Sunday, October 3, 2010

CẢNH BÁO về MỘT CƠN BÃO ĐỊA LÝ CHIẾN LƯỢC tại VÙNG BIỂN QUANH TRUNG QUỐC

Thứ bảy 02 Tháng Mười 2010

Quan hệ Trung Nhật đang ấm dần lên thì đột nhiên trở nên căng thẳng sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ. Bắc Kinh đã phản ứng hết sức cứng rắn, và cuối cùng Tokyo đã phải nhượng bộ. Sự việc này làm cho tình hình tại vùng biển quanh Trung Quốc vốn đã không mấy sáng sủa, càng trở nên u ám.
Phân tích sự kiện này, nhật báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận trên trang nhất với nhận định : «Cảnh báo về một cơn bão địa lý chiến lược tại vùng biển quanh Trung Quốc ».

Mở đầu, tác giả cho rằng vùng biển quanh Trung Quốc vừa trải qua một trong những giây phút lịch sử của khu vực, một giai đoạn gây quan ngại đến hầu như tất cả các quốc gia tại khu vực này, qua đó càng làm sáng tỏ hơn hình ảnh đáng quan ngại của Trung Quốc, một cường quốc mạnh bạo với một chủ nghĩa dân tộc cao độ, sẵn sàng đe dọa các nước láng giềng.

Trong tháng 9 vừa rồi, quan hệ Bắc Kinh-Tokyo trở nên căng thẳng tột độ. Nguyên nhân chính chỉ vì tranh chấp các hòn đảo trên biển Hoa Đông, giữa một chiếc tàu đánh cá và các hải đội tuần tra. Nhật Bản đã kiểm soát các hòn đảo này, mà họ gọi là Senkaku từ cuối thế kỷ 19, trong khi phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên là Điếu Ngư.

Câu chuyện tàu đánh cá xảy ra vào ngày 7 tháng 9, một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc hoạt động trong khu vực vùng đảo tranh chấp. Phía Tokyo cho biết, lực lượng tuần tra Nhật đã yêu cầu các ngư phủ rời khỏi khu vực, nhưng chiếc tàu đánh cá lại toan húc vào tàu tuần tra. Lực lượng tuần tra Nhật đã bắt giữ con tàu và ngay sau đó thả toàn bộ ngư phủ, chỉ câu lưu viên thuyền trưởng đến tận ngày 24 tháng 9.

Tác giả cho rằng, thông thường trong những trường hợp rắc rối như vậy, sự việc có thể giải quyết bằng phương pháp ngoại giao êm thắm. Thế nhưng, Trung Quốc lại chọn giải pháp « phô trương sức mạnh », đã dùng những cách thức không phù hợp cho hai quốc gia, vốn đang có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ và đang cùng nỗ lực để cải thiện quan hệ, sau một thời kỳ cơm không lành, canh chẳng ngọt.

Đại sứ Nhật tại Trung Quốc đã bị triệu kiến hơn 6 lần, có khi vào lúc nửa đêm, tất cả các cuộc gặp song phương bị hủy bỏ, chuyến tham quan trung tâm triển lãm Thượng Hải của đoàn học sinh Nhật bị cấm. Hơn thế nữa, Trung Quốc đã sử dụng một biện pháp mạnh bạo đến mức, mà nhiều đối tác thương mại trên thế giới không khỏi ngạc nhiên là tạm dừng xuất khẩu kim loại hiếm cho Nhật Bản. Bắc Kinh sau đó lại tìm cớ bắt giữ 4 quan chức Nhật đang làm việc tại Trung Quốc.

Hàng loạt hành động hung hăng đó đã gây hoang mang cho các quốc gia trong khu vực. Bởi vì hiện tại dù trên phần biển phía đông hay phía nam, Trung Quốc đều có tranh chấp lãnh thổ với các nước, như Việt Nam, Phlilippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei.

Một loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao Trung Quốc lại chọn giải pháp phản ứng gây phương hại đến hình ảnh của mình như vậy ? Có phải Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền đã được công bố và sự kiểm soát của Bắc Kinh trên vùng biển, mà Trung Quốc có nhiều lợi ích về nặng lượng ? Trung Quốc làm điều này là do sức ép của một chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong dân chúng, hay đó là biểu hiện của sự chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền ? Hay Trung Quốc muốn đáp trả tuyên bố về quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ tại khu vực này ?

Tác giả kết luận, dù với nguyên nhân gì đi nữa, thì hậu quả của hành động trên của chính quyền Bắc Kinh đã cho thấy một hậu quả nhãn tiền. Đó là nhiều nước trong khu vực cảm thấy cần thiết phải âm thầm nhích lại gần hơn với Mỹ để tìm một chỗ dựa an toàn.

L. P.
.
.
.

No comments:

Post a Comment