Thursday, October 28, 2010

GÓP Ý VỚI ĐẢNG : HÀNH ĐỘNG ĐỂ TIẾP TỤC GIỮ QUYỀN LÃNH ĐẠO (Bùi Quang Vơm)


Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc việc tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân cho văn kiện Đại hội XI. Trung ương đảng sẽ phải tập trung xem xét ý nguyện của dân và quyết định đổi mới hay không cho Đại hội XI.
Cũng như với Đại hội X, lần này, ý kiến đóng góp cho Đảng vẫn hết sức rộng rãi và sôi nổi. Đặc biệt, trên báo chí chính thống, có cả những đóng góp của những lão thành cách mạng, những đảng viên từng nắm giữ những vị trí chủ chốt, cao cấp của đảng và Nhà nước, những đại biểu Quốc hội.
Nhưng khác với Đại hội X, lần này, những đóng góp cho Đảng tập trung nhiều hơn, sâu hơn, với một mức độ mạnh hơn, trực diện và gay gắt hơn vào các vấn đề cốt tử như cương lĩnh chính trị của Đảng cộng sản, sự lựa chọn nền tảng tư tưởng, lựa chọn con đường đi lên của đất nước. Yêu cầu đảng phải đổi mới toàn diện và triệt để.
Đây chính là sự phản ánh ý nguyện đòi hỏi được xem xét lại vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội của Đảng cộng sản. Cương lĩnh chính trị mặc dù được gọi là « sửa đổi và bổ sung », bộc lộ một tư duy lạc hậu và trì trệ không đáp ứng tương xứng với nguyện vọng của toàn dân, không thích ứng với đòi hỏi năng động của thời đại kinh tế toàn cầu, không thể hiện tính linh hoạt trong một thế giới biến hóa hàng ngày. Không thể bằng một cương lĩnh lạc hậu như vậy mà lãnh đạo đất nước. Không từ bỏ hoặc thay đổi tận gốc cương lĩnh, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo đất nước.
Đảng cần phải nghiêm túc, khách quan, cầu thị xem xét lại mình. Với năng lực quản lý yếu kém, với tệ nạn tham nhũng đang tàn phá và tiêu hủy mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội, uy tín của Đảng đang biến dần và sẽ không còn nữa. Những kẻ đương chức và đương quyền, nhưng đang giàu lên nhanh chóng không ngờ chính là những tên phản bội và phá hoại Đảng.
Phải dũng cảm hành động. Phải thể hiện sự công tâm, vì lợi ích dân tộc trên hết. Phải trung thực, minh bạch. Thủ đoạn chính trị ám muội tự nó sẽ lộ diện, không thể che dấu được ai về lâu dài. Giành phần thắng bằng tiểu xảo lừa bịp sẽ tự hủy diệt.Trong quá khứ, đảng đã thắng các đối thủ của mình, đã chiếm được dân bằng sự giảo hoạt và tinh khôn, nhưng cũng chính những khôn ngoan đen tối lộ diện dần cùng thời gian đã phản bội đảng, đã lấy đi lòng tin của dân đối với đảng.
Cai trị xã hội bằng bạo lực sớm muộn cũng sẽ bị sụp đổ do những hậu quả đến từ bạo lực.

Những đóng góp cho Đại hội X đã bị Đảng bỏ ngoài tai. Cho đến dự thảo văn kiện cho Đại hội XI vẫn không có gì thay đổi. Vẫn chuyên chính vô sản để quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa. Vẫn chủ nghĩa Mác- Lê là nền tảng tư tưởng và kim chỉ Nam. Vẫn kinh tế Quốc doanh là chủ đạo và sẽ tiến tới chế ngự toàn xã hội khi hoàn thành giai đoạn quá độ, để quay trở lại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, tức là lại quay lại nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không có thị trường, không hàng hóa, không tiền tệ, không sở hữu, lại trở về nền kinh tế quan liêu, phục vụ cho đặc lợi của những kẻ có đặc quyền phân phát.
Nhưng theo dõi những ý kiến góp ý với Đảng lần này, người ta có thể nhận thấy rằng, nếu Đảng lại làm ngơ, giả câm, giả điếc, lại lừa bịp hay ngạo mạn khinh thường dân chúng như Đại hội X, thì không chỉ vai trò lãnh đạo của đảng sẽ không còn, mà ngay sự tồn tại của một chính đảng cũng có thể sẽ khó được chấp nhận. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhiều đảng cộng sản ở nhiều nước đã bị dân chúng đưa ra ngoài vòng pháp luật.

Vì vậy, với một tình cảm chân thành, tôi xin góp ý với lãnh đạo đảng, trước hết hãy can đảm làm một vài việc sau. Tôi tin nếu làm được, Đảng sẽ vẫn giữ được lòng tin của dân, vẫn xứng đáng là tinh hoa trí tuệ dân tộc, và như vậy sẽ vẫn giữ được vai trò lãnh đạo con tàu cách mạng Việt Nam :

1-     Tổ chức Trưng cầu Dân ý ( bỏ phiếu kín và trực tiếp) những vấn đề cốt tử đối với vận mệnh Quốc gia và lợi ích Dân tộc :
-         Tên nước : Tên gọi của một quốc gia là sự lựa chọn chế độ chính trị của một đất nước và là sự thể hiện ý nguyện của toàn thể Dân tộc. Tên gọi hiện nay:« Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » là tên do đảng cộng sản đặt ra, là lựa chọn chỉ của gần 3 triệu đảng viên của đảng, chiếm không đầy 3% dân số Việt Nam, không đủ để đại diện cho ý chí và nguyện vọng toàn dân. Sự xác nhận bằng lá phiếu trực tiếp của toàn dân, cho dù chỉ cần hơn 50%, cũng khẳng định tính chính danh của một thể chế chính trị mà Đảng chủ trương. « Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam » hay « Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam » sẽ do dân trực tiếp lựa chọn. Một khi nhà nước Xã hội chủ nghĩa đã được toàn dân thừa nhận, thì, nền « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa », « dân chủ xã hội chủ nghĩa », « nhân quyền xã hội chủ nghĩa », « tự do tư tưởng xã hôị chủ nghĩa », « luật pháp xã hội chủ nghĩa », « pháp quyền xã hội chủ nghĩa »v.v…sẽ đương nhiên trở thành chính đáng, công khai và minh bạch. Nhưng khi chưa có được sự xác nhận minh bạch đó thì cái tên gọi kia vẫn là một sự lập lờ vụng trộm. Danh không chính thì ngôn không thuận.
-         Vai trò lãnh đạo của Đảng : Điều 4 của Hiến Pháp hiện hành mới chỉ là sự áp đặt đơn phương của đảng. Nó đương nhiên được Quốc Hội thông qua, vì Quốc hội có tới hơn 90% đaị biểu là đảng viên cộng sản. Cũng như tên nước, nó không đại diện cho ý nguyện toàn thể dân tộc, vì vậy mới có quá nhiều kiến nghị bãi bỏ điều 4 này của Hiến pháp. Chỉ cần bằng trưng cầu dân ý để chính thức được toàn dân thừa nhận một cách công khai, minh bạch vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản, thì mọi cái khác sẽ trở thành tự nhiên. Danh chính thì ngôn thuận. Đã là lãnh đạo cao nhất thì đương nhiên đảng đứng trên Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội phải là ủy viên Bộ chính trị. Nhiệm vụ của Quốc hội là thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị. Quốc hội là ý chí, công cụ của Đảng, không phải ý chí và nguyện vọng của dân. Đã là người làm ra tất cả, thì đương nhiên, chính phủ, quân đội, cảnh sát, luật pháp,tòa án, Mặt trận v.v…đều là của đảng, do đảng tổ chức và chỉ nhằm phục vụ đảng. Đảng đã làm ra Luật thì đương nhiên đảng đứng ngoài và đứng trên Luật. Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là Chánh án hay Thẩm phán phải xử theo yêu cầu và chỉ đạo của đảng. Một khi điều 4 được thừa nhận qua trưng cầu dân ý, đảng có thể yên tâm hành xử một cách đàng hoàng.
-         Chính sách « bốn không », không liên minh quân sự, không làm căn cứ quân sự của nước khác, không chống lại Trung quốc và không dùng quân sự để bảo vệ dân đánh cá  trên lãnh hải của mình, mà cá nhân Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh gần đây nhiều lần một mình khẳng định cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng ngoài Nguyễn Chí Vịnh, chưa thấy một lãnh đạo nào khác tuyên bố tương tự. Báo chí chính thống không hề có bình luận, phân tích nào khác. Chính sách này hết sức nguy hiểm vì là chính sách tự trói mình và tự cô lập mình, tự tước bỏ các quyền tự vệ cuối cùng của một quốc gia, hoàn hoàn trùng khớp với ý muốn và mưu đồ của Trung quốc đối với Việt Nam từ xưa đến nay. Trung quốc vẫn thèm muốn cô lập Việt Nam, chia rẽ và vô hiệu hóa quân đội Việt nam. Trung Quốc sợ nhất là Việt Nam liên minh được với Mỹ và lo ngại nhất là tài năng quân sự của Việt Nam kết hợp được với vũ khí tối tân. Với chính sách «bốn không»này, Việt nam tự làm yếu mình, tự đưa mình vào tình thế bị Trung quốc bao bọc. Với lực lượng quân sự áp đảo của Trung quốc vẫn không ngừng bí mật tăng cường, Việt Nam sẽ vĩnh viễn không còn khả năng tái chiếm bằng sức mạnh, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và hòn đảo Gạc ma của Trường Sa, đã bị mất vào tay Trung quốc.Với thủ đoạn « làm mà không nói », Trung quốc sẽ âm thầm lấn chiếm dần toàn bộ biển Đông, và Việt Nam với chính sách « bốn không », sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn và chờ đợi đòi lại bằng « thương lượng hòa bình » và « tình hữu nghị anh em » ?.
Xét như vậy, đa số người dân Việt Nam không hiểu và không tin tính xác đáng của chính sách này. Vì thế, cần được đưa ra lấy ý kiến của toàn dân. Việt Nam cần hay không cần liên minh với nước khác tại sao phải thề thốt với ai ?. Nếu không có sự phê chuẩn của ý chí toàn dân, thì trách nhiệm thuộc về Bộ Chính trị đảng cộng sản, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Quốc phòng đương nhiệm và cá nhân Nguyễn Chí Vịnh.
-         Xác nhận uy tín và vai trò của Tổng Bí thư : trong chế độ độc đảng cầm quyền, vai trò của lãnh tụ đảng, người đứng đầu với quyền lực siêu tập trung có ảnh hưởng quyết định và trực tiếp vô cùng lớn đối với vận mệnh của đất nước và đời sống của nhân dân. Khác với các chế độ dân chủ, Tổng bí thư đảng chỉ có quyền và có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nội bộ của đảng, trong chế độ độc đảng hiện nay của Việt Nam, kết quả bầu cử dẫn đến một Tổng bí thư, trong chừng mực nào đó, có thể làm chậm sự phát triển của xã hội, thậm chí kéo lùi lịch sử. Nội bộ đảng có thể bè phái, có thể quân phiệt, độc đoán hoặc tranh giành quyền lợi. Quyền lực trong đảng nhiều khi không nằm trong tay kẻ có tài có đức, có lòng yêu nước, thương dân. Nhưng tất cả những nguy cơ đó, nhân dân, dân tộc, đất nước và lịch sử may nhờ, rủi chịu.
Tổng bí thư có thể có uy tín trong đảng, nhưng chưa chắc có uy tín trong dân. Mà việc thực thi quyền hạn của Tổng bí thư trong các hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước cần phải có chính danh. Vì vậy, trước khi đảng bầu Tổng bí thư, cần tổ chức trưng cầu dân ý, như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho các ứng cử viên.
Bằng cách này sẽ không có những Tổng bí thư kiểu Nông Đức Mạnh, một sự lãng phí cơ hội và thời gian của đất nước.

2-     Trung lập hóa và phi chính trị hóa những tổ chức, cơ quan có tính Dân tộc :
-         Quốc Hội , Mặt trận Tổ quốc, Bộ Quốc phòng, Bộ công An, Bộ Tư pháp, Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát Tối cao.. phải là những cơ quan không được phép có tính đảng.
Người lãnh đạo cao nhất của các tổ chức, các cơ quan này không được phép là  đảng viên. Nếu đã được bầu thì các cá nhân này phải tuyên thệ xin ra khỏi đảng và chỉ trung thành với lợi ích dân tộc. Bởi vì nếu là đảng viên, thì điều lệ đảng là quy tắc cao nhất, nghị quyết của đảng là quyết định cao nhất. Quyền lợi của đảng là quyền lợi trước nhất và cao nhất. Trong trường hợp lợi ích của Đảng đi ngược lại lợi ích của dân tộc, cá nhân lãnh tụ đảng phản bội tổ quốc thì sẽ ra sao ?
Nếu không đảm bảo được nguyên tắc này, Đảng sẽ luôn bị chịu tiếng tước đoạt công cụ bạo lực của toàn dân, biến sức dân, tài sản, tài nguyên đất nước thành tài sản và công cụ chính trị của đảng. Đây là điều hết sức nguy hiểm cho uy tín và tính chính nghĩa của Đảng, hoàn toàn không có lợi cho một đảng cẩm quyền.
Quốc hội nếu do một ủy viên do Bộ chính trị phân công làm chủ tịch, thì về mặt danh chính, Quốc hội không còn là đại diện cho tiếng nói của toàn dân nữa. Và mọi chuyện dân chủ chỉ còn là những lời nói suông, bầu cử, biểu quyết …chỉ là những trò hề lừa bịp. Người ta không còn tin vào Quốc hội. Nghĩa là luật pháp do Quốc hội ban hành không có hiệu lực theo ý nghĩa tự giác. Quyền lực và hiệu lực quản trị xã hội của Đảng vì thế không còn sức mạnh. Bắt buộc đảng phải quản trị bằng cưỡng chế. Uy tín của Đảng sẽ vì vậy mà mất dần và mâu thuẫn xã hội sẽ âm ỉ bùng phát, tiến tới từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Mặt trận Tổ quốc do một ủy viên trung ương đảng được chỉ định làm chủ tịch cũng biến Mặt trận thành con rối trong tay Đảng, không đại diện cho dân tộc, gây mâu thuẫn giữa thiểu số lãnh đạo là người của đảng với đa số thành phần khác ngoài đảng. Phân hóa và chia rẽ các tầng lớp nhân dân trong xã hội, chia rẽ và phân hóa các xu hướng xã hội, các sắc tộc, các tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu cứ giữ nguyên cách thức tổ chức này, sẽ không thể huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc trong tình huống cấp bách của Tổ quốc. Đảng chỉ có 3 triệu đảng viên. Nhưng nước Việt Nam có gần 90 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau. Danh sách đại biểu của dân không thể là danh sách do Đảng thiết kế và lựa chọn trước.
Quân đội, Công an, Tòa án…nếu phải tuyên thệ trung thành trước hết với Đảng cũng sẽ hủy hoại uy tín của Đảng. Bởi vì Quân đội là lực lượng bảo vệ Tổ quốc, Công An và Tòa án là công cụ bảo vệ luật pháp và công lý, không phải là công cụ bảo vệ của riêng Đảng. Làm như vậy hóa ra là Đảng cướp đoạt, cưỡng chiếm của dân tộc hay sao ?. Nếu lúc nào đó Đảng trở nên tồi tệ, sa đọa, thì chả lẽ quân đội sẽ đầu hàng xâm lược, công an và tòa án sẽ quay lại đàn áp nhân dân ?
Và Đảng cũng nên hủy bỏ kỹ thuật tiêu hủy cạnh tranh chính trị bằng cách lập trước hội đoàn do đảng lãnh đạo ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi hoạt động xã hội, với nguyên tắc chiếm chỗ và lấp đầy khoảng trống, để có thể từ chối cấp giấy phép bằng lý do«đã có hội». Bằng cách này, Đảng tiến hành tiêu diệt mọi mầm mống khác biệt tư tưởng, khác biệt chính trị thông qua tư do hội đoàn. Việc làm này thể hiện Đảng nói và làm không giống nhau. Trong hành động, kể cả những việc vặt Đảng đã không loại trừ những thủ đoạn nhỏ nhất và thiếu danh dự nhất. Trong khi tiêu chuẩn của một đảng cầm quyền là minh bạch và trung thực.

3-     Thay đổi Quy chế bầu cử :
Bản chất của thực thi dân chủ được thể hiện chủ yếu ở quy chế bầu cử.Tính chất dân chủ trong bầu cử lại được đảm bảo chủ yếu ở quy chế giới thiệu người ứng cử và hình thành danh sách ứng cử viên.
Đảng hô hào mở rộng dân chủ, Đảng mong muốn một  chế độ sinh hoạt thực sự dân chủ trong đảng cũng như trên toàn xã hội. Đó là một mong muốn chính đáng và đã có từ lâu. Nhưng tại sao, bao nhiêu kỳ Đại hội rồi, vẫn chẳng có gì thay đổi. Kể cả những cố gắng tưởng như cách mạng là thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy và tiến tới bầu trực tiếp Tổng bí thư ?. Đại hội đảng các cấp sắp kết thúc nhưng không có gì mới xuất hiện. Các cơ sở, các cấp ủy địa phương đang có nhiều bê bối và đơn thư tố cáo nhất, nhiều tiêu cực, tham những nhất thì bí thư vẫn tái đắc cử với số phiếu tập trung. Lê Thanh Hải vẫn tái đắc cử bí thư thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình. Nhân vật này nổi tiếng tham nhũng và có một cuộc sống vua chúa sa đọa, Bộ chính trị đã từng có chủ trương thay thế từ giữa tháng 3 năm 2008, nhưng không biết vì lý do gì, ý định này không thực hiện được, rồi cứ chìm dần, và bây giờ lại tái đắc cử. Điều này phản ánh quy chế hiện hành bất lực trước tiêu cực.
Gốc rễ của vấn đề không nằm trong việc bỏ phiếu như thế nào, mà là bỏ phiếu cho ai, cho những ai, tức là quy cách giới thiệu, và hình thành danh sách những người ứng cử được lựa chọn để đưa ra bỏ phiếu.
Nếu danh sách những người được đưa ra bỏ phiếu vẫn do người đứng đầu cấp ủy cũ quyết định, hoặc do một tiểu ban tuyển chọn giới thiệu, nhưng vẫn do bí thư hoặc tổng bí thư đương nhiệm ký duyệt phê chuẩn, thì không thể có đổi mới, không thể có bứt phá, không thể chống tiêu cực. Bí thư hay tổng bí thư đương nhiệm là người nắm toàn bộ vận mệnh chính trị của hệ thống, nắm toàn bộ quyền phân phát quyền chức và bổng lộc của toàn hệ thống. Vì vậy, việc tổ chức hệ thống thành một equipe hoàn toàn trung thành với cá nhân mình là một việc không khó khăn và thực tế đã trở thành chuyện tự nhiên.
Người giới thiệu, đề cử người khác cho vị trí bí thư hay người ngoài danh sách dự kiến được hiểu là người không tín nhiệm bí thư cũ hay tập thể lãnh đạo cũ. Cũng có nghĩa là người không cùng cánh. Và sẽ là đối tượng bị gạt bỏ, loại trừ ngay sau khi đại hội kết thúc. « Ngậm miệng ăn tiền » là giải pháp khôn ngoan, ngay cả khi tình trạng tham nhũng hay trình độ yếu kém của lãnh đạo cũ bộc lộ không thể chối cãi. Vì vậy, đổi mới chỉ đến từ bên ngoài Đảng. Trong nội bộ đảng, nhất là nội bộ một cấp ủy, bao giờ cũng « trong sạch », và ban lãnh đạo bao giờ cũng «  sáng suốt », « gương mẫu » và « hoàn toàn có uy tín để tiếp tục lãnh đạo ». Bản chất của « tình đoàn kết » và « sự nhất trí cao» trong đảng là nỗi sợ hãi bị khủng bố, trừng trị, trả đũa sau đại hội.
Vì vậy, tính chất dân chủ thực sự nằm ở chỗ tạo ra quy chế thật sự dân chủ trong việc đề cử ứng cử viên cho vị trí bầu cử.
Giới thiệu, đề cử hay ứng cử vào vị trí cao nhất của cấp ủy, tức là vị trí bí thư đảng bộ, hay vị trí Tổng bí thư đảng, phải được tổ chức công khai, trực tiếp bằng bỏ phiếu kín tại đại hội toàn thể, không có bất kỳ một gợi ý nào trước của cấp ủy cũ và không giới hạn số lượng. Đại hội sẽ lựa chọn dần theo nguyên tắc loại dần từng đợt 50% từ dưới lên cho đến khi chỉ còn hai ứng viên. Trước khi bầu quyết định lần cuối, hai ứng viên phải thực hiện tranh cử bằng công bố chương trình hành động của mìnhvà phải chịu đối chất công khai.
Bầu ban chấp hành cấp ủy, ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị, cấp ủy cũ chỉ được phép giới thiệu không quá 1/3 số ứng viên. Số còn lại sẽ do Đại hội toàn thể đề cử theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, không
có gợi ý trước và hạn chế số lượng. Danh sách sẽ chốt theo nguyên tắc loại dần từ dưới lên trên.

*

Trong rất nhiều những việc cần làm để cứu vớt uy tín của Đảng, níu kéo và khôi phục lòng tin của nhân dân, tôi nghĩ ba việc nêu trên là những việc cần làm ngay.
Nếu Đảng vẫn nhân danh trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục sử dụng công cụ chuyên chính vô sản để độc chiếm quyền lực chính trị, tiêu diệt tự do tư tưởng, cấm đoán phản biện xã hội, nuôi dưỡng tham nhũng, Đảng cộng sản sẽ không còn chính nghĩa, sự sụp đổ vai trò lãnh đạo là không thể tránh khỏi.
Không có cạnh tranh chính trị, không có tự do tư tưởng, không có phản biện xã hội, không có báo chí và tòa án độc lập, không có Quốc hội và Mặt trận trung lập sẽ không có nhà nước pháp quyền, không còn ai giám sát chính phủ, sự lũng đoạn quyền lực, gốc rễ của tệ nạn tham nhũng là hậu quả tất nhiên và vô phương cứ chữa.
Quyền lực tuyệt đối, không bị kiểm soát, đứng ngoài và đứng trên pháp luật đã tạo ra một tầng lớp cường hào mới, tham lam, tàn bạo và vô đạo đức, vừa phá hoại đất nước, vừa là người đào mồ chôn đảng. Những gì mà họ tước đoạt của dân sẽ có ngày họ phải trả lại. Người dân không quên, sẽ không quên và không bỏ sót một ai. Cải cách ruộng đất mà đảng từng làm cũng là như vậy.
Hoàn trả đầy đủ quyền của dân về cho dân là một đòi hỏi không thể lẩn tránh, một xu thế không thể đảo ngược. Độc chiếm chính trị là một loại thủ đoạn man rợ và hoang dã. Hoang dã, mông muội của tư duy dẫn đến sự man rợ của tội ác. Ác giả ác báo. Không ai nắm được tay cả ngày đến sáng.
Đảng chỉ giữ được vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam bằng cách tạo dựng lại uy tín. Hãy loại trừ những mụn ghẻ trên thân thể của Đảng. Hãy đi đúng con đường mà dân tộc lựa chọn. Hãy đi đúng cách mà nhân loại đã đi và đang đi. Chỉ cần công tâm, trung thực và can đảm.
Đại hội XI liệu có là Đại hội của niềm tin và hy vọng không ? Ai trong số những tinh hoa của đảng sẽ trở thành bất tử ?
Nếu Nguyễn Phú Trọng hoặc Tô Huy Rứa trúng Tổng Bí thư, đất nước này sẽ tiếp tục chìm sâu trong khốn nạn. Nhưng nếu Nguyễn Tấn Dũng đắc cử Tổng Bí Thư thì giới trí thức, các học giả, rộng ra là trí tuệ Việt nam sẽ chết. Và nếu Nguyễn Chí Vịnh và Nông Quốc Tuấn vào ủy viên Trung ương và Bộ chính trị thì rất có thể, nước Việt và tiếng Việt không còn.
27/10/2010
Bùi Quang Vơm
.
.
.

No comments:

Post a Comment