Saturday, October 2, 2010

PHẬT NGỌC ĐÃ ĐI RỒI, TÂM BÌNH NAY Ở ĐÂU ?


Nguồn gốc Phật Ngọc
Ðây là pho tượng bằng ngọc thạch màu xanh biếc chiều cao gần 5m, nặng 5 tấn. Vì là tượng Phật Thích Ca ngồi thiền, nên tính cả chiều cao của bệ tượng và đài sen. Ðể bày tỏ lòng thành kính, các phật tử gọi là tôn tượng. Pho tượng tạc từ một khối ngọc thạch tìm thấy vào năm 2000 tại mỏ ngọc miền núi British Columbia . Khối ngọc này khi khai quật lên có trọng lượng 18 tấn được giám đốc mỏ ngọc Kirk Makepeace đặt tên là “Niềm hãnh diện của Bắc cực” (Polar Pride).

Tâm bình, thế giới bình. Ảnh: tin247.com

Công ty ngọc quý của Canada thực sự cũng chưa biết sẽ làm gì tảng ngọc vĩ đại màu xanh không tỳ vết gọi là ngọc thạch Nephrite. Người ta hy vọng rằng sẽ có một viện bảo tàng châu báu mua và triển lãm nguyên thủy với vẽ đẹp hoang dã sau khi đã đánh bóng. Tuy nhiên khối ngọc quý này vẫn còn nằm chờ suốt 5 năm mới bắt đầu trở thành câu chuyện lịch sử.

Tơ duyên Phật sự
Ðây là chuyện được kể lại như huyền thoại. “Một đêm nọ, vị Lạt Ma Zopa từ thung lũng Kathmanda Tây Tạng nằm mơ thấy khối ngọc Canada. Ngài đã điện thoại ngay cho đệ tử Iran Green bên Úc Châu. Thời gian này ông Green là Phật tử lâu năm, đang nỗ lực xây dựng một ngôi Bảo tháp đại từ bi tại Úc. Vị thầy Nepal chỉ dẫn rằng: “Ðệ tử hãy tìm cách thỉnh khối ngọc này để tạc thành pho tượng Thích Ca, đặt tại ngôi bảo tháp.”
Ông Iran Green mà người ta nói rằng đã có nhiều năm làm công quả Phật sự. Nhưng công việc riêng của ông là giám đốc một công ty quảng cáo. Có thể rất bén nhậy về tiếp thị, cùng với đức tin nhiệt thành của một Phật tử đang quản trị giấc mơ xây bảo tháp, Phật tử Green lên đường qua Canada và đã mua được khối cẩm thạch. Giá cả thực sự bao nhiêu, đây vẫn là con số bí mật. Người ta truyền tụng là hàng chục triệu. Nhưng sự thật tổng số kinh phí thực hiện xong pho tượng được công bố có 2 triệu và 200 ngàn mỹ kim (Theo một bản tin trên TV tại Việt Nam). hư vậy, giá mua khối ngọc thạch được coi là niềm kiêu hãnh Bắc cực chỉ có thể hơn một triệu mỹ kim. Chuyện không ai ngờ được.Với thành quả ngày nay, đây là một công cuộc đầu tư phúc đức rất nhiều cơ duyên, nếu nói theo Tâm Phật. Theo ngôn ngữ trần tục gọi là đầu tư thương mại, là số vốn đầu tư thành công nhất trên kinh tế thị trường. Có khối ngọc quý dưới tay, công ty Phật Ngọc cho hòa bình thế giới được thành lập. Tên này cũng do vị Lạt Ma đặt ra. Một danh hiệu hết sức vĩ đại và hợp thời trang giữa thế giới đang điên đảo vì những đức tin khác biệt.
Tháng 12 năm 2006 khối ngọc chuyển từ Vancouver Canada đến Vọng các, Thái Lan. Tại đây thầy Lama Zopa Rinpoche từ Nepal qua đích thân điều hợp việc tạc tượng. Các chuyên viên từ Úc Châu, Tây Tạng qua làm việc với dàn thợ Thái Lan. Hình ảnh cho thấy nỗ lực đáng ca ngợi, nhưng các phương tiện xẻ ngọc và tạc tượng rất đơn sơ. Mẫu tượng phỏng theo pho tượng Thích Ca tại Bồ Ðề đạo tràng bên Ấn Ðộ. So sánh hình pho tượng nguyên thủy với tượng ngọc thì Phật Ngọc có phần thanh tú hơn. Khi hoàn tất gồm cả phần đầu bằng ngọc thạch, nhưng ánh sáng phản chiếu không đem lại được các chi tiết nghệ thuật và thiếu linh động. Sáng kiến độc đáo là giao cho các nghệ nhân tô điểm toàn thể gương mặt Phật dưới ánh sơn vàng.
Tháng 12 năm 2008, pho tượng ngọc hoàn tất.

Hành trình Phật Ngọc
Nếu pho tượng hoàn tất rồi đem về đặt tại khu vực bảo tháp tại Úc Châu để chờ quyên góp 20 năm mới có thể hoàn tất, thì sự việc quá đơn giản nhưng sẽ không có ý nghĩa kể cả về lãnh vực hoành dương đạo pháp, rao giảng hòa bình và quyên góp phước sương. Công ty đã có sáng kiến hết sức thực tế là tổ chức các cuộc triển lãm lưu động trên toàn thế giới.
Sáng kiến thương mại đầu tiên là khi xẻ đôi khối ngọc, lấy phần chính tạc tượng thì đã có gần một nửa khối ngọc dùng làm các pho tượng nhỏ. Những mảnh vụn của ngọc làm thành đồ trang sức vừa đẹp đẽ, ý nghĩa và có duyên Phật để làm thương mại. Chuyến viễn du của pho tượng được gọi là tôn tượng trên khắp nẻo đường thế giới, mỗi nơi đã có sẵn những ngôi chùa nghênh đón. Tượng Phật đến mọi nơi, đem ý nghĩa rao truyền hòa bình, mở rộng cửa chùa cho Phật tử. Những thùng Phước Sương quyên góp đặt khắp mọi nơi, kêu gọi quần chúng Á Châu, đối tượng chính là người Việt với tâm tình lắng động đang mở rộng tấm lòng. Công ty rao giảng hòa bình cho thế giới nhờ tay Phật kêu gọi mọi người thỉnh về một thẻ ngọc kỷ niệm với giá 108 đồng mỹ kim. Không thể bớt một đồng. Con số 108 là con số huyền diệu, phải trả giá đầy đủ mới nhận được duyên Phật toàn vẹn. Theo chương trình hết sức quy mô và chặt chẽ, Phật Ngọc lên đường. Ai cũng hiểu rằng, trên thế giới đã có biết bao nhiêu là tượng Phật vĩ đại hơn Phật Ngọc. Tốn kém hơn Phật Ngọc. Có thể huyền diệu và mang bề dày lịch sử mà Phật Ngọc không thể sánh được. Tất cả đều là những pho tượng danh tiếng   nhưng bất động. Với một thế giới chuyển động và điện tử của thế kỷ 21, Phật Ngọc tuy còn nhỏ bé hơn, trẻ trung hơn, nhưng làm bằng ngọc và là tượng ngọc duy nhất, đầu tiên trên thế giới đã chuyển động. Hình ảnh Phật Thích Ca Mầu Ni trong dáng ngồi Thiền tĩnh tại. Mang biểu thị tâm bình với nét đại hùng, đại lực, đại từ bi. Pho tượng của khối đá Niềm hãnh diện Bắc cực, của mẫu hình từ đạo tràng Ấn Ðộ, của bàn tay nghệ nhân Thái Lan, của chủ nhân tiếp thị Úc Châu và của linh hồn cố vấn từ thầy Lạt Ma Tây Tạng. Chính pho tượng đó đã bắt đầu công việc chinh phục Phật tử Việt Nam, ngay từ quê hương của họ với kỷ niệm cuộc chiến 35 năm qua chưa phai nhạt.

Phật Ngọc tại Việt Nam
Trong suốt năm 2009, Pho tượng ngọc đã được rước đến 5 thành phố gồm tất cả 6 ngôi chùa tại 3 miền đất nước Việt Nam. Tại mỗi nơi đều có tổ chức quy mô và mang màu sắc khác biệt. Tuy nhiên tựu chung lại, điểm thành công là số người tham dự. Nói cho rõ hơn, số lần thăm viếng. Tất cả những con số ghi nhận ở đây là do công ty Phật Ngọc báo cáo, dù rằng có sai số nhiều ít thì cũng phải ghi nhận rằng rất đáng lưu ý.
Phật Ngọc đến hải cảng Ðà Nẵng bắt đầu được thỉnh về chùa Quan Thế Âm có 100,000 lần thăm viếng. Vào thẳng miền Ðông Nam phần, ngôi chùa Ðại Tùng Lâm Bà Rịa có con số 250,000. Lên Saigon đến chùa Phổ Quang là 350,000. Ðến lúc qua chùa Hoàng Phong được báo cáo là 500,000. Qua DVD, người ta thấy hình ảnh của chuyến rước Phật Ngọc kỳ thú từ Saigon xuống Sa Ðéc nay gọi là tỉnh Ðồng Tháp. Phật Ngọc về chùa Vạn An, ở miền ngoại ô, hình ảnh phật tử cho thấy hết sức đông đảo, quê mùa nhưng đầy nước mắt. Chúng tôi không tìm ra con số báo cáo của phật tử miền Tây là bao nhiêu nhưng có thể cũng lên đến 200 ngàn.
Thành phố duy nhất miền Bắc đón Phật Ngọc là chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Trong những tuần lễ vào tháng 6-2009 công ty Phật Ngọc báo cáo con số lần thăm viếng dứt khoát là 2 triệu người. Trong suốt hơn 50 năm cộng sản cai trị miền Bắc, chưa bao giờ có được một hiện tượng lạ lùng như thế. Ðó là bước chân Phật trên đất cộng sản.
Sau khi từ giã Việt Nam, Phật Ngọc lần đầu tiên đến Úc Châu, nơi sẽ dự trù là ngôi nhà lâu dài của Phật. Tại đây Phật Ngọc được thỉnh đến nhiều nơi, nhưng cũng có lúc tượng ngồi cô đơn ngay tại Chinese Garden ở Darling Habour. Du khách lãng đãng qua lại chụp hình và có cả những người bàng quang không biết rõ đây là tượng của ai?

Hành trình vào Mỹ quốc
Năm 2010, Phật Ngọc Mỹ du nhưng không đến thăm tòa Bạch Ốc, quốc hội Mỹ hay viện bảo tàng quốc gia Hoa kỳ, Phật tìm đến người Việt tỵ nạn. Theo dự trù ghi trên tài liệu của jadebuddha.org.au thì nơi đến đầu tiên lại là Miami tiểu bang Florida vào tháng 4. Tuy nhiên trên thực tế Phật Ngọc đă đến San Diego và đồng thời cũng đến Texas. Qua tháng 5 vòng lên Memphis-Tennessee rồi ghé về nơi rất hẻo lánh là Charlotte của N. Carolina. Cuối tháng 5 về Worcester tiểu bang Massachusets. Từ đó Phật Ngọc vượt biên lên Ontario Canada vào tháng 6. Cho đến tháng 7 mới trở về Mỹ tại tiểu bang Virgina. Tháng 8 quay ngược lại Canada đến 2 chùa tại Alberta và Aldergrove. Tháng 8 Phật Ngọc trở về Mỹ qua tiểu bang Washington tại SeattleOregon. Tại mỗi nơi dù lớn hay nhỏ đều dừng chân bên ngôi chùa, trong lòng cộng đồng Phật tử Việt Nam. Tháng 9 Phật Ngọc về San Jose, báo Mỹ chào đón ngay một bài bàn rằng pho tượng hòa bình dường như đem lại sóng gió trong cộng đồng Việt Nam. Sau San Jose tượng sẽ lên Sacramento rồi còn tiếp tục nhiều nơi ở miền Nam Cali trước khi qua Hawaii. Cuối năm 2010 Phật dừng chân viễn du tại Hạ Uy Di 1 tháng rồi trở lại Hoa kỳ. Sẽ đi từ CA qua Arizona, Georgia, Kansas, Illinois, Pensylvina đến tháng 6-2011 từ giã Hoa kỳ qua Ðức để bắt đầu cuộc viễn du Âu Châu.

Phật Ngọc tại San Jose
Hình ảnh tượng Phật tại San Jose với hơn 100,000 lần chiêm bái quả thực là một con số hết sức đáng lưu ý suốt 35 năm qua. Năm 1982 Hội Tết tại Fair Grounds trong 3 ngày đã có con số kỷ lục là 68,000 lần vào cửa. Từ đó đến nay người Việt San Jose chưa có tập hợp nào lên con số nhiều như vậy.
Năm trước vụ đấu tranh cho Little Saigon tại Tòa thị Chính San Jose với trên 10,000 trong một ngày đã được coi là tập hợp đáng kể. Nhưng đây là hình ảnh của chiến tranh. Năm nay với Phật Ngọc về San Jose mang hình ảnh hòa bình con số ghi nhận sau cùng có thể lên đến 150,000 vào ngày bế mạc cuối tuần.
Tính đến đêm thứ tư 29 tháng 9-2010 công ty Phật Ngọc ghi lại trên Internet, có con số 4 triệu 272,727 cuộc viếng thăm Phật Ngọc tính từ khi ra mắt lần đầu tại Ðà Nẵng, năm 2009. Ðó quả thực là sức mạnh đáng kể của tôn giáo và đặc biệt là ảnh hưởng trong lòng Phật tử Việt Nam.
Ðại đa số người đi dự không hề quan tâm đến những tiếng đồn đãi thị phi. Ngay từ Việt Nam cho đến Hoa kỳ. Từ các tiểu bang Mỹ quốc, đến Úc Châu, Canada. Hầu như Phật tử chiêm bái Phật Ngọc không quan tâm đến ban tổ chức, đến những phong cách làm ăn thương mại. Họ cũng không lưu tâm đến MC và quan khách, những tấm bảng tuyên dương và những bài diễn văn giao tế. Nhân loại đến với tôn giáo vì đã có sẵn niềm tin vô điều kiện. Ðó cũng là lý do vì sao, giữa các ngôi chùa cũng có vấn đề. Giữa các vi lãnh đạo Phật giáo cũng có nhiều úy kỵ, nhưng hầu như ai cũng cố đấu tranh nội tâm để dẹp bỏ hoặc tối thiểu cũng cất giấu để đến với nhau dưới chân Phật Ngọc.
Từ lâu nay, tại các ngôi chùa thường có treo lời khuyên rất lớn, ngắn gọn và rõ ràng:” Tâm bình, thế giới bình.” Lời kêu gọi hết sức đơn giản, nhưng rất khó tuân phục. Ở đây San Jose, Phật Ngọc đã đến rồi, tâm bình ở đâu. Muốn có tâm bình, chắc là phải đi theo bước chân Phật. Tôn tượng Phật Ngọc đầu tiên du hành khắp nước Mỹ và khắp thế giới. Và dường như Phật Ngọc lần này nói tiếng Việt. Cuối tuần này Phật Ngọc lại lên đường. Có nhiều gian hàng của các ngôi chùa từ bốn phương trời cất gánh đi theo. Trong số các gian hàng đi theo chân Phật, lạ lùng thay lại có một anh ca sĩ.

Theo dấu chân Phật
Ðặng quốc Hùng là người Canada gốc Việt, hiện là thẻ xanh cư ngụ tại Hoa kỳ, nhưng hồn đang bay theo ánh đạo vàng. Ðến Gia nã Ðại với gia đình năm 1991. Ðã từng trải qua 10 năm tình cũ, máu nhuộm bãi Thượng Hải với ban nhạc Phạm Mạnh Cương. Nhưng năm 1994 gia nhập trung tâm Asia hát nhạc tình thì đời ca sĩ Gia Huy bước vào thế giới mới. Asia đã tìm thấy Gia Huy qua những bản tình ca quyến rũ và thành công. Bản “Anh còn nợ em” của nhạc sĩ Anh Bằng lời của Phan Thành Tài là một thí dụ. Từ nhạc tình 1995 đến nhạc Yêu 2007, Gia Huy được sự yêu mến của rất đông giới trẻ. Nhưng bây giờ, dù anh ca sĩ vẫn còn trẻ nhưng lại được sự hâm mộ của các cụ già.
Tôi có dịp ghé ngang gian hàng của Gia Huy tại khu lễ đài Phật Ngọc San Jose. Chợt thấy quý bà cao niên hết sức niềm nở với anh ca sĩ trẻ. Sự hiểu biết của tôi về lãnh vực văn nghệ rất kém. Bèn được mọi người chỉ dẫn rằng bây giờ anh này là ca sĩ dẫn đầu về nhạc Phật. Ðã phát hành 6 CD về Phật với tổng cộng với 66 bài ca đạo. Mỗi CD có 11 bài ca, từ Vầng trăng Phật Ðản đến Mẹ là Phật và còn biết bao nhiêu tựa đề về con người và đạo pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni.
Gia Huy tâm sự rằng đời con sang một trang hết sức mới mẻ và ngời sáng từ năm 2007. Qua các thầy Nguyên Hạnh và Nguyên Ðạt chỉ dẫn, Gia Huy đã quy y năm với pháp danh là Nguyên Thông. Từ đó toàn đi hát cho văn nghệ Phật tại các chùa. Và đó chính là anh ca sĩ Việt Nam sẽ theo bước chân Phật viễn du khắp nẻo đường đất nước Hoa kỳ và thế giới. Ðó cũng là người ca sĩ của một thời nhạc tình, nhạc yêu, nhạc của tuổi trẻ. Ngày nay Gia Huy vẫn hát tình ca, nhưng đã dành nhiều thì giờ ca ngợi Phật và con cháu của ngài là Phật tử ở bốn phương trời. Vậy Phật là ai, con người vĩ đại ra sao mà thiên hạ phải tạc tượng bằng ngọc, và phải chạy theo bước chân ngài để hát lời ca ngợi.

Phật là ai?
Xin phép được kể chuyện Phật như là một con người rất đơn giản tầm thường. Bởi vì chính Phật đã dạy chúng sinh rằng Phật là ta, mà cũng là mọi người. Thậm chí kẻ cầm dao đồ tể nhuốm máu sinh linh, nhưng khi đồ tể bỏ dao xuống cũng thành Phật.
Chuyện xưa kể rằng cách đây 25 thế kỷ, vào khoảng 560 năm trước khi chúa Jesus ra đời là ngày sinh của Phật. Ngài là con của bậc vua chúa một tiểu quốc miền Bắc Ấn. Thái tử Tất đạt Ma được sinh ra và nuôi dưỡng trong hoàn cảnh cao sang quyền quý. Năm 29 tuổi lập gia đình và khi vợ hạ sinh được một con trai thì ngài mới nảy sinh nhu cầu đi tìm chân lý của cuộc sống. Lịch sử sau này không thấy ai trách cứ con người vĩ đại đã từng bỏ phế gia đình đi tìm ảo vọng. Ngài đi khắp nơi, tìm thầy học đạo, nhưng sau cùng tự tìm thấy chân lý năm 35 tuổi. Ngài giác ngộ ra lẽ tử sinh, và tìm các bạn cũ chia sẻ chân lý. Ðến năm 80 tuổi ngài mất. Trong suốt quá trình 45 năm, thái tử Tất Ðạt Ma trở thành Ðức Thích Ca Mâu Ni, cùng các thân hữu trở thành đệ tử rao giảng Phật pháp. Tất cả lời giảng sau này được ghi chép lại thành Kinh Phật. Chỉ dẫn cho nhân loại quan niệm sống và giải thích mọi hiện tượng trong trời đất. Hình ảnh ngồi thiền của Phật Thích Ca đã thành một biểu tượng triết học thâm sâu thể hiện qua hình ảnh Phật Ngọc.
Ðó là lý do hàng triệu người đến chiêm ngưỡng pho tượng xem ra cũng còn đơn sơ. Không vĩ đại như hình tượng Phật Ngọc sẵn có trong lòng phật tử. Và sau cùng những người sáng lập công ty, những nhà tổ chức trên suốt con đường viễn du của Phật, các vị lãnh đạo tôn giáo, tất cả đều là người tâm Phật rất đáng kính.
Theo bước chân Phật từ quê hương ra đến hải ngoại, đã có hàng trăm người trong ban tổ chức và hàng ngàn người tình nguyện. Họ là những ai. Phải chăng tất cả đều chân thành làm việc theo tiếng gọi của lương tâm.
Cũng có thể họ đang buôn thần bán thánh để kiếm lời. Có thể đang tìm chút hư danh dưới chân Phật. Có thể manh nha những âm mưu chính trị sau lưng Phật.
Nhưng Phật thấy rằng họ không cầm con dao đồ tể, họ đều là Phật.
Còn các bạn giống như tôi, cứ thắc mắc nghi ngờ, cố gắng tìm hiểu các ẩn số và phân tích với toàn dữ kiện tào lao. Có lẽ tâm chúng ta chưa bình, và do đó thế giới của riêng chúng ta cũng không bình. Trong khi đó, trong thế giới của hàng triệu người mang đức tin, nhưng chúng ta cho là mê tín, khờ khạo đang bị lừa. Tâm của họ rất an bình và thế giới của họ mãi mãi bình an. Ðối với họ, từ bao lâu nay, San Jose không bao giờ có sóng gió. Về phần chúng ta, quanh năm thấy toàn sóng gió vì chỉ chuyên sống trong thế giới trần tục. Thấy toàn lời tuyên dương và hạ nhục. Thấy chính trị là buôn dân bán nước, thấy tôn giáo là buôn thần bán thánh. Quả thực chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Anh em nói chúng ta là chưa có duyên Phật.
Bây giờ có lẽ đã đến lúc tôi phải từ giã thế giới của khôn ngoan, thông thái. Tôi đi theo phe mê tín, khờ khạo. Ðeo vào cổ một miếng plastic rẻ tiền có hình tượng Phật, tôi đi tìm sự bình tâm để bước vào thế giới bình an.

© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt

-------------------------

.
.

No comments:

Post a Comment