Tuesday, November 30, 2010

BLOGGER VIỆT NAM LÀM THẾ NÀO TỰ BẢO VỆ MÌNH ? (VOA)

Trà Mi - VOA | Washington, DC
Thứ Ba, 30 tháng 11 2010

Nhận xét về chiến dịch của chính quyền Việt Nam nhắm vào giới blogger và các trang mạng xã hội hiện nay, 4 blogger trong nước tham gia thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên tuần trước cho rằng mục đích là nhằm dẹp bỏ những phê phán, chỉ trích trước thềm đại hội đảng, đồng thời khẳng định những gì đang xảy ra không làm chùn bước những ngòi bút thẳng thắn đóng góp vì sự phát triển của xã hội.

Trong buổi gặp gỡ hôm nay, các blogger Hùng, Quỳnh (bút hiệu Mẹ Nấm), Linh (chủ trang blog Bút Thép), và Bảo (bút hiệu LB) sẽ tranh luận về các nguyên nhân nhà nước viện dẫn để quản lý blog và làm cách nào giới blogger có thể tự bảo vệ quyền tự do bày tỏ tư tưởng trước những hạn chế hiện nay.

Trà Mi: Trong cuộc thảo luận tuần trước, các bạn cho rằng khó phân định “lề trái” “lề phải” theo khái niệm nhà nước đặt ra, và người dân không có nơi nào để bày tỏ tư tưởng một cách tự do thì phải mượn trang blog để thể hiện quan điểm của mình. Nhưng nhớ là Việt Nam quy định nội dung blog chỉ trong phạm vi những chia sẻ hoặc thông tin cá nhân, nôm na chỉ là một nhật ký cá nhân, không được lạm bàn các vấn đề xã hội-chính trị, vượt ra khỏi quy định này ắt gặp rắc rối. Ý kiến các bạn ra sao?
Hùng: Cách áp đặt đó của chính quyền đối với blog chỉ suy diễn theo cái lợi của họ thôi. Chứ còn bây giờ bảo là chỉ “chia sẻ cá nhân” thì tôi suy nghĩ cái gì về xã hội tôi nói, đó cũng là “chia sẻ cá nhân” thôi, tôi đâu bắt ai phải làm theo những chuyện tôi nói. Tôi cũng đâu kêu gọi gì đâu mà nói là “gây mất ổn định”?

Trà Mi: Nhưng có người sợ rằng những suy nghĩ của anh khi chia sẻ ra sẽ tác động đến suy nghĩ của nhiều người khác, chẳng hạn?
Hùng: Họ đâu có được độc quyền.
Quỳnh: Về mặt chia sẻ thông tin, nếu nhà nước có hẳn một quy định để hạn chế rằng blog chỉ là nơi chia sẻ những gì thuộc về cá nhân, thì xã hội Việt Nam hiện tại sẽ không bao giờ có dấu hiệu tiến bộ và phát triển. Bởi vì một khi mỗi người dân khép kín lòng, thờ ơ, và không quan tâm đến xã hội thì đất nước chắc chắn sẽ không bao giờ phát triển, tương lai sẽ tụt lùi.
Bảo: Theo mình, ngay cả Hiến pháp đã quy định quyền tự do ngôn luận. Một khi tự do ngôn luận, những phát biểu, những tiếng nói của mình về bất kỳ vấn đề gì trong xã hội, mình đều có quyền được nói. Facebook hay Multiply, những dòng tiến của xã hội, người ta phát triển ra để làm gì? Nếu người dân chỉ quan tâm đến những vấn đề cá nhân, vị kỷ, thì đất nước không thể nào phát triển được cả.

Trà Mi: Cảm ơn Lê Bảo. Anh Linh có ý kiến nào khác không?
Linh: Khái niệm lề trái, lề phải là do người ta đặt ra thôi. Mình phải căn cứ theo những gì luật pháp trong xã hội quy định để viết. Mình có quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin. Người ta cho phép mình chuyện đó mà, nhưng mình phải viết thế nào để đừng vi phạm đến an ninh quốc gia, đừng ảnh hưởng đến danh dự của từng cá nhân, thì không ai đụng chạm tới mình cả.
Hùng: Mình không đồng ý với anh Bút Thép vừa rồi. Nói rằng viết mà không đụng chạm đến ai cũng khó lắm anh. Ví dụ mình tới một cơ quan công quyền nào đó, mình bị vướng mắc hay bị hành về một vấn đề gì đó, mình nói lên blog của mình. Làm sao mà không đụng chạm đến chính quyền? Những gì họ đặt ra rất khó để tránh. Anh viết cái gì rồi anh cũng bị dính.
Linh: Ý tôi là khi anh viết, anh phê phán, tố cáo một vấn đề nào đó trong xã hội, anh phải có nhân chứng, vật chứng, bằng chứng cụ thể thì chắc chắn người ta sẽ không đụng chạm tới anh được, vì anh không bịa chuyện. Ngay cả blog Bút Thép của tôi, khi tôi đưa ra những sự kiện, tôi đưa ra người thật, việc thật. Người ta không thích thôi, nhưng người ta không làm gì được tôi. Bởi vì những việc tôi nói là những điều người ta đã làm. Tôi không bịa chuyện ra. Mình phải cẩn thận, nhớ điều này.
Quỳnh: Mình có ý kiến về điều gọi là “an ninh quốc gia”. Đây luôn là lý do để gây rắc rối cho các blogger. Cần phải xem lại những quy định, tiêu chuẩn về “an ninh quốc gia” hiện tại khiến các blogger bị rắc rối. Bản thân mình cũng đã bị dính tới điều 258, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia” khi mình kêu gọi in và mặc áo “Dừng dự án bauxite” và “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Đến tận bây giờ vẫn không ai giải thích cho mình là việc làm của mình xâm phạm “an ninh quốc gia” ở điểm nào. Vì vậy, nói đến cái chuẩn khi đụng tới “an ninh quốc gia” còn tùy thuộc là trên quan điểm của nhà nước hay quan điểm trên lợi ích của toàn dân. Đó là một câu hỏi lớn mà những người đặt ra quy định cho giới blogger phải trả lời thẳng thắn trước toàn dân, rằng quy định về “an ninh quốc gia” đó dựa trên lợi ích của nhà nước hay của toàn dân.

Trà Mi: Anh Linh nêu lên quan điểm rằng mình viết gì cũng phải có bằng chứng rõ ràng và trong giới hạn không đụng tới “an ninh quốc gia” thì sẽ được an toàn, nhưng nhìn vào các trường hợp của những blogger đi trước ví dụ như vụ blogger Điếu Cày. Trên trang blog của anh có nhiều bài viết trình bày những bức xúc liên quan đến bauxite Tây Nguyên và Hoàng Sa-Trường Sa. Có nhiều người, ngay cả quốc tế, cũng lên tiếng rằng đây là những điều mắt thấy tai nghe, bức xúc xã hội, chứ không đụng chạm đến “an ninh quốc gia” gì cả. Thế thì làm sao nằm trong biên độ an toàn như anh Linh nói?
Linh: Trường hợp của anh Điếu Cày hay những blogger khác bị bắt, nhà nước chưa bao giờ nói là truy tố một ai vì viết blog.
Quỳnh: Họ sẽ không truy tố về tội viết blog, nhưng họ tạo ra rất nhiều cớ. Trong các buổi làm việc, họ in ra nội dung trên blog của anh và buộc anh phải ký. Em đã trải qua rồi. Họ luôn tạo ra một cái cớ để bắt, đương nhiên, vì họ đã thừa nhận với thế giới là có tự do thông tin, tự do ngôn luận thì làm sao họ có thể bắt anh vì anh viết blog được? Nhưng họ luôn tạo ra cớ để làm khó dễ những người viết blog.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến chị Quỳnh. LB và Hùng có ý kiến nào khác liên quan vấn đề anh Linh và chị Quỳnh đang tranh luận không?
Bảo: Blog hay website cá nhân chẳng qua là một luồng tư tưởng mà thôi. là công cụ truyền tải những ý kiến, những luồng tư tưởng mới. Báo giấy thì chính quyền đã khống chế được rồi. Còn blog như là những trang báo mạng đang tràn lan, vượt tầm kiểm soát. Rõ ràng nhà nước muốn chặn đầu, những blogger nào nổi trội, họ đem ra xử trước. Bắt blogger Điếu Cày hay Anh Ba Sài Gòn trước mắt chỉ là những hành động tạm thời răn đe các blogger khác và muốn ngăn chặn các luồng tư tưởng này.

Trà Mi: Trước những phản bác về ý kiến anh nêu ra, anh có điều gì chia sẻ thêm không?
Linh: Tôi cũng đồng ý với chị Quỳnh ở chỗ là ở Việt Nam nếu họ muốn bắt ai thì họ có thể có rất nhiều lý do để bắt. Nhưng tôi muốn nói là khi mình viết blog hay báo, nên nhớ là mình đang sống trong một xã hội được quy định bởi luật pháp của người ta như thế nào để tránh trường hợp mình bị rắc rối với chính quyền. Đó là chuyện mình phải tự cover cho mình trước đã. Nếu không tự bảo vệ mình trước thì khi cần, họ muốn “vịn” mình lúc nào thì họ “vịn” thôi. Như anh Điếu Cày, blog của anh đăng những bài về Hoàng Sa-Trường Sa thôi, nhưng khi họ bắt anh thì đâu có bắt về chuyện anh viết blog đâu. Anh Ba Sài Gòn viết những bài phân tích về luật pháp thôi, chứ đâu có chửi mắng chính quyền hay kêu gọi thế này thế nọ đối với chính quyền đâu. Nhưng họ cần phải chặn đứng sự hoạt động mạnh mẽ của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, nên họ điều tra về chuyện này, chuyện khác đối với anh ấy.

Trà Mi: Anh Linh nói đất nước nào cũng có quy định riêng, mình làm sao tự bảo vệ mình là điều trước hết. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao blogger có thể tự bảo vệ mình trước những quy định không rõ ràng, còn quá mập mờ mà không ai hiểu rõ biên độ nó tới đâu, như các anh chị đã bàn lúc nãy. Vậy làm thế nào tự bảo vệ mình được?
Linh: Ở Việt Nam rõ ràng không thể nào biết được. Tới lúc người ta sờ đến mình vì những lý do khác cũng không biết đường đâu mà đỡ, nhưng trước tiên bản thân mình cũng phải tự bảo vệ mình trước. Khi người ta kêu mình lên làm việc về một bài viết của mình, mình cũng phải căn cứ vào pháp luật để cãi.

Trà Mi: Anh căn cứ vào pháp luật mà ngay cả pháp luật nhiều người nhận xét là không rõ ràng thì làm cách nào?
Linh: Cũng hơi khó, nhưng tôi cứ căn cứ theo Hiến pháp. Những quy định, nghị định, hay luật vẫn dưới Hiến pháp. Nếu nó trái với Hiến pháp thì tôi cứ căn cứ theo Hiến pháp cái đã.

Trà Mi: Những người đã gặp rắc rối đi trước chắc là họ cũng căn cứ theo Hiến pháp…
Linh: Thì chắc vì vậy nên họ mới..
Quỳnh: Mình nghĩ ý anh Linh muốn nói là một khi mình viết và truyền tải cái gì thì phải có trách nhiệm với nó. Cho nên, đối với những thông tin, nguồn tin mà mình cảm thấy không thể đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của nó, tốt nhất là mình dẫn đường link, không nên đưa nó lên hẳn như một thông tin trên blog của mình. Có trách nhiệm và xác thực tính trung thực của bài mình viết, đó cũng là một cách khôn ngoan để mình có thể đối phó trước sự trấn áp hiện tại đối với các blogger.

Trà Mi: Đó là nói về việc đưa ra thông tin, còn xét về khía cạnh bày tỏ quan điểm cá nhân thì sao? Mời quý vị và các bạn trở lại với chương trình vào giờ này, tuần sau, để nghe các blogger trẻ trong nước bàn về khái niệm “tự do trong khuôn khổ”, mong mỏi của các blogger Việt Nam đối với giới hữu trách, và người trẻ có thể làm gì để góp phần tạo ra những chuyến biến như trông đợi.

Trước khi tái ngộ trong buổi thảo luận tuần tới, Trà Mi thân mời bạn nghe đài cùng trao đổi ý kiến với độc giả khắp nơi về đề tài này trong mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang www.voatiengviet.com, ngay phần Ý kiến ở cuối bài. Nếu không vào được trang web VOA, các bạn nhớ ghé qua trang Facebook, hoặc Yahoo 360 độ của VOA để nghe và xem lại những câu chuyện trên Tạp chí Thanh Niên, các bạn nhé.
Tạp chí Thanh Niên thân chào quý vị và các bạn. Hẹn gặp lại vào giờ này, tối thứ ba tuần sau.

-----------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment