Tuesday, November 30, 2010

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI TỊ NẠN BẮC TRIỀU TIÊN ? (Paul Wolfowitz)

Đăng bởi anhbasam on 28/11/2010

THE WALL STREET JOURNAL
Làm thế nào để  giúp đỡ những người tị nạn Bắc Triều Tiên
Ngày 16-6-2009

Tòa án tối cao Bắc Triều Tiên đã kết án hai nhà báo Mỹ 12 năm tù khổ sai vì những nỗ lực của họ để đưa tin về cảnh ngộ của những người tị nạn Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc. Những người tị nạn này đang chạy trốn khỏi một thảm hoạ của con người gây ra bởi một chính thể đã đẩy hơn một triệu người dân đi tới chỗ chết đói và đã giết hại 400.000 người trong những trại tù kiểu gulag thời đại Liên Sô. Một số lượng chưa biết rõ của những người tị nạn Bắc Triều Tiên – có thể trong khoảng giữa 100.000 tới 400.000 – hiện sống trong một tình trạng tạm bợ tại Trung Quốc, luôn phải đối mặt với mối đe doạ hồi hương cưỡng bức.

Một trong những người tị nạn đó, một phụ nữ có tên là Bang Mi Sun từng phải xoay xở kiếm cách chạy trốn – lần thứ hai sau khi bị buộc hồi hương và gửi tới một trại cải tạo lao động ở Bắc Triều Tiên – mới đây bà đã nói, “Nếu như tôi có một cơ hội được gặp Tổng thống Obama, thì trước tiên tôi sẽ kể với ông ấy về tình trạng những người phụ nữ Bắc Triều Tiên bị bán như thú vật ở Trung Quốc và, điều thứ hai, để ông ấy biết rằng các trại cải tạo lao động ở Bắc Triều Tiên là một thứ địa ngục trần gian.”

Khi Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak gặp nhau ngày hôm nay, họ đối diện với nhiều đề tài về an ninh và kinh tế, bao gồm vụ thử vũ khí hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên và những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mang tính hăm doạ. Hy vọng rằng, hai nhà lãnh đạo này cũng sẽ giành thời gian để chú tâm vào vấn đề hoàn toàn mang tính nhân đạo này.

Việc giải cứu thành công khoảng 2.000.000 người tị nạn Đông Dương (Việt Nam) trong những năm 1970 và 1980 cần được truyền cảm hứng cho họ [những người tị nạn Bắc Triều Tiên] để đương đầu với thảm kịch vô nhân đạo của chính phủ Bắc Triều Tiên. Việc giải cứu ở Đông Dương là một thành tựu nhân đạo to lớn. Hoa Kỳ đã nhận 1,2 triệu người tị nạn. Úc, Canada và Pháp mỗi nước đã cho tái định cư hơn 100.000 người, và các quốc gia khác đã nhận số lượng người đáng kể.

Điểm mấu chốt cho thành công đó là một sự cộng tác giữa các quốc gia “tiếp nhận đầu tiên” ở Đông Nam Á (là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Singapore) và các quốc gia nhận cho tái định cư cuối cùng. Với nhiều vấn đề khó khăn của riêng mình, các quốc gia tiếp nhận ban đầu thoạt tiên đã có thái độ thù nghịch với những người tị nạn. Tuy nhiên, khi có sự tin cậy là có việc chuyển giao những người tị nạn tới nơi tái định cư cuối cùng lớn dần lên, thì hệ thống này đã đạt được sự chấp nhận đặc biệt.

Trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc là nước tiếp nhận đầu tiên quan trọng nhất, dù cho có một số ít những người tị nạn chạy trốn sang các nước khác. Nam Triều Tiên, chứ không phải Hoa Kỳ, là quốc gia hàng đầu trong việc cho tái định cư những người tị nạn này. Một số ý kiến thậm chí còn gợi ý rằng tất cả những người tị nạn Bắc Triều Tiên cần phải được tới Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, một nỗ lực quốc tế thành công đòi hỏi khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ, cũng là nước mà tiếp đến có thể phải đòi hỏi một vai trò đáng kể trong việc tái định cư, sát cánh với Nam Triều Tiên.

Tại sao, với một nhu cầu nhân đạo rõ ràng thế, mà vẫn chưa có một nỗ lực nào như vậy được thực hiện? Một phần lớn hơn của câu trả lời là các chính phủ Trung Quốc và Nam Triều Tiên, vì những lý do tương tự nhưng lại khác nhau, không sẵn lòng giải cứu cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên.

Cả Trung Quốc và Nam Triều Tiên đều lo ngại về sự thay đổi mang tính cách mạng tại Bắc Triều Tiên, mặc dù cả hai đều chào đón một bước tiến triển “mang tính đổi mới”. Họ nhớ lại dòng người tị nạn từ Đông Đức trước khi Bức tường Berlin bị phá bỏ và sự sụp đổ của chính phủ Đông Đức và lo ngại về một sự lặp lại những sự kiện này tại Bắc Triều Tiên. Thế nhưng dòng người tị nạn Đức là một hệ quả của ách kìm kẹp bị suy yếu dần của các chính thể cộng sản khắp Đông Âu. Nó không phải là nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém đó. Một ví dụ có liên quan hơn cho trường hợp của Bắc Triều Tiên là Việt Nam, nơi sự ra đi của những người tị nạn đã không làm yếu đi chế độ đó và thậm chí có thể còn làm cho nó ổn định thêm.

Việc bất đắc dĩ phải làm cho Bắc Triều Tiên phản ứng lại đã là lý do cho sự trì trệ này. Dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Lee, ông Roh Moo-hyun, khuynh hướng này là vô cùng mạnh nên vào năm 2007 Nam Triều Tiên đã tránh bỏ lá phiếu tại Liên hiệp quốc lên án những vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Lee đã đảo ngược lại chính sách ngáng trở đó, song các quan chức Nam Triều Tiên vẫn quan ngại về những phản ứng của Bắc Triều Tiên thậm chí cả những lời chỉ trích nhẹ nhất. Thật đáng tiếc, có nhiều quan chức chính phủ Hoa Kỳ tỏ ra miễn cưỡng tương tự để làm bất cứ việc gì có thể gây nguy hiểm cho các cuộc thương thuyết với Bắc Triều Tiên.

Việc thiếu những hành động thực sự trong vấn đề này gây ảnh hưởng lên một số tương đối ít những người tị nạn Bắc Tiều Tiên cho tới lúc này đã được định cư. Số được chấp nhận vào Nam Triều Tiên hàng năm ít khi vượt quá 2.000. May thay, đã có một xu hướng tăng lên và đã đạt con số 2.809 người, mức cao nhất cho tới giờ, trong năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Lee.

Trong khi đó thì đối với Hoa Kỳ, bất chấp những đòi hỏi của Đạo luật Nhân quyền cho Bắc Triều Tiên, trong đó chỉ dẫn Bộ Ngoại giao phải tạo điều kiện thuận lợi cho những người thừa nhận là tị nạn Bắc Triều Tiên, thì tổng số người được chấp nhận vào Hoa Kỳ kể từ năm 2000 chỉ là một con số 81 buồn thảm.

Trở ngại lớn nhất cho hành động này là Trung Quốc. Nước này chia sẻ những nỗi lo sợ bị phóng đại lên về sự mất ổn định của chế độ Bắc Triều Tiên và không có thích thú gì trước lời chỉ trích thành tích nhân quyền của chế độ đó. Thậm chí hơn nữa, họ lại còn sợ có một vấn nạn về người tị nạn lớn hơn ngay trên lãnh thổ của chính mình. Trung Quốc làm cho cuộc sống của những người tị nạn Bắc Triều Tiên cực kỳ khó khăn và gây trở ngại cho Cao ủy Tị nạn của Liên hiệp quốc (UNHCR) trong việc tiếp cận những người tị nạn.

Điểm mấu chốt đối với người Trung Quốc sẽ được khai thông, một mặt, đảm bảo với họ rằng họ sẽ không bị mắc kẹt với một lượng người tị nạn thường trực và, mặt khác, nhắc nhở họ, với tư cách là một bên ký kết nghị định thư về người tị nạn của Liên hiệp quốc, Trung Quốc cần tuân thủ những điều khoản của văn bản đó, bao gồm việc cho phép việc tiếp cận người tị nạn của UNHCR. Khởi đầu chầm chậm, với những con số nho nhỏ, cũng có thể giúp giải tỏa vấn đề. Thậm chí với những mức độ tương đối khiêm nhường, ví như 25.000 người mỗi năm, cũng có thể cho phép việc định cư cho một phần tư trong tổng số một triệu người tị nạn trong một chu kỳ 10 năm.

Sức ngáng trở đối với việc định cư cho người tị nạn là điều không có gì mới lạ. Dù trách nhiệm khá là hiển nhiên của Hoa Kỳ đối với những người tị nạn Đông Dương, nhưng đất nước này cũng đã có những nỗ lực to lớn khác thường bởi các nhóm gây sức ép chính trị từ bên ngoài, bởi những thành viên tậm tuỵ trong Quốc hội, và những người bênh vực mạnh mẽ bên trong ngành hành pháp, đặc biệt là vị Đại sứ tại Thái Lan khi đó là ông Mort Abramowitz và Thứ trưởng Ngoại giao Richard Holbrooke. Ngày nay, các Thượng nghị sĩ Sam Brownback và Dianne Feinstein, các Hạ nghị sĩ Ed Royce và Gary Ackerman, và một số thành viên khác trong Quốc hội đã và đang hối thúc cho vấn đề này. Thế nhưng họ cần có sự trợ giúp.

Tổng thống Obama và Tổng thống Lee đã có thể đạt được một mục tiêu nhân đạo lớn lao nếu như họ đồng thuận cùng nhận lãnh vai trò đi đầu theo những phương châm sau đâu:
- Khởi đầu bằng chút ít nghi thức ở mức có thể, để nhấn mạnh rằng đó hoàn toàn là một nỗ lực nhân đạo, chứ không phải là một cố gắng nhằm gây khó khăn cho Bắc Triều Tiên, lại càng không phải là gây mất ổn định cho nước này.
- Bằng sự khởi đầu khiêm tốn, cam kết hai quốc gia của họ có được một mức độ tăng dần và vững chắc số người tị nạn được tiếp nhận. Điều này sẽ làm dễ dàng hơn cho việc kiểm soát dòng người tị nạn và những thách thức của vấn đề tái định cư.
- Cần có được nhiều quốc gia tham gia trong nỗ lực này tới mức có thể, bởi lẽ nó sẽ có sức mạnh và sự an toàn khi có được số đông. Một số nước từng chào đón những người nhập cư châu Á, như Úc và Canada, có thể lại một lần nữa làm việc đó. Ngoài ra, có những quốc gia khác đang có những sắc dân Triều Tiên sinh sống, đặc biệt là Trung Á, nơi có lẽ sẽ thu hút được một số người Bắc Triều Tiên, đặc biệt nếu như cộng đồng quốc tế chịu cho họ những chi phí cho việc tái định cư.
- Cần có được cộng đồng người Mỹ gốc Triều Tiên mạnh mẽ để trợ giúp cho việc tái định cư trên đất nước này dựa trên một cơ sở tự nguyện.

Chẳng có điều gì trong vấn đề này là dễ dàng, nhưng khả năng thành công sẽ là to lớn. Nhiệm vụ tái định cư cho những người Bắc Triều Tiên đang phải chịu đựng cảnh tị nạn là ít gây nản chí hơn nhiều so với nhiệm vụ thay đổi cách hành xử của chế độ đó.

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng nhiều người Nam Triều Tiên cảm thấy Hoa kỳ không quan tâm tới tình thế không may của người Bắc Triều Tiên, và họ đã và đang cảm thấy xúc động khi Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm thật sự. Đây là một cơ hội để thực hiện điều đó ngay lập tức.

Ông Wolfowitz, một cựu thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và là trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á, là một nhà nghiên cứu dự thính của Học viện Doanh nghiệp Mỹ.

Hiệu đính: Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
.
.
.

No comments:

Post a Comment