Friday, October 29, 2010

CHỈ TRONG 18 NGÀY ĐỒNG VN MẤT GIÁ SO VỚI ĐỒNG USD LÀ 3,4%

BS Hồ Hải
Thứ năm, ngày 28 tháng mười năm 2010

Câu chuyện đình đám về Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn vật rồi cũng qua đi. Làm đại lễ là để quảng bá hình ảnh thủ đô. Một việc làm rất nên làm, vì nó là một giá trị vô hình. Có nhiều nguồn tin nó làm tiêu tốn khá nhiều tiền, nhưng chưa có thông tin nào cho thấy là đúng sự thật. Nhưng tiêu tốn để làm nên một giá trị vô hình và có thu nhập về du lịch và các dịch vụ đi kèm cũng không nên là điều đáng bàn luận ở đây.

Điều đáng quan tâm ở đây là hôm ngày 01/10 bắt đầu đại lễ thì tỷ giá đồng USD mua vào và bán ra ở thị trường chợ đen là khỏang 19.630 - 19.650VNĐ/USD. Nhưng ghi nhận đến 12h3o' PM hôm qua ngày 28/10/2010, sau đại lễ đúng 18 ngày giá thị trường chợ đen là như thế này: 20.280 - 20.320VNĐ/USD. Chỉ trong 18 ngày đồng Việt Nam mất giá so với đồng USD là 3,4%.

Người ta bảo một trong những nguyên nhân lạm phát là lượng tiền mặt quá lớn còn lưu thông trên thị trường. Cho nên hầu hết phương cách sơ đẳng nhất để chống lạm phát và chống phá giá đồng tiền lạm phát là đưa ra chính sách siết chặt tiền tệ. Có nghĩa là thu gom tiền vào trong ngân hàng để lượng tiền trong thị trường giảm xuống, người dân sẽ thiếu tiền trao đổi, thì sẽ chống được lạm phát.

Mặc dù hồi tháng 5/2010, quốc hội đã nới chỉ tiêu lạm phát trong năm 2010 lên 8% so với yêu cầu ban đầu. Nhưng chỉ trong 18 ngày đồng Việt nam phá giá đến 3,4%, trong khi cách nay 8 ngày theo Thông tấn xã Việt Nam thì đang có thông tin FED sẽ nới lỏng đồng USD để tung ra thị trường hòng làm mất giá đồng USD so với đồng Yên của Nhật, Yuan của Trung Quốc trong cuộc chiến tiền tệ, và trên thị trường thế giới đồng USD đang giảm giá thấp nhất trong vòng 15 năm qua so với đồng Yên. Và cũng trên TTXVN, ông Võ Trí Thành, viện phó Viện nghiên cứu kinh tế Trung Ương vẫn cho rằng khả năng mất giá đồng Việt Nam rất nhỏ! Nhưng sao chỉ 18 ngày sau đại lễ thì đồng Việt nam mất giá so với USD đến 3,4%?

Tôi thì không học về kinh tế, nhưng cũng võ vẽ một ít kiến thức chung chung là còn nhiều nguyên nhân khác làm đồng Việt nam mất giá như: thiếu nguồn cung USD cho doanh nghiệp nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu cao, chính sách phá giá đồng tiền để phục vụ xuất khẩu, v.v... Nhưng không hiểu tại sao thời điểm mất giá đồng Việt Nam so với USD lớn nhất trong năm lại nhằm vào chỉ vài ngày sau đại lễ Thăng Long? Đợt mất giá này còn cao hơn đợt phá giá chủ động của ngân hàng nhà nước vào giữa tháng 8 năm nay. Nhưng tôi chưa thấy báo đài hay nhà kinh tế lỗi lạc nào đưa ra nguyên nhân mất giá đồng tiền đợt này trong năm, chỉ thấy nói lòng vòng, chung chung.

Nếu với cái kiểu thế này thì cuộc chiến tiền tệ giữa Trung Quốc và thế giới tư bổn giãy chết chưa đến hồi kết thúc thì có lẽ các con cá ròng ròng đã hết oxy để thở. Suy đi nghĩ lại lại thấy có cái trò âm mưu gì đằng sau cuộc chiến tiền tệ này dường như không phải để các cường quốc tranh nhau vị trí chủ sói mà là để đánh sập các nước nghèo có tư duy về cấu trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp chăng? Quê tôi có câu ca dao: "Dí dầu già néo đứt dây/Chồng Nam thiếp Bắc, mà ngọn gió Tây nó lạnh cái lùng". Nghĩ mà lo cho người nghèo thu nhập thấp lắm lắm. Ai gỉoi phân tích tài chính kinh tế chỉ dùm cái tôi còn u mê về nguyên nhân đợt mất giá đồng Việt Nam lần này nhé.

Trước mắt bà con nào làm ăn phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt siết chặt tiền tệ và nâng lãi suất ngân hàng có thể xảy ra nhé. Chúc may mắn,

Asia Clinic, 10h30' AM, ngày thứ Sáu, 29/10/2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment