Sunday, October 31, 2010

ĐÔNG NAM Á: NHỮNG KHUÔN MẪU VỀ HỢP TÁC AN NINH (Carl Thayer)

Carl Thayer

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
29.10.2010

Nước Úc sẽ đối diện với một môi trường chiến lược phức tạp hơn tại Đông nam Á trong thập niên tới trong khi có ít nhất là tám xu hướng đang điều khiển sự thay đổi chiến lược. Những khuôn mẫu mới về hợp tác an ninh và căng thẳng sẽ gây hệ quả và lôi kéo chính sách chiến lược của Úc vào những con đường khác nhau và có thể mâu thuẫn.
Có tám tác động chính trong sự thay đổi chiến lược:
1. Cơn khủng hoảng tài chính thế giới đã tăng tốc sự chuyển đổi quyền lực từ Bắc Mỹ và châu Âu sang Đông Á và đã củng cố sự vươn lên của Trung Quốc trong mọi khía cạnh của một cường quốc. Trung Quốc đã hiện lên như một đối thủ chiến lược đối với Hoa Kỳ trong khu vực Đông nam Á và xa hơn nữa.
Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dẫn đến việc cắt giảm chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ tại những khu vực quan trọng trong việc giữ vững sự thống lĩnh của Hoa Kỳ về mặt kỹ thuật quân sự. Hoa Kỳ sẽ có ít nguồn lực hơn để tạo ra những tiến độ chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong thập niên sắp đến, Hoa Kỳ sẽ phải dựa dẫm nặng nề vào những đồng minh và các đối tác chiến lược của mình để cùng hợp tác nhằm bảo đảm an ninh khu vực.
Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã góp phần vào việc nổi lên của Indonesia và Việt Nam như là những đối thủ quan trọng trong khu vực.
2. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã dẫn đến việc tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm hỗ trợ quá trình hiện đại hoá và thay đổi của quân đội. Họ đang phát triển những vai trò và nhiệm vụ trong đó có thể giúp Trung Quốc phô trương quyền lực của mình ra khỏi phạm vi của quyền lợi lãnh thổ, hướng đến khu vực Tây Thái Bình Dương và biển Nam Hải. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo đảm nền an ninh của mình bằng cách xây dựng cái mà họ cho là cấu trúc lực lượng hợp lý để đối trọng với Hoa Kỳ đã tạo ra tâm trạng bất an tại một số quốc gia láng giềng vì thái độ cứng rắn và thiếu minh bạch của Trung Quốc.
3. Chính quyền Obama đã tăng cường cam kết của mình tại Đông nam Á và hiện đang sẵn sàng chấp nhận những đường hướng đa phương nhằm thúc đẩy quyền lợi quốc gia của mình. Trong cùng lúc, Hoa Kỳ cũng tăng cường cơ bắp quân sự của mình trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
4. Khu vực Đông nam Á đã trải qua một cơn mua sắm vũ khí tràn lan trong nửa cuối thập niên qua, dẫn đến việc xuất hiện những kỹ thuật quân sự mới có thể vận hành ở những cự ly rất xa với độ chính xác cao. Những chương trình hiện đại hoá quân sự hiện nay chứa đựng những yếu tố của một cơn chạy đua vũ trang hải quân lồng vào trong việc cạnh tranh hơn là hợp tác về những chiến lược hàng hải.
5. Lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục tăng cao tính quan trọng của mình trong thập niên tới. Điều này dẫn đến khả năng tăng cường việc hợp tác đa phương nhằm bảo đảm mối an ninh hàng hải trong thương mại và tài nguyên năng lượng. Nhưng những đường dây thông tin xuyên biển quan trọng lại đi qua vùng biển Nam Hải, nơi việc tranh chấp chủ quyền vẫn đang tiếp diễn.
6. Kiến trúc an ninh khu vực đang biến đổi. Cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và tám thành viên đối thoại của họ (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Nga, Nam Hàn và Hoa Kỳ) đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12 tháng Mười. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ mở rộng bằng cách có thêm Hoa Kỳ và Nga là những thành viên mới, mở ra một đường hướng có thể giúp tăng cường sự hợp tác an ninh.
7. Những vấn đề an ninh mới đang tăng nhanh một cách nổi bật và đang hình thành chương trình an ninh.
8. Cuối cùng, môi trường an ninh của Đông nam Á sẽ tiếp tục được hình thành bởi tính liên tục của "những thử thách an ninh thường nhật" hiện chủ yếu chỉ mang tính địa phương và đang làm suy yếu năng lực quốc gia. Chúng có tiềm năng lan rộng và ảnh hưởng đến những quốc gia lân cận.
Những khuynh hướng chiến lược chủ yếu ảnh hưởng đến Đông nam Á đã tạo ra những căng thẳng giữa các quốc gia. Chúng có thể được gom lại thành năm nhóm: tranh chấp lãnh hải Trung-Việt; tình trạng khó xử tạo ra bởi quá trình hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc; tiềm năng gây ảnh hưởng bất ổn định của việc phổ biến các kỹ thuật quân sự; những ảnh hưởng xói mòn của "những vấn đề an ninh thường nhật" và những thách thức an ninh xuyên quốc gia.
Bốn khuôn mẫu chủ yếu của việc hợp tác an ninh có thể kết hợp và cạnh tranh để hình thành môi trường an ninh của Đông nam Á: việc hợp tác quốc phòng đa phương giữa những cường quốc bên ngoài và cá nhân những quốc gia Đông nam Á (Thoả thuận Quốc phòng giữa Năm Cường quốc - Five Power Defence Arrangements); toàn cảnh hợp tác an ninh do Hoa Kỳ dẫn đầu; hợp tác an ninh khu vực riêng biệt Đông Á do Trung Quốc dẫn đầu; và nỗ lực đa phương với trọng tâm ASEAN. Mỗi mô thức này bao trùm lẫn nhau và dẫn đến sự hỗ trợ lẫn cạnh tranh trong việc hợp tác an ninh.
Những căng thẳng an ninh đang xảy ra sẽ xói mòn sự tin tưởng giữa các quốc gia liên quan và do đó sẽ phá hoại sự hợp tác đa phương và sự sống còn của kiến trúc an ninh trong khu vực.
Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tìm cách thiết lập một trật tự khu vực khác nhau. Trung Quốc ủng hộ những thoả thuận an ninh đa cực trong đó nâng cao chủ quyền quốc gia bất kể hệ thống chính trị của quốc gia ấy nhằm mục đích cân bằng nếu không nói là kềm chế quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Hướng đi của Trung Quốc nhấn mạnh vào tính bình đẳng không có thực giữa những thành viên trong khu vực đa thể chế và đặc biệt chú trọng vào chủ nghĩa khu vực riêng biệt của Đông Á. Trên thực tế, Trung Quốc lại là quốc gia đứng trên những bình đẳng.
Hoa Kỳ, ngược lại muốn theo đuổi một chiến lược quốc gia nhắm vào việc tạo ra một trật tự an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương được thành lập dựa trên những luật lệ của các thể chế đa phương trong đó phát huy những giá trị toàn cầu như dân chủ và nhân quyền dưới sự dẫn dắt của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ dựa vào những đồng minh và đối tác chiến lược như là một khối quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu đó.
Đông nam Á sẽ không thể tự tách mình ra khỏi sự cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ.
Úc sẽ cần tái xét lại vai trò tương lai của mình trong môi trường chiến lược đang chuyển đổi này và tạo ra một loạt những chiến lược nhằm phát huy lợi ích quốc gia của mình ở nơi đây. Các nhà chiến lược Úc cần phải theo đuổi hàng loạt các phương hướng nhằm bảo đảm những mục tiêu này. Một phương hướng trong đó liên quan đến việc khuyến khích Hoa Kỳ cam kết nhiều hơn nữa vào Đông nam Á như một khu vực chính đáng. Úc có thể giúp xây dựng sự hỗ trợ khu vực cho vai trò này bất cứ nơi nào có thể được. Một phương hướng khác liên quan đến việc xây dựng và chuyển hướng mạng lưới an ninh hiện hữu để đưa nó vào một cơ cấu đa phương mạnh mẽ hơn. Và phương hướng thứ ba liên quan đến việc Úc phục hồi lại quan hệ anh ninh với những quốc gia Đông nam Á chủ chốt nhằm tăng cường trọng lượng chiến lược của khu vực để đối phó với những cường quốc bên ngoài.
.
.
.

No comments:

Post a Comment