Thursday, November 25, 2010

INTERNET và DÂN CHỦ (Evgeny Morozov - Boston Review)

Đoan Trang
Thứ tư, ngày 24 tháng mười một năm 2010

Tôi dịch bài này vào thời điểm Facebook ở Việt Nam có những dấu hiệu “trục trặc kỹ thuật”. Bình thường khi dịch các bài liên quan đến khoa học chính trị, tôi hay ghi chú: “Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm tác giả”, hoặc “Quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của người dịch”. Tuy nhiên, với riêng bài Texting to Utopia dưới đây, tại thời điểm dịch (năm 2009), tôi tán đồng với một số luận điểm như: “không một nhà độc tài nào bị lật đổ vì Thế giới Ảo”, “Internet giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và tham gia các nhóm mà chúng ta vốn đã ủng hộ từ trước; đến lượt nó, việc này có thể khiến các quan điểm của chúng ta thậm chí còn cực đoan hơn”.

Mặc dù vậy, tôi cũng đã ngay lập tức dựa vào đây để viết một bài “lách đủ đường” để bảo vệ Facebook. Điều tôi muốn hướng đến khi dịch Texting to Utopia cũng như khi viết bài ăn theo nó (cuối năm 2009), thực chất là làm sao để “ai đó” hoặc “nhiều ai đó” thấy rằng Internet chỉ là thế giới ảo, không gây nguy hiểm gì đối với chính quyền và do vậy, chẳng nên quá sợ và ghét nó.
Việc gì phải kiểm soát Internet nhỉ, khi mà chỉ 24 triệu trên tổng số 86 triệu dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet, và trong số 24 triệu người dùng đó thì đã có tới 50% là game thủ. Số người sở hữu blog, theo một thống kê mà tôi không nhớ nguồn, chỉ khoảng 500.000. Người viết blog chính trị còn ít nữa. Người đọc, hiểu và ủng hộ blog chính trị lại càng ít nữa nữa.
Tuy nhiên, từ bấy đến nay, “âm mưu” của tất cả những người tìm cách thuyết phục “ai đó” rằng “Internet vô hại, hãy để nó tự do”, rõ ràng là không thành công. Thậm chí viết blog đang trở thành nguy hiểm. Thực tế này chứng tỏ rằng bất luận ảnh hưởng của Internet là sâu hay nông, rộng hay hẹp, “nhiều ai đó” vẫn muốn kiểm soát Internet thật chặt, nói nôm na theo văn phong của người trẻ Việt Nam bây giờ là để “cho nó lành”.

+++++

LƯỚT MẠNG TỚI CÕI KHÔNG TƯỞNG

Internet có khiến dân chủ trở thành phổ biến không? Bài viết nhan đề “Texting to Utopia” của Evegeny Morozov trên Boston Review. Đoan Trang biên dịch.


Năm 1989, Ronald Reagan tuyên bố: “Tên Goliah toàn trị sẽ bị chàng David microchip hạ bệ”; sau đó, Bill Clinton so sánh việc kiểm duyệt Internet cũng như chuyện “cố gắng đóng đinh thạch Jell-O lên tường”; và vào năm 1999, George W. Bush (không phải John Lennon) đề nghị chúng ta “hãy tưởng tượng nếu Internet chiếm lĩnh Trung Quốc. Hãy tưởng tượng tự do sẽ lan truyền như thế nào”.

Tinh thần lạc-quan-mạng như thế cho thấy hình thức mới của một quyết định luận công nghệ, theo đó Internet sẽ là cây búa đóng chiếc đinh vào tất cả các vấn đề toàn cầu, từ phát triển kinh tế ở châu Phi cho tới nguy cơ khủng bố xuyên quốc gia ở Trung Đông. Thậm chí khôn ngoan như nhà tài phiệt Rupert Murdoch mà còn phải chịu thua sức quyến rũ của kỹ thuật số: “Những tiến bộ trong công nghệ viễn thông đã chứng tỏ mình như một mối đe dọa mơ hồ đối với chế độ toàn trị ở mọi nơi”, ông tuyên bố. Chẳng bao lâu sau, Murdoch phải cúi đầu trước chính quyền Trung Quốc, những người đã đe dọa hoạt động kinh doanh tivi vệ tinh của ông ta trong khu vực để trả đũa cho tuyên bố giật gân này.

Một số nhà phân tích không vội theo đóm ăn tàn. Giọng điệu kiềm chế của một báo cáo năm 2003 thể hiện sự mâu thuẫn với niềm lạc quan mạng hiện nay. Bản báo cáo, của Carnegie thực hiện cho tổ chức International Peace, có tên là Mạng mở, chế độ đóng: Ảnh hưởng của Internet lên nền cai trị độc tài, cảnh báo: “Thay vì gióng lên hồi chuông báo tử cho chế độ độc tài, sự khuếch tán ra toàn cầu của mạng Internet đưa đến cả cơ hội lẫn thách thức cho các chế độ độc tài”. Khảo sát một loạt chế độ khác nhau từ Singapore tới Cuba, báo cáo kết luận rằng ảnh hưởng chính trị của Internet sẽ dao động tùy tình hình kinh tế và xã hội của mỗi đất nước, văn hóa chính trị của nó, và đặc thù của hạ tầng Internet quốc gia.

Báo cáo của Carnegie ra đời vào thuở hỗn mang của Youtube, Facebook và Myspace, nên dễ dàng quan sát được việc giảm chi phí nhanh chóng của hoạt động tự xuất bản, tự tổ chức điều phối, tương tác và hợp tác trên mạng, từ mạng chính trị cho tới Wikipedia. Vẫn còn khó để phỏng đoán tác động về mặt chính trị của Internet và công nghệ di dộng tại các khu vực nghèo nhất thế giới, nơi chúng hiện cung cấp một cơ sở hạ tầng ngân hàng vô cùng cần thiết (ví dụ, bằng cách sử dụng tín dụng trên điện thoại di động như là tiền tệ), tạo ra các thị trường mới, mang lại những cơ hội giáo dục mới, giúp phổ biến thông tin về phòng chống và chữa trị bệnh tật. Và vẫn còn hy vọng rằng thành quả của tốc độ phát triển kinh tế cao hơn, sinh ra từ công nghệ thông tin hiện đại, cũng có thể có ích cho dân chủ.

Do đó, chúng ta sẽ bị niềm lạc quan mạng trước đây cám dỗ. Lần theo dấu những thành công của nhiều sáng kiến dân chủ và chính trị trên toàn cầu, sẽ đi đến sự ra đời của Web 2.0, và chúng ta gạt bỏ ngay mối lo ngại trong bản báo cáo của Carnegie.

Phải chăng những thay đổi trên mạng trong vòng 6 năm qua – đặc biệt là sự trỗi dậy của mạng xã hội, blog, chia sẻ hình ảnh – thể hiện sự đơm hoa của tiềm năng dân chủ hóa mà Internet có? Dường như luận thuyết này giải thích động cơ đằng sau việc kiểm duyệt Internet hiện nay: các site có nội dung do chính người dùng tạo ra – Facebook, YouTube, Blogger – đặc biệt không được các chế độ độc tài ưa thích. Một số cuốn sách bình dân và hàn lâm về chủ đề này chỉ thiếu nước chỉ ra một cuộc cách mạng cả trong chính trị và thông tin (ví dụ, hãy đọc cuốn The Blogging Revolution (tạm dịch: Cách mạng Blogging) của Antony Lowenstein, hay cuốn The Information Revolution and World Politics (Cuộc Cách mạng Thông tin và Chính trị Thế giới) của Elizabeth Hanson, cả hai đều mới xuất bản năm ngoái). Cuối cùng thì, niềm lạc quan mạng có đúng đắn không? Internet có phổ biến dân chủ không?

Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc đáng kể vào cách chúng ta đo mức độ “tự do” như thế nào. Một cách an toàn, có thể nói rằng Internet đã thay đổi đáng kể dòng thông tin vào và ra khỏi các nước dưới chế độ độc tài. Trong khi kiểm duyệt Internet vẫn còn là một vấn đề nhức nhối và thật không may là phổ biến hơn hồi năm 2003, thì cũng khó mà bỏ qua sự phát triển của nội dung số - những nội dung mà đột nhiên hàng triệu người Trung Quốc, Iran hay Ai Cập đã có thể tiếp cận. Nếu tốc độ và sự thoải mái của việc xuất bản trên mạng Internet có làm cho nhiều tác phẩm lậu bị cấm trước kia thành lỗi thời; thế hệ những người bất đồng chính kiến đang nổi lên này cũng có thể sử dụng Facebook và YouTube làm trụ sở giao dịch, còn iTunes và Wikipedia làm phòng học của họ.

Trên thực tế, nhiều nhà bất đồng như thế đã tận dụng đáng kể web. Ở Ukraine, những nhà hoạt động trẻ tuổi dựa vào các công nghệ truyền thông mới để huy động người ủng hộ trong suốt cuộc Cách mạng Cam. Những người phản đối ở Colombia sử dụng Facebook để tổ chức các cuộc tuần hành khổng lồ chống lực lượng du kích cánh hữu FARC. Những bức ảnh gây sốc và có giá trị mạnh mẽ xuất phát từ Myanmar suốt trong các cuộc đấu tranh phản đối chính phủ năm 2007 – nhiều bức trong đó là do các blogger bản địa chụp bằng điện thoại di động – đã nhanh chóng được lưu hành khắp thế giới. Các nhà hoạt động dân chủ ở đất nước Zimbabwe của Robert Mugabe sử dụng web để tra lại gian lận phiếu trong bầu cử hồi năm ngoái, và dùng điện thoại di động để chụp hình các bản kết quả bầu cử có lúc được bày tạm ra ngoài thùng phiếu (sau đó chúng sẽ là bằng chứng hữu ích của sự bất tuân luật). Rất nhiều ví dụ khác – từ Iran, Ai Cập, Nga, Belarus, và nhất là Trung Quốc – chứng minh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ trong việc hỗ trợ những người bất đồng.

Sự thay đổi chế độ nhờ tin nhắn có thể khả thi trong không gian mạng, nhưng không một nhà độc tài nào bị lật đổ vì Thế giới Ảo cả.

Nhưng rút ra kết luận về bản chất dân chủ hóa của Internet vẫn là quá sớm. Khó khăn lớn nhất trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa dân chủ và Internet – bên cạnh việc triển khai các biện pháp cải thiện dân chủ - là phân biệt giữa nguyên nhân và kết quả. Việc đó luôn luôn khó, và đặc biệt khó trong trường hợp này, bởi vì lời hứa hẹn hoành tráng của quyết định luận công nghệ - niềm tin lý tưởng vào sức mạnh thay đổi của Internet – đã làm mờ mắt ngay cả những nhà phân tích tỉnh táo nhất. Hãy xem xét những lập luận quy thắng lợi bầu cử của Barack Obama, một phần, cho khả năng đội ngũ của ông nắm được cơ sở dữ liệu, gây quỹ trên mạng, và sử dụng được mạng xã hội. Việc Obama tận dụng phương tiện truyền thông mới sắp là chủ đề của nhiều bài báo và cuốn sách. Nhưng tuyên bố sự vượt trội của công nghệ so với chính trị tức là đã đánh giá thấp sức thu hút sâu rộng của Obama đối với quần chúng, đánh giá thấp những gì còn lại sau một chính quyền Bush bị chán ghét tới mức đáng kinh ngạc, hậu quả phân rã của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cơ hội của John McCain có được Sarah Palin như một người bạn đồng hành. Mặc dù đội ngũ của Obama rất thành thạo mạng, nhưng không thể công nhận tính đúng đắn của lập luận nói rằng mạng đã mang lại chiến thắng cho Obama.

Tuy nhiên, dường như chúng ta sẵn sàng trỏ đến quyết định luận công nghệ trong bối cảnh quốc tế. Ví dụ, những cuộc thảo luận về Cách mạng Cam đã gán một vai trò đặc biệt quan trọng cho các tin nhắn trên điện thoại di động. Sau đây là một đoạn trong bài nghiên cứu vào năm 2007, The Role of Digital Network Technologies in the Ukrainian Orange Revolution (Vai trò của công nghệ mạng số trong cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine), do Trung tâm Berkman về Internet và Xã hội thuộc ĐH Harvard, mô tả ảnh hưởng của các thông điệp bằng chữ (text), hay tin nhắn sms:

Đến tháng 9/2004, Pora (phong trào thanh niên của phe đối lập) đã tạo ra hàng loạt mạng lưới chính trị ổn định trên khắp đất nước, gồm 150 nhóm mobile chịu trách nhiệm phát tán thông tin và phối hợp việc giám sát bầu cử, với 72 trung tâm khu vực và hơn 30.000 thành viên có đăng ký. Điện thoại di động đóng một vai trò quan trọng trong nhóm các nhà hoạt động bằng mobile này. Báo cáo sau bầu cử của Pora tuyên bố, “một hệ thống phát tán thông tin tức thời thông qua sms đã được triển khai và chứng tỏ tầm quan trọng”.

Sự huy động đó có lẽ quả thật đã rất quan trọng ở những nỗ lực vào phút chót. Nhưng nó dẫn người ta đến một ngụ ý sai lầm, như một số nghiên cứu gần đây của đội ngũ nhân sự thuộc Trung tâm Berkman đã chỉ ra, rằng Cách mạng Cam là sản phẩm của một “đám đông thông minh” – thuật ngữ do nhà phê bình Howard Rheingold đưa ra để mô tả những tổ chức xã hội tự thiết kế và đang nổi lên, được hỗ trợ bởi công nghệ. Chỉ tập trung vào công nghệ tức là đã che khuất đi những nỗ lực trắng trợn làm giả kết quả bầu cử tổng thống, vốn là cái kích động những cuộc phản đối; là quên đi hai tuần mà những người phản đối đã đứng dưới tiết trời tháng 11 giá lạnh; hay hàng triệu đôla được bơm vào cho các lực lượng dân chủ Ukraine để những cuộc biểu tình đó được nổ ra. Thay đổi chế độ bằng tin nhắn - nghe có vẻ khả thi trên mạng, nhưng không nhà độc tài nào bị lật đổ vì Thế giới Ảo, và cũng không có cuộc bầu cử thật nào thu được chiến thắng trên đó; nếu không, Ron Paul đã là Tổng thống rồi.

Chắc chắn là công nghệ có một vai trò trong các sự nghiệp của toàn cầu. Bên cạnh việc là công cụ truyền thông trực tiếp và giúp con người hợp tác, sự sinh sôi của dữ liệu không gian và hình ảnh vệ tinh vừa rẻ vừa dễ tiếp cận, cùng với sự ra đời những trình duyệt thân thiện với người sử dụng như Google Earth, đã biến đổi về căn bản công việc của các NGO chuyên biệt; giúp hình thành rất nhiều NGO mới; và cho phép, chẳng hạn, việc truy sát trên thực tế (không phải trên mạng) đối với hành động tàn phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Thậm chí các cộng đồng thổ dân trước đây vốn đóng chặt cánh cửa trước đổi mới công nghệ, nay cũng đã tận dụng được những công cụ trực tuyến này.

Quan trọng hơn, sự thay đổi kiến tạo về tính kinh tế trong hoạt động đã cho phép số lượng lớn các nhà hoạt động cá nhân (một số làm part-time hoặc thậm chí làm việc tự do) tham gia vào những nỗ lực chung to lớn. Như Clay Shirky lập luận trong cuốn Here Comes Everybody: Organizing without Organization (Mọi người đã đến: tổ chức lại mà không thành tổ chức), thế hệ các nhà bất đồng mới đang ngày càng hoạt động một cách thời vụ hơn, đồng thời hơn, và tức thời hơn (một sự bóng gió khác ám chỉ khái niệm “đám đông thông minh” của Rheingold). Công nghệ cho phép các tổ chức tận dụng từng mức độ tham gia khác nhau của từng nhà hoạt động khác nhau. Thao tác được tới từng dấu chấm, dấu phẩy trên Wikipedia, cuối cùng thì việc tổng hợp sức mạnh của cả các nhà bất đồng, dù họ tham gia chủ động hay bị động, đã trở thành khả thi. Ngày nay, ngay cả một email được chuyển tiếp (forward) đi cũng có tác dụng. Cách hoạt động “nano” như vậy rất có ý nghĩa tập hợp mọi người.

Vì vậy, Internet đang làm cho hoạt động của các nhóm và cá nhân được rẻ hơn, nhanh hơn, gọn gàng hơn. Tuy nhiên, hậu cần (logistics) lại không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự tham gia của các công dân. Internet có ảnh hưởng gì tới những động cơ xui khiến chúng ta hành động? Câu hỏi này đặc biệt quan trọng ở các nước độc tài, nơi bầu cử và cơ hội để có hành động đồng thời và tổng lực là rất hiếm. Câu trả lời phụ thuộc một phần rất lớn vào việc liệu Internet có nuôi dưỡng được sự háo hức hành động sau khi tiếp nhận những thông tin mới đó không? Internet hâm nóng thêm hay làm nguội đi tâm trạng háo hức này - đây là vấn đề quan trọng cốt yếu và hiện chưa xác quyết được.

Internet giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và tham gia các nhóm mà chúng ta vốn đã ủng hộ từ trước; đến lượt nó, việc này có thể khiến các quan điểm của chúng ta thậm chí còn cực đoan hơn.

Một số người lập luận rằng việc công dân được tiếp xúc với các tài liệu công cộng vạch trần tham nhũng và gian dối (hồ sơ SEC, chuyện hoàn thuế cho các quan chức trúng cử, tiết lộ về đóng góp cho các chiến dịch lớn, v.v.) sẽ thúc giục họ hành động. Phát biểu chủ yếu kêu gọi tính minh bạch cao độ như vậy đến từ những nhà tiên phong về công nghệ, như Carl Malamud – người sáng lập trang web public.resource.org ở Mỹ, và Tom Steinberg với trang mySociety ở Anh. Logic tương tự - rằng dữ liệu mở giúp vạch trần sự lạm dụng quyền lực hoặc, như thẩm phán Brandeis có nói, rằng “ánh sáng mặt trời là thứ thuốc tẩy tốt nhất” – đã dẫn dắt hoạt động của tổ chức Sunlight (Ánh sáng Mặt trời) ở Mỹ và nhiều tổ chức nhỏ hơn ở các nơi khác, như Mzalendo – một trang web và cơ sở dữ liệu bầu cử theo dõi các bộ trưởng trong Nghị viện Kenya, và FairPlay Alliance (Liên minh Chơi đẹp) - một site tương tự ở Slovakia.

Cũng còn những site như Wikileaks, nơi lữu trữ tất cả các dữ liệu gây tranh cãi, từ một danh sách website bị Chính phủ Thái Lan kiểm duyệt, tới bản copy cuốn Human Terrain Team Handbook của quân đội Mỹ. Một khi những tài liệu như vậy bị rò rỉ, những site này dám chắc rằng, mở hồ sơ cho công luận xem thì có tác dụng hơn là để chúng rơi vào tay ai đó có cơ hội (Wikileaks dường như cũng có sức mạnh chết người: CEO của Julius Baer - một ngân hàng Thụy Sĩ bị ám chỉ có dính líu đến tham nhũng, nhờ những tài liệu trên Wikileaks chỉ ra - gần đây đã chết vì một nguyên nhân bí ẩn, nhiều khả năng là do tự sát). Giả thuyết nói rằng việc cung cấp quyền tiếp cận thông tin và nuôi dưỡng sự minh bạch có thể thúc đẩy dân chủ hóa đã làm hoạt động của họ thêm cơ sở vững chắc. Sau đây là những gì Wikileaks mô tả sứ mệnh của mình:

Tất cả các chính phủ đều có thể thu lợi từ việc nghiên cứu ngày càng sâu về cộng đồng thế giới cũng như về chính nhân dân của họ. Chúng tôi tin quá trình nghiên cứu này đòi hỏi thông tin. Từ lâu thông tin đã rất đắt – xét về những nhân mạng và nhân quyền chúng ta phải trả vì nó. Nhưng với tiến bộ công nghệ - Internet , [sic], và khoa học mật mã – rủi ro của việc truyền tải các thông tin quan trọng đã có thể giảm đi.

Chỉ riêng sự kiên nhẫn của các nhà tổ chức ra Wikileaks đã đáng được người ta vỗ tay hoan nghênh (họ tuyên bố đã nhận được hơn 1,2 triệu hồ sơ từ những người bất đồng chính kiến và các nguồn ẩn danh). Tuy nhiên, thành công của những chiến dịch như vậy – cả ở những nhà nước dân chủ lẫn nhà nước độc tài – có lẽ còn hạn chế. Sự tồn tại của các tài liệu, hồ sơ cũng không đảm bảo mang lại một kết quả cụ thể. Như tiểu thuyết saga của Madoff đã tiết lộ, thậm chí tài liệu công khai cho công chúng về vụ SEC cũng tiết lộ được ít thông tin hơn chúng ta tưởng. Và tìm hiểu 1,2 triệu tài liệu tải lên Wikileaks sẽ mất thời gian, nỗ lực, và đòi hỏi một sự phối hợp tổng lực của các nhà báo, phóng viên điều tra.

Misha Glenny lập luận trong cuốn sách rất hay mới đây của ông, McMafia, tội ác thời hiện đại đã toàn cầu hóa, trở nên phức tạp và khó có thể được ghi chép lại và lưu trữ trong biên giới một quốc gia, xác định người đồng chủ mưu có thể là việc bất khả thi. Ví dụ, thật khó mà tưởng tượng rằng chính quyền Sudan lại vẫn còn lưu giữ vô tận những hồ sơ về hoạt động mua bán vũ khí bất hợp pháp của họ. Nhưng ngay cả khi họ có làm như vậy – và những tài liệu này đột nhiên được công khai hóa – cơ hội để chúng làm bùng lên những cuộc phản đối dữ dội là bao nhiêu? Căn cứ vào tình hình xuất bản yên ổn những bằng chứng còn gai góc hơn thế nhiều, trong đó có cả chuyện nhân chứng trông thấy tận mắt những chiếc tàu không giống thông lệ đang chở vũ khí thật, có thể nói ít có khả năng những phong trào phản đối kịch liệt sẽ nổ ra. Lý do không mấy liên quan tới Twitter và Facebook, mà phần nhiều từ một thực tế là mọi người có thể có rất nhiều thông tin và rất ít quyền lực để hành động dựa trên thông tin đó.

Một số người khác cho rằng Internet đặt những công dân bị tẩy não dưới một chính quyền độc tài vào trước những quan điểm đối lập về chính phủ của họ. Điều này giúp họ phát triển một thế giới quan khác và, một cách tiềm tàng, nảy sinh cảm hứng cho những thay đổi mang tính dân chủ. Điều này là khả thi, mặc dù có lẽ khó mà tìm được một nước – lấy ví dụ, có lẽ như Bắc Hàn hay Turmenistan – nơi các công dân chưa từng nghe nói tại sao chính phủ của họ lại tồi tệ: Xét cho cùng, đó là những gì các ông già thảo luận với nhau ở quán rượu. Chúng ta cũng không thể giả định rằng con người sẽ đi tìm kiếm những thông tin họ không tán đồng hay đơn giản là chưa từng nghe nói tới.

Hơn nữa, dựa vào Internet để thực hiện chức năng này chịu rủi ro của cái mà Cass Sunstein (gần đây được chỉ định làm người đứng đầu Văn phòng Thông tin và Sự vụ Thông thường của Nhà Trắng) gọi là “chủ nghĩa cực đoan cô lập”. Internet giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và tham gia những nhóm mà chúng ta vốn đã sẵn ủng hộ, điều này đến lượt nó có thể khiến các quan điểm của chúng ta thậm chí còn cực đoan hơn. Theo Sunstein, tránh vấn đề này trong kỷ nguyên tiền-Internet dễ hơn bây giờ, vì trang nhất tờ báo quốc gia lớn nhất cũng cung cấp đủ kinh nghiệm tổng hợp được chia sẻ cũng như một liều lượng hợp lý các phát hiện mới, đặt chúng ta trước những quan điểm và tin tức mà chúng ta có thể chưa từng tiếp cận. Mô hình “trang nhất” của Sunstein, tất nhiên, không vận hành tốt ở những xã hội mà truyền thông bị kiểm soát. Sẽ là không trung thực khi so sánh blog và các cộng đồng online với trang nhất của tờ báo quốc gia lớn ở một nước, ví dụ Uzebekistan, nơi các dòng chữ có lẽ do chính phủ viết ra thay vì do các biên tập viên được tự do viết. Không có nhiều phát hiện mới ở đó; trên thực tế, sẽ tốt hơn nếu một người đọc một loạt blog độc lập. Do đó, có thể là Internet – mà đặc biệt là blog – quả thật đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một cộng đồng dân chủ hơn ở các nước độc tài. Điều này là một bước tiến rất có ý nghĩa (của Internet) so với các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát. Một số bằng chứng trước đây nói rằng tình trạng này đúng ở ít nhất một vài nước. Nghiên cứu của John Kelly thuộc ĐH Colombia khẳng định rằng các blog của người Iran rất đa dạng, thể hiện cả tiếng nói bảo thủ lẫn tự do, với một loạt các lực lượng khác, hỗn hợp, ở giữa. Không có phe nào tuyệt đối thắng thế trong số họ.

Giá trị mà người đọc đặt vào các blog nằm ở quan niệm cho rằng tác giả của blog là “độc lập”, thoát ly khỏi những sự nhồi sọ của nhà nước hay của các lực lượng thứ ba. Thế thì họ độc lập tới mức nào? Sai lầm lớn nhất về quan niệm của những nhà không tưởng trên mạng, là coi không gian mạng như một khu vực vô chính phủ, nơi chính quyền không dám bước chân vào trừ phi để đóng cửa ráo cả. Những báo cáo truyền thông khuyến khích quan điểm coi các chính phủ độc tài như những nhà kiểm duyệt Internet có ác cảm với công nghệ hoặc sợ công nghệ.

Tại sao lại giả định rằng người sử dụng Internet ở Trung Quốc sẽ đột nhiên đòi hỏi thêm nhiều quyền lợi chính trị, thay vì thích lối sống trong những bộ phim truyền hình Friends, Sex in the City mà họ xem trên Internet?

Mà tại sao chính quyền lại không theo đuổi một chiến lược hai mũi nhọn - vừa hạn chế đường vào những trang web ít được ưa thích vừa sử dụng Internet để điều khiển ý kiến dư luận? Điều này chính xác là cách các chính phủ độc tài xử lý những mối đe dọa về truyền thông trong quá khứ. Chính phủ Xô Viết không cấm phát thanh; họ phá sóng một số kênh phương Tây nhất định, đàn áp một vài đài bất đồng phát sóng từ nhà riêng, và tận dụng phương tiện truyền thông để yểm trợ cho ý thức hệ của mình. Chính quyền quốc xã cũng có cách xử lý tương tự đối với điện ảnh, cái mà lúc đó là công cụ tuyên truyền được ưa thích ở Đế chế thứ Ba.

Một khối lượng bằng chứng ngày càng lớn từ Trung Quốc và Nga – hai nước tích cực nhất trong việc sản xuất nội dung web – cho thấy mô hình này đang được tiếp tục cả trên Internet. Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng về chuyện tạo ra và điều hành cái gọi là Đảng 50 Xu – một đội những tay bình luận trên mạng (commentator) thân chính phủ, sẽ lướt web mò những cuộc thảo luận chính trị hấp dẫn và để lại các comment khuyết danh trên blog và forum. Tương tự, chính quyền Nga thường dựa vào các công ty Internet tư nhân, như công ty hàng đầu New Media Stars (Những ngôi sao truyền thông mới), nơi rất sung sướng được đưa các quan điểm của chính phủ lên mạng. New Media Stars mới đây sản xuất một bộ phim yêu nước, Chiến tranh 08.08.08, phát hành thành công trên mạng và được chào mời trên nhiều blog tiếng Nga, đổ hoàn toàn tội gây chiến tranh ở Nam Ossetia cho Gruzia. Trong khi không gian công cộng trên mạng có thể ngày càng dân chủ hơn (ít nhất về số lượng), thì mặt khác nó cũng bị ô nhiễm nặng nề bởi các nhà điều hành trong chính phủ, khiến không thể phân biệt nổi giữa không gian công cộng thời số hóa với không gian công cộng thời analog – cũ kỹ và bị kiểm soát chặt.

Ngay cả khi chính quyền bất tài, bất lực, hoặc không sẵn sàng trải nhựa đường lên không gian web với những thông tin “chính thức”, cũng có ít bằng chứng cho thấy một không gian Internet mở sẽ đột ngột tạo nên giấc mơ dân chủ cho người Trung Quốc hay người Nga. Chúng ta đã từng gặp chuyện như vậy trước kia: Những người Đông Đức không bắt được sóng của phía Tây Đức chống đối chính phủ cao hơn những người có thể. Ý kiến cho rằng được tháo cũi mở xiềng để truy cập vào Internet sẽ mang lại dân chủ bộc lộ một trong những sai lầm lớn nhất của những nhà không tưởng trên không gian mạng. Một khi người sử dụng Internet được lên mạng mà không bị giám sát, chúng ta có thể mong đợi họ - rất nhiều trong số này là thanh niên - đổ xô vào download báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, hay đọc về Pháp Luân Công trên Wikipedia chăng? Hay là họ sẽ lựa chọn The Soprano, hoặc bộ phim James Bond mới nhất? Tại sao lại giả định họ sẽ đột nhiên đòi hỏi nhiều quyền lợi chính trị hơn là các phim truyền hình Friends hay Sex in the City mà họ xem trên Internet?

Do đó, vấn đề liệu Internet có hướng người Trung Quốc hay Nga tới việc đòi hỏi một xã hội dân chủ và tự do hơn quy về việc liệu con đường nào – hướng ngoại hay hướng nội – sẽ là con đường mà giới trẻ sẽ chọn đi theo? Có thể dự đoán là, nhiều nhân vật không tưởng trên mạng nuôi dưỡng một niềm tin ăn sâu bén rễ vào việc sự hiểu biết về thế giới sẽ đi liền với Internet. Họ tưởng tượng rằng “những người bản địa số hóa” – tức những người đã lớn lên giữa thời công nghệ và Internet – sẽ chọn con đường hướng ngoại và trở thành người đi tiền trạm cho nền dân chủ, lối sống Mỹ. Logic này thẩm thấu vào gần như tất cả các cơ quan lớn có nhiệm vụ thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài, như Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi mà Phó Ngoại trưởng Ngoại giao Công và Ngoại vụ thời Condoleezza Rice, James Glassman, từng nói: “Chúng tôi cảm thấy rằng trên khắp thế giới, những người trẻ tuổi đang sử dụng Internet để đẩy lùi bạo lực theo một cách mới, sử dụng mạng xã hội, tham gia những nhóm lớn để có đối thoại, về căn bản, để chia sẻ thông tin”.

Những đánh giá nhiệt tình như vậy cũng làm sản sinh ra những tác phẩm văn chương bình dân hoặc bác học, với số lượng tăng lên nhanh chóng, về các công dân số ở Mỹ và Tây Âu. Các sách như Born Digital (Sinh ra số hóa) của John Palfrey và Urs Gasser, Grown up Digital (Lớn lên số hóa) của Don Tapscott, iBrain (Não điện tử) của Gary Small và Gigi Vorgan, và The Pirate’s Dilemma (Tình thế lưỡng nan của tên cướp biển) của Matt Mason, cũng như một nghiên cứu kéo dài ba năm gần đây về giới trẻ thời số hóa của tổ chức MacArthur, đã ra mắt. Trong những xã hội đã dân chủ, lòng lạc quan về ảnh hưởng của Internet đối với việc thu hút sự tham gia của những công dân trẻ tuổi – thậm chí khái niệm “công dân số” – là một suy nghĩ có lý do xác đáng, nếu không có gì đặc biệt mới mẻ.

Tuy nhiên, ở bên ngoài những nước thịnh vượng và dân chủ ở Bắc Mỹ và Tây Âu, những người bản địa số hóa cũng có khả năng trở thành những người tù số hóa hay những người sống ngoài vòng pháp luật số hóa, một đề tài mà không một nghiên cứu nào gần đây đi sâu làm rõ. Nếu quan niệm rằng Internet có thể làm nguội cảm hứng dân chủ của thanh niên dường như có vẻ phản trực giác, đó chỉ là vì các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta vẫn bị mê mệt bởi những bài tường thuật cũ mòn, coi blogger như lực lượng tạo ra các thay đổi tích cực. Các tựa báo gần đây vẫn còn nói: “Cộng đồng blogger ngày càng tăng ở Ai Cập mở rộng giới hạn bất đồng chính kiến”, “Từ Trung Quốc tới Iran, những người ghi nhật ký trên mạng đang thách thức các nhà kiểm duyệt”, “Đàn áp blogger ở Cuba”, “Những nhà kiểm duyệt web ở Trung Quốc chiến đấu để rọ mõm các blogger có tinh thần tự do”.

Nhiều bài báo kích động có thể đúng, kể cả nếu có bị thổi phồng chút ít, nhưng nó chịu tác động từ vài nguồn có tính định kiến. Hóa ra, các blogger thường xuyên, tiến bộ, và thân phương Tây có xu hướng viết bằng tiếng Anh nhiều hơn bằng ngôn ngữ bản địa. Do đó, họ cũng là những người thường hay nói chuyện với các phóng viên phương Tây. Nếu các nhà báo đi sâu tìm hiểu hơn một chút, họ có thể phát hiện thấy các chất liệu phong phú để viết những bài báo có tựa đề như: “Blogger Iran - thách thức chủ yếu đối với cải cách dân chủ”, và “Ảrập Xêút: blogger ghét quyền phụ nữ”. Tin bài về blogging ở Ai Cập trên phương tiện truyền thông đại chúng ở phương Tây tập trung hầu như hoàn toàn và duy nhất vào cuộc đấu tranh của những người viết thân phương Tây, mà rất ít đề cập đến lực lượng blogger đang tăng lên nhanh chóng trong cộng đồng thân hữu Hồi giáo.

Gọi một blog của một người anh em Hồi giáo nào đó là “phi dân chủ” có thể mang hai nghĩa. Do đó, các chính phủ phương Tây, bị kẹt trong sự không tưởng trên mạng rất sôi nổi trong suốt hai thập kỷ qua, gặp một thế lưỡng nan. Không có đầu tư của họ vào blog, thì các blogger đông người đọc, và các blog hình ảnh ở những nơi xa xôi về địa lý nhưng quan trọng về địa chính trị, tiếng nói trên mạng của những lực lượng dân chủ và cấp tiến được phương Tây ưa thích, sẽ không còn mang nhiều trọng lượng. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thông mới cũng khuyến khích các phần tử bảo thủ, dân tộc, cực đoan, tạo ra thách thức thậm chí còn lớn hơn cho quá trình dân chủ hóa. Nhìn lướt qua chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên trên mạng ở Nga và Trung Quốc cũng có thể thấy một cảm giác về những gì sẽ xảy ra.

Vấn đề xảy ra với việc xây dựng không gian công cộng, trên mạng hay ngoài mạng, rất giống chuyện tạo ra những con quỷ nhập tràng Frankenstein: Chúng ta có thể không thích sản phẩm cuối cùng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ ngừng coi Internet như một lực lượng dân chủ hóa, chỉ có điều chúng ta nên khai thông ý thức hệ mù quáng về quyết định luận công nghệ và tập trung vào các nhiệm vụ thực tiễn. Xác định rõ Internet có thể làm lợi như thế nào cho các lực lượng và tổ chức dân chủ hiện nay – rất ít trong số đó thể hiện được nhiều sáng tạo trên web – là một xuất phát điểm không tồi.

-------------------------

Does the Internet spread democracy?
Evgeny Morozov  -  Boston Review
.
.
.

No comments:

Post a Comment