Wednesday, October 27, 2010

PHẢN ỨNG CỦA GIỚI BLOGGER TRƯỚC HÀNH ĐỘNG ĐÀN ÁP CỦA CHINH QUYỀN


Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-10-26

Mục Điểm Blog tuần này mời quý vị theo dõi về phản ứng của các bloggers trước hành động nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng giam giữ, bắt bớ, đàn áp và sách nhiễu giới bloggers trong nước.

Dư luận phẫn nộ

Trong mấy ngày qua dư luận trong giới bloggers trở nên xôn xao và phẫn nộ khi blogger Điếu Cày, sau khi mãn hạn tù vì tội gọi là trốn thuế, đã không được gặp mặt vợ con một giây phút nào cả thì bị công an bắt ngay trở lại tại cửa Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai và đưa thẳng tới số 4 Phan Đăng Lưu để bị tạm giam 4 tháng. Và để hợp pháp hóa việc giam giữ tiếp này, công an đã vào nhà blogger Điếu Cày, đọc cho vợ và con trai anh nghe lệnh bắt khẩn cấp cùng lệnh truy tố của VKSND về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” theo điều 88 Bộ luật Hình sự dù blogger Điều Cày khó có thể làm được chuyện này khi anh bị tù đày trong 2 năm rưỡi qua.

Được biết công luận, đặc biệt là giới bloggers trong nước, rất lo ngại cho blogger Điếu Cày, với tội danh mới này, có thể bị trù dập và tù tội dài lâu vì riêng mức án tối đa dành cho tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” đã là 12 năm tù rồi, chưa kể có thể anh bị gán ghép thêm những tội gì khác.
Theo giới bloggers thì blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tiếp tục bị tù đầy đáng ngại như vậy phần lớn vì anh là sáng lập viên chủ chốt Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do mà giới cầm quyền hiện rất âu lo. Mặc dù Blogger Điếu Cày đi tù, nhưng được biết CLB này vẫn lớn mạnh. Và nhà cầm quyền, nhất là gần Đại hội đảng CS vào đầu năm tới, đã ra tay trước, chẳng hạn như, bắt giam về tội hình blogger Anh Ba Saigòn, tức luật gia Phan Thanh Hải khi vợ anh sắp nở nhuỵ khai hoa, phong toả, đàn áp những bloggers khác như blogger Uyên Vũ, blogger Sự thật và Công lý.

Giữa lúc các bloggers bị đàn áp bằng võ lực như vậy thì nhiều trang blog hiện bị đánh sập.
Câu hỏi được nêu lên là, trước tình hình như vậy, phản ứng của các bloggers trong nước ra sao?

Blogger Sự thật và Công Lý tin rằng đây là đợt đàn áp mới của giới cầm quyền nhằm làm im hơi bặt tiếng của những người phanh phui thực trạng xã hội:
“Tôi cho rằng việc Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã mãn hạn tù nhưng không được thả về nhà, mà cũng không được nhà cầm quyền Việt Nam thông báo bằng văn bản cho biết rằng anh Hải bị giam thêm về tội gì, rồi giấy tờ, quyết định liên quan đâu để gia đình anh liên lạc và thuê luật sư làm thủ tục bào chữa, thì đây quả là việc hết sức mờ ám. Cá nhân tôi và blogger Uyên Vũ bị bao vây, trong khi blogger Anh Ba Saigòn bị bắt, tôi cho rằng đây là đợt trấn áp nhằm bịt miệng những người dám nói lên sự thật về thực trạng xã hội ở đất nước Việt Nam này.”

Trước tình cảnh như vậy, một blogger khác trong nước, yêu cầu ẩn danh, bày tỏ sự ngỡ ngàng, nhưng nhấn mạnh tới ảnh hưởng ngay càng lớn của tiếng nói bloggers về các vấn đề trong xã hội.
“Quả thực khi blogger Anh Ba Saigòn bị bắt khẩn cấp ngay khi đó thì anh chị em bloggers chúng tôi hết sức bàng hoàng bởi vì chúng tôi không thể nghĩ là chính quyền lại bắt Anh Ba Saigòn. Hôm đó thì chúng tôi đang chờ để mừng blogger Điếu Cày trở về. Và anh chị em chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau để cùng đón chào sự trở về của anh Điếu Cày, thì thình lình, blogger Anh ba Sàigòn bị bắt trong khi blogger Điếu Cày bị tù đày tiếp. Điều đó quả thực gây cho chúng tôi một sự ngỡ ngàng. Tôi nghĩ đây là động thái mới của chính quyền đối với giới bloggers. Như qúy vị được biết là các bloggers, trong thời gian gần đây, có một tiếng nói khá lớn, khá mạnh và có ảnh hưởng tới một số các vấn đề xã hội, cuộc sống, như những chuyện về đường sắt cao tốc, về chuyện Ngàn Năm Thăng Long… Do đó, tiếng nói của giới bloggers hình như càng ngày càng được để ý hơn. Điều đó gây ảnh hưởng khá lớn trong xã hội. Tôi nghĩ bất kỳ một chính quyền nào cũng phải quan tâm tới nó thôi. Nhưng vấn đề là tuỳ thuộc ở chính quyền như thế nào?”

“Làn sóng đàn áp mới”

Blogger Mẹ Nấm cũng tin rằng hành động của giới cầm quyền thuộc trong “làn sóng đàn áp mới” đối với giới bloggers nói chung và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do nói riêng:
“Thật sự là tôi và các bloggers khác đang đợi tin anh Điếu Cày trở về để chúc mừng anh ấy. Nhưng qua động thái của giới cầm quyền, như chuyển blogger Điếu Cày từ trại giam này qua trại giam khác, thì mọi người cũng lờ mờ hiểu ra một phần nào rồi. Nhưng không ai có thể nghĩ được rằng blogger Điếu Cày lại rơi vào tình cảnh “án chồng thêm án, tội chồng thêm tội” như vậy. Do đó, hầu như tâm trạng chung của bloggers chúng tôi là thấy rất thất vọng. Mọi người đều cảm nhận được rằng đang có một làn sóng trấn áp mới những bloggers có tên tuổi nói chung, và những bloggers thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do nói riêng.”

Từ Hà Nội, blogger Người Buôn Gió đặc biệt đề cập tới CLBNBTD mà blogger Điếu Cày từng giữ vai trò chủ chốt. Theo Người Buôn Gió, đây là đối tượng trấn áp từ lâu của giới cầm quyền, nhất là họ thấy nguy cơ CLB này sẽ hoạt động mạnh mẽ nếu để cho blogger Điếu Cày trở lại, đồng thời ra sức vô hiệu hoá Blogger Anh Ba Sàigòn – cánh tay mặt của Blogger Điếu Cày.
“Về tình hình những bloggers thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do trước kia hiện đang gặp nạn, thì tôi thấy hành động trấn áp bloggers của công an ở Saigòn hiện giờ thực ra phát xuất từ lâu lắm rồi khi họ xem đây là nhóm đối tượng, cần phải trấn áp, cần phải tiêu diệt. Nhất là trong nhiều năm nay rồi, họ luôn luôn tìm cách xoá tan đi Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Mà CLB này là nhóm tổng hợp anh em ở trong Nam rất can đảm, dấn thân, rất có tinh thần yêu nước, rất có tài năng. Cả một tập hợp đội ngũ có tài, có trí như vậy mà họ muốn đập tan từ lâu rồi. Và họ la lên bằng cách bắt bỏ tù anh Điếu Cày về tội trốn thuế. Giờ khi anh Điếu Cày đã mãn hạn tù, lẽ ra phải được trở về, thì họ thấy nguy cơ CLB Nhà Báo Tự Do sẽ vận động mạnh trở lại, cho nên họ tìm mọi lý do, mọi cách để bỏ tù tiếp Điếu Cày, và bắt blogger Anh Ba Saigòn. Chứ mấy năm nay rồi, khi ở trong tù thì anh Điếu Cày có hoạt động gì về báo chí đâu. Mấy năm rồi, mấy năm trước, họ không bắt anh về tội hình, mà để bây giờ mới bắt thì tôi thấy đây là sự cực kỳ vô lý.”

Vẫn theo blogger Người Buôn Gió, hành động đàn áp bloggers, đàn áp tự do bày tỏ chính kiến của giới cầm quyền đã làm cho giới viết nhật ký trên mạng càng thêm phẫn nộ:
“Hành động bắt bớ những dân báo và các bloggers như thế này thực sự gây bực bội, tức giận cho các bloggers khác, vì họ thấy họ chỉ thể hiện quyền chính kiến cá nhân, tự do ngôn luận mang tính chất đóng góp cho xã hội – việc làm lẽ ra phải đáng ghi nhận, nhưng giới cầm quyền lại bắt bớ người ta. Tôi vào đến Saigòn, khi nghe anh Ba Saigòn bị bắt, anh Điếu Cày bị giam tiếp thì tôi cảm thấy rất tức giận.”

Thưa quý vị, câu hỏi cũng cần được nêu lên là chiến dịch đàn áp mạnh mẽ đó của giới cầm quyền có ngăn chận được tiếng nói của các bloggers hay không?

Blogger Mẹ Nấm nhận xét:
“Tôi nghĩ là không ngăn chặn được đâu. Tại vì không phải một mình blogger Điếu Cày, blogger Anh Ba Saigòn đi tù mà trước đó đã diễn ra cảnh tương tự như vậy, thì các bloggers đâu có từ bỏ quyền được nói của mình. Do đó giới cầm quyền hành xử như hôm nay chỉ làm cho bloggers càng ngày càng hết sợ hãi thôi. Không có ai cảm thấy sợ đâu.”

Theo blogger Sự thật và Công lý, thì nếu so với dân số Việt Nam, cuộc đàn áp, “bịt miệng” những bloggers ở Sài Gòn như vậy là hành động hoài công.
 “Tôi thấy ở nước VN chúng ta hiện nay, dân số đã lên tới khoảng 88 triệu người, thì so với chừng ấy dân số, một thiểu số người trong Nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do này, nhà cầm quyền có thể đàn áp, bịt miệng những người như blogger chúng tôi. Nhưng họ không thể bịt miệng tất cả bloggers trên đất nước VN.  Và cũng chẳng có kết quả gì nếu một nhà nước chỉ dựa vào bạo lực một cách trái phép, dựa vào sự dối tra, sự bưng bít để tồn tại.”

Blogger yêu cầu ẩn danh vừa nói thì đề cập tới cả một “tiến trình lịch sử” mà giới bloggers đã gầy dựng được – tức tiếng nói, ảnh hưởng ngày càng vững mạnh của giới bloggers trong xã hội VN, khó mà đảo ngược được, như nhận xét của blogger yêu cầu ẩn danh này:
“Theo tôi nghĩ một tiến trình, một khi đã có được sự ủng hộ của công luận và có tiếng tiếng nói rộng rãi trong quần chúng, trong xã hội, thì khi bị bất kể hành động đàn áp hoặc sự cản trở nào, có thể nó bị tác động. Nhưng tôi nghĩ tác động ấy không lớn, vì rõ ràng tiến trình như vừa nói đã mang tính lịch sử. Điều cũng rõ ràng là trong vài năm gần đây, tiến trình đó mỗi ngày mỗi mở rộng hơn. Nó có sức lan toả nhiều hơn và hiệu quả cũng lớn hơn. Tôi nghĩ rằng tác động ấy của giới cầm quyền cũng chả làm thay đổi được tiến trình này đâu.”
Quyền được nói

Còn blogger Người Buôn Gió có nao núng, chùn bước không trước sự đàn áp này?

Người Buôn Gió mạnh mẽ khẳng định:
“Tôi cho rằng việc nhà cầm quyền đàn áp các bloggers cũng không ngăn chặn được những bloggers khác tiếp tục lên tiếng. Ngay bản thân tôi, trước việc bắt bớ anh Ba Saigòn và giam tiếp anh Điếu Cày thì tôi cũng cứ lên tiếng như thường. Chuyện giới cầm quyền bắt bớ anh Ba Saigòn và anh Điếu Cày không hề làm cho tôi sợ hãi, chùn lòng tí nào cả.”
Blogger Mẹ Nấm nhân dịp này lưu ý tới sự e ngại của giới cầm quyền trước “cách bùng phát” đưa tin không theo lề phải của giới bloggers.
Qua RFA, tôi cũng muốn nói với mọi người như thế này. Việc mà mọi người tôn vinh anh Điếu Cày chứng tỏ bloggers Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc truyền tải thông tin. Việc giới cầm quyền lo sợ anh Điếu Cày trở thành một biểu tượng hoặc là một làn sóng mới trong bloggers Việt Nam lại càng chứng tỏ được rằng nhà nước Việt Nam thực sự sợ cách bùng phát và cách đưa tin không theo “lề phải” của các bloggers.”

Thưa quý vị, giữa lúc nhiều tổ chức thế giới, kể cả tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Human Rights Watch, và cả dân biểu Hoa Kỳ, kêu gọi VN trả tự do cho blogger Điếu Cày, chấm dứt hành động đàn áp những chính kiến bất đồng, chúng tôi xin mượn một bài viết còn dang dở của blogger Anh Ba Sài Gòn về sứ mạng cao cả của bloggers, để kết thúc Mục Điểm Blog hôm nay.
“…Blog là nơi mà bất cứ ai cũng có thể thực hành quyền được nói, quyền được mở miệng. Blogger bị bắt, bị theo dõi, bị đàn áp, bị đe dọa ở khắp nơi và đến nay chúng ta cũng dần hiểu được kẻ khủng bố đe dọa chúng ta là ai. Chỉ có nhà nước mới có thể dùng Pháp luật để đảm bảo quyền được nói cho chúng ta, nhưng cũng chính các nhà nước độc tài đang là mối đe dọa trực diện lên quyền được nói của chúng ta.
Tuy thế thì quyền được nói, được tự do tư tưởng, chia sẻ và truyền bá tư tưởng là quyền tự nhiên không cần phải chứng minh và cũng không cần ai ban phát. Blogger Việt nam đã và đang làm được nhiều điều cho đất nước, họ vẫn bàn bạc, thảo luận, họp hành và nghị sự về bất cứ vấn đề trọng đại nào của đất nước. Họ là nghị viện nhân dân đích thực bởi họ đang nói lên tiếng nói của người dân…”

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment