Saturday, November 27, 2010

CHIẾN LƯỢC LỚN CỦA TRUNG QUỐC TẠI BIỂN ĐÔNG

Nguồn yuanheping1@sohu, ngày 7/7/2010
Dương Danh Dy giới thiệu
27-11-2010

Đột phá hai chiến lược lớn của Trung Quốc tại Biển Đông

Trung Quốc xác định Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của mình là điều tất nhiên, nhưng cũng rất không bình thường. Bởi vì điều này tiêu chí chiến lược Biển Đông của Trung Quốc hay là nói chiến lược hải dương của Trung Quốc đã có sự thay đổi vô cùng trọng đại, có sự đột phá vô cùng then chốt. Sự thay đổi và đột phá này được thể hiện ở hai điểm then chốt sau:

1 Có sự thay đổi và đột phá trọng đại về chiến lược “Gác tranh chấp cùng khai thác” Biển Đông của Trung Quốc.
Khách quan mà nói, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ chủ quyền Biển Đông mà thậm chí vì việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông đã làm rất nhiều nghĩa cử anh dũng. Ví dụ như giữa những năm 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã không để mất thời cơ chiếm lại quần đảo Hoàng sa nằm trong tay Nam Việt, và trong cải cách mở cửa lại chờ dịp củng cố và chiếm về 6 đảo bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa, đồng thời còn thường xuyên dùng các phương thức khác nhau để công khia biểu thị chủ quyền Biển Đông; tháng 4 năm 2001, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Biển Đông trung Quốc, máy bay Trung Quốc khẩn cấp bay lên gây ra máy bay đâm nhau tại Biển Đông nổi tiếng, Vương Vỹ anh hùng không quân quân giải phóng Trung Quốc mất tích hy sinh, phía Trung Quốc trải qua 11 vòng đàm phán buộc Mỹ phải 5 lần sửa chữa thư xin lỗi, thêm vào nội dung “chưa được phép đã bay vào vùng trời Trung Quốc” và chịu để phi công bị bắt giữ đến lễ Phục sinh mới được thả; ngày 8 tháng 3 năm 2009, tầu giám sát hộ vệ Mỹ chưa được Trung Quốc cho phép đã “hoạt động phi pháp” tại hải phận kinh tế Trung Quốc, bị 5 tầu Trung Quốc vây chặn, cuối cùng buộc phải cuống quít tháo chạy…
Thế nhưng Trung Quốc hoặc là không làm gì hoặc là xuất phát từ suy tính chiến lược mang lợi ích lớn nhất, hoặc là xuất phát từ sự cần thiết của tình thế lớn giấu mình chờ thời, lâu nay đã không đưa vấn đề Biển Đông vào khuôn khổ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương mà đồng thời với việc kiên trì chủ quyền Biển Đông đã chế định ra chiến lược “gác tranh chấp cùng khai thác “ Biển Đông.
Tuy vậy chủ trương thiện ý “gác tranh chấp cùng khai thác” đã bị các quốc gia có liên quan xâm chiếm và có ý đồ xâm chiếm lãnh thổ Biển Đông của Trung Quốc khinh thường, bọn họ không những không thấy được thiện ý trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc và bước ngoặt giải quyết vấn đề, không thấy được tấm lòng nước lớn của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, mà ngược lại còn lợi dụng cơ hội, ào ào kéo tới trắng trợn xâm lược các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc, đề xuất yêu cầu lãnh thổ càng thêm vô lý tại Biển Đông Trung Quốc, thậm chí ảo tưởng vào thế lực nước ngoài ra sức chiếm đoạt tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc.
Cần nói thẳng ra là, chủ trương thiện ý “gác tranh chấp cùng khai thác” không được sự hưởng ứng của thế lực nước ngoài được hưởng lợi, trên thực tế “gác tranh chấp cùng khai thác” đã trở thành nguyện vọng tốt đẹp đơn phương của Trung Quốc, trở thành sự cướp đoạt đơn phương của thế lực nước ngoài, trở thành nỗi đau ngầm đơn phương của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc là đất nước lễ nghĩa có lịch sử lâu dài, trong giao thiệp ngoại giao, trong việc bảo vệ lợi ích thiết thân của mình, vốn mang sẵn truyền thống tốt đẹp tiên lễ hậu binh. Lịch trình khúc khuỷu nhiều năm của vấn đề Biển Đông Trung Quốc là thuyết minh rất tốt cho việc này.
Tất nhiên mềm mà không được thì cứng phải đến, tất nhiên văn mà không xong thì vũ phải đến.
Trung Quốc đưa Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” của vấn đề lãnh thổ hoàn chỉnh quan trọng, đã biểu đạt sự thay đổi trọng đại của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, đã biểu đạt sự điều chỉnh và đột phá trọng đại chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, và thể hiện trước lập trường và phương thức xử lý vấn đề Biển Đông của Trung Quốc sẽ không bảo thủ, mềm yếu nhẫn nhịn như trước đây mà sẽ có lập trường rõ ràng, phương thức mới mẻ, thái độ cứng rắn nhưng linh hoạt biến hóa để xử lý vấn đề Biển Đông.
Những tên cường đạo cho rằng câu kết với thế lực nước ngoài khoan mấy mũi khoan dầu tại lãnh hải Trung Quốc là có thể cướp đoạt tài nguyên Trung Quốc lâu dài, những tên đầu trâu mặt ngựa cho rằng chỉ cần cử mấy tên lính mấy chiếc tầu đến là chủ quyền các hải đảo của Trung Quốc sẽ là của chúng, những tên hoang tưởng cho rằng quốc hội nước chúng chỉ cần trưng ra một số văn bản là có thể thu được lợi ích lãnh thổ, những nước lớn siêu cường cho rằng có thể can thiệp vào chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc bất cứ lúc nào và mãi mãi, cuối cùng sẽ nhận được thất bại nhục nhã trước nhân dân Trung Quốc ngày càng hùng mạnh.

2 Sức mạnh quân sự tầm xa của hải không quân bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải Trung Quốc đã có sự thay đổi và đột phá trọng đại.
Trong suy nghĩ của mọi người việc Trung Quốc đưa Biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” của vấn đề lãnh thổ hoàn chỉnh quan trọng dường như có chút chậm trễ, và điều này cũng thường khiến các dân mạng hoài nghi, trong đó có một nguyên nhân rất đáng làm rõ.
“Không phải là ta không làm mà là ta khó làm”, nói ra điều này là một việc vô cùng đau khổ và trong rất nhiều tình hình thường là bất đắc dĩ mà thôi. Đúng như tâm tình giải phóng Đài Loan của lãnh tụ khai quốc chủ tịch Mao Trạch Đông, sau thất lợi của chiến dịch Kim Môn, 9.000 tráng sĩ anh dũng hy sinh, đã rất nhanh ý thức được rằng sự yếu kém của lực lượng vượt biển Trung Quốc và lực chiến đấu đánh chiếm các hải đảo ở xa không đủ nên bất đắc dĩ phải đem việc giải phóng Đài Loan biến thành niềm tin kiên định ở nới sâu thẳm trong lòng, biến thành những lời yêu cầu không dứt và cứng rắn trên câu chữ, biến thành sự chuẩn bị dẫm chân trên thực địa, còn hành động thực tế với ý nghĩa chân chính chỉ có thể là sự đau khổ nhẫn nại lâu dài chờ tìm cơ hội khi điều kiện chưa chín muồi.
Thể hiện trên vấn đề Biển Đông của Trung Quốc liên hệ chặt chẽ với thực lực hải không quân đặc biệt là lực chiến đấu tầm xa.
Hải không quân Trung Quốc đều xây dựng trên cơ sở một nghèo hai trắng, đều là từ giai đoạn ban đầu vô cùng nguyên thủy từng bước phát triển lên, cho dù tốc độ kinh người nhưng so sánh với các cường quốc quân sự có hải không quân hiện đại thì luôn luôn có khoảng cách to lớn nhất, lực chiến đấu tầm xa củaTrung Quốc trong thời gian dài hơn nữa vẫn không ở trong cùng một tầng nấc, nói trắng ra là không có khả năng chống lại đối thủ lớn mạnh, càng không đủ khả năng đả kích tầm xa và khả năng củng cố trận địa tầm xa. Có thể có người đưa ra câu hỏi, chống Mỹ viện Triều ở xa đất nước, đả kích là Mỹ, nước lớn mạnh nhất trên thế giới lúc đó, sao không quân Trung Quốc lại có thể giành thắng lợi! Điều này là sự thực không cần tranh cãi, nhưng có hai điểm cần làm rõ, một là mặc dù chiến trường Triều Tiên là ở nước ngoài nhưng chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc một con sông, điều kiện bảo đảm hậu cần của Trung Quốc tốt hơn ở Biển Đông nhiều, khoảng cách chi viện đường dài của Trung Quốc ngắn hơn ở Biển Đông nhiều hơn nữa tại thời kỳ chiến tranh giải phóng cách đó không lâu quân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra kinh nghiệm chi viện tiền tuyến bằng đường bộ vô cùng có hiệu quả, bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng không thể nào so sánh với khoảng cách xa xôi của Biển Đông hiện nay; hai là mọi người đều biết rất rõ khoảng không sau lưng các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ kỹ thuật chiến đấu trên không của chúng trên thực tế đã có sự bảo đảm của Liên Xô cũ, không hề thua kém sức chiến đấu của Mỹ lúc đó.

Trong một khoảng thời gian rất dài từ giai đoạn đầu xây dựng đất nước cho tới bây giờ, ngoài chiến tranh Triều Tiên ra, những trận không chiến và hải chiến mà Trung Quốc tham gia về cơ bản đều có tính chất phòng ngự, đều được tiến hành với khoảng cách không xa lãnh thổ Trung Quốc. Cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 được chế định trong tình hình Mỹ đã hạ quyết tâm vứt bỏ chính quyền Nam Việt Nam, còn Bắc Việt lại không tiện ra tay giúp đỡ, là một trận hải chiến được tiến hành ở khoảng cách tương đối xa và đội tầu có tải trọng tương đối nhỏ, và Trung Quốc đã giành được thắng lợi huy hoàng. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, máy bay Mỹ đã từng xâm phạm vùng trời Trung Quốc mấy ngàn lần khiến Trung Quốc phản đối tới hàng vạn lần nhưng cũng chỉ có thể xua đuổi hoặc bắn rơi một ít thôi, phần lớn mắt nhìn thấy chúng chạy trốn mà chẳng làm gì được.
Trải qua những nỗ lực gian khổ tuyệt vời trong 60 năm xây dựng đất nước, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã có sự phát triển chưa từng có, nhất là trong mấy năm gần đây, năng lực viễn dương của hải quân Trung Quốc và sức chiến đấu tầm xa của không quân Trung Quốc đã có sự phát triển như tên bắn, mọi người có thể chú ý tới mấy sự thực cơ bản dưới đây:
Đã trang bị hàng loạt lớn máy bay chiến đấu kiểu J10 cho bộ đội, đã hình thành sức chiến đấu thực tế hùng mạnh
Kỹ thuật tiếp dầu của Trung Quốc đã có đột phá, bán kính tác chiến của máy bay Trung Quốc đã mở rộng nhiều lần.
Máy bay báo động trên không của Trung Quốc đã xuất hiện nhân dịp 60 năm xây dựng nước, báo động trên không và khả năng chỉ huy của Trung Quốc không chỉ che phủ được diện tích toàn quốc và còn có thể vươn xa hơn nữa theo yêu cầu .
Đội tầu bảo vệ đường hàng hải đến vịnh Aden của hải quân Trung Quốc đã tới lượt thứ sáu, khả năng viễn dương của hải quân Trung Quốc ngoài ngàn dặm đã được thử thách nghiêm túc.
Đội tầu ngầm chiến lược của Trung Quốc bao gồm cả tầu ngầm hạt nhân đã lên tới hơn 60 chiếc, không chỉ là một đội tầu ngầm hùng mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay trên thế giới mà còn đặt cơ sở vững chắc cho khả năng đánh đòn thứ hai của lực lượng hạt nhân Trung Quốc.
Biên đội hải quân loại lớn do 10 hạm tầu tổ thành của Trung Quốc đã diễu qua vùng biển Okinawa mà không hề có cản trở rồi đi vào hải phận quốc tế, lực chiến đấu thực tế của hải quân Trung Quốc đã có sự nâng cao về chất.
Số tấn của quân hạm loại lớn của Trung Quốc đã cao tới vài vạn tấn, trên thực tế hàng không mẫu hạm của Trung Quốc cũng sắp đóng xong.
Cùng với những điều trên còn có, những chiếc tầu giám sát biển có tải trọng lớn của Trung Quốc đã có thể thường xuyên đến những nơi tương đối xa tại Biển Đông để bảo vệ cá, bảo vệ tầu, hiển thị và bảo vệ chủ quyền.

Tóm lại, qua những điều nói trên có thể thấy sức mạnh quân sự tầm xa của hải, không quân Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của mình đã có những thay đổi và đột phá quan trọng. Trên vấn đề Biển Đông Trung Quốc có khả năng thực hiện nhiều hành động hơn nữa .
Ta có thể làm vì sao lại vui vì không làm! Bây giờ là lúc hợp thời cơ để Trung Quốc ra tay trên vấn đề Biển Đông.
Tất nhiên, cuối cùng những thay đổi và đột phá của Trung Quốc đều thể hiện bằng nguyên tắc và lập trường, và không có nghĩa là mọi việc đều yêu cầu vũ lực, đều phải giải quyết bằng phương thức chiến tranh. Phương thức chủ yếu để giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc giống như vấn đề Đài Loan, dưới tiền đề không vứt bỏ uy hiếp vũ lực vẫn là lấy phương thức hòa bình làm chính.

Dương Danh Dy giới thiệu
* Nguồn yuanheping1@sohu, ngày 7/7/2010

------------------------------


Hoàng Việt
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Cập nhật: 09:50 GMT - thứ ba, 19 tháng 5, 2009

Đường lưỡi bò

Trước ngày 13 tháng 5 là hạn cuối để các nước gửi hồ sơ báo cáo về thềm lục địa mở rộng lên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã gửi Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc trước hạn định.
Sau đó 24 giờ, Trung Quốc đã chính thức gửi công hàm phản đối Báo cáo về thềm lục địa của Việt Nam, kèm theo đó Trung Quốc gửi một bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" trên Biển Đông và cho rằng trong báo cáo của mình, VN đã "xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc".
Có lẽ, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã yêu sách một cách chính thức về chủ quyền của họ trên biển Đông dựa theo bản đồ vẽ "đường lưỡi bò" của họ.

Lịch sử "đường lưỡi bò"
Tháng 12 năm 1947, một viên chức Trung Hoa Dân quốc tên là Bai Meichu (Bạch My Sơ?), có thể do thiếu kiến thức về luật hàng hải quốc tế cộng với nhu cầu thôi thúc chống lại yêu sách của Pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đã trình bày về đường này trong một atlas của riêng mình.
Sau đó, thấy có lợi, nên năm 1948, chính quyền Cộng Hoà Trung Hoa đã cho in bản đồ chính thức lần đầu có "đường lưỡi bò" dựa theo bản đồ của Bai Meichu.
Trong bản đồ này, "đường lưỡi bò" là một đường đứt khúc có 11 đoạn, được thể hiện bao trùm xung quanh các nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), bãi ngầm Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa) và bãi cạn Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác.
Năm 1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời, chính quyền Bắc Kinh cũng nối tiếp chính quyền trước đó trong việc xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò", nhưng tới năm 1953, bản đồ có "đường lưỡi bò" do Bắc Kinh xuất bản chỉ còn 9 đoạn.
Mặc dù cùng cho xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò" nhưng cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc trước đó lẫn Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sau này đều chưa bao giờ chính thức yêu sách hay giải thích gì về "đường lưỡi bò" này cả.

Tính chất pháp lý
Về mặt pháp lý, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với vùng biển nằm bên trong "đường lưỡi bò" có những điểm bất hợp lý như sau:

1. Một số học giả Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò" biểu thị "đường biên giới quốc gia"của "vùng nước lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông". Vùng biển trong "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc yêu sách chiếm gần 80% diện tích biển Đông.
Chưa có một yêu sách nào về một vùng nước lớn như vậy là "vùng nước lịch sử" trong cộng đồng quốc tế. "Đường lưỡi bò" này không thể là "đường biên giới quốc gia" được, vì theo nhiều án lệ quốc tế (cụ thể nhất là vụ phán xử đền Preah Vihear do ICJ năm 1962) cho thấy, đường biên giới phải là "đường ổn định và dứt khoát", trong một xã hội có trật tự riêng, các đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế, còn "đường lưỡi bò" là những đường đứt khúc được mô tả một cách tuỳ tiện, thiếu ổn định , trước đây có 11 đoạn, sau phải bỏ đi 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý.
Thêm nữa, nó không dứt khoát vì nó chưa bao giờ có toạ độ chính xác để có thể xác định được một cách rõ ràng.

2. Sẽ áp dụng quy chế pháp lý nào cho vùng biển bên trong "đường lưỡi bò"? Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách đối với vùng biển bên trong đường lưỡi bò như là "vùng nước lịch sử" của họ. Theo quy định của luật quốc tế, có thể có các quy chế đối với vùng nước được coi là "vùng nước lịch sử" bao gồm: Nội thuỷ; lãnh hải; vùng nước quần đảo.
Tuy nhiên, áp dụng vào trong trường hợp này, với các hành động đã xảy ra của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách từ khi xuất hiện bản đồ chính thức lần đầu từ 1948 đến nay, chưa thể đi đến kết luận là vùng nước bên trong "đường lưỡi bò" này có thể áp dụng được quy chế pháp lý nào cho nó.
Hiện nay, các học giả Trung Quốc cũng đang lúng túng và không nhất trí được với nhau về chế độ pháp lý của vùng biển bị bao bọc bởi "đường lưỡi bò" này.
Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:
"Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả."
Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là "vùng nước lịch sử".
Trong Pháp lệnh về lãnh hải và vùng tiếp giáp của của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không xác định "vùng nước lịch sử".
Tuyên bố về đường cơ sở ngày 15/5/1996 của Trung Quốc, áp dụng với cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy việc Trung Quốc yêu sách một vùng nội thuỷ nằm trong một vùng nước lịch sử có cùng chế độ nội thuỷ là một mâu thuẫn lớn trong lập trường của họ.
Có thể nói rằng những tuyên bố và các đạo luật của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi "đường lưỡi bò" .

3. Từ khi xuất bản bản đồ chính thức vào tháng 2 năm 1948 cho đến trước sự kiện Trung Quốc phản đối báo cáo về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam mới đây, cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc cũng như Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ chính thức yêu sách hay giải thích gì về "đường lưỡi bò" cả, cho nên các quốc gia khác trước đây không lên tiếng về vấn đề này là đương nhiên.
Sự im lặng đó không phải là "mặc nhiên thừa nhận".

Hơn nữa, tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là "đường lưỡi bò" được các quốc gia khác công nhận.
Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.
Cuối cùng, qua sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng: yêu sách về "đường lưỡi bò" của Trung quốc là "không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó".

Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử và quyền đối với hầu hết Biển Đông và/hoặc đối với đáy biển và lòng đất của nó là trái với sự phát triển toàn diện của luật biển quốc tế hiện đại và không thể coi là một vấn đề pháp luật nghiêm chỉnh.
------------------------------
Ông Hoàng Việt là giảng viên Đại học Luật TP HCM và thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
.
.
.

No comments:

Post a Comment