Friday, October 29, 2010

KÝ GIẢ TRIỀU GIANG với CHƯƠNG TRÌNH "500 LỊCH SỬ TRUYỀN KHẨU"

Hà Giang/Người Việt
Thursday, October 28, 2010

Những ngày đầu tháng 11 này, hội “Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt” sẽ đến miền Nam California, thực hiện 100 cuộc phỏng vấn, trong tổng số 500 cuộc phỏng vấn, cho chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu.” Ký giả Triều Giang, một thành viên của hội, tâm sự với Người Việt, rằng “lịch sử chúng ta, nếu chúng ta không nói, ai sẽ nói thay?” Người Việt giới thiệu bài phỏng vấn ký giả Triều Giang sau đây.

Một trang trong website của Hội “Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt.” (Hình: Người Việt)

-Hà Giang (NV): Chào ký giả Triều Giang, xin bà cho biết vài nét sơ lược về chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” (500 Oral Histories Project), và chuyến đi của bà về Nam California kỳ này.
-Triều Giang: “500 Lịch Sử Truyền Khẩu,” hay “500 Oral Histories Project,” do hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) thực hiện, là chương trình phỏng vấn 500 nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, để tìm hiểu những dữ kiện lịch sử, vẽ lại chân dung người Mỹ gốc Việt, cũng như những kinh nghiệm cá nhân của người được phỏng vấn về cuộc chiến Việt Nam, về hành trình đi tìm tự do, những nỗ lực và đóng góp của họ vào đất nước Hoa Kỳ.
Những cuộc phỏng vấn được thực hiện trong chương trình này sẽ được thu hình và chuyển ngữ, hệ thống hóa, rồi đưa vào website, in thành sách, và tương lai, sẽ được làm thành phim tài liệu với mục đích đưa vào các lớp học tại các đại học và trung học, làm tài liệu giảng dạy môn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (The Vietnamese American Culture and History), cũng như đưa vào các thư viện trên toàn Hoa Kỳ để phổ biến tới công chúng về nguồn gốc và lịch sử đầy đau thương nhưng cũng rất hào hùng của người Mỹ gốc Việt.
Nhân dịp về Nam California để triển lãm bộ sưu tập “Phụ Nữ và Trẻ Em Trong Chiến Tranh Việt Nam” tại nhật báo Người Việt từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 11, và sau đó tại Việt Báo từ ngày 7 đến ngày 10, hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) dự định sẽ phỏng vấn khoảng 100 nhân vật thuộc nhiều thành phần trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây. Ðợt phỏng vấn tại Nam California nằm trong chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” này.

-NV: Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt do ai sáng lập, được thành lập từ bao giờ và với mục đích gì?
-Triều Giang: Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt do 9 sáng lập viên, trong đó có nhiều thân hào nhân sĩ như bà Khúc Minh Thơ, Bác Sĩ Trần Văn Ðức, Dược Sĩ Trần Thị Tuyết v.v... thành lập vào tháng 10, 2004. Sáng lập viên trẻ nhất của hội năm nay 44 tuổi, và cao niên nhất ở tuổi gần 80. Mục đích của hội là để sưu tầm, gìn giữ, phổ biến và biểu dương lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt của chúng ta ở đây.

-NV: Trong bối cảnh nào và tâm tình nào mà ý tưởng lập hội đã được thai nghén, và từ bao giờ, thưa bà?
-Triều Giang: Vấn đề thai nghén thì cũng đã lâu năm lắm rồi, từ thuở mà các cháu tôi còn đi học trong trường học Mỹ, từ bậc tiểu học qua trung học, đến đại học, mỗi khi các cháu nó được học về lịch sử Việt Nam, hay là làm những “projects” về Việt Nam thì thường có những thông tin sai lạc trong trường. Giả dụ ngay từ thuở tiểu học thì cô con gái của chúng tôi mang về một bài nói là ở Việt Nam bây giờ là một “emerging country,” tức là một đất nước đang thay đổi để hội nhập, có tự do, phát triển hơn, và đời sống vui vẻ tốt đẹp là do ông Hồ Chí Minh là “cha già” của dân tộc, đem lại cho người dân. Chúng tôi là người tị nạn, phải bỏ đất nước mà đi, nên thấy điều đó không đúng, mà con mình thì lại phải học sách nhà trường, học những điều khác với thực tế, mà những hiểu biết của lớp trẻ thì chúng không nói được, nên cũng gây khó khăn cho lớp học và tâm lý của con cháu.

-NV: Bà có thể đơn cử một thí dụ cụ thể về sự khó khăn này?
-Triều Giang: Khoảng năm 1985, con gái chúng tôi, lúc đó học lớp Bảy, vào khoảng 12, 13 tuổi, phải làm một project kể về Việt Nam. Ðể giúp cháu, chúng tôi có kể cho cháu nghe về hành trình khó khăn 22 ngày trên biển của chúng tôi khi phải cùng với hai cháu nhỏ vượt biên năm 79, cho cháu biết tại sao mà ba mẹ con và nhiều người khác phải ra đi, cho cháu biết là đời sống ở Việt Nam không có tự do. Chúng tôi kể chuyện chúng tôi làm báo từ năm 1975, nên bị theo dõi, bị lục soát nhà, rồi đêm đến họ vây họ tìm kiếm, họ nghi ngờ cái gì không biết. Tôi có nói cho cháu biết hoàn cảnh một người phụ nữ với hai đứa con nhỏ, một đứa mới còn ẵm ngửa, họ cũng tìm đủ cách để kiểm soát mình, thì sách vở trong trường nói là người dân Việt Nam được sống tự do no ấm này kia thì không đúng, đại khái như thế.
Con gái chúng tôi làm bài theo chiều hướng những gì nghe được từ mẹ nó, thì cháu được điểm “Fail” (rớt), nên cháu về nhà khóc. Lúc đó tôi vào trong trường gặp cô giáo để hỏi là tại sao những điều cháu viết ra là sự thực, thì tại sao lại cho cháu điểm “Fail.” Cô giáo cháu giải thích là lúc mà bà ấy chấm bài, thì bà ấy cũng suy nghĩ lắm, có điều là những điều mà cháu viết ra không thể kiểm chứng được. Bà giáo của cháu cũng cho biết nhà trường dạy các em là khi các em viết bài thì phải dẫn chứng là điểm này đọc ở sách này, trang số mấy, tác giả là ai, điểm kia trích dẫn ở đâu, vân vân... Trong khi đó, những điều con tôi viết thì “không có ghi chú,” bắt buộc phải cho điểm như thế.
Cô giáo cũng nói là “no doubts” (không nghi ngờ) những điều con tôi viết ra là sự thật, nhưng điều duy nhất họ có thể làm là cho con gái tôi làm bài, theo đúng những gì có thể trích dẫn được thì mới không bị điểm “Fail.”
Sau đó, con tôi phải viết lại, đại khái trích dẫn tài liệu nhà trường, nhưng cũng không viết là người dân Việt Nam đang có tự do no ấm gì cả. Nói chung, cháu dẫn chứng những điều chung chung trong cuốn sách mà nó đọc được ở trường, nhưng chỉ dẫn chứng những điều mà nó cho là không trái ngược quá với những kinh nghiệm thật của gia đình.

Ký giả Triều Giang trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” tại vùng Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 7, 2010 vừa qua. (Hình: Trùng Dương cung cấp)

-NV: Hoàn cảnh phải lựa chọn giữa sự thật, theo kinh nghiệm thật của gia đình, và phải chọn viết theo sách của trường để khỏi bị điểm xấu, đã ảnh hưởng đến tâm lý của người học sinh 12 tuổi ra sao ạ?
-Triều Giang: Thoạt đầu con tôi buồn lắm, chúng tôi bàn luận với nhau nhiều về việc đó, và con gái tôi nói là “nếu fail thì con phải chịu, nhưng con đồng ý với mẹ là con không thể viết cái điều gì quá trái với sự thật.”
Việc này khiến chúng tôi suy nghĩ mãi. Người con trai lớn của tôi, anh của cháu gái, thỉnh thoảng đi học về nhà cũng than với tôi là, mẹ ơi hôm nay ở trường giảng thế này thế kia, nghe tức thật mẹ ạ. Rồi ba mẹ con lại than với nhau là mình không có gì trong tay để phản biện lại những tài liệu đó, thì cháu gái của tôi thốt ra câu: “Mẹ ơi mình phải làm cái gì,” “we have to do something to change it.” Thật ra tôi rất vui để chia sẻ rằng kinh nghiệm này đã khiến con gái chúng tôi, và bạn bè nó, luôn tham gia và giúp đỡ những công việc của mẹ như biên tập hộ những tài liệu mà chúng tôi dịch ra hay viết bằng tiếng Anh.

-NV: Bà có thể chia sẻ những thành quả đáng kể nhất của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt?
-Triều Giang: Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh là khi miền Nam Việt Nam mất thì tất cả sách vở của miền Nam trước năm 1975 bị đốt hết, thành ra lịch sử của Việt Nam không những có nhiều điều sai lệch mà còn có một khoảng trống. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã dồn nhiều nỗ lực để vận động với rất nhiều trường đại học.
Cũng do sự vận động của hội, mà Ðại Học Texas tại Austin lần đầu tiên đã cho giảng dạy môn học “The Vietnamese American Culture and History,” và môn học này trở thành một môn học bắt buộc cho ngành Cử Nhân Á Châu Học (Bachelor of Asian American Studies). Và vì sự thiếu thốn về tài liệu trung thực về môn học này, hội VAHF đã tiếp tục công việc của mình bằng cách thực hiện chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” với hy vọng cung cấp cho lớp học những tài liệu quý giá mà vì hoàn cảnh lịch sử chỉ còn có được trong trí nhớ của thế hệ cha anh. Ðây là một thành quả đáng khích lệ.
Một thành quả đáng nói nữa là hội được ủng hộ của “Liên Hội Sinh Viên Vùng Bắc Mỹ,” có 119 trường đại học làm hội viên, các em đã cộng tác trực tiếp vào công tác Oral History, đầu tiên là tổ chức gây quỹ được gần $60 ngàn, các em đóng vai trò phỏng vấn viên. Khi các em tham gia vào việc phỏng vấn thì các em trực tiếp học hỏi về lịch sử của Việt Nam, nên các em cảm thấy rất vui, thấy rất hào hứng.

-NV: Trở lại với chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu,” theo bà thì lịch sử truyền khẩu đóng vai trò gì trong việc viết sử, nhất là viết lại trang sử cho Việt Nam?
-Triều Giang: Theo tôi thì lịch sử “truyền thống” có tích cách khoa bảng, được viết lên bởi những sử gia, đi qua nhiều đợt gạn lọc, tuy nhiên khuynh hướng, lăng kính của họ cũng phần nào phản ảnh trong những trang sử họ viết, cho nên đôi khi lịch sử, nhất là khi do một bên viết, thì có khi rất sai lệch, thiếu sót, ngoài ra có khi còn bị sự chi phối của nhà xuất bản, có thể có điều được in hay không được phép in.
Trong khi đó, “Lịch Sử Truyền Khẩu” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc viết sử, vì nó sinh động hơn, phản ánh thiết thực hơn, vì nó đến từ những nhân chứng của lịch sử. Những nhân chứng này cảm thấy gì, trải qua điều gì trong cuộc sống thì họ kể lại như thế. Vì chúng tôi ghi sử bằng cách quay phim, cho nên người đọc sử có thể vừa nghe giọng nói, vừa nhìn nét mặt của người nhân chứng cho nên sẽ được lôi cuốn hơn.
Tôi thường hay dùng thí dụ là nếu 300 năm trước mình có kỹ thuật như ngày hôm nay mình phỏng vấn vua Quang Trung chẳng hạn, và nghe được ông nói về cuộc đại phá quân Thanh của ông như thế nào, thì chắc chắn là sẽ hấp dẫn hơn là chỉ được đọc những lời chép ngắn ngủi.

-NV: Ký giả Triều Giang gì muốn nói gì thêm với độc giả nhật báo Người Việt?
-Triều Giang: Hy vọng cộng đồng sẽ hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi muốn kêu gọi đồng hương là nếu đây là lịch sử của mình mà mình không nói ra thì ai sẽ nói cho mình? Lịch sử này là của chung những người Mỹ gốc Việt, cho nên ai có những điều gì muốn chia sẻ và đóng góp vào chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” thì có thể liên lạc với chúng tôi, ký giả Triều Giang - Nancy Bùi, tại số điện thoại (512) 844 9417 begin_of_the_skype_highlighting (512) 844 9417 end_of_the_skype_highlighting, hay qua địa chỉ email nancyốbui@sbcglobal.net, hoặc website www.vietnameseamerican.org.

Ðồng hương cũng có thể tiếp xúc với chúng tôi tại hai buổi triển lãm tại nhật báo Người Việt từ 2-6 tháng 11, năm 2010, và tại Việt Báo 7-10 tháng 11, 2010.
.
.
.

No comments:

Post a Comment