Tuesday, November 2, 2010

GIÀ NÉO ĐỨT DÂY (Vụ Trung Quốc ứng xử với Giải Nobel Hòa Bình)

Nguyễn Quang Minh
Thứ ba, 02 Tháng 11 2010 13:09

LGT: Xin giới thiệu bài viết “Già néo đứt dây” của tác giả Nguyễn Quang Minh, một chuyên gia kinh tế dầu khí ở Na Uy. Bạn đọc chắc còn nhớ tác giả của những bài viết Na Uy và dự án đường sắt cao tốc, PetroVietnam làm thuế, v.v… Trong bài này, tác giả bình luận về phản ứng của Trung Quốc trước sự việc giải Nobel Hòa bình được trao cho Lưu Hiểu Ba. Đáng lẽ bài viết này đến sớm hơn với độc giả, nhưng vì tác giả đi nghỉ hè hơi lâu. Nhưng muộn còn hơn không. Bạn đọc có thể đọc cùng với bài Siêu cường thấp bé của Thanh Gương trên Diễn Đàn để thấy cái nước to xác đó nó có cái đầu bé mọn như thế nào.  NVT
------------------------------------- 

Già néo đứt giây
”Người Na uy phải thông cảm điều mà người Trung Quốc không hiểu: giải Nobel Hòa bình là một giải thưởng độc lập với chính phủ Na Uy...”. (Jan Egeland, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Đối Ngoại, NUPI). 
Giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc, đang bị cầm tù.

Biểu tượng và tôn vinh
Việc giải Nobel Hòa bình năm nay trao cho nhà bất đồng Lưu Hiểu Ba, thực ra là một biểu tượng nhằm thôi thúc tiến trình tranh đấu dân chủ và quyền làm người tại một số ít quốc gia toàn trị ở Á châu mà sự bất đồng chính kiến vẫn quy chụp cho cái “tội kích động lật đổ chính phủ”. Giải Nobel năm nay một lần nữa đã xác tín và tôn vinh nỗ lực dấn thân của họ. Thế giới đã và vẫn không quên họ.
Việc trao giải cho tù nhân Lưu là một tín hiệu gửi đến các nhà cầm quyền toàn trị rằng việc đàn áp, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến là hành vi lạc hậu chà đạp lên nhân phẩm của con người.

Thách thức và hệ lụy
Trung Quốc phản ứng khá hung hãn như họ đã cư xử trong xung đột Nhật-Trung gần đây về chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chúng ta xem họ múa võ ra sao.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập đại sứ Na Uy tại Bắc Kinh, ông Svein O. Sæther vào chất vấn dù trước đó họ đã liên tục gây sức ép với Na Uy khi được biết tù nhân lương tâm Lưu Hiểu Ba là một trong những ứng viên sáng giá.
Đồng thời đại sứ Trung Quốc tại Oslo đến bộ Ngoại giao Na Uy phản đối và phát hành thông cáo báo chí cáo buộc việc trao giải cho “tù hình sự Lưu” là đi ngược lại tinh thần và ý chí của người sáng lập giải. Thực ra, họ đã soạn sẵn thông cáo báo chí khi lường được sự việc xấu nhất sẽ xảy ra.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ và việc trao giải cho kẻ phạm pháp Lưu sẽ làm quan hệ hai nước xấu đi.
Ngày thứ hai 11/10, tức sau đó 3 ngày, Trung Quốc đơn phương hủy bỏ cuộc đàm phán cấp bộ trưởng tại Bắc Kinh ngày 14/10 về hợp tác ngư nghiệp và môi trường biển, từng bước giảm thuế xuất vào cá hồi Na Uy vào thị trường Trung Quốc giảm từ 14 đến 2 %... vì lý do: bận việc khác. Theo kế hoạch, đàm phán hiệp ước song phương sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010. Điều này xảy ra, Na Uy sẽ là quốc gia châu Âu đầu tiên ký kết tự do mậu dịch với thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Thực ra không có gì phải lo lắng trước phản ứng của Bắc Kinh. Thứ nhất, Trung Quốc đã gia nhập WTO năm 2001, có trách nhiệm tuân thủ các nghĩa vụ ký kết, không thể chơi luật rừng bằng cách hạn chế nhập hải sản từ Na Uy. Thứ hai, phần lớn hải sản từ Na Uy lại được chế biến tại Trung Quốc, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động của họ. Thứ ba, Trung Quốc có nền kinh tế thị trường lớn và đa dạng, họ không thể chơi một mình một chợ được. Cán cân thương mại trong những năm gần đây nghiêng mạnh về phía Trung Quốc. Năm 2009, Na Uy nhập khẩu 33, 4 tỷ kroner (5,5 tỷ USD) và trong khi xuất 15 tỷ kroner (2,5 tỷ USD), trong đó hải sản chiếm phần phần lớn nhất.

Họ hủy bỏ buổi hòa nhạc thính phòng, Some sunny night, dự trù vào tháng 11 tại Thượng Hải, Bắc Kinh của Alexander Rybak Ryan, nghệ sĩ Na Uy về nhất giải European Melody Contest năm 2009.
Bà Ragnhild Imerslund của Bộ Ngoại Giao Na Uy cho rằng quyết định hủy bỏ kế hoạch giao lưu văn hóa vì muốn trừng phạt Na Uy là một hành động “điên dại”. Chúng tôi nhiều lần khẳng định cho nhà cầm quyền Trung Quốc biết rằng Ủy ban giải Nobel Hòa bình là một tổ chức độc lập.

Câu chuyện sau đây một lần nữa khẳng định tính độc lập của giải Hòa bình Nobel. Trước khi công bố giải, ngoại trưởng Na Uy, ông Jonas Gahr Støre, đã báo cho chủ tịch Ủy Ban, ông Thorbjørn Jagland về khả năng phản ứng gay gắt của Bắc Kinh nếu giải trao cho nhà bất đồng chính kiến Lưu. Về sau, câu chuyện này lộ ra, ông Ole Danbolt Mjøs, cựu chủ tịch Ủy Ban, phê phán việc làm của ngoại trưởng Jonas là không cần thiết, “vi phạm luật chơi”, mặc dù chủ tịch Thorbjørn Jagland khẳng định, không hề xem đó là sức ép. Ole Danbolt Mjøs cho biết trong suốt 6 năm ông làm chủ tịch chưa hề gặp trường hợp nào như thế. Ole nói, nếu là ông, ông sẽ khước từ gặp bộ trưởng Ngoai giao Jonas.

Chưa hết, câu chuyện sau đây ta càng thấy màn võ lố bịch của Bắc Kinh.
Chiều ngày chủ nhật 31/8, người ta phát hiện ra thi thể nữ sinh viên Na Uy, 21 tuổi, tên là Pernille Marie Thronsen, với nhiều nhát đâm, trong phòng riêng của nhà khách thanh niên, City Guesthouse Flora tại Budapest, Hungary. Nhà khách hiện nay được xử dụng như cư xá cho sinh viên nước ngoài. Cảnh sát Budapest nghi ngờ thủ phạm là người bạn trai của Pernille, sinh viên Trung Quốc 26 tuổi tên là Zhao Fei. Cảnh sát Budapest cho biết Pernille Marie bị giết vào ngày hôm trước và nghi phạm Zhao Fei rời Budapest bằng máy bay ngay buổi sáng sau đó. Vì đòi hỏi khắt khe về thủ tục pháp lý Hungary nên mãi mấy hôm sau, hồ sơ truy nã mới chuyển đến Interpol. Hai tuần sau, ngày 17/11, bộ Ngoại giao Na Uy nhận được công hàm của Trung Quốc xác nhận Zhao Fei đã đầu thú, đã thú tội giết Fernille và đang bị tạm giam. Phía Trung Quốc cho biết sẽ không dẫn độ Zhao Fei về Hungary. Biết Trung Quốc vẫn còn án tử hình về tội giết người nên Bộ Ngoại giao Na Uy gửi công hàm cho Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại và cho biết Na Uy phản đối án tử hình bất cứ vì lý do gì.
Chưa đầy một tuần sau công bố trao giải, Bắc Kinh thông báo cơ quan tư pháp đã thả Zhao Fei vì “thiếu bằng chứng”. Việc cư xử tùy tiện này của Bắc Kinh đã tạo một tiền lệ xấu và nguy hiểm cho tư pháp quốc tế.

Mới đây, khi quốc hội EU công bố giải Sakharov cho công dân Cu Ba, ông Guillermo Farinas, vì đã tuyệt thực 4 tháng để làm áp lực với chính quyền trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Cu Ba đành im lặng ngậm bồ hòn dù “đang thức cho Việt Nam ngủ”. Cũng nên nhắc thêm, chính vì tuyệt thực của Guillermo Farinas đã dẫn đến việc trả tự do cho 52 tù nhân lương tâm.
Từ nay cho tới ngày phát giải Nobel vào đầu tháng 12 tại Oslo không biết Bắc Kinh còn múa võ gì nữa không vì đây là cục xương khó nuốt. Tất cả hành vi trả đũa Na Uy đều bị vô hiệu hóa với đất nước nhỏ bé với dân số 4,5 triệu, chỉ lớn hơn một cái quận của Trung Quốc.
Khả năng Bắc Kinh cho ông Lưu Hiển Ba ra tù, đi Oslo nhận giải coi như chuyện nằm mơ. Vợ của ông Lưu được phép đi thay chồng cũng rất là mỏng manh. Cả thế giới sẽ theo dõi lễ trao giải tại Oslo vào đầu tháng 12.

Chính sách ngoại giao sơn-đông-mãi-võ
Cung cách hành xử hung hăng quá đáng của Bắc Kinh trong việc tranh chấp với với Nhật, phô trương sức mạnh quân sự nhằm kiểm soát biển Đông, phản ứng hằn học với Na Uy, duy trì tỷ giá thấp đồng Nhân dân tệ, lẫn tránh nghĩa vụ đóng góp cho ổn định tài chính quốc tế, cho vấn đề môi trường, phát triển cho các nước nghèo đã giảm uy tín và nghi ngờ khả năng hành xử ngoại giao của Trung Quốc.
Vào những năm cuối thể kỷ 20, vì quyền lợi kinh tế trước một thị trường rộng lớn hơn 1 tỷ 3 người, Tây phương đã cúi mặt để Trung Quốc “đòi gì được đấy”. Bây giờ Trung Quốc biến thành nhà máy sản xuất cho thế giới Tây phương và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sự tăng trưởng này kéo theo tham vọng bành trướng quân sự đáng quan ngại cho sự ổn định trong khu vực. Bắc Kinh đã để lộ chân tướng cho thế giới biết là họ là kẻ thích chơi luật rừng.

Thấy được hiểm họa này, các quốc gia Đông Nam Á e dè Trung Quốc, bắt đầu có tiếng nói chung. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 5 vừa kết thúc tại Hà Nội, ngoại trưởng Indonesia, cũng ông Marty Natalegawa, đã nhấn mạnh lập trường của nước này về biển Đông như sau:“Không nên có chỗ cho chính trị vũ lực và chính sách ngoại giao pháo hạm. Tất cả phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình…Chúng ta nhận ra rằng, hòa bình và ổn định trong khu vực là quý giá và do đó các tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, phải được giải quyết thông qua ngoại giao và phải được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế” (nguồn tin:  http://www.rfa.org/vietnamese). Tiếng nói dõng dạc của Jakatar đã vuốt mặt dùm Hà Nội một bàn thua thấy rõ.
Mỹ chính thức trở lại Á châu. “Trước thềm chuyến thăm hai tuần đến châu Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ muốn củng cố vị trí lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương và kêu gọi sự hợp tác của Trung Quốc đối với các vấn đề khu vực.”(nguồn tin: http://vnexpress.net). Trung Quốc gần đây bắt đầu xuống giọng nhưng vẫn chơi trò vừa đấm vừa đàm như bắt tay với Nhật nhưng vẫn tiếp tục cho tàu cá, tàu kiểm ngư đến đảo. Vừa kêu gọi tình hữu nghị vàng ngọc với người anh em răng hở môi lạnh nhưng vẫn bắt giữ, đánh đập ngư dân, đâm chìm tàu cá của người anh em.

Sức mạnh ngoại giao của một quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa thông tin tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm trong cư xử với nhau. Chọn lựa chính sách ngoại giao bằng sức mạnh và thái độ hung hăng để giải quyết xung đột đã có những phản ứng bất lợi. Nó có thể đạt hiệu quả nhất thời đối với một vài quốc gia láng giềng khi mà những nhà lãnh đạo này vì quyền lợi riêng tỏ ra khiếp nhược nhưng dân chúng thì không, trái lại tinh thần bài Trung Quốc càng gia tăng. Ngay cả Phi châu cũng bắt đầu nghi ngờ và quay mặt với bước chân dài của Bắc Kinh.
Nguyễn Quang Minh
Stavanger-Na Uy 30/10-2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment