Thursday, November 25, 2010

DU TỬ LÊ và THƠ PHỔ NHẠC (VOA)

Lan Phương | Washington, DC
Thứ Ba, 23 tháng 11 2010

Kính thưa quí vị, nhà văn, nhà thơ Du Tử Lê là một trong những thi sỹ có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc kể từ những năm trước 1975 đến nay. Hôm nay mời quí vị theo dõi cuộc trò chuyện với ông về đề tài: "thơ phổ nhạc" qua bài phỏng vấn do Lan Phương thực hiện.

VOA: Trước năm 1975 có một số lượng rất lớn các bài thơ được phổ nhạc; trong số này có những bài thơ được phổ nhạc tài tình đến nỗi người nghe không hề biết là thơ phổ nhạc vì lời thơ và ý nhạc quấn quýt, hòa nhập với nhau khiến biên giới giữa lời thơ và lời nhạc đã bị bôi xóa hoàn toàn. Anh có nhận xét như thế nào về dòng thơ phổ nhạc thời ấy?

Du Tử Lê: Trong ghi nhận riêng của tôi, tôi cho rằng trong 20 năm Văn Học Miền Nam Việt Nam thì tương quan giữa thơ và nhạc là một tương quan tốt đẹp nhất, nó là một cuộc phối ngẫu không thể tốt đẹp hơn.

VOA: Được biết anh cũng có rất nhiều thơ được phổ nhạc, vậy cảm nghĩ của anh ra sao khi thấy những đứa con tinh thần của anh thoát thai để khoác lên một hình thái nghệ thuật khác?

Du Tử Lê: Câu hỏi này làm tôi khó trả lời. Tuy nhiên người làm thơ nào cũng mong thơ của mình được phổ biến rộng rãi. Và cách phổ biến rộng rãi nhất không phải là đọc trên trang giấy mà là do âm nhạc chuyên chở. Tôi cho là tôi may mắn được khá nhiều nhạc sỹ tìm đến với thơ của tôi.

VOA: Anh có khoảng bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc?

Du Tử Lê: Nếu tính cho đến bây giờ thì vào khoảng trên 300 bài. Điển hình là riêng nhạc sỹ Anh Bằng vào khoảng 50 bài. Nhạc sỹ Song Ngọc hơn 50 bài. Nhạc sỹ Trần Duy Đức khoảng 30 bài. Anh Khang Thụy, một nhạc sỹ rất trẻ ở Việt Nam, khoảng sáu, bảy chục bài. Chỉ với chừng đó người thôi thì con số đã trên 200 rồi.

VOA: Trong số các tác phẩm của anh được đem phổ nhạc thì bản nhạc nào anh ưng ý nhất?

Du Tử Lê: Một lần nữa, câu hỏi lại làm cho tôi rất khó trả lời. Bởi vì giống như những người có nhiều con, nếu mình nói mình thích đứa con này thì những đứa còn lại nó sẽ không vui, nó buồn lắm. Nhưng nếu cho phép tôi chia từng giai đoạn thì tôi có thể chọn được một số bài trong từng giai đoạn.

Bài phổ nhạc đầu tiên là vào khoảng năm 1964 và tính cho đến 75 thì trong giai đoạn này, những ca khúc mà tôi rất hài lòng, thứ nhất là: "Tình Sầu Du Tử Lê," do anh Phạm Duy phổ nhạc. Thứ hai là "Khi Cuộc Tình Đã Chết" của anh Phạm Đình Chương. Thứ ba là hai bài của anh Từ Công Phụng: "Trên Ngọn Tình Sầu", và "Ơn Em" (còn có tựa là "Giữ Đời Cho Nhau").

Ở hải ngoại cũng có thể chia ra làm 2 giai đoạn: từ 75 đến 85 có những bài mà tôi hài lòng: "Quê Hương Là Người Đó", "Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết Hãy Đem Tôi Ra Biển", của anh Phạm Đình Chương. Ngoài ra có một số bài do anh Trần Duy Đức phổ nhạc mà tôi cũng rất hài lòng như: "Trong Tay Thánh Nữ có Đời Tôi", "Chỉ nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời", đó là trong giai đoạn từ 75 đến 85. Nếu chấm dứt ở năm 85 thì phải kể đến "Khúc Thụy Du" do anh Anh Bằng phổ nhạc.

VOA: Thưa anh một số thính giả rất quen thuộc với một số bản nhạc, thứ nhất, như: "Trên Ngọn Tình Sầu". Thưa anh trong bản nhạc này có một hình ảnh mà người nào nghe cũng phải chú ý. Đó là hình ảnh "Con dế buồn tự tử giữa đêm sương." Đây là một hình ảnh là lạ, gợi nhiều chú ý; qua trực giác người nghe cảm nhận ngay được cái hay, nhưng nếu dùng suy luận thì người nghe không giải thích được. Trong một buổi trình diễn văn nghệ, ca sỹ Ý Lan đã nêu lên thắc mắc này và đã được anh giải đáp. Hôm nay chúng tôi muốn nhờ chính tác giả giải thích thật rõ để cho những ai chưa được nghe hiểu được hình ảnh đó.

Du Tử Lê: Thưa quí vị, về thi ca thì nó có nhiều kỹ thuật. Một trong những kỹ thuật của người làm thơ là ẩn dụ, tức metaphore. Tôi dùng hình ảnh con dế vì nó gắn liền với tuổi thơ, nhất là tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, mà thời gian đầu thì tôi ở nhà quê, con trai như chúng tôi thường hay chơi dế, đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là trong hoàn cảnh của tôi, tôi có quá nhiều mặc cảm. Tôi sống rất khép kín, vì tôi dư một ngón tay, tôi bị một bàn tay 6 ngón. Cho nên thế giới của tôi khép kín, chỉ luẩn quẩn với mấy con thú; con dế là một trong những người bạn của tôi, thân thiết với tôi nhất trong suốt tuổi thơ của mình. Khi tôi nói là "con dế buồn tự tử giữa đêm sương" thì ý tôi muốn liên tưởng giữa cái tuổi thơ heo hút, cô độc của tôi, và gần như tôi không có tuổi thơ. Thế nên khi tôi viết là: "con dế buồn tự tử giữa đêm sương" thì tôi chỉ muốn nói là nó chấm dứt một cách tức tưởi, nếu không muốn nói là gần như không có.

VOA: Quay sang "Khúc Thụy Du" xin anh cho biết là anh sáng tác bài thơ trong trường hợp nào?

Du Tử Lê: Bài "Khúc Thụy Du" tôi viết vào năm 1968, khoảng thời gian vừa xảy ra cái tết Mậu Thân. Hồi đó tôi làm phóng viên chiến trường, được cử đi tường thuật về một trận đánh mà tôi còn nhớ là ở trên đường ra Quang Trung. Khi tôi đi như vậy thì còn giới nghiêm, dọc đường gần như không có người. Tôi thấy những xác chết, những cánh tay, những phần thân thể bị văng lủng lẳng trên các dây điện. Tôi cũng nhìn thấy những con chó hoang vì chủ đã bỏ đi lánh nạn gậm những khúc xương người. Tôi bị chấn động trước cảnh tượng này và làm ra bài thơ. Khi về một người bạn của tôi ngày đó, anh Trần Phong Giao, làm tờ báo Văn, làm một số báo sau biến cố tết Mậu Thân, hỏi xin bài. Tôi đưa bài thơ đó cho anh. Tôi muốn nói "Khúc Thụy Du" là một bài thơ mới về chiến tranh. Nó hoàn toàn không phải là một bài thơ tình. Tình yêu trong "Khúc Thụy Du" của tôi chỉ là một điểm xuyết thôi. Tôi đặt vấn đề là trong một cuộc chiến tranh như vậy, chết chóc như vậy thì tình yêu nó sẽ như thế nào, nó sẽ thảm hại ra làm sao, và cuối cùng vẫn là định mệnh con người, cuộc sống của con người nó hoàn toàn vô nghĩa, nên bài thơ mới mở đầu bằng câu: "hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa." Nhưng năm 1983 khi anh Anh Bằng mua được cuốn thơ đó, lại chọn ra, tôi nói rõ, anh ấy chọn ra những câu thơ nói về tình yêu chứ không phải là những câu thơ nói về chiến tranh, mặc dù những câu thơ nói về tình yêu chỉ là 1/10 của bài thơ đó.

VOA: Thưa anh, từ năm 1975 đến nay ở hải ngoại thì sinh hoạt văn thơ khó có thể so với thời trước năm 1975 ở quê nhà. Vậy anh nghĩ gì về những dòng thơ hải ngoại hiện nay, và nó có còn là môi trường để cho các nhạc sỹ phổ nhạc nhiều như xưa nữa hay không?

Du Tử Lê: Câu hỏi rất hay. Thưa chị, bằng cái cảm nhận cuả tôi, nghĩa là hoàn toàn chủ quan, tôi cho rằng lúc đầu tất cả những người viết văn, làm thơ của chúng ta ở quê người thì họ còn bị chấn động bởi cái tan tác, bởi cái đứt đoạn với tổ quốc, với quê hương. Tôi muốn nói đến những người tỵ nạn, những người vượt biên, những người di tản. Trong giai doạn khoảng từ 5 đến 10 năm đầu, ảnh hưởng của nó còn lớn. Khi tôi nói ảnh hưởng lớn thì tôi muốn nói cái xúc động hay rung động nó có thật, nhưng từ khoảng năm 85 trở đi, đời sống người Việt của chúng ta ở quê người bắt đầu ổn định, đi vào nền nếp. Và chị cũng hiểu là đời sống ở Hoa Kỳ là một đời sống rất là khắc nghiệt và lạnh lùng, cho nên người ta chỉ có đủ thời gian, đủ lo nghĩ cho ngôi nhà chúng ta ở, cho những cái bills (hóa đơn) mà chúng ta phải trả. Và những rung động tình cảm, những rung động thành thật thì tôi nghĩ là nó không có. Cho nên mặc dù người ta vẫn làm thơ, vẫn viết văn nhưng những cái rung động thật thì nó gần như đã phai nhạt, nếu không muốn nói là nó giả tạo. Đó là lý do mà rất nhiều người làm thơ, viết văn ở thế hệ của chúng tôi đã không còn viết nữa. Cái thế hệ trẻ thì họ đông hơn, nhưng như tôi đã nói, với một bối cảnh như vậy thì nó không còn thích hợp cho văn chương nói chung, và cho thi ca nói riêng.

VOA: Xin cảm ơn nhà thơ Du Tử Lê.

Mới quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe toàn bộ bài phỏng vấn có kèm theo một số trích đoạn các ca khúc phổ thơ của Du Tử Lê, hoặc quí vị có thể vào trang web của ông:
dutule.com.
.
.
.

No comments:

Post a Comment