Tuesday, November 2, 2010

KHI NÀO CHẤM DỨT CẢNH TÌM LÃNH TỤ TRONG TRO TÀN LỊCH SỬ (Vũ Ánh)

(10/31/2010)

Một người bạn nối khố của tôi từ ngày sang làm việc cho BBC tại Anh năm 1974, rồi sau 30 tháng 4 sang Hoa Kỳ làm việc cho VOA ở Hoa Thịnh Ðốn, chứng dị ứng với phấn hoa trở thành nặng, nhiều khi cả hai lỗ mũi “điếc” luôn (“điếc”= lỗ mũi nghẹt cứng), mặt sưng vù, nước mắt nước mũi sổ ra cả đống. Tôi ngạc nhiên lắm bởi vì tôi chưa bao giờ chứng kiến một loại dị ứng lại nặng như thế. Nhưng hắn vẫn dọa tôi: “Mày sống lâu ở đây rồi tất biết, trước sau gì mày cũng bị thôi”.

Hiện nay tôi chưa có triệu chứng gì là dị ứng với phấn hoa hay với khói cả, nhưng dường như đã bị dị ứng bởi những điều bất thường diễn ra hàng năm ở trong cộng đồng này. Trước hết, cứ sắp đến ngày đánh dấu ngày Quốc Khánh 1 tháng 11 trước đây khi còn VNCH, là trên e-mail hay một vài trang mạng thế nào cũng thấy bắt đầu phấp phới những lời xỉ vả và đổ lỗi cho nhau về Ðệ Nhất Cộng Hòa mà vị tổng thống đầu tiên là ông Ngô Ðình Diệm. Những người còn quí, còn phục, còn hậu thuẫn cho ông Diệm là những đảng viên trung thành của đảng Cần Lao hiện mà nhiều người Miền Nam Việt Nam và người công giáo Miền Bắc di cư vào Nam vẫn còn gọi ông là cụ Diệm. Hầu hết những thành phần này lòng chưa phai lạt giận dữ vì chuyện hai anh em ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu bị phe quân nhân đảo chánh giết một ngày sau cuộc đảo chính quân sự 1 tháng 11 năm 1963 thành công.

Từ thập niên 50, tại những nước Á Phi, các cuộc đảo chánh quân sự xảy ra như cơm bữa, các nguyên thủ quốc gia đương quyền phần nhiều bị bắt và bị giết. Nguyên nhân các cuộc đảo chánh quân sự có thể dẫn đến từ đất nước ấy thiếu dân chủ và những tướng lãnh trong quân đội có nhiều tham vọng quyền lực. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cũng không tránh khỏi được điều này. Ông là người khai sinh ra Ðệ Nhất Cộng Hòa, nhưng ông lại không phải là người có khả năng củng cố được nền dân chủ non trẻ của miền nam Việt Nam. Gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, phe phái, tham nhũng, chuyên quyền, bệnh hình thức đã làm cho nền dân chủ tại miền nam Việt Nam trở thành bọt biển và đổ vỡ. Vụ đàn áp Phật giáo chỉ là giọt nước làm tràn ly nước đã đầy.

Thông thường, không ai thích các cuộc đảo chánh quân sự vì những hành động đó bị gán cho là phi dân chủ hay quân phiệt. Nhưng nếu cứ ngồi để nhắm mắt kết án các cuộc đảo chính lật đổ một chính quyền độc tài thì tại sao người Việt hải ngoại vẫn cứ muốn có các cuộc đảo chánh để lật đổ chính quyền Cộng sản ở Việt Nam? Giả thử bây giờ chính quyền Hà Nội bị lật đổ và một số nhà lãnh đạo Cộng sản bị bắt và bị giết thì người ta sẽ nghĩ gì? Kết án hay hoan hô? Bởi vậy lật đổ một chính quyền độc tài dù độc tài quốc gia hay độc tài cộng sản là một hành động không có gì đáng lên án cả. Một lãnh tụ cai trị đất nước với chính sách hà khắc, đàn áp tất cả tiếng nói đòi hỏi dân chủ thì tốt nhất là nên thay thế nó bằng một chính quyền khác không phải là điều nên làm hay sao? Không ai khuyến khích những vụ đảo chánh quân dự gây xáo trộn cho đời sống của một quốc gia nhiều khi kéo dài cả một hai năm, nhưng trong trường hợp bất khả kháng thì cũng nên tìm hiểu nguyên nhân rồi hãy chống đối hoặc thông cảm.

Cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 đã là quá khứ rồi. Ðã có những thời kỳ nền Ðệ Nhị Cộng Hòa chỉ lộ rõ những bết bát, nhưng cũng có thời kỳ nó rất phát triển, nền dân chủ được thể hiện qua các hoạt động của thành phần đối lập, không phải chỉ ở quốc hội mà còn ở trong thành phần những chính đảng quốc gia lúc ấy. Trong nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam cũng đã có được một bản Hiến Pháp mới, một Quốc Hội với nhiều khuynh hướng, một cuộc bầu cử đầu tiên tương đối dân chủ và một luật đáng chú ý nhất là luật “Người Cày Có Ruộng”. Thế nhưng, nền Ðệ Nhị Cộng Hòa cũng dần dần trở thành một hệ thống chính trị đầy chua chát và chính quyền của ông Thiệu đã tự biến mình thành một chính quyền mất lòng dân. Thái độ nhu nhược của Tổng Thống Thiệu đối với người Mỹ, tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm của chính quyền đã dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh được vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sự việc ông Nguyễn Văn Thiệu bỏ một đất nước đang trong cái thế nghiêng ngửa mất còn để mưu cầu an toàn cho chính ông và gia đình, khiến ông, cho tới lúc qua đời, vẫn không thể biện minh gì cho chính mình trong những năm cầm quyền được.

Cho nên, chính vì cả hai nền Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam đều có ưu điểm lẫn cả những khuyết điểm nghiêm trọng. Ðó là có khai sinh, nhưng không có nuôi dưỡng, thậm chí đã tự tay mình giết chết nền dân chủ ấy, phá vỡ niềm tin của dân chúng đối với cả hai chính quyền. Vì thế, người ta sẽ thất vọng nếu đi tìm trong lịch sử của VNCH những lãnh tụ anh minh để tôn thờ. Bởi vì ông nào cũng có những việc đã làm được, và có những việc lẽ ra phải làm được nhưng đã làm hỏng chỉ vì lòng yêu quyền lực và chỉ sống cho cá nhân, phe nhóm của mình, để cuối cùng khi đất nước có biến, chung quanh mình những nịnh thần đã cao bay xa chạy, chỉ còn những người ngay thì lúc đó đã bất lực không có gì cứu vãn nổi.

Một số anh em chúng tôi, khi từ miền Bắc Việt Nam di cư vào Nam như là một sự chọn lựa giữa tự do và cộng sản, rồi lớn lên và học hành ở Miền Nam, vùng được coi như đất lành chim đậu. Ơn nghĩa của hạt gạo Miền Nam lớn lao lắm. Sự tắm gội một nền văn hóa vốn là tâm thức tự do truyền thống được xây dựng ở Miền Nam Việt Nam và vì thế lớp thanh niên miền Nam lao vào cuộc chiến tranh tự vệ mà không đắn đo gì về những tệ nạn trong chính quyền ở hậu phương lúc đường thời. Chúng tôi chỉ biết trước mặt là những người từ miền Bắc muốn phá vỡ nền tự do của mình và gia đình mình tại miền Nam nên phải đẩy lui họ trước đã.

Cuộc chiến tranh ấy đã chấm dứt 35 năm qua rồi. Các giai đoạn lịch sử miền Nam cần phải được chính chúng ta duyệt lại để rút ra những bài học. Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại gồm những thành phần khác nhau vì họ đến Mỹ theo nhiều con đường khác nhau. Có người được hưởng ân sủng của những nhà lãnh đạo Ðệ Nhất Cộng Hòa, có người là nạn nhân. Có người hưởng những ân sủng của những nhà lãnh đạo Ðệ Nhị Cộng Hòa nhưng cũng chẳng thiếu người không được hưởng gì cả mà chỉ thấy phải hy sinh. Nhưng nạn nhân lớn nhất của cả hai chế độ Cộng Hòa chính là những người lính. Họ chiến đấu dũng mãnh và có hiệu quả, hy sinh cũng nhiều, đổ máu cũng lắm, nhưng cuối cùng phần thưởng cho họ là những gì, nếu không muốn nói là nhà tù Cộng Sản, để nhận hậu quả bại trận thay cho những nhà lãnh đạo đã bỏ đi, đã quay lưng với chính đồng đội, chính thuộc cấp của mình.

Tôi nói ra cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lịch sử đáng buồn cho tất cả chúng ta, các cựu quân, dân, cán, chính cũng vì thấy cần phải nói ra. Tôi cũng không muốn phàn nàn gì đối với những người còn muốn tìm một lãnh tụ mà họ coi là anh minh cho họ. Bởi vì trước hết họ có cái quyền tự do đó. Trong cộng đồng, tôi cũng đã từng nghe đến đầy lỗ tai những người nhận ân sủng của ông Ngô Ðình Diệm thì coi vị tổng thống thứ nhất của nền Cộng Hòa này tại miền Nam Việt Nam là cao trọng. Tôi cũng đã từng nghe những người vẫn nói ông Nguyễn Văn Thiệu xứng đáng là vị tổng thống của miền Nam Việt Nam nhất. Họ còn nhấn mạnh: “Chính ông ấy là người gắn lon cho tôi” và “Chính ông ấy là người tưởng thưởng huy chương cho tôi” hay “Chính ông ấy cất nhắc tôi làm tỉnh trưởng”. Về chính trị, các ông ấy đúng hết bởi vì chính số những người có liên hệ đến cả hai chế độ còn sống, được hưởng ân sủng thì ca tụng, và trở thành nạn nhân thì chỉ trích. Ðó là những cách nhìn của lẽ thường.

Tuy nhiên lịch sử không phán xử theo cách đó. Lịch sử có tiếng nói riêng của nó, tiếng nói dựa theo dữ kiện có thực chứ không dựa theo những tin đồn, những quan điểm chính trị và những nghi án. Chẳng hạn như khi bảo rằng việc hủy bỏ hệ thống Ấp Chiến Lược là một lỗi lầm của nhóm tướng lãnh đảo chánh, thì liệu có chắc là như thế không, bằng chứng đâu, hiệu quả như thế nào, quả thực Ấp Chiến Lược có làm cho du kích cộng sản hết đường tiếp tế không, ấp chiến lược có phải là cái ổ của tham nhũng, cường hào ác bá, biến các ông xã trưởng được chỉ định thành những ông vua con không? Một thí dụ khác là khi nói tới đảng Cần Lao thì cũng cần phải đặt ra một câu hỏi ngược lại với những điều nói về đảng này hồi thập niên 60. Ðó là liệu đảng Cần Lao có thực sự là một đảng chống cộng có hiệu quả và có bị chế độ Ngô Ðình Diệm lạm dụng không? Hoặc sau này khi ông Nguyễn Văn Thiệu cho lập đảng Dân Chủ thì có phải là ông ta muốn bắt chước việc làm của ông Diệm không?

Sử học đòi hỏi những người viết lại lịch sử sự khách quan tối đa và đòi hỏi họ cũng chỉ được sử dụng những dữ kiện mà thôi. Hơn nữa một điều tối quan trọng là cần đối chiếu các dữ kiện ấy với những tài liệu khác cùng thời. Trong cộng đồng này, và ngay cả trong hàng ngũ cựu quân nhân VNCH, người ta hay có khuynh hướng lựa chọn ông Nguyễn Văn Thiệu là tổng thống cuối cùng của VNCH, còn ông Dương Văn Minh chỉ là tổng thống bất hợp hiến. Sự lựa chọn đó hoàn toàn là tình cảm, không dựa trên dữ kiện có thật. Dữ kiện có thật là sau khi thấy không còn duy trì được quyền lực vì miền Nam Việt Nam đã “hết thuốc chữa” nên ông Thiệu từ chức. Ông Trần Văn Hương là Phó Tổng Thống lúc đó lên thay thế theo qui định của Hiến Pháp. Sau đó ông Hương trao quyền lại cho cựu tướng Dương Văn Minh sau cuộc biểu quyết ở Quốc Hội. Bất hợp hiến ở chỗ nào, dù ông Minh chỉ làm nguyên thủ quốc gia có một ngày rưỡi rồi đầu hàng? Một tổng thống được trao quyền có một ngày rưỡi, với cuộc tháo chạy tán loạn của quân, dân, chính, một quân đội cạn cả đạn dược, nhiên liệu, phi, pháo, một số tướng lãnh, lãnh đạo bỏ ra nước ngoài thì còn gì nữa mà không đầu hàng. Các ông Diệm, Thiệu, Kỳ, Khiêm... hay bất cứ ai ở vào hoàn cảnh đó thì cũng phải đầu hàng thôi. Và cuối cùng là gì, người phải đầu hàng vì hoàn cảnh không có lỗi gì khi người khác đã bỏ đi. Người không đầu hàng nhưng lên máy bay đào ngũ trước địch quân mới là có tội theo quân luật.

Vì thế, tôi nghĩ là dù yêu hay ghét những ông tổng thống nào trong chế độ VNCH thì cũng nên công bằng đối với họ. Ði tìm lãnh tụ thì cứ việc đi tìm. Nhưng đi tìm lãnh tụ để đánh bóng lãnh tụ ấy mà lại cố tìm cách đổ vấy cho lãnh tụ khác là hành động bất công, bè phái và bóp méo lịch sử. Cộng đồng từ bao lâu nay vẫn có hiện tượng mất đoàn kết ngấm ngầm vì những méo mó, sai lạc của các phong trào tìm lãnh tụ là như vậy, bởi vì lãnh tụ “anh minh” của nhóm người này có khi lại là “hung thần” của nhóm người khác trong cộng đồng. Lãnh tụ thực sự có anh minh thật, nhưng đối với giai đoạn này cũng chỉ còn là lịch sử. Lịch sử có chỗ đứng riêng biệt của nó, trong khi cộng đồng cần hiện tại và tương lai hơn. (V.A)
.
.
.

No comments:

Post a Comment