Friday, October 1, 2010

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG


Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
Ngày 27.09.2010, 08:28 (GMT+7)

SGTT.VN - Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 đang được lấy ý kiến đóng góp tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nhóm các chuyên gia nghiên cứu độc lập vừa hoàn thành báo cáo “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường Việt Nam theo yêu cầu của nghị quyết 48/NQ-TW" như một nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm hiện thực hoá mục tiêu.
Sài Gòn Tiếp Thị Online lược thuật một số nội dung của báo cáo, như lời dẫn cho một diễn đàn trao đổi rộng rãi về chủ đề này, và lần lượt giới thiệu những đánh giá và gợi ý chính sách cụ thể của nhóm nghiên cứu trong báo cáo này về vấn đề sở hữu đất đai, tài nguyên, khoáng sản; doanh nghiệp nhà nước; vấn đề quyền tự do kinh doanh và kiểm soát độc quyền; vấn đề xây dựng pháp luật kinh tế công. 

Sắp xếp lại quản trị quốc gia
Pháp luật dân sự, kinh tế đã tạo nền móng cho nền kinh tế thị trường phát triển ở Việt Nam, xu thế ấy đã trở thành không thể đảo ngược được. Song, nhiều thách thức mới đã xuất hiện. Và vì vậy, trọng tâm trong năm năm tới nên là sắp xếp lại quản trị quốc gia.
Theo báo cáo, thách thức lớn nhất của quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có định hướng là sự lúng túng về tư tưởng hoạch định chính sách. Khi chưa rõ về định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), các nguy cơ lạm dụng sự không rõ ràng này để tư nhân hoá các nguồn quyền lực và tài nguyên quốc gia là rất cao. Khi chưa rõ về chức năng điều tiết, can thiệp của Nhà nước đôi khi trở nên khó dự báo, làm biến dạng đáng kể môi trường kinh doanh. Thách thức lớn thứ hai là chưa có công cụ kiểm soát các lợi ích nhóm bao gồm giới kinh doanh và giới quan chức, các bộ ngành giữ quyền lực nhà nước. Rất nhiều công văn và chỉ đạo của các bộ ngành có nguy cơ bị thao túng bởi các lợi ích nhóm này. Kinh tế phát triển kéo theo những đòi hỏi mới về phân chia phúc lợi và công bằng xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống cũng như giữ gìn các nguồn tài nguyên cho những thế hệ mai sau. Gia nhập tổ chức Thương mại thế giới tạo thêm một sức ép cải cách, bởi lẽ cũng như toàn bộ nền kinh tế, các thể chế này buộc phải vận hành dưới môi trường cạnh tranh rộng lớn hơn, ngày càng mang tính toàn cầu.

Còn đó những giằng co
Trong khi đó, theo các tác giả, cả trên phương diện ban hành chính sách, quản lý hay xây dựng, thực thi pháp luật, ta đều còn đó những giằng co.
Điểm giằng co lớn nhất là cách hiểu không rõ ràng về định hướng XHCN đã tạo cơ hội cho một lực lượng đáng kể trong Chính phủ và các bộ thực hiện các chính sách can thiệp làm biến dạng thị trường, cạnh tranh bình đẳng khó xuất hiện, tạo cơ hội cho quá trình tư nhân hoá ngầm các nguồn tài nguyên quốc gia diễn ra trên diện rộng.
Chính phủ, các bộ và uỷ ban nhân dân các tỉnh trong nhiều lĩnh vực vẫn duy trì quản lý theo lối cũ, vẫn can thiệp mạnh mẽ vào môi trường kinh doanh thông qua các doanh nghiệp nhà nước và mệnh lệnh hành chính (ví dụ đối với xuất khẩu gạo, phân phối điện…), chưa chuyển dần quyền lực điều tiết cho cạnh tranh, vai trò của luật Cạnh tranh và thiết chế cạnh tranh còn rất yếu. Trong nhiều lĩnh vực đáng ra các cơ quan này phải can thiệp và điều tiết mạnh hơn (ví dụ bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn thực phẩm, định chuẩn), song quản lý nhà nước bị buông lỏng hoặc rất kém hiệu quả. Khuyết tật của thị trường tạo ra bất bình đẳng trong xã hội, phúc lợi được phân bổ không công bằng, khoảng cách giàu nghèo giãn ra nhanh chóng.
Trong xây dựng pháp luật, sự giằng co và lẫn lộn giữa quan niệm chính trị, ý thức hệ và nguyên tắc pháp lý đã dẫn tới những đạo luật có chính sách pháp luật không rõ ràng, tự mâu thuẫn và hạn chế hiệu lực lẫn nhau (ví dụ trong quy định về sở hữu toàn dân, doanh nghiệp nhà nước, vai trò của Nhà nước đối với nền kinh tế, thiết kế mô hình ngân hàng trung ương, xây dựng chính sách cạnh tranh và phá sản). Sự giằng co ấy làm cho thiết kế pháp lý cũng không rõ ràng, chưa bảo vệ tốt quyền tự do kinh doanh của người dân, chưa giới hạn và giám sát có hiệu quả quyền lực của Chính phủ, các bộ và uỷ ban nhân dân các tỉnh. Các cơ quan này, thay vì thực hiện cho tốt chức năng điều tiết, lại nhảy vào kinh doanh, đôi khi làm thay việc của doanh nghiệp (ví dụ bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn quốc tế), những hoạt động này không thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Toà án thiếu độc lập và thiếu chuyên nghiệp làm cho quá trình giải thích pháp luật, giám sát quy chế hành chính của Chính phủ, các bộ và uỷ ban nhân dân các tỉnh trở nên thiếu hiệu quả. Quốc hội, hội đồng nhân dân bán chuyên nghiệp và thiếu bộ máy trợ giúp thông tin làm cho quá trình giám sát sử dụng sở hữu quốc gia, nhất là giám sát sử dụng tài chính công trở nên khó khăn.
Hệ quả là tính tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp và người dân chưa cao. Thực thi pháp luật trở nên tốn kém và khó tin cậy.
Ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đã tăng đáng kể trong quá trình ban hành chính sách và pháp luật. Lợi ích của các tập đoàn kinh tế, của các cơ quan hành chính và đội ngũ công chức được bảo vệ còn các quyền của doanh nghiệp tư nhân và người dân, cộng đồng, người tiêu dùng, người lao động tuy đã được ghi nhận nhưng thiếu thiết chế thực thi. Ví dụ việc thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án mang tính thương mại đã diễn ra dễ dàng, bất lợi được dồn cho nông dân. Cũng như vậy việc xây nhà chung cư để bán có lợi cho công ty kinh doanh bất động sản, song nhiều quy định thiệt thòi cho người mua căn hộ. Những bất cân xứng thông tin này chưa được Nhà nước can thiệp để điều tiết một cách thoả đáng. Nhiều dấu hiệu cho thấy pháp luật dân sự, kinh tế đã nghiêng về bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh, mà chưa thực sự chú trọng đến lợi ích của cộng đồng và của những nhóm người yếu thế.

Không nên vá víu
Nhóm tác giả cho rằng trong thời gian năm năm tới không nên đẩy mạnh chỉnh sửa các văn bản pháp luật đã ban hành một cách chắp vá và thiếu tầm nhìn dài hạn. Những giằng co nói trên sẽ tiếp tục làm khó khăn cho các thiết kế pháp lý mang tính chuyên nghiệp về sở hữu, tự do cạnh tranh và phát triển các hình thức thị trường. Nếu được thiết kế thiếu chuyên nghiệp, khi triển khai trên thực tế, pháp luật tạo ra kẽ hở cho tuỳ tiện, bất bình đẳng.
Nhấn mạnh tới thực hiện pháp luật dân sự, kinh tế, trọng tâm trong năm năm tới nên là sắp xếp lại quản trị quốc gia.
Theo đó, sở hữu toàn dân vốn là một quan niệm chính trị, khi triển khai vào các khái niệm pháp lý, không giúp xác định ai có chủ quyền thực sự phải được chuyển thành sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương. Sở hữu quốc gia là đối tượng bất di, bất dịch, không thể mua, bán, chuyển nhượng và được bảo hộ đặc biệt. Sở hữu của chính quyền, ngược lại, có tính linh hoạt. Chính quyền có thể mua, bán, chuyển đổi, chuyển nhượng các đối tượng thuộc sở hữu của mình trên cơ sở bộ luật Dân sự.
Cần xác lập công bằng cho nông dân, sở hữu của họ đối với đất nông nghiệp phải được đảm bảo. Thu hồi đất chỉ có thể tiến hành bằng mệnh lệnh hành chính vì các mục đích an ninh, quốc phòng hoặc xây dựng giao thông. Trong tất cả các dự án chuyển đổi đất mang tính thương mại khác (ví dụ chuyển thành đất ở, đất kinh doanh bất động sản, khu du lịch, khu công nghiệp, sân golf), chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại đất của nông dân với giá thoả thuận.
Cơ quan quản lý nhà nước cần phải rút lui khỏi hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước cần được phân hoá thành hai nhóm, nhóm các công ty thương mại và nhóm các thiết chế công quản cung cấp dịch vụ công. Quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp này không nên dành cho các cơ quan trên mà nên trao cho các tổ chức quản lý công sản độc lập, có sự tham gia của cơ quan dân cử, giới kinh doanh. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, sau khi chuyển đổi thành các công ty thương mại, buộc phải từ bỏ độc quyền và chịu cạnh tranh, chịu sự giám sát khi bị niêm yết. Chỉ có kỷ luật khốc liệt của thị trường mới có thể giúp các tập đoàn sở hữu quốc gia hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời với sức ép của toàn xã hội đối với việc này, cần tăng cường giám sát chi tiêu công. Quốc hội và hội đồng nhân dân phải được tham gia sớm hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn vào quy trình ngân sách. Một cơ quan dân cử thực quyền phải chuyên nghiệp và nhận được sự uỷ nhiệm trực tiếp của người dân thông qua bầu cử. Môi trường cạnh tranh bị biến dạng đáng kể bởi sự can thiệp mang tính hành chính. Muốn thực hiện pháp luật dân sự, kinh tế một cách bình đẳng và công bằng bởi vậy cần phải có những cuộc cải cách thể chế hướng tới tính độc lập và chuyên nghiệp của cơ quan dân cử, toà án và các thiết chế giám sát xã hội khác.
Rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước mới có các năng lực cần thiết để thực thi các chính sách điều tiết, định chuẩn, bảo vệ các tài nguyên công cộng, môi trường sống và các lĩnh vực khác được gọi chung dưới tên gọi luật kinh tế công.

Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo:
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa,
PGS. TS Đặng Văn Thanh,
luật sư Trần Hữu Huỳnh,
luật sư Nguyễn Tiến Lập



Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường:
Ngày 28.09.2010, 12:00 (GMT+7)


SGTT.VN - Nói đến “sở hữu toàn dân” đương nhiên phải hiểu đó là quyền sở hữu chung của ít nhất tất cả mọi công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này, về mặt pháp lý, đòi hỏi phải tạo ra một cơ chế để tất cả mọi công dân (đồng sở hữu chủ) đều có quyền tham gia “định đọat” và “hưởng lợi” từ quyền sở hữu này.
Vậy, phải chăng Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu toàn dân? Và trong thời gian qua, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì đáng lẽ các cổ phần đó phải được phân chia đều cho tất cả mọi người dân chứ không chỉ “bán một phần cho cán bộ, công nhân viên”. Thực tế ở nước ta rõ ràng không phải và không thể như vậy.
Còn nói về “sở hữu nhà nước” thì sẽ có các câu hỏi đặt ra như: ai là nhà nước? (khái nhiệm “nhà nước” là một hệ thống các cơ quan và cấu trúc khác nhau chứ không phải là một cơ quan tập trung hay thống nhất); “nhà nước trung ương” hay “nhà nước địa phương”? và ai là đại diện cho chủ thể nhà nước? (phân biệt giữa cơ quan chính quyền, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp). Một khi không làm rõ các vấn đề như vậy thì sẽ dẫn tới một hệ quả là sự hành động “nhân danh nhà nước” bao gồm cả sự chồng chéo lẫn lạm dụng về thẩm quyền.
Hiện nay, một khi pháp luật giải nghĩa rằng “nhà nước là người đại diện sở hữu tòan dân” thì cần đi tiếp lập luận này, mà theo đó chúng ta lại vấp phải vấn đề khác. Đó là, cũng theo pháp luật thì chỉ có Quốc hội là người đại diện của nhân dân (tức đồng thời sẽ là đại diện của sở hữu toàn dân) chứ không phải các cơ quan chính quyền (tức Chính phủ, UBND các địa phương). Và trong trường hợp như vậy thì cần phải xác định rõ là cơ quan chính quyền (hay nói gọn hơn là “chính quyền” sẽ chỉ đóng vai trò là người quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà thôi.
Vì vậy, về phương diện chủ thể sở hữu, nên xem xét bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân” vì không có cơ chế thực hiện đồng thời không có ý nghĩa thực chất, mà thay vào đó xác định các chủ thể mới thay cho “toàn dân” và “nhà nước”. Cụ thể, đưa vào hai khái niệm mới là “sở hữu quốc gia” và “sở hữu của chính quyền” (bao gồm sở hữu của chính quyền trung ương và sở hữu của chính quyền địa phương như tỉnh, huyện và xã), coi đó là hai hình thức quan trọng nhất của sở hữu công cộng.
Khái niệm “quốc gia” không chỉ rộng mà còn sâu sắc hơn khái niệm “toàn dân”. “Quốc gia” bao gồm cả lịch sử của nhiều thế hệ con người Việt Nam sống trên lãnh thổ này (tức quá khứ), hiện tại (tòan dân) và tương lai (bao hàm sự phát triển). Quốc gia là phạm trù khái quát nhưng có thực, tồn tại lâu dài, không phụ thuộc vào người dân với tư cách các cá thể thuộc phạm trù có tí có tính biến động. Sở hữu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, là đối tượng bất di, bất dịch, không thể mua, bán, chuyển nhượng và được bảo hộ đặc biệt. Sở hữu của chính quyền, ngược lại, có tính linh họat. Chính quyền có thể mua, bán, chuyển đối, chuyển nhượng các đối tượng thuộc sở hữu của mình trên cơ sở bộ luật Dân sự.
Về phương diện đối tượng sở hữu, cần lưu ý rằng tài sản thuộc sở hữu “quốc gia”, “nhà nước” hay “toàn dân” không chỉ mang đến nguồn lợi mà còn là gánh nặng về tài chính và các nghĩa vụ khác đối với nhân dân, trước hết với tư cách là người đóng thuế. Vì vậy, vấn đề không chỉ là bảo vệ đối với các tài sản này mà còn là sự kiểm soát của nhân dân đối với sự gia tăng của nó (ví dụ sự đầu tư xây dựng công trình hay mua sắm của các cơ quan chính quyền cần phải bị kiểm soát trong các giới hạn theo luật định). Do đó, cần có cơ chế pháp lý để phân định, phân lọai, kiểm sóat sự gia tăng và biến động cũng như đặt ra các giới hạn về lọai cũng như quy mô giá trị đối với các lọai tài sả thuộc lọai hình sở hữu đặc biệt này.

Nhóm tác giả:
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa,
PGS TS Đặng Văn Thanh,
Luật sư Trần Hữu Huỳnh,
Luật sư Nguyễn Tiến Lập


Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường:
Ngày 29.09.2010, 18:31 (GMT+7)


SGTT.VN - Có lẽ không có quốc gia nào có bộ luật về quản lý đất đai đồ sộ và phức tạp như ở Việt Nam. Vấn đề ở chỗ đó không phải là tất cả pháp luật về đất đai (để điều chỉnh nó như là một loại tài nguyên, đối tượng sở hữu và tài sản của Bộ luật Dân sự) mà chủ yếu là các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước hay quản lý hành chính về đất đai, tức về thực chất xoay quanh bảo vệ các quyền và lợi ích của nhà nước với tư cách là “người đại diện chủ sở hữu (toàn dân) về đất đai”.
Xét về phương diện “sở hữu toàn dân về đất đai” có thể nêu một số vấn đề ở góc độ lý thuyết.
Thứ nhất, khi Hiến pháp ghi rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” thì cần coi đó là tuyên ngôn chính trị về sở hữu hơn là một chế định pháp lý. Đất đai nói chung, tương tự như không khí và ánh sáng là các yếu tố thuộc về môi trường sống tự nhiên, nên không thể là “tài sản” thuộc phạm trù sở hữu của luật Dân sự được. Thay vào đó, các “mảnh đất” hay “thửa đất” cụ thể mới là đối tượng của sở hữu theo pháp luật. Luật về đất đai của các nước, do đó, chính là luật về địa chính.
Thứ hai, khi tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân trên cơ sở Luật Đất đai năm 1980, Nhà nước đã tước đoạt về mặt pháp lý (một cách đơn giản và dễ dàng) toàn bộ sở hữu tư nhân về đất đai ở Việt Nam. Tuy nhiên, bởi “đất đai” và “thửa đất” (hay “mảnh đất”) thuộc hai phạm trù khác nhau, do đó, trên thực tế, quá trình quốc hữu hoá các “mảnh đất” và “thửa đất” cụ thể đã không xảy ra sau đó.
Nói cách khác, Nhà nước vẫn phải thừa nhận một thực tế khách quan là ai ở đâu (trên mảnh đất nào) thì vẫn ở đó. Có nghĩa rằng về mặt pháp lý, Nhà nước chỉ can thiệp vào hai khía cạnh của quyền sở hữu đất đai, đó quyền sử dụng và quyền định đoạt (chứ không tước đoạt hay giành lấy các quyền này). Theo đó, người dân (chủ sử dụng đất) muốn thay đổi mục đích sử dụng hay chuyển đổi, chuyển nhượng chủ quyền đối với các mảnh đất, thửa đất của mình thì phải xin phép và phải được sự đồng ý của Nhà nước.
Như vậy, động cơ của hành động “quốc hữu hoá” nói trên không phải nằm ở vấn đề quyền sở hữu mà ở chính sách của Nhà nước nhằm kế hoạch hoá một cách triệt để các quan hệ liên quan đến sở hữu đất đất đai.
Thứ ba, ngày nay, khi triển khai xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương kế họach hoá của Nhà nước đối với nền kinh tế và đời sống xã hội không còn nữa, dẫn đến chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai cũng mất hết ý nghĩa. Không những thế, việc tiếp tục duy trì chế định sở hữu này còn trực tiếp và/hoặc gián tiếp cản trở sự phát triển của nền kinh tế và quá trình làm giàu của người dân thông qua việc hạn chế người dân biến các mảnh đất, thửa đất của mình thành tài sản và/hoặc vốn đầu tư. Mặt khác, chế định này còn đã và đang gây ra các “lạm dụng” một cách công khai hay bí mật của tất cả các chủ thể liên quan đến sở hữu, sử dụng và kinh doanh đất đai, bao gồm cả chính các cơ quan chính quyền, qua đó, thay vì chuyển đất đai thành tài sản và vốn đầu tư để phát triển kinh tế và đời sống thì biến nó thành phương tiện đầu cơ để trục lợi bằng tiền bạc ngắn hạn.
Thứ tư, thông qua phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, một quá trình tư nhân hoá về sở hữu đất đai đã và đang diễn ra trên thực tế một cách không thể tránh khỏi, dẫn đến vô hiệu hoá chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
Như trên đã nói, “chủ sở hữu đất đai” luôn luôn tách rời khỏi người chiếm hữu và sử dụng đất. Nhà nước (là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai) cố gắng duy trì quyền sở hữu của mình bằng cách can thiệp vào quá trình sử dụng và định đoạt đất. Tuy nhiên, cách này đã và đang dần dần bị hạn chế và/hoặc khống chế bởi chính các yếu tố thị trường. Sự tác động của các quy luật thị trường (không chỉ bó hẹp trong nước mà còn bao gồm cả thị trường quốc tế và toàn cầu) gây sức ép làm phá vỡ các kế hoạch chủ động, và trên thực tế những năm vừa qua đã buộc các cơ quan Nhà nước thường xuyên phải thay đổi các quy hoạch phát triển kinh tế nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng đã ban hành.
Hơn nữa, các dự án đó lại được khởi xướng và quyết định bởi các lực lượng tư nhân, là đối tượng chắc chắn chủ yếu quan tâm đến tỷ suất thu hồi đầu tư và lợi nhuận, hơn là những mục tiêu quốc kế, dân sinh. Câu hỏi đặt ra là các cơ quan cấp phép đầu tư có thể từ chối cho phép các dự án đầu tư mang tính “gây sức ép” như vậy được không? Có thể, nhưng rất khó, bởi về mặt công khai, Nhà nước đang và luôn luôn đứng trước một sức ép khác còn lớn và có tính trực tiếp hơn, đó là nâng cao và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, lấy phát triển kinh tế để bảo đảm ổn định chính trị và xã hội.
Trở lại khía cạnh sở hữu về đất đai, vấn đề chính ở chỗ các dự án kinh tế có phải luôn luôn được triển khai như cam kết của nhà đầu tư hay không, để qua đó cơ quan Nhà nước vẫn bảo đảm được các quy hoạch và kế hoạch về sử dụng đất? Thực tế vừa qua, trong phần lớn các trường hợp rủi ro đối với triển khai dự án, các cơ quan quản lý Nhà nước lại khó có thể thu hồi mà thường sẵn sàng đồng ý để chủ đầu tư gia hạn sử dụng đất, chuyển đổi mục đích và/hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân khác. Đối với không ít dự án kinh tế, các quá trình gia hạn, chuyển đổi và chuyển nhượng lại có thể tiếp tục diễn ra thêm một vòng hay nhiều vòng nữa, để cuối cùng, các khu đất đã được cấp vẫn nguyên hình là “đất” trong khi các lợi ích của các chủ đầu tư liên quan vẫn được thu hồi đầy đủ, thông qua việc quay vòng kinh doanh và buôn bán cái gọi là “thương quyền” đối với đất đai.

“Sổ đỏ” thực chất có ý nghĩa gì?
Đối với đất ở dân sinh, “sổ đỏ” chỉ tái xác nhận “ai ở đâu vẫn ở đấy”, và do đó, người dân không thấy có ích lợi gì một khi nhận thức rằng đó là đất thuộc sở hữu của ông cha để lại hoặc đã bỏ tiền ra mua từ trước, nay để nhận được một “tờ giấy màu đỏ” lại phải nộp tiền và làm các thủ tục phiền hà. Nếu đất có “sổ đỏ” sẽ dễ dàng mua bán, chuyển nhượng hơn thì xét từ lợi ích của người dân, đó cũng chỉ là các thủ tục do chính Nhà nước đặt ra trong khi từ trước đó, họ vẫn giao dịch bằng giấy viết tay.
Trên thực tế, trong các giao dịch đất đai hiện nay, đặc biệt là đất ở, nếu đối với cơ quan nhà nước, khi tiến hành các thủ tục hành chính liên quan, chỉ cần dựa trên “sổ đỏ” được cấp cho các mảnh đất. Song, theo tập quán của giao dịch dân sự thì người dân vẫn hiểu rằng người đứng tên trên “sổ đỏ” chỉ là người đại diện cho các chủ sở hữu để tiếp nhận “sổ đỏ” mà thôi. Do vậy, khi tiến hành giao dịch, bên mua vẫn yêu cầu có sự đồng ý của tất cả những đồng sở hữu hoặc có quyền và lợi ích liên quan khác đối với mảnh đất. Trong trường hợp này, có thể thấy rằng các “yếu tố dân sự” được coi trọng và thực hiện triệt để hơn các “yếu tố hành chính”.
“Sổ đỏ”, một khi được cấp, đương nhiên sẽ tạo thuận lợi hơn cho bên cho vay tiền (nhất là các ngân hàng) tiếp nhận thế chấp đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp và các khó khăn lại xảy ra khi xử lý các thế chấp như vậy. Ngân hàng hay các bên cho vay hoàn toàn không dễ dàng phát mại tài sản thế chấp hay tiếp nhận quyền sử dụng đất thay thế bên vay, bởi phụ thuộc một loạt các điều kiện được pháp luật quy định về chủ thể, mục đích, hình thức và thời hạn sử dụng đất như đã nói ở trên.
Hàng loạt các “sổ đỏ” đã được cấp sau các nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý địa chính trong thời gian qua sẽ có thể phát huy tác dụng rất lớn cho đời sống dân sinh và đời sống kinh tế nếu nó thật sự là các “chứng thư về sở hữu” đối với đất đai. Tuy nhiên với tính chất chỉ là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như tên gọi của nó), trong khi quyền sở hữu vẫn nằm trong tay “người khác” thì tác dụng và ý nghĩa của nó đã bị hạn chế rất nhiều.

“Rào cản” đối với phát triển
Khi nói đến phát triển trong nền kinh tế thị trường tức là phát huy quyền tự do sáng tạo của người dân với tư cách là các chủ thể kinh tế. Theo đó, người dân cần phải có quyền tự do sử dụng các “mảnh đất”, “thửa đất” của mình như một phương tiện và/hoặc tài sản (hay vốn) kinh doanh. Nói đến “phương tiện” là nói đến tính linh hoạt và đa dạng về mục đích sử dụng. Còn nói đến “vốn” hay “tài sản” trong kinh doanh tức nói đến khả năng chuyển dịch đơn giản và thuận tiện để “quay vòng” làm tăng giá trị đồng vốn và tài sản.
Các khả năng này, rất tiếc đều bị cản trở hay hạn chế chính bởi cơ chế “sở hữu toàn dân”, trong đó điển hình là năm loại giới hạn về (i) chủ thể sử dụng đất (tức ai được giao đất hay thuê đất với các tiêu chí do cơ quan quản lý nhà nước quyết định), (ii) mục đích sử dụng đất (với các phân định rất chi tiết về các loại đất và hình thức pháp lý để có đất phụ thuộc vào mục đích sử dụng), (iii) quyền liên quan đến việc sử dụng (ví dụ quyền thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế v.v..), (iv) thời hạn sử dụng đất (được quy định phổ biến là 20, 30 hay 50 năm, trừ đất ở dân sinh), và (v) thủ tục hành chính nặng nề và phức tạp để chuyển dịch và chuyển đổi quyền sử dụng đất.

Lạm dụng trong quy hoạch và thu hồi
Trong thời gian qua, các “lạm dụng” trong lĩnh vực đất đai chủ yếu đến từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương. Sự “lạm dụng” xảy ra đặc biệt nghiêm trọng trong hai khía cạnh (i) quy hoạch sử dụng đất và (ii) thu hồi quyền sử dụng đất hiện hữu của người dân (nhất là nông dân) để xây dựng các dự án công nghiệp và thương mại.
Về mặt lý thuyết, quyền quy hoạch sử dụng đất đương nhiên thuộc chủ sở hữu đất. Vậy nếu chủ sở hữu là “toàn dân” thì nhân dân phải được tham gia xây dựng quy hoạch. Trên thực tế, nhân danh vai trò “đại diện chủ sở hữu toàn dân”, các cơ quan chính quyền nắm giữ toàn quyền và độc quyền trong việc lập và sửa đổi quy hoạch. Quá trình lạm dụng sẽ bắt đầu một cách “bài bản” khi có các nhóm lợi ích tư nhân từ phía các doanh nghiệp tham gia, thậm chí chi phối, dẫn đến hậu quả là quy hoạch không còn phục vụ các mục đích “quốc kế dân sinh” mà chỉ nhằm hỗ trợ các nhóm lợi ích tư nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua các dự án kinh tế cụ thể.
Ngoài ra, Luật đất đai và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã hợp thức quyền thu hồi đất của người đang sử dụng để phát triển các dự án kinh tế mà không tính đến tính chất và mục tiêu của các dự án này. Khác với nền kinh tế kế hoạch trước đây, trong nền kinh tế thị trường, hầu hết các dự án kinh tế được hình thành trên cơ sở các cân nhắc về lợi ích thương mại và vì động cơ lợi nhuận của cá nhân hoặc nhóm cá nhân các nhà kinh doanh. Một sự cần thiết hay nhất thiết phải phân biệt giữa dự án vì lợi ích công cộng (trong đó có lợi ích của chính những người bị thu hồi đất) và dự án vì mục đích thương mại thuần tuý đã không được tính đến khi ban hành các văn bản pháp luật về đất đai và đầu tư. Do đó, hậu quả của quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá thời gian qua là sự mất và giảm nghiêm trọng “đất trồng lúa” và biến hàng triệu nông dân thành “tay trắng” về phương diện tư liệu sản xuất. Sự “lạm dụng” đó có nguyên nhân từ một cơ chế tâm lý và pháp lý đặc thù hình thành từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

Nhóm các tác giả:
PGS TS Phạm Duy Nghĩa
PGS TS Đặng Văn Thanh
Luật sư Trần Hữu Huỳnh
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
.
.
.

No comments:

Post a Comment