Saturday, October 2, 2010

ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC ĐÃ NHUỐM MÀU TRUNG QUỐC?

Nguyễn Hồng Kiên
Chủ nhật, ngày 03 tháng mười năm 2010

  
Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều hãng phim đã làm phim về vua Lý Công Uẩn. Ngay từ khi các đơn vị bắt tay vào sản xuất đã có nhiều ý kiến khen – chê xung quanh việc làm phim. Chưa bao giờ việc làm phim lịch sử tại Việt Nam lại bước vào cuộc đua quyết liệt, được quan tâm chú ý và mổ xẻ một cách đặc biệt như bây giờ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) về việc làm phim lịch sử hiện nay.

° Phóng viên: Nếu không có dịp chào mừng đại lễ, chắc chưa có nhà sản xuất phim nào (cả nhà nước lẫn tư nhân) chịu đầu tư làm phim lịch sử, một phần do kinh phí hạn hẹp, phần khác rất quan trọng là tư liệu lịch sử của ta về các triều đại vua chúa rất hiếm. Dưới góc độ một nhà sử học, ông nhận xét gì về điều này?
° Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Cần nói thêm một lý do nữa là Nhà nước đã phó mặc cho người làm phim phục vụ cho một chủ trương lớn, sau khi đã bất lực không tổ chức nổi việc làm phim về chủ đề kỷ niệm, mà phải nhờ cậy vào “xã hội hóa”.Cho nên trước hết phải cảm ơn những người đã bỏ sức, bỏ tiền ra làm những bộ phim này trước khi phán xét nó có đủ chất lượng để chiếu hay không ?
Làm phim lịch sử tốn kém trước hết vì mọi cái đều phải đầu tư từ đầu, chẳng kế thừa được người đi trước hay những người có chuyên môn bổ trợ, trong đó có giới sử học hay giới bảo tàng chúng tôi.
Quả là tư liệu hay những tri thức lịch sử, những hiện vật bảo tàng rất nghèo nàn. Không phải do lịch sử ta nghèo mà trước hết là vì ta chưa quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu hay sưu tầm những chất liệu lịch sử mà người làm phim cần đến (bối cảnh đời sống, trang phục, cảnh quan, sinh hoạt đời thường…).
Một thời gian dài, giới làm sử chúng tôi chỉ mải tập trung vào lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh (thường là lý thuyết hơn là cụ thể).
Ta thấy, những nước làm phim lịch sử hay thường là những nước có một di sản lịch sử (vật thể và phi vật thể) rất phong phú và cùng thời gian nó lại tích lũy được không chỉ kinh nghiệm mà những công cụ (dịch vụ) rất chuyên nghiệp.Trong điều kiện hiện tại, nếu ai trong giới, đồng nghiệp với tôi đứng ra nhận làm “cố vấn lịch sử” thì tôi cho là… liều lĩnh và dễ làm hỏng chuyện hơn là giúp cho bộ phim hay hơn.

Một cảnh vua và hoàng hậu trong phim “Lý Công Uẩn – Đường đến Thành Thăng Long” gây tranh cãi giống phim Trung Quốc. Ảnh: T.L.

° Hiện nay, có 3 bộ phim truyện đang làm về vua Lý Công Uẩn, trong đó có 2 phim truyền hình và một phim nhựa. Điều mọi người lo lắng là tư liệu lịch sử ít nên hầu hết các nhà làm phim đều tự do “sáng tác” về trang phục, bối cảnh… nhưng đa phần đều phải nhờ đến bàn tay của các chuyên gia Trung Quốc nên bị ảnh hưởng nhiều phim lịch sử của Trung Quốc. Ông có ý kiến gì về việc này?
° Tôi thấy lạ là các phim còn đang trong giai đoạn các cơ quan xét duyệt theo quy định của pháp luật thì những thông tin và cả hình ảnh đã được đăng lên báo để khen chê. Mà tôi thấy nhiều lời chê rất cảm tính.
Vả lại theo tôi hiểu, trong lịch sử do địa dư nước ta ở kề cạnh Trung Hoa, một nền văn minh đầy sức bành trướng, thêm nữa là luôn âm mưu đồng hóa thiên hạ… thì để tỏ rõ ý chí tự chủ các cụ nhà ta có 2 cách ứng xử, hoặc là khẳng định ta không giống phương Bắc (cương vực đã được phân chia, phong tục Bắc-Nam cũng khác…); hoặc là phương Bắc có gì ta cũng có… (Nam quốc sơn hà Nam đế cư, phương Bắc có hoàng đế thì phương Nam cũng có hoàng đế).
Thử nghĩ Lý Công Uẩn lên ngôi khi nền tự chủ của dân tộc ta, nếu tính từ Ngô Vương Quyền lập nhà Ngô sau chiến thắng Bạch Đằng (938) mới có 71 năm, vậy mà Lý Công Uẩn khoác lên mình phẩm phục như hoàng đế nhà Tống thì đấy cũng là một cách thể hiện, một bản lĩnh tự tin vào nền tự chủ của một quốc gia vừa thoát ra khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm bị coi chỉ là quận huyện của phương Bắc mà thôi.
Chúng ta còn biết rằng, Lý Công Uẩn lên ngôi rồi, triều đình phương Bắc còn tiếp tục răn đe chỉ chịu phong cho người đứng đầu nước Nam là “Giao Chỉ quận Tiết độ sứ”. Như thế việc dựng hình ảnh Lý Công Uẩn trong phim mặc phẩm phục thiên tử cũng có thể hiểu như một thông điệp về ý chí tự chủ chứ sao chỉ lo cụ “giống Tàu”?
Giá trị của lịch sử ngoài tính chân thực còn mang cả tính ngụ ngôn nữa, nên cứ để các nghệ sĩ khai thác hơn là để các nhà sử học hay nhà báo bắt bẻ (mà chưa chắc đã đúng!).
Xem kỹ mấy tấm hình thì thấy các nhà thiết kế cũng cố gắng đưa những họa tiết Việt trong trang trí phẩm phục của vua Nam chứ không đến nỗi mặc y nguyên áo của vua phương Bắc.
Nói như vậy nhưng chúng ta vẫn mong muốn sau này qua trải nghiệm, các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp hay hơn, nhưng vào cái thời “khởi đầu nan” này, xin mọi người hãy cởi mở, khoan hòa hơn, cũng là bớt chủ quan hơn.

° Với lý do ta chưa đủ trình độ làm phim lịch sử nên có nhà sản xuất phải hoàn toàn trông cậy vào ê kíp thực hiện là người Trung Quốc. Theo ông, bộ phim liệu có mang được hồn sắc dân tộc Việt?
° Tôi nhắc lại ý ở trên, không chỉ vì trình độ chúng ta còn non kém mà còn vì nhà nước chưa quan tâm (bao nhiêu năm rồi mà không có nổi một phim trường, một sự đầu tư cho việc đào tạo nhân lực hay tích lũy tri thức…) nên theo tôi, việc học hỏi những nền điện ảnh có kinh nghiệm và có điều kiện là cần thiết, nhất là biết kết hợp với đào tạo. Trung Quốc trên lĩnh vực này là một nước có nhiều kinh nghiệm, điều kiện và gần với những vấn đề văn hóa và lịch sử Việt Nam, nếu biết khai thác sẽ rất thuận lợi. Họ có nhiều người tài trên lĩnh vực này, học được là điều đáng quý. Còn có “bị ảnh hưởng” hay không là do chính mình. Có mang được “hồn sắc dân tộc” hay không cũng do chính mình.
Vì chưa được xem phim nên chưa biết phim ta bị ảnh hưởng đến đâu, có những ảnh hưởng tốt mà cũng có ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hưởng xấu thì cứ xem rồi mới biết, đừng nên quá ồn ào khiến sau này chẳng ai dám làm thì biết bao giờ ta có phim của ta tự làm như mong muốn.

° Vậy các nhà sử học giữ vai trò như thế nào với một bộ phim lịch sử, thưa ông?
° Các nhà sử học nên khiêm nhường và riêng tôi nếu cần chỉ xin tư vấn cho những người làm phim những gì mình hiểu thực đích xác.
Ai tự tin đứng ra viết kịch bản rồi, cũng xin tư vấn của những nhà biên kịch giỏi, như thế sẽ hiểu được cái khó của việc làm phim và sự chia sẻ sẽ hiệu quả hơn.
Người làm sử có thể góp phần tốt hơn nếu quan tâm và bỏ công khảo cứu những vấn đề còn bỏ ngỏ mà người làm phim cần đến. Đương nhiên, cũng cần đến sự hợp tác và đầu tư của những nhà làm phim có ý định khai thác lâu dài thể tài này.
Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến loại hình phim ảnh đáp ứng nguyên lý Cụ Hồ đã dặn: “Dân ta phải biết sử ta” một cách thiết thực và mạnh mẽ, hơn là chỉ hô hào “xã hội hóa”.Người xem nên cởi mở, rộng lượng đón nhận những nỗ lực “đầu tay” của những nhà “đầu tư mạo hiểm” khi bỏ tiền của và công sức vào thể tài khó nhưng rất có thể là màu mỡ nếu nghĩ đến việc lâu dài.
° Cảm ơn ông
NHƯ HOA (thực hiện)

HẾT TRÍCH DẪN.

Tôi đã tuyên bố NGƯNG không ý kiến về cái bộ phim này, sau bài của Nhà nghiên cứu mỹ thuật-họa sỹ Phan Cẩm Thượng.
Nay đọc bài trả lời phỏng vấn của bác Dương “Tàu” (biệt danh tôi 'âu yếm' đặt cho ông anh “Người Việt Nam lại tên Trung Quốc- Quê Bến Tre, được sinh ra ở Bến Nứa” này), tôi BUỘC lại phải “bước qua lời nguyền”.

May là bác ấy chỉ trả lời trong tư cách “nhà sử học” chứ không phải tư cách Tổng Thư ký Hội Sử học, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay của Hội Sử học.

Tôi HƠI PHỤC bác Dương 'Tàu", khi phóng viên nhờ đánh giá về tư liệu lịch sử của ta về các triều đại vua chúa dưới góc độ một nhà sử học thì bác ấy đã RẤT MẠNH DẠN PHÊ PHÁN: “Nhà nước đã phó mặc cho người làm phim phục vụ cho một chủ trương lớn, sau khi đã bất lực không tổ chức nổi việc làm phim về chủ đề kỷ niệm, mà phải nhờ cậy vào “xã hội hóa”.

Dẫu vậy, thực tình tôi không hiểu bác ấy muốn KHUYÊN các nhà Sử học nào NÊN KHIÊM NHƯỜNG.
Hay bác ấy KHUYÊN bác Lê Văn Lan chăng?
Vì vừa rồi bác Lan mới bị blogger Đông A KHUYÊN về
Liêm sỉ.

NHƯNG,
Tôi KHÔNG THỂ nghĩ giống bác ấy “
trước hết phải cảm ơn những người đã bỏ sức, bỏ tiền ra làm những bộ phim này trước khi phán xét nó có đủ chất lượng để chiếu hay không“.
Vì tôi “thấu” động cơ KINH DOANH của những người làm bộ phim kia. 

Còn bác DƯƠNG "Tàu", dù không tham gia mà nói ĐÚNG KHẨU KHÍ của người trong đoàn làm phim:"Vì chưa được xem phim nên chưa biết phim ta bị ảnh hưởng đến đâu, có những ảnh hưởng tốt mà cũng có ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hưởng xấu thì cứ xem rồi mới biết, đừng nên quá ồn ào khiến sau này chẳng ai dám làm thì biết bao giờ ta có phim của ta tự làm như mong muốn."
Với cái mẩu tôi bôi đỏ, bác Dương "Tàu" đã cực kỳ mâu thuẫn với chính mình trong 1 lần trả lời phỏng vấn khác:
"
Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ sức làm phim về thời kỳ này đâu.
Nên bắt đầu bằng một thời kỳ lịch sử khác, gần gũi hơn, nhiều sử liệu hơn, nhiều di tích vật thể còn lại hơn.
"
Bác Dương "Tàu" còn bảo:"Xem kỹ mấy tấm hình thì thấy các nhà thiết kế cũng cố gắng đưa những họa tiết Việt trong trang trí phẩm phục của vua Nam chứ không đến nỗi mặc y nguyên áo của vua phương Bắc."
Ô hay, thế ra bác ấy cũng chưa xem phim, mà sao lại BÊNH CHẰM CHẶP VẬY? Vậy thì bác ấy cũng CHỦ QUAN (hay thiếu khách quan) khác gì những ý kiến phê phán đâu nhỉ? Tôi cũng không hiểu, dựa vào đâu mà bác ấy bảo “nhiều lời chê rất cảm tính”, “chủ quan”?

Tôi KHÔNG THỂ nghĩ giống bác ấy “Trong điều kiện hiện tại, nếu ai trong giới, đồng nghiệp với tôi đứng ra nhận làm “cố vấn lịch sử” thì tôi cho là… liều lĩnh và dễ làm hỏng chuyện hơn là giúp cho bộ phim hay hơn.
Vì tôi dám nói rằng DÙ SẼ GẶP RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN, nhưng nếu nhận lời (không chung chung về lịch sử, mà là cung cấp tài liệu và tư vấn cụ thể về kiến trúc và mỹ thuật cổ) tôi DÁM CHẮC TÔI KHÔNG LÀM HỎNG CHUYỆN.
Bởi, tôi chắc chắn sẽ làm ĐÚNG như bác ấy KHUYÊN là “
tư vấn cho những người làm phim những gì mình hiểu thực đích xác“. Thế thì sao lại hỏng chuyện được?

Tôi KHÔNG THỂ giống bác ấy “thấy lạ là các phim còn đang trong giai đoạn các cơ quan xét duyệt theo quy định của pháp luật thì những thông tin và cả hình ảnh đã được đăng lên báo để khen chê. Mà tôi thấy nhiều lời chê rất cảm tính“.
Không lẽ bác Dương “Tàu” chờ cho phim được công chiếu, gây ảnh hưởng xấu, RỒI MỚI LÊN TIẾNG? 

À đây, bác ấy bảo: "chưa được xem phim nên chưa biết phim ta bị ảnh hưởng đến đâu, có những ảnh hưởng tốt mà cũng có ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hưởng xấu thì cứ xem rồi mới biết, đừng nên quá ồn ào".

Tôi thấy bác ấy“bập bênh” có phần hơi NGHĨA LỘ QUÁ.



Có nhẽ bác họ Dương chưa được đọc 02 công văn trên, nên mới cho rằng:”phim còn đang trong giai đoạn các cơ quan xét duyệt theo quy định của pháp luật“.
Kịch bản phim này đã được Bộ Văn-Thể-Du DUYỆT và Văn phòng Chính phủ (cụ thể là PTTTT đồng ý đưa vào chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nếu dư luận không kịp thời lên tiếng thì có lẽ đã không có chuyện Hội đồng xét duyệt bắt chỉnh sửa. 


Tôi KHÔNG THỂ nghĩ giống bác ấy “việc dựng hình ảnh Lý Công Uẩn trong phim mặc phẩm phục thiên tử cũng có thể hiểu như một thông điệp về ý chí tự chủ chứ sao chỉ lo cụ “giống Tàu”?
Vì, tôi có được Thày Vượng giảng cho về thái độ VÔ TỐN (chứng tỏ KHÔNG THUA KÉM) của Tổ tiên chúng ta. Nhưng nếu nói trang phục vua Lý Thái tổ mặc trong phim “
có thể hiểu như một thông điệp về ý chí tự chủ chứ sao chỉ lo cụ “giống Tàu”?” là bác họ Dương đang trở thành Tàu thật rồi.
 
Đó là một ngụy biện, đánh tráo khái niệm chẳng khác gì một số ý kiến bảo phim này là Phim dã sử sao cần thật 100%? Là phim dã sử hay phim lịch sử xin đọc lại văn bản trên của Bộ Văn-Thể-Du (v/v đánh giá về dự án xây dựng bộ phim).
 
Bác nói “Giá trị của lịch sử ngoài tính chân thực còn mang cả tính ngụ ngôn nữa vừa đúng mà vừa chưa đúng. Nhưng dùng luận điểm ấy để BÊNH chuyện vua Ta mặc quá giống Tàu TRONG PHIM mà lại là ẨN Ý NGỤ NGÔN thì dứt khoát là KHÔNG ĐƯỢC.
 
Và bác sẽ bảo sao khi trong bản vẽ thiết kế của TS Đoàn Thị Tình, cái mũ kiểu Bình thiên của đức Lý Thái tổ KHÔNG GIỐNG TÀU, nhưng đạo cụ được dùng trong phim lại đặc Tàu? Bằng chứng đây ạ:

Từ 22/9, tôi đã có bài “ĐỂ MỌI NGƯỜI CÓ THÊM TƯ LIỆU” nên thôi không đi vào chi tiết của chuyện đạo cụ, phục trang đã bị làm sai, bị Tàu hóa nhiều so với thiết kế.

Mà Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mở rộng (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập) đã có kết luận ngay từ lần Một là phim có dùng “trang phục Trung Quốc“. Sao bác lại NÓI NGƯỢC LÀM GÌ ?

Cuối cùng, tôi KHÔNG THỂ nghĩ giống bác ấy khi dùng từ MÀU MỠ trong câu này:”Người xem nên cởi mở, rộng lượng đón nhận những nỗ lực “đầu tay” của những nhà “đầu tư mạo hiểm” khi bỏ tiền của và công sức vào thể tài khó nhưng rất có thể là màu mỡ nếu nghĩ đến việc lâu dài.

Để kết thúc PHÀN NÀN này, tôi xin dẫn ra đây thêm 2 lần trả lời phỏng vấn trước đây của bác Dương “Tàu”:
Trên báo Lao Động (thứ Tư, 15/9/2010 | 09:42 (GMT + 7) Phim Lý Công Uẩn “đậm chất Trung Hoa”: Sửa không đơn giản! (15/09/2010) Nhà sử học Dương Trung Quốc – người từng được mời làm cố vấn cho bộ phim (nhưng đã từ chối) trả lời báo chí: “Chúng ta chỉ có một câu chuyện lịch sử, mà chưa có một khung cảnh, thiếu hẳn tất cả các yếu tố trực quan: trang phục, nội ngoại thất…
Không ai bắt phim phải y như thật, nhưng nó phải cho ra cái chất Việt Nam.
Chỉ riêng việc dựng tượng cụ Lý Công Uẩn ở vườn hoa mà đã có nhiều ý kiến khác nhau, cụ lên phim còn phức tạp thế nào.
Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ sức làm phim về thời kỳ này đâu.
Nên bắt đầu bằng một thời kỳ lịch sử khác, gần gũi hơn, nhiều sử liệu hơn, nhiều di tích vật thể còn lại hơn
”.

TÔI RẤT TÁN ĐỒNG CÁC Ý KIẾN TRÊN CỦA BÁC ẤY.
Đặc biệt là chuyện”PHẢI RA CÁI CHẤT VIỆT NAM”. Và CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÌ ĐỪNG LÀM VỘI.

Nhưng, chỉ chiều hôm sau thôi (thứ Năm 16/09/2010 | 14:36), trên TT&VH bác ấy lại nói cực kỳ UYỂN CHUYỂN: http://www.thethaovanhoa.vn/176N20100916113654397T133/phim-ly-cong-uanduong-toi-thanh-thang-long-bai-2-nhin-tu-ben-ngoai.htm
Chia sẻ với những người tái tạo lịch sử
“Những người ghi chép lịch sử nước mình hay các nghệ sĩ xưa chưa quan tâm đến phản ánh đời sống thường nhật mà thường chỉ ghi chép sự kiện và biến cố lịch sử. Những khoảng trống lịch sử này chính là mảnh đất màu mỡ để nghệ sĩ sáng tạo.
Tôi có hỏi một số nhà làm phim Hàn Quốc, rằng một số phim của họ được khán giả VN yêu thích có trung thực với lịch sử không? Họ nói, các nhà làm phim quan tâm đến lịch sử và nguyên tắc sáng tạo của họ là để lại sau mỗi bộ phim vẻ đẹp của lịch sử, từ trang phục đến bối cảnh, tính cách và hành động của nhân vật.
Tôi cho đó là điều ta cần học hỏi và hy vọng các nghệ sĩ bằng khám phá và sáng tạo có thể đóng góp cho lịch sử những giá trị nhất định.
Ngay cả khi tìm ra sự thật cũng không thể nhân danh sự thật để bới móc tổ tiên mình (???) vì cái đích cuối cùng khi tìm về lịch sử là đạo lý và bài học lịch sử. Hãy hàn gắn các đứt đoạn lịch sử bằng việc tôn trọng những gì đã biết và tìm tòi, bổ sung những điều chưa biết.
Vì vậy, dư luận xã hội nên khuyến khích và chia sẻ với các nhà làm nghệ thuật nói chung và các nhà làm phim nói riêng khi họ tái tạo lịch sử”.”

Tôi THỀ rằng đọc đi đọc lại tôi vẫn không hiểu bác ấy định nói gì.
Nhưng lần trả lời phỏng vấn SGGP này thì tôi đã hiểu ý bác rồi, thưa bác Dương “Tàu”!

Và xin được nói RẤT THẬT LÒNG RẰNG: – Tôi CỰC KỲ thất vọng về những phát biểu kia của nhà Sử học họ Dương ! 
Hy vọng bác ấy sớm LAI TỈNH !

P/S: Chợt nhớ đoạn bác Dương "Tàu" THÁCH ĐỐ: "Ai tự tin đứng ra viết kịch bản rồi, cũng xin tư vấn của những nhà biên kịch giỏi, như thế sẽ hiểu được cái khó của việc làm phim và sự chia sẻ sẽ hiệu quả hơn", tôi mong bác ấy bớt chút thì giờ VÀNG BẠC để đọc ý kiến của một nhà biên kịch (mà không chỉ tôi công nhận là GIỎI) có 'hỗn' danh BỌ: Gửi bác Trịnh Văn Sơn.Và xin nhắc tiếp đến một người cả tôi và bác ấy đều quen là bác Thái Bá Lợi ở xứ Quảng Nôm. Bác ấy đang viết một tiểu thuyết lịch sử gì đấy, NÊN HỘI THẢO SỬ HỌC NÀO bác ấy cũng NHÀO VÔ tự tìm kiếm tư liệu. Một phong cách làm việc NGHIÊM TÚC và CHỦ ĐỘNG đến đáng kính nể ! Bác  Thái Bá Lợi đâu ngồi chờ "Người làm sử có thể góp phần tốt hơn nếu quan tâm và bỏ công khảo cứu những vấn đề còn bỏ ngỏ mà người làm phim cần đến". Càng không phải như nhà bác Sơn kia, tay ngang mà viết kịch bản có mấy tháng xong?
Lại nữa, về chuyện phim ảnh: Chắc bác Dương "Tàu" KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT đến chuyện đã xảy ra xung quanh bộ phim "Ký ức một Geisha" Người Nhật chỉ PHÀN NÀN đôi chút về  "Geisha 100% TÀU": Chương Tử Di (章子怡), Củng Lợi (), Dương Tử Quỳnh (楊紫瓊) Còn người TQ đã có phản ứng thù địch, thậm chí chính phủ Trung Quốc đã cấm không cho chiếu phim này ở Trung Quốc dù trước đó đã đồng ý.
Mà đấy là phim 'văn nghệ', chẳng hề là dã sử hay lịch sử gì sất.
Nội dung phim chỉ là chuyện về
cô Sayuri Nitta (tên thật Chiyo), một geisha thực thụ. Cô cùng chị gái Satsu bị bán vào các okiya từ khi còn nhỏ. Sau đó người chị trốn thoát còn Chiyo kẹt lại. Thường xuyên bị 1 geisha đàn chị ức híếp, Chiyo vô cùng buồn chán. May mắn được 1 người đàn ông lạ giúp đỡ, cô bé đem lòng yêu ông và quyết trở thành 1 geisha xuất sắc vì ông. Với sự giúp đỡ của Mameha, ước mơ của cô trở thành sự thật; nhưng đúng lúc đó Nhật Bản thua cuộc trong Thế Chiến Hai, loạn lạc xảy ra.
Cái chính là người TQ đã cố tình "nhầm lẫn", coi geisha là gái mại dâm, rồi bức xúc về chuyện các nữ diễn viên Trung Quốc đóng vai các geisha đến mức MOI MÓC lại chuyện phụ nữ Trung Quốc bị quân đội phát-xít Nhật dùng làm "nô lệ tình dục" hồi Thế chiến Hai.
Đã vậy bộ phim lại xuất hiện đúng lúc quan hệ chính trị Trung-Nhật đang căng thẳng vì:
1- Nhật mới sửa sách giáo khoa lịch sử, xem nhẹ tội ác thời Thế chiến Hai tại TQ.
2-
Thủ tướng Nhật Bản bấy giờ là ông Junichiro Koizumi đã mấy lần đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ những quân nhân Nhật gồm cả một số người bị TQ coi là tội phạm chiến tranh
3- Trung Quốc đang chống phá việc Nhật Bản có thể  nhận được một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Lại xin lưu ý "Linh tinh màn bạc" họ Dương (một biệt danh nữa bọn tôi đặt cho bác Dương "Tàu" vì bác ấy tự nhận mình là A-lanh đờ Lá, em của minh tinh Alain Delon) chuyện bộ phim Việt Nam có tên "Hoa Đào" mới gây xôn xao gần đây. Thì chuyện XÔN XAO, PHẢN ĐỐI cũng chỉ đơn giản là phim về hoa đào mà đoàn làm phim lại dùng đào giả (xin xem: Giá như Hoa đào đừng…giả)
"Bỗng nhiên muốn...ÓI": Giá như bác Dương "Tàu" đừng... Tàu.
.
.
.

No comments:

Post a Comment