đồng USD hạ nhẹ rồi lại tiếp tục leo tháng bất chấp lời “cam kết” của Chính phủ.
Sau đó trong một cuộc họp báo, Ông Lê Đức Thúy – Trưởng ban Giám sát Kinh tế Trung Ương nói trước báo giới rằng, trong vòng 15 ngày đầu tháng 10, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của người dân giảm đến 45.000 tỷ đồng so với cuối tháng 9, tương đương hơn 2 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại chính thức khẳng định, một số báo đưa tin về số dư tiền gửi tiết kiệm VND mà ông Thúy đưa ra là không chính xác. Thực tế, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của dân cư tại hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Cũng trong diễn biến về điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất, ông Lê Đức Thúy tuyên bố rằng Chính phủ không đặt vấn đề giảm lãi suất, cho phép các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong buổi họp với Hiệp hội Ngân hàng và đại diện của nhiều ngân hàng thương mại lớn ngày 5/11 do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, khi có những đề xuất về việc đồng thuận một mặt bằng lãi suất huy động VND mới là 12% thay cho mức 11% một năm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Hiệp hội Ngân đứng ra điều phối việc thực hiện. Điều này lại gây ra những thông tin khác nhau về sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện lãi suất mới.
Và cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% và các ngân hàng lại bước vào một cuộc đua nâng lãi suất trường kỳ.

Đến những chỉ tiêu bị phá, và những đồng tiền bị lãng phí
Cuộc họp Quốc Hội năm 2009 đề ra chỉ tiêu khống chế lạm phát dưới 7% cho Chính phủ. Nhưng tại sao lại 7%?
Ở các quốc gia khác, nếu lạm phát trên 3% thì Chính phủ đã phải xem xét lại và người dân cũng sẽ nhìn vào đó mà đánh giá hiệu quả điều hành. Nhưng tại Việt Nam, con số lạm phát 7-8% có vẻ như đã trở thành điều “bình thường”, và lạm phát hai con số cũng “sơ sơ” thì quả là nguy hiểm. Nhưng hãy khoan bàn đến vấn đề đó.
Mốc 7% được kiểm soát và liên tục được Chính phủ lên tiếng trấn an đảm bảo. Nhưng đến tháng 5/2010, Chính phủ đã đề nghị tăng lên 8%!
Chưa hết, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, một mức lạm phát mới đã được tuyên bố thay cho tất cả những mục tiêu trước đây là kiểm soát lạm phát ở mức một con số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát và giữ lạm phát năm nay ở mức một con số. Đây là một câu nói mang đậm tính định tính và đậm tính “quyết tâm chính trị”!
Như vậy, không có một con số cụ thể nào được đưa ra nhưng những mục tiêu 7% được Quốc hội thông qua, rồi 8% được Chính phủ đề ra sau đó đều đã bị vượt qua. Trong một năm, chính phủ đã ba lần thay đổi mục tiêu vĩ mô về lạm phát.
Vấn đề nợ công cũng đang được bàn bạc hết sức kỹ càng khi bài học nhãn tiền của Hy Lạp đang rành rành. Trong cuộc họp lần trước, Chính phủ báo cáo nợ dưới 50% GDP, vẫn ở mức an toàn, nhưng kỳ họp này đã lên đến 57%. Mặt khác, Chính phủ cứ kiên quyết cho rằng mức nợ này vẫn ở mức an toàn và đặt chỉ tiêu năm sau là 60%. Và rồi Chính phủ vẫn tiếp tục bảo nợ 60% GDP vẫn an toàn, nhưng chỉ trong…ngắn hạn khi các khoản nợ chưa đáo hạn!
Các khoản chi và vỡ nợ cũng đang là đề tài cho nhiều kẻ săm soi khi Vinashin vỡ nợ ước khoảng 100.000 tỷ đồng, chi Đại lễ nghìn năm Thăng Long ước tính khaỏng 90.000 tỷ đồng trong lúc nền kinh tế có nhiều chuyển biến không hay và thiên tai triền miên tại miền Trung.
Nhưng trước các câu hỏi chất vấn cụ thể về hai con số Vinashin và chi đại lễ, thì chẳng có quan chức nào trả lời mà chỉ vòng vo, né tránh, không đưa ra được kết luận gì mang tính chuyên nghiệp và trách nhiệm. Các quan chức chính phủ chỉ nói qua loa rằng “chi đúng, không lãng phí”, và cũng chẳng cho biết thực nợ của Vinashin là bao nhiêu hay tổng số tiền chi đại lễ cụ thể như thế nào.
Đấy chưa kể những tảng băng chìm tại Petro Việt Nam mà chẳng tờ báo nào dám soi mói hay tỉ lệ thất thoát bao nhiêu trong những công trình xây dựng hạ tầng quốc gia.
Với nhà hoạch định chính sách vĩ mô, đáng sợ nhất không phải là chính sách sai mà nguy hiểm nhất là không dám giải trình và vô trách nhiệm. Và như thế, người dân mất niềm tin thì cũng chẳng có gì là lạ. Đến nỗi, giờ có câu vui cửa miệng của những người dân là: mấy ổng nói gì thì cứ bám theo ngược lại !
Elbi
© 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC

Download TCPT40 – Bản in (8.6MB)
Download TCPT40 – Bản thường (4MB)
Download TCPT40 – Bản mini (2.5MB)

.
.
.

No comments:

Post a Comment