Friday, October 1, 2010

NGHÌN NĂM THĂNG LONG TA CHỢT HÓA TRUNG HOA

Lê Diễn Đức
01/10/2010 | 1:01 chiều

Hà Nội!
Giờ này trời Hà Nội đã là buổi sáng. Ngày 1 tháng 10 năm 2010.
Cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 61 quốc khánh Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
*
Vào buổi tối ngày 13/01/2008, một buổi lễ hội mang tên “Khoảnh khắc Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” đã diễn ra tại Đền Bà Kiệu. Chiếc đồng hồ lớn đếm ngược đã được khởi động và trong khung cảnh cờ hoa rực rỡ dưới ánh sáng đèn màu của kỹ thuật tin học-laser, cùng với sự ầm ĩ truyền thống, người ta tính còn 1000 ngày nữa là tới đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Một bài báo trong nước[1] ngày hôm sau tường thuật lại sự kiện đã lưu ý chuyện nhầm lẫn của ban tổ chức rằng, “từ thời điểm 22 giờ 6 phút ngày 13/01/2008 đến đại lễ 1000 năm Thăng Long, ngày 10/10/2010, thì phải là 1001 ngày nữa”.

Các tài liệu hiện có và giới sử học Việt Nam cho rằng, Chiếu Dời Đô hay Thiên Đô được Lý Thái Tổ ban hành vào mùa xuân năm 1010 và vào tháng 7 năm 1010 thì cho chuyển Kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội). Lưu truyền rằng, vào một buổi sáng đẹp trời, khi thuyền vừa cập bến, nhà Vua chợt thấy rồng vàng bay lên, do đó đã đặt tên Kinh đô là Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay).
Cho nên, tôi thấy sự nhầm lẫn không có gì đáng trách, kể cả cố ý, bởi vì người ta quen nói số chẵn cho một sự kiện nào đó. Tính còn lại 1000 ngày hay 1001 ngày không làm mất đi ý nghĩa của thời điểm 1000 năm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, bản tin trên đã làm cho rất nhiều người, nếu không nói rằng nhân dân cả nước, hiểu rằng, kỷ niệm Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội sẽ nhằm vào ngày 10 tháng 10 năm 2010.
Chọn ngày 10/10 lại có sự trùng hợp với kỷ niệm 56 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội: 10/10/1954 – 10/10/2010.
Thế nhưng, từ buổi tối 13/01/2008 tới nay đã có biết bao biến động xảy ra trên Kinh thành Thăng Long của triều đại cộng sản Việt Nam. Không thiếu những khoảnh khắc cả nước bị chính quyền đặt vào tình huống đã rồi, bất ngờ đến đau đớn, choáng váng, rồi uất nghẹn, tủi hổ và cay đắng vì bất lực. Ngược lại, những cơn địa chấn ấy cũng đã làm thức tỉnh lương tri nhiều người yêu nước trước số phận bất hạnh của dân tộc.

Trong cơn bão của toàn cầu hoá và nắm bắt được bản chất tham quyền, vụ lợi của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, người láng giềng phương Bắc không còn dùng giáo gươm, ngựa chiến hay xe tăng, đại bác, lấy thịt đè người để tràn ngập lãnh thổ Việt Nam nữa.
Vứt bỏ sách lược “súng đẻ ra chính quyền” của Mao Trạch Đông, Bắc Kinh áp dụng  chính sách bành trướng bằng xuất khẩu ồ ạt chủ nghĩa tiền là đức tin (mamonism – baijinzhuyi) với mục đích áp đặt một chủ nghĩa nô lệ mới (servilism) trên đất Việt!

Có cần liệt kê không vô vàn dẫn chứng mà dư luận xã hội, đặc biệt của giới trí thức, văn nghệ sĩ trong nước và các đảng viên cộng sản lão thành đã phổ biến công khai? Từ việc ngư dân Việt Nam bị tổn thất tiền của và sinh mạng, chịu  tủi nhục trước sự trấn áp, bắt bớ của tàu Trung Quốc mà nhà cầm quyền chỉ dám gọi là tàu “lạ”? Từ việc biểu hiện lòng yêu nước và chủ quyền với Hoàng Sa -Trường Sa được xem là hành động chống đối nhà nước và bị đàn áp, cấm đoán? Từ việc đất, biển, rừng đầu nguồn, khai thác tài nguyên khoáng sản, 90% các dự án trọng điểm – tổng thầu EPC… lần lượt êm ả lọt vào vòng tay khống chế của Trung Quốc?…

Và rồi, ngày trọng đại kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long, một cột mốc lịch sử của dân tộc với sự háo hức chờ đợi của toàn dân đã bị thay đổi đầy nghịch chướng: chọn đúng ngày quốc khánh Trung Quốc!
Tôi nghẹn ngào khi đọc bản tin của VnExpress ngày 27/09 thấy “Hà Nội vừa công bố kịch bản chi tiết lễ khai mạc đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long diễn ra sáng 1/10 tại vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh Hồ Gươm”.[2]
Tại sao lại có thể như thế?

*
Tôi biết Hà Nội từ khi còn bé. Khi tuổi lên 5, lần đầu tiên ba tôi cho dừng chân nghỉ lại nhà trọ bên Ga Hàng Cỏ vài ngày, được vào xem Vườn Bách Thú và ăn phở, trên đường về thăm quê Văn Giang (Hưng Yên), cách thủ đô chỉ hơn 10 cây số, nằm phía bên kia bến đò Thanh Trì trên sông Hồng.
Tôi ra Hà Nội tập trung đi học nước ngoài tại Đại học Kinh tế Kế hoạch, trở về nước sống trong lòng thủ đô giữa các bức tường của trại giam Thanh Trì và Hoả Lò gần hai năm, rồi ra tù, cộng thêm hơn một năm lưu trú nữa trước khi quyết định vào mưu sinh tại Sài Gòn.
Có nghĩa rằng, không những chẳng là người Hà Nội, với thời gian ngắm ngủi, tôi biết rất ít về Hà Nội!
Thời gian ở cố định một chỗ dài nhất của tôi tại Việt Nam là Sài Gòn, với gần 14 năm, đầp ắp kỷ niệm của cuộc sống lăn lộn và phiêu lưu. Không kém nhạc sĩ Đức Huy, một người nhờ “Cali trời mưa ít, không như Sài Gòn” mà không “khóc một dòng sông, một dòng sông dài”, tôi bùi ngùi mỗi khi nhớ đến Sài Gòn và con đường trở lại còn xa tắp, ngay trong bài hát của mình:
Nhớ! Ai hiểu hết nỗi nhớ nhà
Sài Gòn ơi, ta đã đi xa
Từng góc phố, từng mái nhà xưa
Hàng me khóc khi trời sang mưa!
Vậy nhưng, sâu nặng vấn vương hơn, với tôi, không phải Sài Gòn mà là Hà Nội. Bước ra khỏi nhà tù Hoả Lò với cái “Lệnh tạm tha”, trong những ngày khốn khổ và khốn nạn nhất, chui rúc, luồn lách để tồn tại, tôi đã yêu và được yêu trên mảnh đất này.
Hà Nội gắn bó với tôi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng máu của con tim và những ý tưởng ngông cuồng của tuổi trẻ!
Trong hoàn cảnh bế tắc, không có gì làm dịu tâm hồn bất ổn của tôi hơn bằng khung cảnh thiên nhiên dịu ngọt, bình an của Hà Nội.
Chỉ có ai không biết ngày mai mình sẽ ngủ ở đâu mà không phải đăng ký tạm trú, không bị công an hộ khẩu kiểm ra giữa đêm, không biết ngày mai tiền hết sẽ ăn chực ở nhà thằng bạn nào, lang thang giữa phố phường hay trong công viên Thống Nhất, ngồi ngắm sao trời nghĩ về thân phận, về một tương lai bất định, mới thấm hiểu và chia sẻ cùng tôi hình ảnh Hà Nội đã có một thời như thế. Nó đã mang đến cho tôi sự trầm mặc, tĩnh lặng để nghĩ suy, để mưu tìm và hy vọng. Hà Nội có cái đặc thù ấy, cả khi cuộc sống với bao tất bật lo toan, vội vã, thiếu thốn, thậm chí đầy khói lửa trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá…
Xa Hà Nội, nghĩ về Việt Nam là tôi nhớ đến Hà Nội. Hình ảnh Hà Nội trong niềm ký ức của tôi là những “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”, bên nhau thưởng thức ly trà mộc, nhâm nhi thanh kẹo lạc và hút thuốc lá cuộn Lạng Sơn. Hà Nội đồng nghĩa với sự lãng mạn, nhân văn của từng góc phố, những mái ngói rong rêu, với cây bàng lá đỏ trong các nhạc phẩm, đặc biệt của một người bạn tôi – nhạc sĩ Phú Quang: “Em ơi, Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùa hoa sữa, con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ, ai đó chờ ai, tóc xoã vai mềm…”,  hay: “Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya, không gian dạ hương sâu thẳm, (…) chỉ còn mêng mông hương hồ, hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ, từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau, chỉ còn hơi ấm mối tình đầu, anh đi có đôi lần nhìn lại, chỉ còn em còn em, còn em, im lặng đến tê người…”

*
Hôm nay tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi thằng bạn dân Hà Nội một trăm phần trăm về Lễ hội Nghìn năm. Nó bảo đọc bài của Đỗ Hoàng Diệu trên talawas rồi còn hỏi làm quái gì nữa. Tao ở nhà! Rồi nó nói, mày có biết Hà Nội đầy gái điếm rẻ tiền và nói ngọng không, nói “nè nưỡi nếm nòng nợn nuộc” ấy, xài iphone, ăn mặc thời trang “Made in China”, màu sắc chói chang cả mắt, phô “hàng” đến khiêu khích! Phiên bản của Hà Nội hôm nay đấy! Tao có cảm tưởng Hà Nội đã hoàn toàn biến dạng, hiện thân không phải trong cô gái điếm nói ngọng thì cũng là một ả lên đồng điên điên, khùng khùng. Lai căng, lố bịch, hài hước. Ngày Lễ Nghìn năm hả? Gặp đúng cơ hội may mắn, có thêm mớ tiền, ả ta thả sức bôi son, trát phấn, xức nước hoa rởm và đeo đầy mình đủ thứ trang sức vô giá trị, vô văn hoá, đã lố bịch càng lố bịch thêm. Đấy là tao không thèm nói tới chuyện Lý Công Uẩn bị người ta cho quay quẩn thể nào mà hệt như hành hương từ Trung Nam Hải về Thăng Long! Bốn ngàn năm ta lại là ta thì vẫn còn tốt chán! Mày thấy không, chỉ sau vài thập niên ta chợt hoá Trung Hoa mới đau!…

Tôi hỏi nó mày nghĩ gì về tấm hình đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe nói ông đang thập tử nhất sinh trên giường bệnh, phải thở bằng ống dẫn oxy, bị người ta dựng dậy mặc quân phục để bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị chìa ra cái giấy của Đảng và Nhà nước mời Cụ đi dự Lễ hội Nghìn năm, rồi chụp hình. Quảng cáo? Thằng bạn chửi thề và rít lên. Một lũ bỉ ổi! Tao đã nói rồi. Lố bịch, lố bịch và lố bịch. Ở đâu đâu cũng thấy những bản mặt dối trá và lố bịch! Mày nhìn mặt kỹ mặt Tướng Giáp xem tao nói có đúng không! Có cái triều đại nào trơ tráo, nhố nhăng, lố bịch và ngu xuẩn hết cỡ như thế trong lịch sử Việt Nam? Cần gì phải làm như vậy! Cứ như thể mặc quần áo để liệm Cụ vào quan tài!
Tôi biết nói gì đây? Ôi, Hà Nội nghìn năm ơi!

Ngày 1 tháng 10/2010
© Lê Diễn Đức & Talawas Blog
---------------------------------

.
Video khai mạc 1000 năm Thăng Long.flv
.
.
.

No comments:

Post a Comment