Tuesday, October 26, 2010

MỘT CỰU CHIẾN BINH QĐNDVN KHƯỚC TỪ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA TT NGUYỄN TẤN DŨNG

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-26

Mới đây một bức thư lưu hành trên mạng có nội dung thông báo khước từ chức vụ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ba nguyên nhân: Thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, và tham lam vô độ.
Mặc Lâm có cuộc trao đổi với tác giả bức thư đặc biệt này.

Vì sao?

Tác giả bức thư thông báo lạ thường này là một người dân tộc ít người, tên của ông là Vi Toàn Nghĩa, một nhà khoa học và cũng là cựu chiến binh lực lượng xe tăng của quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Bức thư ngắn thông báo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biết, công dân Vi Toàn Nghĩa chính thức từ khước vai trò lãnh đạo của thủ tướng và nhấn mạnh sự từ khước này chỉ dành riêng cho cá nhân ông Vi Toàn Nghĩa mà thôi. Theo nguyên văn bức thư thì sự từ khước này căn cứ trên ba lý do, thứ nhất Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thiếu đạo đức, thứ hai thiếu trí tuệ và thứ ba là tham lam vô độ.

Bức thư thông báo tuy ngắn ngủi và không nói gì nhiều như những bức kiến nghị khác nhưng mở ra rất nhiều câu hỏi cho người được đọc nó. Điều mà có lẽ nhiều người muốn biết nhất là nhân thân của tác giả.
Vi Toàn Nghĩa là ai mà có đởm lược như thế trong khi cả nước chưa bao giờ xuất hiện một loại hình chống đối chính quyền công khai từ một công dân bình thường như vậy?

Chúng tôi được chính tác giả Vi Toàn Nghĩa giải thích việc làm của ông như sau:“Cũng đơn giản thôi vì tôi đã có nhiều đơn thư gửi tới ông này rồi! Một người công dân cũng nên quan hệ với Thủ tướng. Chấp hành chỉ thị của Thủ tướng là nghĩa vụ của mình, nhưng những quyết sách của ông ấy không đúng thì mình nên ngỏ lời góp ý cho ông ấy, vì vậy tôi đã góp ý rất nhiều lần.
Trên báo chí của cánh phải, đồng bào của ta ấy mà, nước lạ nó bắt nạt nhiều quá rồi, có cả những cái đơn của người dân họ không biết ai là người bảo vệ họ nữa.
Họ kêu trên VietnamNet đề nghị giúp đỡ họ một tí để họ chuộc tàu, chuộc chồng con họ về thôi mà chính phủ mình không có một ý kiến gì cả,
đấy là cái thứ nhất thiếu đạo đức, đối với người dân trong nước mà còn không thương thì thương ai?”
Trong phần cáo buộc Thủ Tướng thiếu trí tuệ ông Vi Toàn Nghĩa dẫn chứng chính Thủ tướng ký quyết định 97 ngăn cấm trí thức góp ý công khai và muốn góp ý phải gửi thư riêng. Đây là điều mà tác giả bức thư cho là thiếu trí tuệ. Ông Vi Tòan Nghĩa cũng lấy kinh nghiệm bản thân mình ra so sánh, là người từng gửi cho Thủ tướng nhiều kiến nghị lẫn đơn tố cáo nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm.

Về điều thứ ba, Ông Nghĩa viện dẫn thông tư 61 để cáo buộc Thủ tướng chính phủ tham lam vô độ. Ông Nghĩa cho biết thông tư 61 quy định nâng cấp xe cho các ủy viên trung ương là hành động không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Ông Vi Toàn Nghĩa nhắc lại quyết định xây một khu chung cư cao cấp trươc đây cho cán bộ từ cấp bộ trưởng trở lên. Điều này cho thấy Thủ tướng Dũng là người không có cái nhìn viễn kiến và tỏ ra tham lam quá độ. Những quyết định này chủ yếu là yêu cầu cho bản thân ông trước khi cấp cho cán bộ dưới quyền.

Có phù hợp pháp luật?

Liệu những việc làm được xem là táo bạo này của công dân Vi Toàn Nghĩa có phù hợp với hiến pháp và pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay không?

Luật sư Tiến sĩ Trần Đình Triển cho biết: “Tôi cho rằng lời tuyên bố đấy của ông Nghĩa không chuẩn xác đâu. Trước hết anh là một công dân thì anh phải chấp hành luật pháp Việt Nam đã. Tôi không bàn tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xứng đáng hay không xứng đáng nhưng hiến pháp và luật pháp đã công nhận.

Khi đảng và nhà nước đã làm đúng trình tự của pháp luật và ông Nguyễn Tấn Dũng đã trúng cử, được bổ nhiệm làm Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì mọi công dân phải tôn trọng và phải chấp nhận. Bởi vì thông qua Quốc hội thì bản thân ông Nghĩa có những người đại biểu Quốc hội đã thay ông rồi, đó là luật pháp.
Hơn nữa đây không phải là đầu phiếu phổ thông, mà nếu như bầu phiếu phổ thông mà số phiếu của ông Nguyễn Tấn Dũng vượt quá 50% thì ông Nghĩa cũng phải chấp hành, thiểu số phải chấp hành đa số.”


Thái độ khước từ chức danh Thủ tướng của ông Vi Toàn Nghĩa dù sao cũng được xem là rất can đảm trong xã hội hiện nay, khi mọi phát ngôn đều phải đi vào khuôn phép nếu không muốn chuyện lôi thôi xảy đến cho mình và gia đình.

Khi được hỏi đã chuẩn bị tư thế sẽ bị nhà nước hỏi thăm hay chưa ông Nghĩa nói:
 “Hồi xưa tôi ngồi trong xe tăng mà còn sống tới giờ như vậy thì phải có nhiều người ủng hộ tôi chứ. Nếu mình nghĩ mà sợ thì có lẽ trách nhiệm công dân mình không ổn. Thực ra tôi chỉ làm công tác khoa học thôi. Đã đến lúc con cóc cũng phải mở mồm mà tôi không phải là cóc. Tôi viết văn thì kém lắm vì tôi là người dân tộc ít người.
Tôi là người Tày, cùng người dân tộc với bác Nông Đức Mạnh. Đã đến lúc mình không viết không được chứ tôi cũng chả muốn đâu. Đa đảng hay độc đảng tôi không cần, tôi chỉ cần dân chủ thôi. Nếu có dân chủ tuyệt đối thì đảng anh xứng đáng thì người ta chỉ cần một anh thôi, còn nếu đảng cộng sản tuyệt vời cho mọi người thì đố anh kêu gọi đảng khác lên thay đấy!”

Phải lắng nghe

Trong thời gian vài năm trở lại ngày càng có nhiều người công khai lên tiếng chỉ trích chính quyền, và người bị phản bác nhiều nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính quyền không hề lên tiếng hay có thái độ đối với những đơn thưa, kiến nghị này một cách công khai khiến nhiều người cho là đã có sự thay đổi sâu đậm trong hệ thống cầm quyền.

Luật sự Trần Đình Triển nhận xét:“Nếu đánh giá sự việc như vậy thì chúng ta phải đánh giá thật khách quan là đã thể hiện sự đổi mới hay chưa. Tôi cho rằng việc bắt bớ giam cầm một công dân hiện nay trên tất cả mọi lãnh vực cũng không phải là dễ bởi vì chúng ta đã hội nhập quốc tế, luồng thông tin nó rất đa chiều chứ nó không còn bưng bít nữa.
Tôi cũng cho rằng tất cả trí thức, hay luật sư hay bất cứ ai, họ lên tiếng đóng góp là một sự công khai, mà ý kiến người ta đúng thì phải lắng nghe chứ không thể dùng biện pháp chuyên chính để đàn áp được nữa, ấy là về hội nhập với cộng đồng kinh tế quốc tế. Thứ hai là ý kiến của trí thức thì chuẩn xác, hợp với lòng dân. Thứ ba, xã hội phải dân chủ dần để dân người ta nói tiếng nói mình phải lắng nghe.
Đúng thì nghe mà sai thì khuyên người ta và giải trình cho người ta, thậm chí dạy cho người ta biết việc này sai, góp ý thế này là không đúng.”


Riêng công dân Vi Toàn Nghĩa thì lập luận theo tư duy của một người dân bình thường như ông thừa nhận, ông chỉ ao ước làm cho xã hội tốt hơn và đặc biệt người lãnh đạo càng cao thì càng phải làm gương sáng:
 “Đây là những lời phát biểu của công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ không phải là phản động. Tôi cũng không biết người ta coi thế nào là phản động nữa. Tôi hỏi cả họ rồi nhưng họ không định nghĩa được. Tôi là công dân tôi phải làm đúng công dân. Tôi hỏi các bác ở trong bộ chính trị gồm 15 bác ở Bộ Chính Trị, gần 200 bác ở trung ương cố gắng sao chọn cho tôi một người để tôi làm gương tôi bảo con cái tôi chứ!”

Bức thư tuy ngắn nhưng mở ra khá nhiều câu hỏi. Tuy nhiều nhưng trọng tâm vẫn là làm sao để đất nước thoát cảnh đè nén bất công, nhất là san bằng vùng cấm đã và đang ngăn cách giữa người cầm quyền và dân chúng.

-------------------------------------


Vi Toàn Nghĩa
7-10-2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment