Thursday, October 28, 2010

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ VIÊN LINH về GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN SỰ NGHIỆP

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Wednesday, October 27, 2010

Văn học hải ngoại 'tác động Sài Gòn, Hà Nội'
15 năm tạp chí Khởi Hành; Giải Toàn Sự Nghiệp 2010

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010, lúc 1 giờ trưa, tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, Tạp chí Văn học Nghệ thuật và Lịch sử, Khởi Hành, sẽ tổ chức lễ trao Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp lần thứ ba, và lần này giải được trao cho nhà văn Văn Quang, hiện đang cư ngụ tại Việt Nam. Nhân dịp này, nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút Khởi Hành, dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.

ÐQAThái (NV): Về Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp, ông có thể cho biết ban giám khảo gồm những ai và dựa trên tiêu chuẩn nào để quyết định người trúng giải?
Viên Linh: Như danh xưng Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp, ba chữ “toàn sự nghiệp” cho ta một tiêu chuẩn: người được trao giải ít nhất phải ở trong nghề hai, ba mươi năm. Người đó có thể không cần viết gì thêm mà vẫn được giải, vì các tác phẩm trong quá khứ đã có giá trị rồi. Tiêu chuẩn thứ hai là năm 2005, khi Khởi Hành loan báo sẽ tổ chức phát giải cho những nhà văn xứng đáng, chúng tôi có nói rõ với bạn đọc: đặc biệt trao “cho những tác giả đang còn sống ở trong nước mà không còn được cầm bút nữa,” nhưng không chịu thay tên đổi tên họ để gia nhập đời sống văn học báo chí quanh mình, thà bẻ bút còn hơn. Nói cách khác, tác giả phải có thái độ với cường quyền, chứ không phải chạy theo cường quyền.
Chúng tôi không lập ban giám khảo vì đây không phải là một cuộc thi. Nhưng chúng tôi có ban tuyển chọn, là toàn thể Bộ Biên Tập Khởi Hành. Bộ Biên Tập trước hết đưa ra một danh sách ba, bốn người, coi như vào chung kết, rồi công bố cùng bạn đọc.
Năm đầu tiên hai người được nói đến nhiều là Dương Thu Hương và Nguyễn Thụy Long. Chúng tôi công bố tên hai người coi như vào vòng sau cùng, rồi hỏi ý kiến bạn đọc. Khoảng 100 bạn đọc tham dự, và nhà văn Nguyễn Thụy Long được nhiều phiếu nhất.
Năm 2007, nhà thơ Hữu Loan được giải, ông là tác giả bài thơ “Ðèo Cả,” “Màu Tím Hoa Sim” và thái độ bất hợp tác với cái xấu, cái ác của ông đã trở nên lừng lẫy. Năm 2009, người được chọn là nhà văn Văn Quang, tác giả Chân Trời Tím và 187 bài ký sự “Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự,” đăng trên rất nhiều báo hải ngoại.

NV: Trước tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay, liệu độc giả còn có thể tiếp tục đóng góp để Khởi Hành tổ chức Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp?
Viên Linh: Thật sự là chúng tôi rất quan tâm. Nhưng chúng tôi mong rằng khi độc giả và các mạnh thường quân nhận thấy ý nghĩa của giải thưởng, thì sẽ tham dự để duy trì giải Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp. Từ Nga Sơn Thanh Hóa, nhà thơ Hữu Loan đã viết thư “cảm tạ văn nghệ sĩ và đồng bào hải ngoại,” chứ đâu có cảm ơn riêng chúng tôi? Hãy tưởng tượng giải thưởng ấy tạo ra để làm gì thì một khi biết rõ, đồng bào và mạnh thường quân có thể vẫn sẽ tham dự, miễn là ban tuyển chọn đưa ra được những tấm gương sáng nơi những người cầm bút tự trọng và can đảm ở trong nước.

NV: Năm nay, ngoài việc trao Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp cho nhà văn Văn Quang, Khởi Hành còn tổ chức thảo luận bàn tròn với chủ đề “Cùng nhìn lại 15 năm văn học báo chí hải ngoại,” đánh giá của cá nhân ông về vấn đề này ra sao?
Viên Linh: Chúng tôi nói 15 năm Văn học Hải ngoại vừa qua, là 15 năm có mặt của Tạp chí Văn học Nghệ thuật và Lịch sử Khởi Hành. Trên phương diện nhân sự, hàng ngũ thưa dần, một mặt vì các nhà văn lớp cũ nay nhiều người đã nằm xuống, nhiều người không viết nữa, vì hầu hết đã ở tuổi 60, 70, thế nhưng ảnh hưởng của nó [sự thưa dần hàng ngũ nhân sự] thì không. Ảnh hưởng của nó rất tốt, tác động vào Sài Gòn đã đành, còn tác động tới Hà Nội; các nhà phê bình, nhà biên khảo miền Bắc đã tìm thấy ý nghĩa của nền văn học tự do.
Ông Vương Trí Nhàn nói trên đài Pháp quốc Hải ngoại (RFI) trong phỏng vấn của Thụy Khuê: Nói đến Văn học miền Nam không thể không nói đến các Tạp chí Văn, Sáng Tạo, Thời Tập, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Ðề.
Ông Hoàng Hưng mới nói về Thơ.
Ông Phạm Xuân Nguyên mới nói tương tự trên các website.
Báo Văn Hóa Nghệ An mới viết một bai về tinh thần Thăng Long trong văn thơ miền Nam và văn thơ hải ngoại.
Một cách tổng quát, họ nói rằng “nói đến văn học Việt Nam thì không thể không nghiên cứu các tạp chí văn học điển hình của miền Nam.” Theo tôi, báo chí văn học miền Nam và báo chí văn học hải ngoại đã mở những cánh cửa ra thế giới từ nửa thế kỷ qua, trong khi báo chí văn học Việt Nam nói chung đóng kín, mà những người có lương tri luôn luôn là những người sống giữa ánh sáng và với ánh sáng. Ðến loài ngựa còn không muốn bị che mắt, huống hồ là con người.

NV: Ông có điều gì muốn nói thêm với độc giả?
Viên Linh: Nhân đây, vì năm nay Giải Khởi Hành trao cho một nhà văn Quân Ðội, Trung Tá Văn Quang, từng là giám đốc đài phát thanh Quân Ðội, chúng tôi mong anh em trong cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, đến tham dự thì thật là quí giá, và trong nước, anh Văn Quang hẳn sẽ ấm lòng hơn.

NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.
.
.
.

No comments:

Post a Comment