Friday, November 26, 2010

NGƯỜI VIỆT và LỄ TẠ ƠN Ở HOA KỲ (Huỳnh Kim Khánh)


Đàn Chim Việt: Huỳnh Kim Khánh ra đi ở tuổi 44 để lại trong lòng bè bạn và người thân niềm tiếc thương vô hạn. Anh từng là thành viên của BBT Đàn Chim Việt trong những năm từ 2003- 2008 với vai trò Thủ Quỹ, thành viên Ban quản trị và Ban biên tập.
Vĩnh biệt anh, người bạn, người đồng nghiệp thân thương, tận tụy của chúng tôi. Để tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân tới anh, chúng tôi xin đăng lại một số bài viết của anh.

Huỳnh Kim Khánh

——————————————–

Một phần trong di sản văn hoá của Hoa Kỳ là ngày lễ Tạ Ơn, ngày mà người ta thường quen gọi là “Thanksgiving Day.” Không như những ngày lễ truyền thống khác tại Mỹ, thường mang nặng sắc thái tôn giáo, ngày “cảm tạ” chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử vì đất nước này đã được hình thành từ những di dân.
Ngày lễ Tạ Ơn cũng mang một ý nghĩa trang trọng vì nó gợi lên trong ta, những người di dân, một tâm trạng hết sức đặt biệt. Ngày lễ Tạ Ơn nhắc ta nhớ lại nguồn gốc tổ tiên, những ngày gian khó nơi xứ lạ quê người, và những ơn phước mà Thượng Đế đã ban cho trong đời sống. Ngày nay, nhiều người tại Mỹ còn gọi là ngày lễ Tạ Ơn là “Turkey Day” (ngày gà Tây) bởi vì tục lệ đặc sắc bắt nguồn từ trong những ngày nước Mỹ mới hình thành.

Vài nét về truyền thống và nguồn gốc ngày lễ Tạ Ơn
Có bốn mốc thời gian quan trọng trong lịch sử của sự hình thành ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ: thời khai khẩn, thời kỳ của cuộc cách mạng chống Anh quốc, thời nội chiến, và nước Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến.

1- Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên của nước Mỹ được cử hành vào tháng 12 năm 1621, tại tiểu bang Massachusetts. Theo tài liệu lịch sử của Hoa Kỳ, những người Mỹ đầu tiên đến khai phá phần đất mới này phải chịu nhiều gian nan cực nhọc do khí hậu khắc nghiệt, bệnh hoạn và đất hoang chưa bao giờ khai phá. Không chịu nổi đói rét qua một mùa đông lạnh giá, phân nửa những người di dân chết vào khoảng tháng 11 năm 1620. Cho đến khoảng đầu mùa Xuân của năm 1621, họ được thổ dân da đỏ Wampanoag giúp đỡ trong việc trồng trọt, cách bắt cá và săn thú rừng.
Nhóm người Mỹ đầu tiên, còn được gọi là người hành hương (Pilgrims) dần dà khắc phục được khó khăn và do sự giúp đỡ chỉ bảo kinh nghiệm trồng hoa màu như khoai lang, bắp ngô, và bí đỏ của dân địa phương, và họ đã được mùa. Để tỏ lòng biết ơn đất trời và những người bạn mới, họ đã mời thổ dân da đỏ trong vùng cùng tham dự bữa ăn với những món ăn do chính họ trồng như khoai tây, bắp ngô, bí đỏ và gà Tây rừng. Và từ đó, các món gà Tây, bí đỏ, bắp, và khoai tây là những thức không thể thiếu trong các bữa tiệc của ngày lễ Tạ Ơn.

2- Với mục đích tạo dựng tinh thần đoàn kết giữa các di dân chống lại ngoại xâm, tháng 10 năm 1789, Tổng thống Washington đã công bố ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc đầu tiên vào ngày 26 tháng 11. Điều nầy xác định được tính chất đặc thù của ngày lễ Tạ Ơn trong khi dân Mỹ đang phát động cuộc cách mạng để giải phóng dân tộc ra khỏi sự đô hộ của Anh quốc.

3- Vào những năm 1830, khi tình hình nước Mỹ bắt đầu bị chia rẽ, và các tiểu bang Miền Nam đòi ly khai. Tổng thống Lincoln tuyên bố chọn ngày Thứ Năm của tuần cuối tháng 11 năm 1863, làm ngày lễ Tạ Ơn nhằm tạo nên tình đoàn kết dân tộc trong lúc cuộc nội chiến Nam-Bắc nước Mỹ đang vào thời kỳ tương tàn và ác liệt nhất. Ông nhận thức được tầm quan trọng của ngày lễ Tạ Ơn, và cũng muốn nhắc nhở dân Mỹ nhớ đến những công ơn của những người di dân đầu tiên đã xây dựng nên nước Mỹ.

4- Mãi đến năm 1941, quốc hội Mỹ đã biểu quyết chọn ngày Thứ Năm trong tuần thứ 4 của tháng 11 hàng năm là ngày lễ Tạ Ơn, là ngày quốc lễ của toàn liên bang Hoa Kỳ. Thời gian nầy, quốc hội Mỹ đang trong thời kỳ đệ Nhị Thế Chiến. Người dân Mỹ cũng không quên công lao của bà Sarah J. Hale, là người đã đi cổ động khắp nước Mỹ trong những năm 1830, để Hoa Kỳ ngày nay có ngày lễ Tạ Ơn đồng nhất trong các tiểu bang.

Theo tập quán của người Mỹ, con cái trong gia đình sau khi trưởng thành thì có cuộc sống riêng, nhưng thường sum hợp lại vào ngày 25 tháng 11 hàng năm để dự lễ Tạ Ơn với nhau. Trong ngày nầy, thông thường người ta chia sẻ những thành công và những kinh nghiệm khó khăn trong năm qua và ăn chung một bữa cơm trưa rất lớn. Bữa tiệc sẽ có các món quen thuộc như gà tây, mứt, bánh bí đỏ, khoai tây, bắp ngô, bắp và nhiều loại rau trái. Cũng vì ngày lễ Tạ Ơn vào ngày Thứ Năm trong tuần, nên hầu hết dân Mỹ đều được nghỉ luôn ngày Thứ Sáu và có một cuối tuần dài. Người ta thường tổ chức những cuộc liên hoan lớn sau ngày lễ và đi mua sắm đồ đại hạ giá trong ngày “Black Friday”(Thứ Sáu Đen.) Nếu khách du lịch nước ngoài đến các trung tâm thương mại của các thành phố lớn tại Hoa Kỳ chắc không khỏi ngạc nhiên vì thấy nhiều người sắp hàng từ sáng sớm trước các cửa tiệm. Một, họ trả lại quà tặng đã nhận hôm lễ Tạ Ơn mà không thích. Hai, là chờ mua hàng bách hoá hay điện tử với giá rẻ nhất trong năm.

Vài suy nghiệm về ngày lễ Tạ Ơn
Khi nói đến ngày lễ Tạ Ơn, người ta lại hỏi: tại sao cần phải bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ ai, có ý nghĩa gì, và với thái độ nào?

- Truyền thống ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ rất hay vì nó không là ngày lễ riêng biệt của một tôn giáo nào. Nó rất đáng được chúng ta, những người Việt tỵ nạn, trân quý và áp dụng. Nó không mang tính chất chính trị, hay để tưởng niệm một cá nhân. Hơn thế nữa, ngày lễ Tạ Ơn không ca ngợi một dân tộc hoặc một biến cố lịch sử. Ý nghĩa ngày lễ Tạ Ơn gắn liền với lòng biết ơn của con người. Người Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên định cư nơi xứ sở này, nhưng dân tộc và đất nước Hoa Kỳ, đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chúng ta đã thành công. Nhiều người trong chúng ta có được việc tốt, làm ăn thịnh vượng, từ tiểu thương, đến thị trường chứng khoán, và cả trong chính trường. Số đông người Việt chưa quen với các tục lệ của người Mỹ, trong đó có ngày lễ Tạ Ơn và cho rằng ngày lễ này có tính chất tôn giáo hoặc là một ngày lễ riêng của dân Mỹ. Chúng ta nên tìm hiểu về ý nghĩa cao quý của ngày lễ đặc biệt này, nhất là người Việt. Giống như hoàn cảnh của những người hành hương đầu tiên đến Mỹ, người Việt vì phải chịu cảnh bắt bớ về tư tưởng và văn hoá mà phải bỏ nước ra đi. Vì thế chúng ta rất nên tổ chức lễ Tạ Ơn, sum họp gia đình, tùy theo tôn giáo, và phong tục của mình.

- Người Việt xa hương nhớ về quê cũ trong những ngày làm quen với tập tục xứ người. Lễ Tạ Ơn là ngày lễ dành cho tất cả những người di dân, bỏ quê ra đi sống đời viễn xứ. Không chỉ riêng cho người tỵ nạn tại Hoa Kỳ, mà cũng là tâm trạng chung của hơn hai triệu người Việt đang sống tha hương. Nó gợi lên trong lòng ta nổi nhớ nhung ray rứt khi nói đến ân tình trong mùa cảm tạ. Có thể nơi bạn định cư không có ngày quốc lễ Tạ Ơn, nhưng bạn chắc sẽ không bao giờ quên cảm tạ ơn trời đã che trở và mang lại sự bình an và phước hạnh trong đời sống. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể nào quên được những ân tình của những người bạn tốt chưa từng quen biết, những cơ quan thiện nguyện đã mở rộng vòng tay đón tiếp và giúp đỡ chúng ta xây dựng lại cuộc đời trong những ngày đầu trên xứ lạ quê người.

- Nguồn gốc ngày lễ Tạ Ơn mà nhiều người được biết không quan trọng bằng ý nghĩa thật và triết lý của nền văn hoá. Lòng biết ơn của người Mỹ đã bắt nguồn từ những năm đầu lập địa đầy những gian nan. Người Thiên Chúa giáo nặng lòng tin kính, đặt Thượng Đế lên trên thứ tự ưu tiên trong đời sống khi nói đến lòng biết ơn. Nước Mỹ, qua hơn ba trăm năm với nhiều tiến triển trong nền chính trị và xã hội, và ngày lễ Tạ Ơn đã trở thành một ngày lễ được dân Mỹ tôn trọng nhiều nhất, bất kể tôn giáo, nguồn gốc dân tộc. Qua đó, người ta coi sự cảm tạ lòng tốt của người xung quanh là điều cần thiết trong sinh hoạt. Với cái nhìn sâu rộng, người ta muốn mang trọn vẹn ý nghĩa cảm tạ vào trong mùa “Thanksgiving.” Nó không đơn giản chỉ là một ngày quốc lễ, mà là một phần văn hoá của người Mỹ. Có lẽ ngày lễ Cảm Tạ là cơ hội thuận tiện cho người ta bày tỏ lòng biết ơn, không chỉ riêng với Thượng Đế, mà với mọi người thân như: cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, và những người gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu được, hãy trao nhau một món quà nhỏ biểu lộ lòng biết ơn, một cánh thiệp với lòng tri ân, hay chỉ cần một câu nói cám ơn chân tình. Những nghĩa cử cao đẹp nầy sẽ mang lại cho người quanh ta sự hạnh phúc, và niềm vui trong cuộc sống.

- Thái độ cảm tạ là yếu tố quan trọng trong mùa tạ ơn và là ưu điểm tuyệt vời của văn hoá phương Tây. Một biểu hiện thiếu vắng trong văn hóa Việt Nam. Người Việt trọng nghĩa, nhưng ít khi bày tỏ lòng biết ơn.
Nhiều khi chúng ta thấy rườm rà và trở nên khách sáo khi phải nói cám ơn, nhưng đây là một trong những thái độ của lòng biết ơn mà người Việt đã học được trong những năm di cư nơi đất lạ. Thái độ biết ơn khác hẳn với với sự trả ơn theo cách nhìn của người Việt “có qua có lại”. Thái độ biết ơn là sự bày tỏ qua lời nói và cử chỉ, không cần phải trả ơn để “toại lòng nhau”. Vì trên đời nầy có những thứ ân tình mà ta không thể nào trả được, và nếu không bày tỏ thái độ biết ơn, ta sẽ trở thành người vô ơn.

Ngày lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ không dành riêng cho một tôn giáo nào. Nó là ngày lễ cho tất cả các dân tộc trên nước Mỹ, những người di dân, để họ bày tỏ lòng biết ơn của họ với đất nước, dân tộc, văn hoá và nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ. Ngày lễ Tạ Ơn giúp người di dân có cơ hội nói lên lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân và những sự hy sinh của những người có công xây dựng đất nước. Mùa lễ Tạ Ơn nhắc nhở chúng ta dành ra một ngày để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng ý nghĩa thật sự của sự cảm tạ là: luôn bày tỏ lòng biết ơn đến những người xung quanh, nhất là những người thân trong gia đình. Là nguời Việt di cư, chúng ta hãy dành một vài giây phút bày tỏ lòng tri ân đến những người đã ngã xuống cho đất Việt yêu thương, những người đang trong ngục tù vì đấu tranh cho dân tộc, và những người không mệt mỏi vì công cuộc đòi hỏi dân chủ cho Quê Mẹ. Hãy cảm tạ Thượng Đế đã cho bạn những ngày bình an và những ngày sẽ được bình an và sung mãn trong tương lai. Hãy nói với người bạn yêu mến lời cám ơn – vì nó là món quà quý nhất trong mùa cảm tạ. Xin chúc bạn một ngày lễ Tạ Ơn vui vẽ và đầy ý nghĩa.

New Jersey 04-11-2004
© Huỳnh Kim Khánh
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment