Friday, October 1, 2010

THĂM HỎI và TRAO ĐỔI CÙNG BÁC SĨ HOÀNG XUÂN CHỈNH

1.10.2010

Thăm hỏi và trao đổi cùng Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, tác giả bộ “Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc”

Bộ “Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc” (xin gọi tắt “Từ Điển”) của bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, xuất bản lần đầu vào năm 2000, dày 718 trang, với bìa mỏng, giấy thường, chữ nhỏ và năm 2006, tác giả lại cho tái bản lần thứ nhất với hiệu đính, cùng bổ túc thêm nhiều tài liệu, in thành hai quyển I & II với 2005 trang trên giấy thật tốt, bìa cứng chữ mạ vàng, với chữ in lớn hơn. So sánh hai bản in vào hai lần xuất bản cách nhau 6 năm, người đọc bình thường nào cũng có thể nhận ra ngay sự khác biệt giữa hai lần xuất bản, nói khác đi đó là kết quả của bao năm tác giả đã dầy công nghiên cứu, biên soạn nhằm mang đến cho bạn đọc một bộ sách hoàn hảo hơn. Với số sách báo tham khảo bao gồm 19 sách Việt ngữ, 44 sách Anh, Pháp ngữ và 50 sách Hoa ngữ, với ước tính mỗi quyển sách tham khảo dày bổ đồng khoảng 500 trang (chẳng hạn như quyển Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê 860 trang ), như vậy tác giả đã phải đọc và chọn lọc trong số trên dưới 56,500 trang sách và đúc kết lại còn 2005 trang từ điển, quả là một công trình phải có lòng đam mê và tận tụy mới làm nổi.

Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật, bản in lần thứ nhất, năm 2000

Theo lược ghi bìa sau cuốn Từ Điển, bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh sinh năm 1926 tại Hà Nội. Theo học trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, đậu bằng Y Khoa Bác Sĩ năm 1952. Năm 1962-1963 tu nghiệp tại University of North Carolina Chapel Hill (Hoa Kỳ). Năm 1967 khảo sát về ngành y tế tại Hoa Kỳ. Tham dự Hội Nghị Quốc Tế về bịnh truyền nhiễm tại Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Nguyên giảng sư các trường đại học y khoa Huế, Minh Đức và Sài Gòn. Viết bài trong tập san Y Sĩ (Canada), Kỷ Nguyên Mới (Maryland) và Công Thương (New Jersey). Hiện phụ trách giảng dạy các lớp Hán văn tại Houston. Định cư cùng gia đình tại Houston, Texas, Hoa Kỳ từ năm 1990.
Từ trước đến nay tôi chỉ nghe danh bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh là tác giả bộ Từ Điển này và tôi có mua bộ này in lần đầu vào năm 2000, nhưng không nghĩ là mình sẽ gặp được tác giả. Nhân dịp nhà văn Trần Doãn Nho có xuống Houston chơi, trên đường từ Dallas về Houston, anh Trần Doãn Nho có hẹn gặp bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh vào buổi chiều. Tôi lại có việc riêng, nên không tháp tùng theo các anh Trần Doãn Nho, anh chị Phan Xuân Sinh và anh Bùi Huy ghé thăm bác sĩ được. Nhưng sau đó vài tuần, bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh có nhã ý mời anh Phan Xuân Sinh và anh Bùi Huy ghé chơi. Lần này, ngoài hai anh, còn có anh Lê Minh Giang, bác sĩ Nguyễn Duy Bằng và tôi. Lần đầu gặp bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, tôi không nghĩ bác sĩ ở vào tuổi 85 vì trông bác sĩ bước đi còn rất nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, nói chuyện linh hoạt giống như một người đang ở tuổi ngoài bảy mươi đôi chút. Bác sĩ hướng dẫn chúng tôi vào phòng làm việc của bác sĩ với chiếc bàn gọn, một kệ sách kê ngay phía sau chiếc ghế xoay nơi bàn viết với sách vở tài liệu được sắp xếp thật ngăn nắp. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bác sĩ tỏ ra rất vui vì có những bạn đọc biết được công lao của tác giả bỏ ra soạn bộ Từ Điển giá trị này. Bác sĩ luôn nói: “Viết sách có người tìm đọc là mừng rồi”.
 
Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc, bản in lần thứ hai, năm 2006, với bìa cứng chữ mạ vàng, với bìa phủ bên cạnh.

Ngoài ra, bác sĩ còn cho biết bộ Từ Điển này được Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do trao tặng “Giải Văn Học Quốc Tế Y Sĩ” năm 2008. Và chúng tôi dự định mỗi người sẽ mua một bộ, nhưng bác sĩ không bán và ký tặng mỗi anh em một bộ sách. Bác sĩ cho biết chi phí ấn loát bộ Từ Điển này do các con của bác sĩ lo; nay sách đã bán gần hết và đã hoàn đủ số tiền in ấn rồi, vả lại, ngày nay ở tuổi ngoài tám mươi này, bác sĩ không cần tiền chi phí gì nhiều, nên sách chỉ tặng những ai hiếu học và mê đọc sách.

Giải Văn Học Quốc Tế Y Sĩ dành cho bộ Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc, năm 2008


Trong câu chuyện, bác sĩ có chia sẻ:”Thế hệ già như mình, nay mai không còn mấy người. Thế hệ trẻ như con cháu tôi, con cháu các anh, còn được mấy cháu ham đọc tiếng Việt? Nên tôi rất mừng là biết được còn có người ham đọc sách tiếng Việt như các bạn. Vì thế, soạn bộ Từ Điển này, ngoài các bạn, tôi đặt trọng tâm vào các bạn đọc là học sinh, sinh viên Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước, nhằm giúp các thế hệ trẻ vượt qua được những trở ngại về Hoa ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ khi tìm hiểu về các nhân danh, địa danh Trung Hoa khi đọc các sách báo, hoặc nghiên cứu về những đề tài liên quan đến các lãnh vực này. Trong sách, tôi có ghi rõ:”Thân mến tặng tất cả các bạn hiếu học, ham mê đọc sách, xem đó là một cái thú lớn của kiếp nhân sinh.”

Sau đó, để hiểu rõ hơn về việc biên soạn bộ Từ Điển này, tôi có viết thư cho tác giả, nguyên văn:
Houston ngày 10 tháng 5 năm 2010
Kính chào Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh,
Hồi chiều được bác sĩ gọi, tôi vô cùng mừng vì được bác sĩ rất thương mến những người thích đọc sách.  Mấy hôm nay tôi xem lại bộ "Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc" của bác sĩ, tôi mới thấy cái mơ ước của tuổi ngoài sáu mươi như tôi là xin Trời Phật ban cho mình được khoẻ mạnh chỉ để học túi khôn của nhân loại qua các bộ tự điển và từ điển (1). Và bộ "Từ Điển" của bác sĩ là một trong những túi khôn mà tôi ao ước đó.
Thưa bác sĩ,
Qua hơn sáu mươi năm cuộc đời, học ở trường lúc thiếu thời, rồi khi là thanh niên thời chiến tranh, nên tôi chẳng học thêm được gì. Với bảy năm trong các trại cải tạo và mười năm cày bừa chân lấm tay bùn với những lung vũng lầy lội, chữ nghĩa vào những năm tháng có tới 17 năm dài ấy (1975-1992), dường như tôi không còn có lúc nào được nhìn tới một trang giấy học trò ngày cũ, nói gì những sách vở mà mình mê mệt một thời. Thành ra, như bác sĩ biết, các thế hệ thanh niên như tôi thuở ấy là những bèo bọt của một thời kỳ lửa đạn bao phủ khắp mọi miền. Riêng cá nhân tôi thì những gì mình biết ngày nay chẳng qua cũng chỉ là những chữ nghĩa thuở học trò ngày xa xưa ấy, không hơn gì. Thành ra, gặp những bộ sách quý như bộ "Từ Điển" của bác sĩ là một kho tài liệu quý báu vô cùng đối với riêng tôi trong những lúc muốn học ở tuổi xế chiều này vậy.
Tôi có thói quen, mỗi ngày phải mở tự điển ra xem vài bận để học. Những bộ tự điển xưa như Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (596 trang), bộ Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1865 trang chính và 998 trang phụ lục), bộ Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị (bản in năm 1951, 1669 trang), bộ Thành-Ngữ Điển-Tích, Danh-Nhân Từ-Điển của giáo sư Trịnh Vân Thanh (1474 trang), cuốn Tự Điển Thành-Ngữ Điển-Tích của Diên Hương (503 trang), Từ Điển Phật Học của Đạo Uyển (1038 trang), ngoài ra còn có bộ Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của Bửu Kế (2812 trang), (một cuốn nữa cũng của Bửu Kế, quyển Tầm Nguyên Từ điển (Cổ Văn Học Từ Ngữ Tầm Nguyên) và các bộ Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, của Thiều Chửu, của Nguyễn Văn Khôn. Tôi cũng có trước mặt cuốn Từ Điển Văn Học Quốc Âm của Nguyễn Thạch Giang (1595 trang) hoặc cuốn Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn, theo tôi, đây cũng là một loại từ điển về nhân văn, địa lý…  Vì là dân miền Tây Nam phần, nên tôi lại có thêm cuốn Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (1594 trang). Riêng bộ Encyclopaedia Britannica với ba chục cuốn, mà tôi nghĩ túi khôn nhân loại nằm hết trong đó, tôi cũng mò tìm những chữ mà tôi thích về cây cỏ, chim chóc, thiên nhiên khắp hoàn cầu… Do muốn tìm học và học mãi, học hoài, nên bộ "Từ Điển" của bác sĩ có nhã ý tặng là một trong những loại sách quý hiếm vô cùng đối với cá nhân tôi trong các bộ từ điển và tự điển mà tôi đang học mỗi ngày vậy.
Nói về công lao biên soạn bộ Từ Điển này của bác sĩ, tôi nghĩ là bác sĩ đã tốn biết bao công sức cho công trình này; những công lao ấy không đo được bằng những con số mà phải trân trọng và nể phục bác sĩ về một tấm lòng vô cùng bao dung độ lượng và tha thiết muốn mang tặng những bạn đọc hôm nay cũng như với tuổi trẻ ngày mai, nhất là những bạn học sinh, sinh viên muốn đọc và tìm hiểu văn học, triết học Trung Hoa bằng Hoa văn hay Anh ngữ, Pháp ngữ vượt qua được những trở ngại quan trọng ngay từ bước khởi đầu là không biết theo những cách phiên âm Pin-Yin, Wade-Giles những tiếng Trung Hoa, chuyển qua tiếng Việt Nam mình nó là những tên gì, chữ gì… 
Thưa bác sĩ,
Là một người ham học và ham đọc sách, có thể nào xin bác sĩ chỉ cho cách đọc sách nào có kết quả mau nhớ và nhớ lâu nhất ? Trong tiến trình biên soạn bộ Từ Điển vừa rồi, thì lúc nào bác sĩ đọc và lúc nào bác sĩ soạn? Bác sĩ có gặp những khó khăn gì và những tiện lợi nào trong tiến trình biên soạn này? Hy vọng bác sĩ chỉ cho bạn đọc vài bí quyết mà bác sĩ đã áp dụng trong suốt tám năm ròng biên sọan bộ Từ Điền hơn 2000 trang sách này. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ trước.
Kính thư,
Lương thư Trung

Một tuần sau khi gởi bức điện thư trên, tôi nhận được “Thư phúc đáp” của bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh”, nguyên văn:
Thư phúc đáp
Anh Lương Thư Trung thân mến,
Xin trả lời câu hỏi của anh:
Theo kinh nghiệm của tôi, học hay làm công việc thành công là do kiên nhẫn và kỷ luật, chắc anh cũng thừa hiểu.
a/ Kiên nhẫn vì tôi thấy rất nhiều người bỏ phí thời gian; nếu ta không học thì 1 năm sau, 10 năm sau, ta vẫn chả tiến được chút nào, có khi còn thụt lùi vì tuổi cao.
b/ Kỷ luật chính bản thân mình. Sắp xếp thời gian, thí dụ mỗi ngày bỏ ra 1 giờ ngồi học (thí dụ 7 đến 8 giờ), chủ nhật cũng như ngày lễ, thậm chí cả mồng một Tết, cũng không được bỏ.
Tôi ham đọc sách từ hồi niên thiếu, không bỏ phí một ngày nào. Sau khi đậu Bác Sĩ y khoa năm 1952 (lúc đó tôi 26 tuổi) tôi bắt đầu tập trung vào học chữ Hán vì tôi nhận thấy văn học V.N. gắn liền với văn học T.Q., nên cứ mỗi buổi tối từ 10 giờ đến 12 giờ đêm, tôi ngồi học, thứ 7, chủ nhật, thậm chí 30 Tết, mồng 1, 2, 3 cũng không bỏ. Sở dĩ phải học vào đêm vì ban ngày tôi quá bận: điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, giảng dậy tại trường y khoa, phòng mạch tư. Nếu ta không kỷ luật được bản thân ta thì chắc chắn sẽ thất bại, vì đã bỏ 1 ngày thì ta sẽ bỏ những ngày kế tiếp.
Vì 2 lý do trên (Kiên Nhẫn và Kỷ Luật) nên tôi viết cuốn Từ Điển không có gì khó khăn cả.
Hiện nay tôi đang viết 2 cuốn: 1/ Từ Điển tập III, (anh đang có tập I và II) được gần 1.000 trang 2/ Thành Ngữ Cố Sự được trên 200 trang
Tôi quan niệm [chuyên môn] thí dụ y khoa hay các ngành kỹ sư, rất cần thiết cho bản thân và xã hội, nhưng nếu chỉ thu gọn mình trong chuyên môn thì kiến thức rất hẹp.
Về ông bạn ở Boston về chơi, mong anh đưa ông ấy đến chơi, nhân tiện tôi sẽ tặng sách cho ông ấy.
Trân trọng kính chào
Hoàng Xuân Chỉnh


Houston ngày 20 tháng 6 năm 2010
Kính chào Bác sĩ,
Tôi xin chân thành cảm ơn lá thư phúc đáp của bác sĩ nhiều lắm. Hai yếu tố "Kiên nhẫn và Kỷ luật" rất đơn giản mà không dễ dầu gì ai cũng thực hiện được. Được biết bác sĩ nay ở vào tuổi thượng thọ, 85 tuổi, thế nhưng bác sĩ đã tự đặt mình vào cái "Kỷ luật" với sự "Kiên nhẫn" ròng rã gần sáu mươi năm, kể từ lúc bác sĩ tập trung vào việc tự học chữ Hán sau khi đậu bằng bác sĩ, quả là một tấm gương cho những ai muốn tự học cần phải noi theo.  Chính nhờ vào hai yếu tố "Kiên nhẫn" "Kỷ luật" ấy, như bác sĩ vừa cho biết là bác sĩ đã soạn thêm được gần 1.000 trang cho cuốn thứ III của bộ "Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc" và 200 trang cho cuốn sách mới  "Thành Ngữ Cố Sự", quả bác sĩ là một trong những bậc tiền bối để các bạn đọc khắp nơi, nhất là các bạn học sinh, sinh viên noi gương sáng về việc tự học hiếm có này.  Có lẽ nhờ vào sự đam mê tự học và chuyên tâm theo đuổi việc biên soạn từ điển, nên tâm hồn bác sĩ luôn luôn vui hơn, nhìn đời đẹp hơn, nghĩ về tha nhân nhiều hơn và cũng nhờ vậy sức khoẻ của bác sĩ cũng theo đó mà làm cho tráng kiện hơn so với tuổi cao của nhiều người cùng thế hệ với bác sĩ.
Thưa bác sĩ,
Xin trở lại bộ "Từ Điển" của bác sĩ, tôi có đọc tất cả các bài viết hoặc các lời nhận định của bộ "Từ Điển" của bác sĩ, như giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư Tiển Sùng Kỳ, ông Dương Đức Nhự, ông Nguyễn Cao Thanh, giáo sư Đàm Trung Pháp, ông Nguyễn Văn Thọ, ông Nguyễn Gia Bảo, Tiến sĩ Nguyễn Quý Bổng và “Bạt” của Nguyễn Văn Độ (trang 1710). Tất cả các bài viết và các lời nhận định đều xác đáng nhưng có lẽ bài viết Về Cuốn Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc”  của tác giả Trần Hữu Thục, đăng trên Talawas ngày 05 tháng 12 năm 2006, nêu lên khá đầy đủ các đặc điểm nổi bật hơn. Tôi xin phép trích ra vài đoạn chính:

"Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc (viết tắt là Từ Điển) là một cuốn từ điển “lạ”, khác hẳn với những tự điển thông thường ta biết. Nó vừa là một cuốn từ điển về văn hóa, lịch sử, địa lý lại vừa là một cuốn từ điển về ngôn ngữ. Ta có thể tìm thấy hàng ngàn tài liệu liên hệ đến con người, đất nước và các sự kiện nổi bật trong lịch sử Trung Quốc từ cổ chí kim trong lúc về phương diện ngôn ngữ, đó là một cuốn từ điển Anh – Pin Yin – Hán – Việt mà đồng thời cũng là từ điển Việt – Pin Yin – Hán – Anh.
…"cuốn Từ Điển vừa có tính cách hàn lâm lại vừa có tính thực dụng và giải trí. Nếu ta không quan tâm đến việc học chữ Hán hay tra cứu tài liệu, lúc rảnh rỗi, ta có thể đọc nó như đọc một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, văn học, nghệ thuật Trung Hoa vừa thú vị lại giúp ta bổ túc thêm nhiều kiến thức về nước Trung Hoa cổ kim. "
"Vâng, tâm huyết và nghị lực. Và đam mê nữa. Giữa một thời buổi, với phương tiện Internet, tự do viết tự do công bố, người ta tận dụng để khoe khoang, để tranh cãi, để bày tỏ lập trường này nọ, để nổ, để tố cáo lẫn nhau lắm lúc chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu, thì có người tuổi đã xấp xỉ 80, chiều chiều đẩy chịếc xe lăn cho người vợ tật nguyền đi hóng mát, về nhà âm thầm làm một công việc vừa mất thì giờ, lại chẳng đem lại lợi lộc gì cụ thể từ năm này qua năm khác chỉ để “mong giúp các bạn hiếu học đỡ mất thì giờ tra cứu tìm hiểu mỗi khi gặp tên người, tên đất, tên tác phẩm Trung Quốc trong các sách của Tây Phương” , thì quả là một điều đáng trân trọng. Nhìn cách sắp xếp khoa học, chi li đến từng chi tiết cùng với kiến thức quảng bác về văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, tôi có cảm tưởng tác giả là một học giả thâm cứu về Trung Hoa, chứ không phải là một bác sĩ y khoa chỉ sở trường về thuốc men và bệnh tật. Cứ mỗi lần gặp chữ Pin Yin không hiểu hay cần tra cứu tài liệu gì về Trung Hoa, giở sách ra, tìm thấy điều mình muốn biết, tôi lại cảm nhận được tấm lòng của tác giả khi cặm cụi làm việc để hoàn tất cuốn Từ điển quý hiếm này." (trích @ 2006 talawas )(2)
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ rất nhiều vì đã bỏ thì giờ quý báu hồi âm lá thư bạn đọc vừa rồi. Kính chúc bác sĩ và gia quyến luôn luôn mạnh khoẻ, vạn an.
Kính thư,
Lương Thư Trung

Ngoài những nhận xét của nhà văn Trần Hữu Thục mà tôi vừa trích bên trên, tôi có mấy ghi nhận về cách cắt nghĩa các chữ trong “Từ Điển” của bác sĩ. Trước nhất, lời văn rất ngắn gọn mà rõ ràng, súc tích; chữ dùng rất quen thuộc, bình dị mà vẫn giữ được cái phong cách kinh điển bác học. Ở đây, tôi được biết thêm nhiều từ ngữ mới mà rõ nghĩa. Chẳng hạn như hai chữ “lịch nhiệm”, bác sĩ dùng để chỉ quá trình bổ nhiệm theo thứ tự thời gian của một nhân vật nào đó khi được đề cập trong sách. Ngoài ra, phần lớn các nhân danh, địa danh trong Từ Điển, đem so với nhiều từ điển về thành ngữ điển tích hoặc có đề cập trong các sách về văn học, triết học Trung Hoa mà tôi có, thì cách biên soạn của bác sĩ làm cho người đọc sách hiểu cặn kẽ thêm nhiều. Qua các từ ngữ và cách giải nghĩa của tác giả nó làm cho tôi tò mò tìm đọc lại các trang sách về văn học, triết học cùng sử của Trung Quốc của các tác giả mà trước đây tôi đã đọc, chẳng hạn như các cuốn “Đại Cương Triết Học Trung Quốc”, “Sử Ký Tư Mã Thiên”và “Chiến Quốc Sách” của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên dịch và chú giải, “Văn Học Trung Quốc Đời Chu Tần” của Trần Trọng San, “Văn Học Trung Quốc Hiện Đại” của Nguyễn Hiến Lê, “Trung Quốc Triết Học Sử” của Hồ Thích, bản dịch của Huỳnh Minh Đức, “Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc” của Will Durant, do Nguyễn Hiến Lê dịch và cuốn “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê biên soạn do nhà xuất bản Văn Nghệ ở California (Hoa Kỳ) ấn hành …. Qua đó, tôi nhận ra rằng một quyển sách mà kích thích người đọc tìm đọc lại các sách cũ như tôi vừa kể, theo tôi đó là một trong những thành công của tác giả rồi vậy!

Một trang trong của bộ Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Trung Quốc, ấn bản kỳ II

Như đã hứa, theo lời mời của bác sĩ, cùng với các anh Phan Xuân Sinh, Lê Minh Giang, Lê Minh Đạt, chúng tôi trở lại thăm bác sĩ vào một chiều thứ Bảy với cái nắng tháng Năm, Houston nóng tới gần 100 độ F, thế nhưng được bác sĩ tiếp chuyện và giải thích cái hay của chữ Hán qua một vài thí dụ mà nghe chừng như quên đi cái nóng ngoài trời. Chẳng hạn như chữ “nhàn” viết hai cách khác nhau. Cách thứ nhất với bộ “môn” bên ngoài, bên trong là chữ “mộc” , phải có nhàn mới ra trước cửa ngắm cây thăm cảnh, trồng hoa, tỉa lá; hoặc như cách thứ hai là bộ “môn” với chữ “nguyệt” bên trong , phải có nhàn mới thơ thẩn chắp tay trước cửa, ngửng đầu ngắm trăng vậy. Rồi bác sĩ ngâm cho nghe hai câu Kiều:
“Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa…”,
và bác sĩ viết xuống trang giấy trắng hai chữ “tử” và “phần” với bộ mộc, là hai loại cây mà người Trung Hoa trồng sau nhà. Cây “phần” hay “phần du” 枌榆 thân cứng, mọc thẳng, cao; còn cây “tử” gỗ chắc, có trái dài như trái đậu, người xưa trồng để đề phòng cha mẹ trăm tuổi có mà dùng đóng hòm lo khâm liệm, chôn cất. Tóm lại, “tử phần” là hai loại cây trồng sau nhà, nghĩa bóng chỉ chốn quê nhà (3).
Sẵn dịp, bác sĩ chỉ cho chúng tôi xem vài trang trong số gần 1000 trang từ điển tập III mà bác sĩ đang soạn. Có tận mắt nhìn thấy những công việc biên soạn Từ Điển của bác sĩ với hàng hàng lớp lớp những chữ là chữ trong máy computer của bác sĩ, chúng tôi vô cùng nể phục sức làm việc bằng trí óc không mệt mỏi của một bậc tiên sinh ở vào tuổi 85.

Bác sĩ HoàngXuân Chỉnh (ngồi) và các anh Lê Minh Đạt, Lê Minh Giang và anh Phan Xuân Sinh (hàng đứng, từ trái sang) chụp hình lưu niệm

Nhắc đến tự điển và từ điển, chợt nhớ lại nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa vào những ngày biết mình không còn ở lại trần gian này bao ngày nữa, anh mới ngồi sắp xếp lại sách vở, áo quần và có nhận xét về tự điển trong bài “Kết Toán Sổ Sách Cuối Đời”, đã ghi: “Chưa từ giã áo quần, nhìn lên mấy kệ sách, sách vở rộ lên kể chuyện, tranh công, cuốn nào cũng khoe mình quan trọng, dù là tờ báo cũ kỹ. Lâu nay sách đứng trên kệ, sẵn sàng mở lòng cho ai muốn đọc. Sách vở ở từng xóm, không chịu ở chung. Đám tự điển ỷ mình thông thái, uy quyền, có khi dám nằm trên đầu giường, đám tiểu thuyết dễ dãi, đông đảo, từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngoài Bắc đến mấy anh em từ miền khai sơn phá thạch của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… Mấy mươi năm nay sưu tầm lại sách cũ, bây giờ sắp chia tay…. Nhiều lắm, cứ lưu luyến mãi, thời giờ đâu dọn dẹp, sách vẫn nằm trên kệ. Tiền bạc nhà cửa để lại có ích lợi, để lại có nhiều người sẵn sàng nhận, còn sách vở ích gì, không ai nhận nuôi sách. Sách là bạn đời chưa lần nào phản trắc, sau giờ làm việc điên đầu, nó xoa nhẹ tâm trí… Từ giã sách, hẹn kiếp lai sinh về đọc lại nghe…(Brisbane, 7March 2007) (4)

 Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh (ngồi bên tay mặt) đang hướng dẫn các anh Phan Xuân Sinh, Lê Minh Giang và Lê Minh Đạt (đứng từ trái sang) xem một trong các trang bản thảo của tập 3 của bộ từ điển này mà bác sĩ đang soạn.

Một trong các trang bản thảo trên máy trong số gần 1000 trang tập 3 của bộ Từ Điển mà tác giả đang soạn.

Bình tĩnh ngồi “kết toán sổ sách cuối đời” và mê sách như nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa không phải ai cũng làm được như anh. Với anh, tự điển có một vị trí rất trang trọng mà gần với người mê đọc sách:” Đám tự điển ỷ mình thông thái, uy quyền, có khi dám nằm trên đầu giường…” Suy nghĩ của anh Lưu Nhơn Nghĩa quả đúng y như vậy.

Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh ký tặng sách

Tóm lại, mỗi người có thể chọn cho mình một loại sách để đọc theo sở thích tùy theo từng lứa tuổi; những quyển sách đó có lúc mình đọc say mê hồi còn thanh niên, nhưng có lúc mình không còn có thể đọc lại với lòng say đắm ấy nữa vì nay tuổi đời chồng chất thêm nhiều; nhưng với tự điển và từ điển thì ở lứa tuổi nào cũng có thể đọc lại được bởi nó rất cần thiết khi mình muốn hiểu tường tận về một chữ nào đó mà mình còn mơ hồ hoặc chưa hiểu rõ ràng, chính xác. Thành ra, tự điển và từ điển là một trong những ông Thầy muôn đời của mọi người hiếu học và ham đọc sách. Dĩ nhiên, các tác giả của các bộ tự điển và từ điển chính là những bậc ân nhân của những người hiếu học ấy. Là người biết đọc sách và ham học, mà nhất là người Việt Nam, mỗi người trong chúng ta không ai là không biết ơn các tác giả bỏ ra biết bao công lao, thì giờ và cả tiền bạc soạn ra và mang tặng cho đời những bộ tự điển và từ điển giá trị. Trong suy nghĩ thô thiển của cá nhân tôi như vậy, nhân đây tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, tác giả bộ “Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc”, một công trình văn học nghệ thuật quý hiếm của một người ở tuổi ngoài tám mươi với tấm lòng luôn tha thiết muốn “thân mến tặng tất cả các bạn hiếu học và ham mê đọc sách. Thật đáng trân trọng biết bao!
Houston, ngày 20-9-2010

Phụ chú:
1/ Xin lược ghi vài định nghĩa về hai chữ “Từ điển” và “Tự điển” :
a/ Theo “Việt Nam Tân Từ Điển” của Thanh Nghị do nhà xuất bản Thời Thế (Sài Gòn) ấn hành năm 1951, định nghĩa:
“Từ điển dt. Sách biên chép thích nghĩa về lời, về từ ngữ . (Dictionnaire des termes et expressions)(trang 1265).
“Tự điển dt. Sách thích nghĩa các chữ; nói chung về các loại sách ấy: Y học tự điển. (Dictionnaire) (trang 1269)
b/ Theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) ấn hành lần đầu tiên năm 1970, Quyển Hạ, định nghĩa:
“Từ điển dt. Loại sách giải nghĩa từng tiếng một, tiếng kép hay lời nói quen dùng: Từ điển Việt Nam; tra từ điển // (nghĩa mới): Loại tự điển gồm các từ ngữ: Văn liệu từ điển, Tầm nguyên từ điển, Thành ngữ từ điển (cũng có thể nói tự điển Văn liệu, tự điển Tầm nguyên, tự điển Thành ngữ) (Dictionnaire des termes et expressions)(trang 1472).
“Tự điển dt. Loại sách dẫn từ gốc phát sinh từng chữ và giải thích: Tự điển khó soạn hơn từ điển gấp mấy lần // (nghĩa mới): Loại sách tập trung những tiếng nói của một ngôn ngữ sắp xếp thế nào cho dễ tìm và giải nghĩa bằng ngôn ngữ đó hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác: Khi đọc sách, gặp chữ khó nên tra tự điển (dictionnaire) (trang 1479).
2/ Trích Talawas (Diễn Đàn 2001-2008), ngày 5 tháng 12 năm 2006.(http://www.talawas.org).
3/Về hai giống cây tử và cây phần do anh Bùi Huy (tức Tô Thẩm Huy) giúp sưu tầm và bổ t úc :
Bộ: mộc ()
tử
Cây tử, dùng để đóng đàn.
Làm đồ gỗ. Cỗ áo quan của vua thiên tử gọi là tử cung .
Khắc chữ lên bản gỗ.
Quê cha đất tổ. Chỗ làng sinh ra mình gọi là tử lí   hay tang tử .
Cây kiều   cao mà ngửa lên, cây tử   thấp mà cúi xuống, nên gọi cha con là kiều tử . Cũng viết là   hay .
Hình cây tử, tên tiếng Anh là Yellow Catalpa hay Chinese catalpa, tên khoa học là catalpa ovate. Hoa trắng hoặc vàng, pha nâu hoặc đỏ, trông giống hoa lan. Trái dài như đậu đũa.
Xem thêm tin tức: http://en.sl.life.ku.dk/faciliteter/arboretet/maanedensplante/2005/august.aspx)
Bộ: mộc ()
phần
Cây phần (cây du du). Đời xưa mới lập nên một làng nào đều giồng một thứ cây thổ ngơi để làm ghi. Phía đông ấp phong nhà Hán có làng Phần Du   (làng vua Hán Cao Tổ ), đời sau nhân thế gọi làng mình là phần du, cũng như nghĩa chữ tang tử   vậy.
Hình cây phần (hay cây du), tên tiếng Anh là Chinese elm, tên khoa học là ulmus parvifolia. Gỗ chắc, dùng làm bàn ghế hay mặt quầy rượu như hình trên.
Xem thêm tin tức: http://www.cirrusimage.com/tree_Chinese_elm.htm
4/ Trích “Con Đường Cũ” của nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa, do trang nhà Thất Sơn Châu Đốc(http://www.thatsonchaudoc.com) ấn hành năm 2008 để lưu niệm sau khi nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa từ trần tháng 9 năm 2007, sách không bán, trang 177.
--------------------------------------------
Bài đã đăng của Lương Thư Trung

.
.
.

No comments:

Post a Comment