Tuesday, October 26, 2010

HIỆN TÌNH BIỂN ĐÔNG ĐÒI HỎI MỘT NỖ LỰC TỔNG HỢP ĐỂ ĐỐI PHÓ TRUNG HOA

Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Văn Canh
Nhã Trân - NTHF
28.10.2010

Thời gian gần đây vấn đề chủ quyền Biển Đông trở nên sôi động và trở thành một trong những đề tài được nêu ra trên diễn đàn chính trị quốc tế. Nhã Trân, Trưởng ban Báo chí của Quỹ Nguyễn Thái Học, có cuộc nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Văn Canh, Tiến sĩ công pháp quốc tế, cựu chuyên viên Viện Nghiên cứu Chiến tranh – Hoà bình Đông Dương Hoover và cũng là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sự Vẹn toàn Lãnh thổ.

Nói về hiện tình Biển Đông, Gs Canh cho biết:

Gs Nguyễn Văn Canh: Cái phạm vi Biển Đông mà chúng cho rằng thuộc chủ quyền của chúng thì tôi không có cách nào biết được tọa độ. Nếu chỉ so sánh cái cửa bể của Vinh, giữa Hoàng Liễu với Cồn Cỏ của VN thì khoảng cách đó là 120 hải lý. Theo Hiệp ước mà hai bên [ký] chia đôi hồi năm 2000 thì mỗi bên một nửa, tức 60 hải lý. Nếu theo bản đồ "lưỡi bò", đo từ quận Tư Nghĩa ra đến vành đai mới do TC vẽ thì nó gần lại rất nhiều, như vậy sát vào bờ biển VN, khoảng độ 40 đến 45 hải lý. Tức là cái bản đồ "lưỡi bò" mà TC vẽ thì chiếm luôn cả thềm lục địa của VN, trái hẳn với cái thềm lục địa của VN hồi năm 1982.

Đầu thập niên 90 tướng lãnh của Trung Cộng tuyên bố rằng Biển Đông là quyền lợi sinh tử của họ và họ phải bảo vệ vì ở nơi đó có hải sản cũng như có những tài nguyên thiên nhiên bên dưới. Họ đã chuẩn bị quân sự để bảo vệ. Sang đến đầu thập niên 2000 người ta khám phá ra cái căn cứ Tam Á vào năm 2004, một căn cứ đồ sộ, trong đó có một hầm rất lớn chứa được 20 tàu ngầm nguyên tử loại 094. Loại tầu ngầm này có thể trang bị 12 hoả tiễn nguyên tử liên lục địa, bắn xa được khoảng độ 7 ngàn cây số, có tờ báo nói là bắn xa tới 10 ngàn cây số.

Chúng ta thấy có rất nhiều những căn cứ quân sự được Trung Cộng xây ở Trường Sa xuống mãi tận vĩ tuyến thứ 9, chưa kể đảo Hoàng Sa đã được Trung Cộng biến thành một căn cứ quân sự đồ sộ để chuẩn bị cho vấn đề phương Nam. Theo đó chúng ta thấy rằng đó là điều mà Trung Cộng chuẩn bị để mà bảo vệ cái mà chúng gọi là biển Nam Trung Hoa, biển của chúng.

Ngoài ra cũng cần lưu ý một điều, là Trung Cộng vẽ lại cái bản đồ Thái Bình Dương. Bản đồ đó có 2 phần. Phần thứ nhất là một chuỗi đảo từ Nhật Bản xuống Phi Luật Tân. Và một vành đai khác, bắt đầu ở Nam Dương, qua đảo Guam, rồi xuống tới tận Úc Châu. Đấy là cái mà Trung Cộng nói là để họ bảo vệ, phòng vệ viễn dương. Trong tình trạng như vậy Trung Cộng đã nới rộng lãnh hải của họ rất nhiều, và nói là để chúng bảo vệ cái mà chúng gọi là quyền lợi của chúng ở Biển Đông cũng như là ở cả Thái Bình Dương.

Nhã Trân: Động thái của một loạt hội nghị mới đây giữa các nước Đông Nam Á như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEA, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở New York, và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng cho thấy là ASEAN cũng như Hoa Kỳ ngày càng quan tâm về các tranh chấp ở vùng Biển Đông, lâu nay được biết với tên "biển Nam Trung Hoa". Gs có cho đây là biểu hiện đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với áp lực ngày càng gia tăng của Trung Hoa tại vùng biển này?

Gs Nguyễn Văn Canh: Đúng. Trung Cộng đã chính thức đuổi Mỹ đi, để làm bá chủ khu vực đó, loại Mỹ ra và khiến các quốc gia Hiệp hội Các nước Đông Nam Á lâm vào thế nguy kịch. Vì thế, các nước đã có sự đồng thuận với nhau, hợp tác với nhau để đối phó với vấn đề.

Vào tháng 3 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James James Steinberg và một ông Giám đốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Đông Nam Á của Hoa Kỳ đến thăm Bộ Ngoại giao Trung Cộng một cách chính thức. Trong buổi họp đó Thứ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Thôi Thiên Khải, với sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Dương Khiết Trì, có tuyên bố chính thức rằng bây giờ chúng tôi coi Biển Đông, tức là Biển Nam Hải mà Trung Cộng gọi là biển của chúng, là biển của Trung Cộng, và chúng tôi coi cái quyền lợi này là quyền lợi cốt lõi, cũng như cái quyền lợi ở Đài Loan, ở Tân Cương.

Như vậy Trung Cộng đã chính thức bảo cho Mỹ biết rằng Biển Đông là nhà của tôi, là biển của tôi, là lãnh hải của tôi. Từ nay trở đi anh đừng có can dự vào. Tàu thủy của anh đi ngang đó nếu không xin phép thì tôi sẽ đánh chìm. Và những dàn khoan dầu, của Mỹ hay của người nào đó đều sẽ phải dọn đi.

Những hành vi này của Trung Cộng đã xảy ra liên tiếp nhiều lần, đe dọa và gây khó khăn cho các công ty khoan dầu, và xác định chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông.

Hiện nay, khi mà Trung Cộng đã chính thức xác nhận chủ quyền của họ trên Biển Đông như vậy rồi, thì Mỹ làm gì đây? Hoặc là rút lui "vâng, thưa các ông Trung Cộng, ông bảo như vậy thì chúng tôi sẽ đi, chúng tôi sẽ cút đi". Hoặc là Mỹ phải phản ứng. Thì dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng Mỹ sẽ phản ứng.

Nhã Trân: Trong bản Tuyên Cáo Chung "Joint Statement" được đưa ra sau cuộc gặp hồi tháng Chín bên lề cuộc họp khoáng đại Liên Hiệp Quốc ở New York, ASEAN và Hoa Kỳ đã cùng xác nhận tầm hệ trọng của sự cộng tác và phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Họ nêu chủ trương tôn trọng nguyên tắc thương thảo và hòa bình đối với các tranh chấp chủ quyền.

Theo Gs thì Tuyên Cáo Chung này sẽ có tác động ra sao đối với chiến lược ngoại giao của ASEAN và Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông?

Gs Nguyễn Văn Canh: Sự cộng tác đó hết sức là quan trọng, vì họ dựa vào cái ground của Trung Cộng là Trung Cộng bây giờ xem Biển Đông, tức Biển Nam Hải, là quyền lợi cốt lõi của chúng. Những vấn đề mà các nước đang đối diện là gì? Thứ nhất là, Biển Đông là một nơi mà quốc tế cần được tự do lưu thông ở trên biển cũng như ở trên không, như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố. Khi mà Mỹ tuyên bố như vậy thì đó là điều quan trọng. Các nước được trông đợi là giải quyết vấn đề bằng cách thương thuyết với nhau. Mỹ đã nêu vấn đề đó trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng Bảy vừa qua, là, ở Biển Đông có hai phần tranh chấp.

Thứ nhất, Trung Cộng không thể giành cái quyền xem Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của chúng. Thứ hai là tranh chấp về đảo. Nếu tranh chấp về đảo thì Mỹ không bênh bên nào cả. Các ông cứ họp bàn với nhau, giải quyết với nhau, nhưng giải quyết trên căn bản hòa bình, thương thuyết với nhau, theo tinh thần mà các ông đã ký trong Tuyên Bố năm 2002, tuyên bố về những thương thảo hòa bình chứ không sử dụng vũ lực. Đấy mới là cái căn bản để mà giải quyết vấn đề này. Vào năm 2002 Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã ký với Trung Cộng là giải quyết hòa bình chứ không sử dụng vũ lực. Thì Mỹ đã nhấn mạnh điều đó. Đây là điều mà các quốc gia Đông Nam Á mong muốn. Đấy là cái nguyên tắc nêu ra. hội nghị mới đây ở Nữu Ước.

Nhã Trân: Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Hoa đã đồng ý, dựa trên Tuyên bố Ứng xử của các bên ở vùng biển Đông, là sẽ cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn liên quan. Thế nhưng, từ khi ấy đến nay Trung Hoa không ngừng phản đối chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Các nước Đông Nam Á bị khuyến cáo phải đàm phán song phương với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền biển đảo trong khu vực. Với tham vọng làm chủ ở Biển Đông, liệu Trung Hoa sẽ sử dụng mọi khả năng để phá tan chủ trương đoàn kết của ASEAN và Hoa Kỳ cùng các đối tác?

Gs Nguyễn Văn Canh: Đó là âm mưu của Trung Cộng. Nói về việc đàm phán song phương này, hồi đầu thập niên 90, Nam Dương đã kêu gọi sự thương thảo giữa hai bên. Một bên là Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á, lúc đó mới có 6 nước thôi, [đàm phán] với Trung Cộng. Trung Cộng đã không đồng ý, và kéo dài mãi tới năm 2002, bị áp lực mạnh quá mới đồng ý ký, nhưng với căn bản là sẽ thương thảo song phương với từng quốc gia chứ không cùng cả nhóm của tất cả các nước. Đó là một âm mưu. Trung Cộng muốn xé lẻ từng nước một để hối lộ cũng như dùng những biện pháp gây áp lực, đe dọa các nước kia.

Thành ra vấn đề đặt ra là, nếu tất cả các quốc gia gặp nhau để bàn với Trung Cộng về những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, tức quốc tế hóa vấn đề này, thì Trung Cộng không đồng ý, thế nhưng vì áp lực bên ngoài thì Trung Cộng phải theo bản Tuyên Cáo năm 2002 trong tình trạng bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ, nhưng vẫn dùng ngoại lệ là thương thảo song phương.

Nhã Trân: Trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), hồi năm 2007 Việt Nam đã đệ trình Liên Hiệp Quốc một đề xuất về chủ quyền đối với khu vực ở phía Đông Bắc Biển Đông, và cùng Malaysia đệ trình một đề xuất khác để đòi chủ quyền trên khu vực thềm lục địa mở rộng. Hai bản đệ trình này đều bị Bắc Kinh phản bác, với khẳng định rằng Trung Hoa có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với Biển Đông và các vùng biển lân cận, mà quốc tế được biết qua tên "Biển Nam Trung Hoa".

Xin được nghe nhận xét của Gs về lập luận "chủ quyền không thể tranh cãi" vừa nói của Trung Hoa, dựa trên lịch sử của vùng biển này?

Gs Nguyễn Văn Canh: Đó chỉ là lời tuyên bố của kẻ bá quyền mà thôi, vì không có một bằng cớ lịch sử hoặc pháp lý nào cho thấy Trung Cộng là chủ Biển Đông. Về điều này thì sau khi Việt Cộng nộp lên Liên Hiệp Quốc một hồ sơ về nới rộng thềm lục địa phía Bắc, và cùng Mã Lai nộp một hồ sơ về phần phía Nam vào năm 2009 – nới rộng thềm lục địa, theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc hồi năm 1982 thì mỗi quốc gia chỉ có 200 hải lý, rồi bây giờ được nới rộng thêm 150 hải lý để khai thác lòng biển.

Chỉ riêng cái việc 200 hải lý không thôi, thì Trung Cộng làm sao mà tính được 200 hải lý quần đảo ở mãi Trường Sa đến vĩ tuyến thứ 9, nơi đó Trung Cộng đã xây ít nhất là 9 căn cứ quân sự? Thành ra họ chỉ tuyên bố càn mà thôi.
 
Cái hồ sơ thềm lục địa đó là hồ sơ mới nộp, nói về mở rộng thềm lục địa ngoài [phạm vi] 200 hải lý đó, là thêm 150 hải lý nữa, để cho quốc gia có quyền khai thác cái lòng biển đó, thì Trung Cộng làm sao chứng minh được? Ngay cả phần Hoàng Sa, nếu tính từ ở đảo Hải Nam đi ra tới Hoàng Sa, thì vào khoảng 180 hải lý.

Nếu chỉ tính về mặt kinh tế không thôi, chỉ tính vào cái chiều dài không thôi, thì khác nhau. Nhưng đây lại là một vấn đề khác nữa, là vấn đề chủ quyền của VN về phương diện pháp lý, mà lịch sử đã phát hiện từ lâu về vấn đề này.

Theo tôi nghĩ, theo tôi đoan quyết thì Trung Cộng chỉ tuyên bố là chúng có chủ quyền trên toàn thể Biển Đông là vào hồi tháng Sáu vừa rồi, và Nam Dương đã tuyên bố rằng bản tuyên bố của Trung Cộng là vô giá trị.

Nhã Trân: Thời gian gần đây Bắc Kinh có trình bày một số dữ kiện lịch sử mà nhiều dư luận cho là bịa đặt, như Trung Hoa nói rằng họ đã từng khám phá ra quần đảo này, từng làm chủ đảo kia. Gs nhận định thế nào về các dữ kiện này?

Gs Nguyễn Văn Canh: Tôi có nghe, có đọc rất nhiều nguồn viện dẫn những tài liệu nói là từ đời nhà Tần hay nhà gì đó, từ thế kỷ thứ 2 hay thứ 3 gì đó. Đấy chỉ toàn là những tài liệu mà quốc tế công pháp không bao giờ chấp nhận. Tôi lấy ví dụ, vào năm 1994, Trung Cộng cử 2 học giả của họ sang Đài Loan để họp với 100 học giả Đài Loan, kêu gọi tất cả mọi người trên thế giới rằng nếu ai có bằng cớ gì là Trung Cộng từng làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì khi đó không có ai trình được bằng cớ nào cả.

Đến sau này Trung Cộng họ mới thỉnh thoảng nói là tờ báo này tờ báo kia cho hay rằng học giả này học giả kia kiếm được mảnh sành hay mảnh bát đĩa gì đó trên đảo này đảo nọ, chứng minh chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả những bằng cớ đó thì quốc tế không ai chấp nhận.

Nhã Trân: Tuy sự phản đối của Băc Kinh không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, Trung Hoa vẫn tiếp tục áp đặt việc kiểm soát lãnh hải của một số nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, truy đuổi sát hại bắt bớ giam giữ cướp bóc ngư dân Việt và nước khác.

Theo Gs thì việc chỉnh lại tên vùng biển này cho chính xác với vị trí địa lý, cụ thể là sửa tên "Biển Nam Trung Hoa" thành "Biển Đông Nam Á", có khả năng là một trong những yếu tố giúp ngăn chặn ít nhiều tham vọng bá quyền Biển Đông và âm mưu thôn tính khu vực của Trung Hoa?

Gs Nguyễn Văn Canh: Theo tôi thì việc đổi tên biển này, nếu được thành công, thì giúp cho các yếu tố liên quan đến chính trị hay tâm lý. Cái tham vọng bành trướng của chúng là cái tham vọng lớn quá đi. Vì thế, các quốc gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ngày nay, thấy là Mỹ chính thức trở lại và chúng ta thấy là trở lại một cách dồn dập và phô trương cả sức mạnh để chứng tỏ, thì Trung Cộng đã bớt hung hăng ngay từ lúc đầu, kể cả khi họp hội nghị an ninh khu vực ở Hà Nội mà Dương Khiết Trì đã hung hăng như thế nào, thì nay Trung Công đã có những hành vi rất là nhẹ nhàng.

Ở đây là vấn đề sử dụng sức mạnh để bảo vệ Biển Đông, là nguyên tắc mà Hoa Kỳ nêu ra, là tự do lưu thông trên biển, cũng như là tự do lưu thông trên không, và các quốc gia phải họp với nhau để đối đầu với Trung Cộng để giải quyết một cách hoà bình.

Nhã Trân: Chúng ta có hy vọng là quốc tế áp dụng được một số phương thức khác nhau để giải quyết vấn đề, ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh, và đem lại bình ổn cho khu vực Đông Nam Á?

Gs Nguyễn Văn Canh: Đó là điều ai cũng mong ước. Tất cả mọi công tác đều đóng góp hữu ích, dựa vào nhau để tạo một sức mạnh lớn. Có như vậy thì mới bảo vệ được cái quyền lợi của các quốc gia, nhất là của Việt Nam chúng ta.

Nhã Trân: Cám ơn Gs đã cho biết quan điểm của ông về vấn đề Biển Đông.
 
.
.
.

No comments:

Post a Comment