Friday, October 29, 2010

TRANH CỬ TỰ DO, DÙ BẨN CÒN HƠN KHÔNG ! (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 28, 2010

Một ứng cử viên vào hội đồng một thị xã ở phía Nam California nhận được cú điện thoại của người bạn hỏi: Tại sao anh lại dùng bích chương vận động bằng tiếng Á Rập? Ngạc nhiên, ứng cử viên cực lực cải chính mình không bao giờ biết tiếng Á Rập. Rồi ông đi tìm coi. Có một tấm bích chương in hình ông với hàng chữ, đại ý, “Ðây là người lãnh đạo Á Rập mà thành phố chung ta đang cần!” Bên cạnh đó là mấy chữ Á Rập ngoằn ngoèo không ai hiểu được.

Tại sao lại có tấm bích chương như vậy? Ai cũng đoán là những người chống vị ứng cử viên này đã in và đem trưng khắp nơi, với mục đích để nhiều cử tri hiểu lầm rằng ông ta, với cái tên Kalasho nghe lạ tai, là một người gốc Á Rập. Ai cũng biết, sau vụ 11 tháng 9 năm 2001 hiện nay nhiều dân Mỹ không có thiện cảm với người Á Rập. Gây ra vụ hiểu lầm như thế có thể làm cho ông Kalasho mất một số phiếu. Trong cuộc tranh cử nào cũng vậy, các ứng cử viên không những tìm cách đi kiếm từng lá phiếu ủng hộ mà còn cố làm sao cho đối thủ mất phiếu, mất một lá phiếu nào cũng đều tốt cả! Ông Kalasho phải nhắc cho mọi cử tri trong thị xã biết ông là người gốc Ba Lan. Ðối với nhiều người thì tên gốc Ba Lan, Ấn Ðộ, hay Ukraine đều khó đọc như tên Á Rập cả!

Không một cuộc tranh cử nào tránh được những “đòn bẩn” như vụ in bích chương vu vạ này. Các nhà chính trị “thiết tha muốn làm đại biểu cho dân” thường dùng nhiều thủ đoạn để “làm xấu” lẫn nhau. Chúng tôi viết hai chữ “làm xấu” cho nhẹ, không hàm ý phê phán dạy đời. Thông thường mọi người gọi đó là những thủ đoạn “bôi bẩn.” Theo một tổ chức nghiên cứu về bầu cử ở Mỹ, từ đầu năm 2010 đến tháng 10 này, các ứng cử viên ở khắp nước Mỹ đã in 900,000 tài liệu cổ động tranh cử, mà trong đó có 20% nhắm bới móc đời tư đối thủ. Tỷ lệ này đã tăng vọt vì hai năm trước đây, chỉ có 14% các bài quảng cáo nhắm bôi bẩn cá nhân mà thôi.

Khi cần “đánh” đối thủ để giành chức đại biểu cho dân, người ta “bới móc” coi trong cuộc đời bên kia có cái gì đáng “bêu xấu” hay không. Một ứng cử viên dân biểu ở Florida bị phe địch tố cáo là đã “không trả tiền nợ khi dùng thẻ tín dụng” cho đến lúc bị ngân hàng tố cáo. Ở một nước tự do, đi tìm các tin tức như vậy rất dễ. Hồ sơ tín dụng của mọi cá nhân đều được các ngân hàng lưu trữ và trao đổi cho nhau, cái gì cũng được công khai hóa dễ dàng. Nhưng ứng cử viên bị tố cáo “trốn nợ” trên đã có dịp thanh minh. Quả nhiên có lần ông dùng thẻ tín dụng rồi quên không trả tiền nợ đúng hạn đến nỗi bị nhà băng truy tố. Ông giải thích, trong thời gian đó ông đang đi lính đánh nhau ở Afghanistan, gia đình ông ở nhà lơ là không coi hết các lá thư ngân hàng đòi nợ! Thế là các cử tri được nhắc nhở thành tích của ông trong quân ngũ, và đối thủ bôi nhọ ông bị mang tiếng “quấy hôi bôi nhọ!”

Tại California, vừa rồi ông Thống Ðốc Arnold Schwarzenegger mới gặp cả hai vị đang muốn kế vị ông, trên đài truyền hình. Trước ống kính ti vi, ký giả điều khiển chương trình bất ngờ đề nghị hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ hãy cam kết kể từ nay không tấn công nhau về cá nhân nữa, mà chỉ cãi nhau trong những chuyện đứng đắn về đường lối, chính sách mà thôi. Ông Schwarzenegger ủng hộ ý kiến đó. Ứng cử viên Jerry Brown nói sẵn sàng cam kết như thế nếu bên kia cũng chịu. Bà Meg Whitman đồng ý sẽ không đả kích nhau về đời tư, nhưng sẽ tiếp tục tấn công cá nhân đối thủ về những điều liên quan đến việc công. hế là vụ cam kết không thành. Trong tuần lễ cuối cùng trước ngày bỏ phiếu, quý vị sẽ tiếp tục nhận được những truyền đơn của hai ứng cử viên này nói về tiểu sử của nhau! Chắc số tài liệu về ông Brown sẽ nhiều hơn, vì bà Whitman chi số tiền tranh cử gấp bẩy lần địch thủ (tổng cộng bà dùng đến gần 46 triệu Mỹ kim cho cuộc chạy đua này, trong đó 39 triệu là tiền túi bà bỏ ra). Ông Brown cũng không ngại ngần bới móc đời tư của bên địch. Trong một tờ truyền đơn in rất đẹp trên giấy cứng gửi tới nhà mọi người dân California, người ta thấy hình bà Whitman với bao nhiều đồng đô la $100 bay trước mặt. Cả tờ truyền đơn chỉ cốt gây cảm tưởng là bà Whitman đại diện cho giới đại phú ở Wall Street chứ không phải cho người dân bình thường. Truyền đơn này chỉ đưa ra một sự kiện: Bà đã bị tòa phạt vì dùng tin mật mua bán cổ phiếu kiếm lời gần 2 triệu đô la, phải trả lại hết.

Lịch sử tranh cử ở nước Mỹ ngay từ thời lập quốc đã có những vụ bôi bẩn lẫn nhau. Một vị tổng thống lớn như Thomas Jefferson từng bị nghi là đã trả tiền cho một người viết lời vu cáo, ám chỉ đối thủ John Adams là người “ái nam ái nữ.” Tổng Thống Martin Van Buren đã bị tố cáo là người thích mặc quần áo lót phụ nữ! Và Tổng Thống James Buchanan từng bị đối thủ bới móc là ông có lúc đã định treo cổ nhưng không thành công! Tất nhiên, nước Mỹ không chiếm độc quyền về nạn bêu xấu nhau trong mùa tranh cử. Các nhà chính trị Pháp, Anh hay Ðức cũng không ngần ngại dùng “mọi phương tiện trong vòng hợp pháp” để hạ lẫn nhau, không mấy quan tâm đến đạo lý, miễn là mình thắng cử.

Chính vì sống trong những xã hội mở, có tự do thông tin và tự do phát biểu nên những “đòn bẩn” đó mới bị phơi bầy cho công chúng thấy và phán đoán về các nhà chính trị muốn đại diện cho họ! Ở những nước độc tài, mọi quyết định chính trị đều diễn ra trong phòng kín. Chỉ có các ông bà trong Bộ Chính Trị hay Trung Ương Ðảng được dự họp, người ngoài không thể biết được các quan đã dùng những đòn bẩn như thế nào để hạ thủ nhau. Ở các nước cộng sản, các lãnh tụ có thể giết đối thủ, gây ra những tai nạn bất ngờ, vừa kín đáo lại vừa rẻ tiền hơn các cuộc tranh cử trong các nước dân chủ! Lâu lâu những tin mật nới bị tiết lộ, cho thấy chẳng hạn Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ đã vu cáo Võ Nguyên Giáp làm tay sai mật thám Pháp như thế nào để hạ Giáp trước kỳ đại hội đảng. Chỉ đến khi các lãnh tụ cộng sản viết hồi ký người ngoài mới biết các thủ đoạn nhơ bẩn mà họ dùng để đánh nhau. Ông Ðoàn Duy Thành, cựu phó thủ tướng, đã kể nhiều thủ đoạn bẩn mà Ðỗ Mười dùng để hạ ông suốt mấy năm, vì Thành từng được Lê Duẩn nhắm cho lên kế vị, chặn đường không cho Lê Ðức Thọ lên. Sau khi Duẩn chết, các con ông có lúc lo sợ đã hỏi thẳng Ðoàn Duy Thành không biết “họ có giết chúng cháu không?”

Nếu phải chọn lựa, chúng ta sẽ chọn những cuộc tranh đấu công khai (sạch và bẩn) hay chọn những trận đấu đá ngầm trong bí mật, và các vụ ám sát? Hai cách tổ chức chính trị dân chủ và độc tài đó, phương cách nào dễ tạo cơ hội cho người dân tuyển lựa được những người cai trị hợp với ý muốn của đa số hơn? Tất nhiên, cha con ông Kim Chính Nhật, Kim Vĩnh Ân sẽ chọn lối tuyển chọn trong vòng bí mật! Ở những nước quen sống tự do dân chủ thì người ta không thể chấp nhận để cho một nhóm người họp nhau bí mật quyết định tất cả vận mạng toàn dân. Thà rằng cho tranh cử công khai; dù có lúc có người dùng thủ đoạn nhơ bẩn, nhưng cuối cùng chính người dân bỏ phiếu sẽ quyết định ai là người cai trị.

Chế độ Dân Chủ không phải là phương cách hoàn hảo để tổ chức xã hội loài người, điều này ai cũng biết. Nếu như loài người biết trước được tất cả mọi điều sẽ xẩy ra trong tương lai, đời sống không có rủi ro bất trắc nào cả, thì chúng ta hy vọng nghĩ ra được một cách tổ chức xã hội hoàn hảo!

Chúng ta cũng biết chỉ khi đem so sánh với các chế độ khác đã thí nghiệm trên trái đất này thì nhân loại mới thấy rằng thể chế dân chủ là đỡ sai lầm hơn tất cả! Ngay việc bỏ phiếu của người dân cũng không nhất thiết bảo đảm lúc nào họ cũng chọn được những người có chính sách tốt đẹp nhất. Các cử tri có thể lầm lẫn khi lựa chọn. Nhưng chính vì người dân có quyền lựa chọn cho nên mọi nhà chính trị đều biết phải tự kiềm chế mình, không để xẩy ra những sai lầm lớn. Mà khi lầm lẫn thì chính mình phải sửa ngay, kẻo đến kỳ bỏ phiếu tới sẽ bị dân lật đổ!

Chế độ Dân Chủ là một hình thức mua bảo hiểm cũng giống như khi lái xe, để khi tai nạn xẩy ra thì người dân, chủ nhân của xã hội, sẽ được bồi thường, chỉ thiệt hại chút đỉnh! Còn các chế độ độc tài thì người dân hoàn toàn không được bảo hiểm, tất cả phó cho bọn chuyên quyền, may nhờ, rủi chịu!

Nhưng ai là người yêu tự do dân chủ cũng rất lấy làm buồn khi chứng kiến những “đòn bẩn” mà các ứng cử viên tung ra để giành lá phiếu. Người ta tự hỏi tại sao trong một thể chế chính trị được coi là tử tế nhất, một niềm hãnh diện của nhân loại, mà những người muốn cai trị dân lại làm những việc không ai có thể hãnh diện như vậy?

Sở dĩ nhiều nhà chính trị trong xã hội dân chủ tự do không giữ được đạo lý thuần khiết như chúng ta muốn, có lẽ bởi vì chính những người sẽ đi bỏ phiếu bầu họ, tức là tất cả chúng ta, cũng không hoàn hảo!
Có thể nào bảo đảm là mọi cử tri lúc nào cũng chỉ thích nghe các cuộc tranh luận về các vấn đề trọng đại, như phương pháp cân bằng ngân sách, về nhu cầu cải tổ hệ thống nhà tù, về những cách đối phó với quỹ hưu bổng đang lâm nguy, hay về kế hoạch kích thích kinh tế tạo thêm công việc làm? Có phải người dân không ai muốn nghe chuyện xấu về các ứng cử viên hay không?

Nghi lắm. Loài người không phải ai cũng chỉ thích nghe những chuyện trừu tượng và nghiêm trọng. Họ cũng nhiều khi thích thú nghe những chuyện tầm phào, bá láp. Ðó là một thứ quyền tự do phải được hiến pháp bảo đảm! Nếu không thì những tờ báo chuyên đăng tin giật gân và chuyện tầm phào làm sao sống được? Những tờ báo đó cũng đáp ứng một nhu cầu tự nhiên trong xã hội, mà khi xã hội có tự do thì các nhu cầu đó được đáp ứng. Chỉ trong các xã hội chuyên chế độc tài thì nhà nước mới bắt mọi người dân lúc nào cũng phải “Nghiêm Văn Túc!” (Nhân vật Nghiêm Văn Túc do nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đặt ra để chế nhạo các cán bộ cộng sản lúc nào cũng giả dối, che đậy mọi thói hư tật xấu của mình bằng bộ mặt nghiêm túc).

Nếu trong xã hội còn có người thích đọc chuyện đời tư các ca sĩ hoặc tài tử, thích đọc chuyện cướp ngân hàng hay băng đảng giết nhau, thì tự nhiên trong các cuộc tranh cử có những ứng cử viên bới lông tìm vết để bêu xấu lẫn nhau! Loài người không hoàn hảo như các thiên thần. Chính vì thế mà những cuộc tranh cử cũng không hoàn toàn lương hảo!

Nước Nga mới tập đi bầu tự do được vài chục năm nay, nhưng các thủ đoạn bôi nhọ đã đầy dẫy. Một nhóm các nhà báo làm mạng (web site) ở vùng Saratov mới thú nhận hồi tháng 2 năm 2010, rằng họ đã được thuê tiền để bêu xấu các đối thủ của ông Vyacheslav Volodin, đại biểu Duma vùng này. Ở Liên Bang Xô Viết ngày xưa không bao giờ có những vụ bôi nhọ nhau trong các cuộc bầu cử Duma như vậy! Thậm chí nhiều ứng cử viên không cần phải nói một câu nào với cử tri mà vẫn đắc cử với 90% số phiếu. Có người Nga nào muốn quay trở lại sống như vậy hay không?
.
.
.

No comments:

Post a Comment