Saturday, November 27, 2010

CUỘC CHIẾN TÌNH BÁO MỸ - TRUNG

Thục Miên
8:45, 14/09/2010

Một băng video của FBI tiết lộ, việc chuyển giao các tài liệu quân sự mật cho một điệp viên Trung Quốc trong tháng 2 năm nay đã cho thấy nước Mỹ đang phải chống chọi với thế giới ngầm của mạng lưới gián điệp nước ngoài. Băng video cho thấy Gregg Bergersen, quan chức ở Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA), đã nhận tiền để trao thông tin quân sự mật của Mỹ cho gián điệp Trung Quốc Tai Shen Kuo.
Trong vụ án gián điệp này, Bergersen lĩnh án 5 năm tù, còn Kuo 15 năm tù. Cũng trong tháng 2/2010, một gián điệp Trung Quốc khác bị tuyên án 15 năm tù vì tội đánh cắp những bí mật nhạy cảm từ những cựu nhân viên của mình - làm việc cho hai tập đoàn hàng không lớn của Mỹ là Boeing và Rockwell International - và chuyển giao về.
Kỹ sư Dongfan "Greg" Chung, 73 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, bị kết tội cung cấp những bí mật thương mại về tàu con thoi, máy bay quân sự và cả dự án tên lửa Delta IV của Mỹ cho phía Trung Quốc.
Chi Mak, cựu kỹ sư hợp đồng làm việc trong một cơ quan quốc phòng và người giúp trao tài liệu mật cho Chung, cũng bị tuyên án 15 năm tù giam vì tội chuyển giao công nghệ quân sự nhạy cảm cho Trung Quốc, trong đó bao gồm thông tin về tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân v.v... của Mỹ.
Những vụ án trên cho thấy ngày càng có thêm nhiều điệp viên Trung Quốc đang hoạt động ngầm trên đất Mỹ. FBI đã bắt giữ hàng chục người Hoa ở Mỹ trong những năm gần đây vì liên quan đến những hoạt động gián điệp có lợi cho Trung Quốc. Theo nhiều báo cáo khác nhau, có gần 500 vụ án tương tự đang trong quá trình điều tra.

Dĩ nhiên, chính quyền Trung Quốc luôn khăng khăng phủ nhận sự dính líu đến những vụ án gián điệp này và thậm chí còn cho rằng, những vụ án trên được Mỹ "thiết kế" nhằm bôi nhọ nước họ. Trung Quốc cũng phủ nhận sự dính líu đến những cuộc tấn công hệ thống mạng của Mỹ xảy ra trong thời gian gần đây.
Roger Faligot, tác giả người Pháp của hàng chục cuốn sách về đề tài gián điệp, tuyên bố có nhiều điệp viên Trung Quốc làm việc ở nước này. Trung Quốc có nhiều cơ quan tham gia thu thập thông tin tình báo - trong đó bao gồm nhiều cơ quan tình báo quân sự, nhiều cơ quan gián điệp kinh tế, chính trị, công nghiệp v.v... 

Trong báo cáo năm 2007 gửi đến Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh mạng lưới gián điệp của nước này là mối đe dọa rất lớn cho nước Mỹ.
Báo cáo giải thích: Một vài vụ án đã cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sở hữu những công nghệ nhạy cảm của Mỹ một cách bất hợp pháp bằng việc tuyển dụng những doanh nhân và nhà khoa học làm việc trong những vị trí nhạy cảm làm gián điệp. Cơ quan Phụ trách hải quan và di trú Mỹ (ICE) đánh giá mạng lưới gián điệp Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu cho công nghệ của Mỹ.

Từ năm 2000, ICE tiến hành hơn 400 cuộc điều tra liên quan đến xuất khẩu bất hợp pháp vũ khí và công nghệ Mỹ đến Trung Quốc. Gián điệp Trung Quốc chống Mỹ đã có từ lâu. Vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Trung Quốc đã sở hữu được một số lượng lớn thông tin nhạy cảm nhất của Mỹ, bao gồm những thiết kế vũ khí nhiệt hạch của Mỹ.
Nhưng Trung Quốc không chỉ tìm kiếm những bí mật chính quyền và quân sự. Gián điệp kinh tế đã trở thành một yếu tố gây bất lợi rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ. Hiện nay khó đánh giá được chính xác mức độ tổn thất của kinh tế Mỹ trước sự xâm lăng của gián điệp kinh tế nước ngoài, nhưng Giám đốc FBI Robert Mueller cho biết, trong năm 2003 "bọn ăn cắp bí mật thương mại và những công nghệ mang tính đột phá - những gì mà chúng ta gọi là gián điệp kinh tế - gây tổn thất cho Mỹ đến 250 tỉ USD/năm".
Và Trung Quốc là vấn đề hàng đầu. Những ví dụ về gián điệp kinh tế của Trung Quốc cũng không là mới. Từ xâm nhập những công ty Mỹ ở thung lũng Silicon cho đến ăn cắp phần mềm độc quyền từ các công ty nước ngoài đóng ở Trung Quốc.

Một số nhà phân tích, như là chuyên gia an ninh mạng Alan Paller của Viện SANS (SysAdmin, Audit, Network, Security), tuyên bố mỗi công ty nước ngoài ở Trung Quốc đều có hệ thống  máy tính bị nước này gây tổn hại. Vào đầu năm nay, Công ty phần mềm tư nhân Mỹ Cybersitter đã tiến hành một vụ kiện cấp liên bang chống Trung Quốc về việc nước này ăn cắp phần mềm chống khiêu dâm độc quyền của công ty. Trung Quốc đã sử dụng phần mềm độc quyền của Cybersitter một cách bất hợp pháp để kiểm duyệt Internet ở quốc gia này. "Tôi không ngờ lại có một vụ ăn cắp trắng trợn đến như thế", một luật sư của công ty nói. Thiệt hại ước tính cho Cybersitter là trên 2 tỉ USD!

Vậy thì mục đích của các hoạt động gián điệp của Trung Quốc là gì? Mỗi chuyên gia đều có ý kiến khác nhau. Charles Viar, cựu quan chức phản gián và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu tình báo (CIS), giải thích: "Người Trung Quốc thu thập một “bản đồ” toàn diện về kinh tế và chính quyền Mỹ đồng thời ăn cắp công nghệ cao của chúng ta phục vụ cho những mục đích kinh tế và kỹ nghệ của nước họ". Mục đích là, Charles Viar nói, "giành quyền bá chủ toàn cầu - trong hòa bình, nếu có thể. Nếu không nói là với cái giá quân sự ở mức tối thiểu".
Roger Canfield, tác giả vài cuốn sách về Trung Quốc và các hoạt động gián điệp của nước này, nói: "Người Trung Quốc đang hướng đến việc xây dựng một tàu sân bay, thiết lập các cảng ở khắp mọi nơi và lập những hệ thống tên lửa và vệ tinh tiên tiến. Canfield cho biết mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là hiện đại hóa quân sự đến mức có thể thách thức với sức mạnh quân sự của Mỹ. Không ít chuyên gia đã đề cập đến khả năng nguy hiểm này".
Cựu Thứ trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Canada nói: "Tuyệt đối chắc chắn mục đích lâu dài của họ (Trung Quốc) là thống trị thế giới và đặt nước Mỹ - càng nhiều càng tốt - ra khỏi thương trường, và trở thành một siêu cường duy nhất trên thế giới. Họ muốn cai quản cả hành tinh!".
Nên nhớ là năm 2005, mạng lưới gián điệp kinh tế Trung Quốc đã gây thiệt hại cho Canada khoảng 1 tỉ USD mỗi ngày. Các quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc đã công khai bàn luận về khả năng hủy diệt những thành phố nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, nhất là nếu Mỹ can thiệp quân sự bảo vệ Đài Loan.
Phần đông các chuyên gia phân tích cho rằng chính quyền Mỹ hành động chưa đủ mức để đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Charles Viar nói: "Phản gián Mỹ - FBI - chống lại Trung Quốc không hiệu quả, trong khi Trung Quốc đã mua chuộc rất nhiều nhân viên FBI được triển khai để chống lại họ".

FBI đánh giá có tới 3.200 công ty bình phong của người Trung Quốc đang hoạt động trên đất Mỹ và âm thầm thu thập thông tin mật về chính quyền và các công ty của Mỹ. Và chỉ một số nhỏ gián điệp trong số này bị phát hiện. Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 44 cá nhân trong 26 vụ án kể từ tháng 3/2008 và số người này hiện bị giam giữ trong các nhà tù liên bang Mỹ, theo tờ Washington Post.

Vụ án gián điệp nổi tiếng nhất và gây ấn tượng nhất có lẽ là vụ liên quan đến Larry Wu Tai Chin - người từng phục vụ cho CIA trong 30 năm, từ năm 1985. Tai Chin bị buộc tội bán các tài liệu mật cho Trung Quốc từ năm 1952. Trong khi đang chờ tuyên án, Chin kêu gọi Trung Quốc giúp giải cứu ông. Nhưng Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận mọi sự liên quan đến Tai Chin.
Và không lâu sau khi nhận án tù chung thân vào ngày 22/2/1986, Chin - một trong những gián điệp nổi tiếng nhất của Trung Quốc - được phát hiện đã tự sát chết. Nguyên do thật sự về cái chết của điệp viên Trung Quốc Tai Chin  hiện  vẫn còn trong vòng bàn cãi. 

Từ sau vụ này, FBI cảm thấy bất an về sự xuất hiện ngày càng nhiều của điệp viên Trung Quốc. Ví dụ, nữ nhân viên FBI Katrina Leung bị phát hiện là điệp viên hai mang vào năm 2003 và từng quan hệ tình dục với ít nhất 2 đặc vụ FBI! Bắc Kinh luôn phủ nhận sự liên quan đến bất cứ vụ án gián điệp nào hay bất cứ mối quan hệ nào với những cá nhân bị buộc tội, do đó hậu quả là tất cả những gián điệp Trung Quốc này phải ngồi tù mọt gông hoặc chết trong những hoàn cảnh khó hiểu.
Điều này hoàn toàn tương phản với những nỗ lực khó nhọc của tất cả các quốc gia khác nhằm giải cứu điệp viên của mình, bao gồm cả Liên Xô và nước Nga hiện nay. Mỹ không là quốc gia duy nhất gánh chịu mạng lưới gián điệp khổng lồ của Trung Quốc với mục đích moi những thông tin bí mật về chính trị, quân sự và kỹ nghệ.
Ví dụ, có hơn 1.000 điệp viên và người đưa tin Trung Quốc hoạt động ở Canada, trong khi Ủy ban An ninh công cộng quốc gia của Nhật Bản phát hiện một nữ điệp viên người Trung Quốc kiểm soát 30.000 điệp viên Trung Quốc khác ở Nhật Bản - theo  tạp chí Shukan Post của nước này.  Sự phát hiện các mạng lưới gián điệp Trung Quốc lan tràn đang tiếp tục được tiết lộ trên thế giới và chính quyền nhiều quốc gia hiện nay đang hết sức cảnh giác đề phòng trước mối đe dọa bí mật chưa từng có này.
Thục Miên (tổng hợp)
----------------------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment