Tuesday, November 2, 2010

CHUYỂN HÓA DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM (Đoàn Viết Hoạt)


Chúng tôi thường nhận được môt số câu hỏi như sau: Nếu là chuyển hóa dân chủ thì sẽ không có đột biến chính trị tại Việt Nam? Việt Nam sẽ chuyển hóa sang dân chủ một cách ôn hòa, êm thắm, và do đảng CS Việt Nam chủ động thực hiện, như trường hợp ở Đài Loan? Các câu hỏi tựu trung xoay quanh vấn đề: Việt nam sẽ dân chủ hóa như thế nào?

Chuyển hóa dân chủ nói chung diễn ra qua 1 trong 3 lộ trình:
(1) Đảng cầm quyền chấp nhận dân chủ hóa và chủ động thực hiện dần từng bước, dù công bố hay không công bố lộ trình này;
(2) phong trào đòi dân chủ ngày càng lớn mạnh, dù bị chính quyền đàn áp khốc liệt, để sau cùng đủ sức phát động quần chúng nổi dậy lật đổ chế độ;
(3) phong trào đòi dân chủ ngày càng lớn mạnh, cộng với ảnh hưởng quốc tế, tạo điều kiện cho phe ủng hộ dân chủ trong ban lãnh đạo CS nắm được quyền lực, chấp nhận chế độ dân chủ đa đảng.

Cả ba lộ trình dân chủ hóa đều đã xẩy ra trên thế giới.

Lộ trình 1 xẩy ra tại Đài Loan, khởi đầu từ cuối thập niên 1970. Trước đó Đài Loan bị đặt trong tình trạng thiết quân luật vì mối đe dọa thường trực từ Trung hoa lục địa nên những cuộc đấu tranh đòi dân chủ đều bị đàn áp, nhiều khi khốc liệt. Khi Tưởng Kinh Quốc lên cầm quyền năm 1978, ông mở rộng tự do, chấp nhận tiến trình dân chủ hóa, cuối cùng dẫn đến cuộc bầu cử đa đảng, trong đó đảng đối lập thắng cử.
Lộ trình 2 đã xẩy ra ở hầu hết các quốc gia chuyển sang dân chủ trong giai đọan từ sau đệ nhị thế chiến đến đầu thập niên 1990. Chế độ độc tài bị lật đổ sau nhiều thập niên đấu tranh bạo động đòi dân chủ đầy đổ vỡ và chết chóc. Hàn quốc và Indonesia có thể coi là hai trường hợp tiêu biểu tại Á Châu. Các cuộc vận động dân chủ hóa trong những năm cuối cùng của thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21 tại một số quốc gia như ở Trung Á, đã đi theo
Lộ trình 3. Đột biến chính trị vẫn xẩy ra nhưng thời gian bạo động ngắn hơn, và giới cầm quyền chấp nhận dân chủ nhanh hơn. Những cuộc vận động này được gọi tên là các cuộc “cách mạng mầu”, dựa vào mầu tiêu biểu được những người đấu tranh chọn.

Lộ trình 1 chỉ xẩy ra khi đảng cầm quyền chấp nhận dân chủ hóa. Theo tôi, Quốc Dân Đảng ở Đài Loan có chủ trương dân chủ ngay trong Tam Dân chủ nghĩa của họ nên khi kinh tế đã phát triển, có đấu tranh đòi dân chủ, và tình hình bớt căng thẳng hơn với lục địa, họ đã chủ động chấp nhận chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng. Các đảng cầm quyền độc tài khác không có chủ trương dân chủ rõ ràng nên chế độ dân chủ chỉ đến sau khi quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền độc tài.

Tại Việt Nam, đảng CS vẫn duy trì Cương lĩnh “xây dựng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, nên chưa có dấu hiệu nào cho thấy Lộ trình 1 đang hay sẽ diễn ra. Lộ trình 2 cũng khó xẩy ra. Trong những năm gần đây đã có những cuộc nổi dậy bạo động của nông dân và dân oan ở nhiều nơi, vây hãm nhân viên chính quyền nhiều ngày. Chúng ta còn nhớ cuộc biểu tình ôn hòa của dân oan “đóng chốt“ hàng tháng tại Saigon mấy năm trước, trong đó HT Thích Quảng Độ đã xuất hiện để ủng hộ họ. Sinh viên, thanh niên cũng đã rầm rộ xuống đường biểu tình chống Trung quốc tại Saigon và Hà Nội. Nhưng tất cả đều bị dẹp tan và chìm vào bối cảnh một Việt nam phát triển ồn ào, rối loạn, vô trật tự, đầy bệnh thái nhân văn, xã hội và môi sinh. Tại Việt Nam, đấu tranh bạo động không thể kéo dài và không phù hợp với một quần chúng đã phải trải qua nửa thế kỷ đầy máu lửa và bạo loạn.
Lộ trình dân chủ hóa tại Việt Nam đang và sẽ xảy ra phù hợp với chính thực trạng đầy nghịch lý của chế độ “cộng sản” mang nhiều đặc tính của một xã hội “tư bản rừng rú”.  Nghịch lý Việt Nam có thể nhận ra được dưới nhiều góc độ quan sát khác nhau.  
Những nghịch lý này có thể thấy được ngay trong đời sống hàng ngày: hào nhoáng, giầu sang nhưng “thiếu văn hóa”, nhiều khi “hoang dã”, trong ứng xử giữa người với người, giữa chính quyền với người dân, giữa con người với môi sinh. Phẩm chất đời sống phi vật chất không tăng cùng nhịp với đời sống vật chất, mà ngày càng xuống thấp và suy thoái. Nghịch lý còn thể hiện trong đường lối đối nội và đối ngọai đầy lúng túng, thiếu minh bạch, trong sáng; trong cung cách hành xử thiếu tự tin, không trưởng thành, của giới cầm quyền với người dân, và với quốc tế – chưa tương xứng với vị trí chính trị mà VN đang được quốc tế tạo cho.
Không gì có thể che đậy được những nghịch lý hiển nhiên này nữa, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, đang hội nhập quốc tế, sức sống của người dân đang bung ra, và các phương tiện thông tin điện tử đang ngày càng phong phú, đa dạng. Nó thể hiện cả trong quan hệ “tế nhị” giữa Việt nam và Trung quốc – đang là bạn mà vẫn chưa hết là thù, nhưng cũng không thể coi là thù được; và giữa Việt Nam với Hoa kỳ – muốn làm bạn vì biết là cần thiết và có lợi, mà vẫn chưa thật sự là bạn được.

Trên hết, nghịch lý thể hiện rõ nét trong dự thảo Cương lĩnh mà ban lãnh đạo CS đang đưa ra để các đảng viên góp ý, nhất là trong phần bổ sung quan trọng vào Cương Lĩnh cũ mà ông Nguyễn Phú Trọng đã công bố: “…nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;…” (*)
Trong số các cặp quan hệ này, có hai cặp liên quan trực tiếp đến dân chủ. Đó là quan hệ giữa “đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị”, và quan hệ “giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Ban lãnh đạo CS phải bổ sung vào Cương lĩnh của họ việc giải quyết hai cặp quan hệ này phải chăng vì các cặp quan hệ đó đã không được đặt ra, hoặc đặt ra nhưng đã không được giải quyết “tốt”. Các cặp quan hệ được nêu ra trong dự thảo, vì không được giải quyết “tốt” nên trong thực tế đã xẩy ra những nghịch lý mà mọi người đều quan sát thấy. Nhưng để giải quyết “tốt” những cặp quan hệ này, nhất là hai cặp quan hệ liên quan trực tiếp đến dân chủ, cần từ bỏ cách tiếp cận “loại bỏ nhau” như hiện nay, và dứt khoát chấp nhận phương hướng “cùng tồn tại”. Cho đến nay việc giải quyết các cặp quan hệ này vẫn bị chi phối bởi qui luật “mâu thuẫn hủy diệt” đầy phi nhân và sai lầm, và bởi não trạng “ai thắng ai” của thời kỳ chiến tranh lạnh đã hoàn toàn sụp đổ.

Xã hội luôn đa nguyên, luôn có và cần có những cặp quan hệ khác nhau. Qui luật phát triển bình thường và lành mạnh trong xã hội phải là qui luật “hỗ tương” và “đối lập thống nhất”, nghĩa là những mặt đối lập tác động lẫn nhau để cùng tiến. Chính tiến hóa và hỗ tương là yếu tố giúp thống nhất các mặt đa dạng, khác nhau, đối lập nhau để đun đẩy nhau cùng tiến về phía trước. Đổi mới kinh tế sở dĩ thành công vì áp dụng qui luật này, chấp nhận sự cạnh tranh tự do giữa nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Kinh tế còn phát tiển tốt hơn nữa, bớt “rừng rú’’ hơn, bớt mafia hóa hơn hiện nay, nếu các qui luật kinh tế thị trường được triệt để áp dụng, không dành ưu tiên cho khu vực nhà nước, vừa kém hiệu quả vừa tạo bất bình đẳng xã hội và đặc quyền đặc lợi cho giới quan chức.    

Muốn quan hệ giữa kinh tế và chính trị được tốt, cần chấp nhận tự do cạnh tranh trong văn hóa và chính trị, như trong kinh tế. Quan hệ giữa đảng, nhà nước và nhân dân, cần đổi lại thành cặp quan hệ minh bạch giữa một bên là giới cầm quyền và một bên là nhân dân. Phải chấm dứt quan hệ thống trị – bị trị giữa chính quyền và nhân dân. Chính quyền các cấp đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân, được tín nhiệm hay bị bãi miễn trực tiếp bởi nhân dân. Chức vụ càng cao càng phải như thế. Để chấm dứt hay ít nhất có cơ chế kiềm tỏa được các tệ nạn tham nhũng, lạm quyền và lộng quyền vô trách nhiệm, nhân dân cần có tiếng nói tự do và có các đoàn thể văn hóa, xã hội, chính trị độc lập và đối lập với đảng cầm quyền. Đây là những điều bình thường trong sinh họat chính trị – xã hội tại tất cả các quốc gia phát triển, ổn định và bền vững. Trái với thế là bất bình thường, là bệnh thái, và là mầm mống gây bất ổn thường trực.

Nếu trước đây ban lãnh đạo CS đã nhìn ra và giải quyết tốt các cặp quan hệ này thì các bệnh thái và nghịch lý văn hóa, chính trị – xã hội đã không trầm trọng và lan rộng như hiện nay. Nhưng nếu lại giải quyết “nửa vời”, không chấp nhận “đối lập”, “cùng tồn tại”, cạnh tranh bình đẳng và tự do trong văn hóa và chính trị như trong kinh tế; vẫn tiếp tục đặt độc quyền lãnh đạo và đặc quyền đặc lợi của đảng trên quyền lợi của nhân dân và tiền đồ của tổ quốc; không chính thức chấp nhận dân chủ hóa, thì nghịch lý càng phát triển sâu rộng thêm, rối loạn xã hội là điều không thể chấm dứt được, dù bằng thủ đoạn tinh vi hay bạo lực thô bạo.

Các lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước không thể bị động, ngồi chờ may rủi, trông đợi “thiện chí” của ban lãnh đạo CS. Cần tích cực chuẩn bị xuất hiện công khai một lực lượng chính trị đối lập, giúp tăng cường sức mạnh của quần chúng đáy tầng, đẩy nhanh đến đột biến chính trị, để ngăn chặn hoặc rút ngắn thời gian rối loạn và mở đường cho chế độ dân chủ ra đời, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển ổn định và bền vững – qua một cuộc cách mạng mầu, nhân bản và dân tộc.

© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt
------------------------

(*) Nguyễn Phú Trọng, Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991”,  http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=421204#
.
.
.

No comments:

Post a Comment