Thursday, September 2, 2010

VỤ "NHÂN VĂN-GIAI PHẨM" TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ ... [4]

VỤ “NHÂN VĂN – GIAI PHẨM” TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TU TƯỞNG DÂN CHỦ… [4]

Lê Hoài Nguyên

Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 5:39 sáng ngày 17/08/2010

http://nguyentrongtao.org/v%e1%bb%a5-nhan-van-%e2%80%93-giai-ph%e1%ba%a9m-t%e1%bb%ab-goc-nhin-3.xml

NTT: Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo giõi văn nghệ sĩ và văn hóa) đã gửi tới NTT.ORG một chuyên luận dài về Nhân Văn Giai Phẩm. Các bạn hãy đọc nó như đọc một “góc nhìn” về sự thật.

“Tác giả là người đã được đọc lại toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ chuyên án NVGP, tiếp xúc với hầu hết thành viên chủ chốt của vụ án, một số văn nghệ sỹ tham gia vào đấu tranh với NVGP, tiếp xúc sớm nhất với các tài liệu nghiên cứu, các bài viết về NVGP từ nước ngoài, tiếp xúc tương đồi đầy đủ các bài viết về các nhân vật NVGP ở trong nước từ sau đổi mới. Tác giả tin rằng NVGP không phải là một vụ án gián điêp phản động. Các văn nghệ sỹ trí thức NVGP không có mục đích lật đổ chế độ. Họ chỉ mong muốn ĐCSVN, chính phủ sửa chữa những sai lầm và xây dựng ngay một nền dân chủ pháp trị, một đời sống tinh thần có tự do tư tưởng, một đời sống văn học nghệ thuật tự do sáng tạo”.

.

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH [4]

LÊ HOÀI NGUYÊN

.

4-Tính chất và hình thái hoạt động

Trong các văn bản và phát biểu cá nhân người ta kết tội NVGP là tổ chức phản động , hoạt động gián điệp, nhận tiền và được chỉ đạo của nước ngoài, dùng văn học nghệ thuật hoạt động phản tuyên truyền , kích động quần chúng nổi loạn lật đổ chính quyền.

Về tư tưởng thì ở trên đã trình bày cho chúng ta thấy rõ những đòi hỏi cải cách dân chủ của họ là phù hợp với tiến trình lịch sử. Nếu ĐCSVN đi theo con đường đó thì có thể khủng hoảng đã không thể xảy ra, đất nước không ở tình trạng như hiện nay. Có người lấy việc giải phóng miền Nam để biện minh cho việc đàn áp NVGP là chính đáng. Nhưng sau khi có sự sụp đổ của phe XHCN, sau khi nước Đức thống nhất thì lý do này khó đứng vững.

Về tập thể hàng trăm trí thức, văn nghệ sỹ với nhân thân đã biết ở trên và nhất là đa số là những trí tuệ tài năng hàng đầu ở miền Bắc thì không thể nói rằng họ là một tập thể mù quáng. Bây giờ thì lịch sử đã chứng minh rằng những điều họ dám nói ra lúc đó đã đi trước 30 năm.

Qua các tài liệu và các cuộc phỏng vấn sau này có thể đánh giá như sau:

NVGP không phải là một tổ chức vì thực sự không có một ngọn cờ nào chỉ đạo, điều khiển NVGP. Nó là một xu thế, cùng bùng lên ở nhiều lĩnh vực, được nhiều người hưởng ứng quy tụ xung quanh nhóm sáng tác chính của báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm. Theo lời các chủ chốt thì dường như chỉ có hai người là Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt có tính chất thủ lĩnh về tinh thần, còn trong công việc thì thường xuyên họ mâu thuẫn với nhau. Họ không có một nghị quyết, một chương trình hành động cụ thể, một mô hình tổ chức nào. Theo ông Trần Duy họ luôn luôn trong tình trạng cãi nhau về chủ trương, không ai bảo được ai (22).

NVGP không hoạt động gián điệp. Cái tội gọi là hoạt động gián điệp ở đây là sự gán ghép suy diễn buộc tội. Nguyễn Hữu Đang không liên quan gì đến những người Pháp còn ở Hà Nội. Còn Thụy An thì được một cơ quan giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp. Họ cũng không có tài liệu bí mật để chuyển giao cho cái gọi là cơ quan tình báo Pháp.

.

NVGP không nhận tiền của nước ngoài

Có một nguồn giúp đỡ cho tạp chí Giai Phẩm là NXB Minh Đức. Chủ nhân của nó là Trần Thiếu Bảo con một gia đình khá giả ở Thái Bình, trước 1945 có nhà in ở Hà Nội. Ông Bảo có tham gia VHCQ, tản cư về Thái Bình sau tháng 12- 1946 là Ủy viên BCH HVHCQ Khu III, sau tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa lại lập Nhà xuất bản Minh Đức có Nguyễn Hữu Đang giúp, xuất bản sách kháng chiến cho đến 1954 thì mang nhà xuất bản này về Hà Nội.

Còn nguồn tài chính cho báo Nhân Văn thì do các cá nhân tự vay góp tiền để làm báo. Ông Trần Duy, Thư ký tòa soạn báo cho biết:

Có người nói rằng tôi nhận tiền của Durand, tôi có nói với mọi người là tôi không biết ông Durand. Hơn nữa nếu nói ông Durand là một nhà trí thức thì người trí thức Pháp không bao giờ làm mật thám đâu. Trí thức Pháp là trí thức Pháp nhiều khi họ còn chống cả mật thám. Tôi không tin ông Durand, một nhà nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, về cổ học Việt Nam mà lại là mật thám.

Có người lại cho rằng tôi nhận tiền của Ủy Ban Quốc Tế. Tôi bảo tôi không biết Ủy Ban Quốc Tế nằm ở đâu mà tôi nhận tiền. Trong quá trình làm báo tôi không tiếp xúc với một người châu Âu nào cả, một người ngoại quốc nào hết… Nghĩa là Nhân Văn tay trắng không có một đồng xu nào cả, từ khi nó lên là tay trắng, và khi đổ thì cũng chẳng có một đồng xu nào trong quỹ cả.(23)

.

5-Kết luận về bản chất NVGP. Niềm tin của tác giả

.

Vậy bản chất của NVGP là gì?

NVGP là một đợt bột phát trào lưu tư tưởng dân chủ ở miền Bắc Việt Nam có tiền đề ngay từ khi hình thành nhà nước VNDCCH lưỡng sinh giữa DCTS và toàn trị cộng sản tiến dần đến mô hình kiểu chủ nghĩa Mao, phát sinh trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhưng mạnh mẽ nhất là lĩnh vực ngôn luận mà lực lượng hăng hái nhất là trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sỹ, tập trung xung quanh hai ấn phẩm là báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm.

Có lẽ cần phải cho mọi người nghe ý kiến của Ông Nguyễn Hữu Đang trả lời Thụy Khuê ngày tháng 9- 1995 khi bà hỏi thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì :

Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản đâu, mà là chống cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng- nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm…Nó gay gắt ghê lắm!

Tác giả là người đã được đọc lại toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ chuyên án NVGP, tiếp xúc với hầu hết thành viên chủ chốt của vụ án, một số văn nghệ sỹ tham gia vào đấu tranh với NVGP, tiếp xúc sớm nhất với các tài liệu nghiên cứu, các bài viết về NVGP từ nước ngoài, tiếp xúc tương đồi đầy đủ các bài viết về các nhân vật NVGP ở trong nước từ sau đổi mới. Tác giả tin rằng NVGP không phải là một vụ án gián điêp phản động. Các văn nghệ sỹ trí thức NVGP không có mục đích lật đổ chế độ. Họ chỉ mong muốn ĐCSVN, chính phủ sửa chữa những sai lầm và xây dựng ngay một nền dân chủ pháp trị, một đời sống tinh thần có tự do tư tưởng, một đời sống văn học nghệ thuật tự do sáng tạo.

Còn vụ án được đem xét xử công khai có thể nói đấy là một vụ án xử vì mục đích chính trị chưa đủ chứng cứ cấu thành tội danh hoạt động gián điệp mà động cơ của nó có thể có sự lợi dụng để khuất lấp tai tiếng và bảo vệ vị trí của chính những người lãnh đạo Đảng đã mắc sai lầm trong CCRĐ.

.

6-Nhận xét về các biện pháp đấu tranh chống NVGP, những người đấu tranh

Các biệp pháp áp dụng để đấu tranh chống NVGP được gọi là biện pháp tổng hợp, là chế độ thông thường đối với các vụ án chính trị có quy mô lớn của các nước XHCN.

Gồm như sau:

-Huy động hầu hêt các phương tiện thông tin đại chúng của chính quyền tham gia phê phán. Báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, Quân Đội Nhân dân, Tạp chí Học Tập, Tạp chí Văn Nghệ, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Điện Ảnh… Đặc trưng của các cơ quan ngôn luận cộng sản là chỉ cho phép sự phê bình chính thống, không cho phép người bị phê bình được nói lại.

-Huy động các cơ quan quản lý trí thức, văn nghệ sỹ tổ chức các cuộc kiểm thảo, phê bình đấu tố những người tham gia NVGP, sau khi đấu tố đương sự phải viết bản tự thú tội để công khai hóa trên các phương tiện tuyên truyền.

-Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của hệ thống công an.

-Sử dụng các biện pháp quản lý hành chính như khai trừ Đảng, khai trừ BCH khai trừ hội viên các hội VHNT, treo bút không cho xuất bản tác phẩm có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cách chức, chuyển công tác, hạ lương, đưa ra khỏi biên chế, bắt buộc cư trú ở những vùng xa Hà Nội, đưa đi cải tạo bằng lao động chân tay ở nông trường, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp…

- Ngoài ra gia đình các đối tượng còn phải chịu sự đối xử khắc nghiêt của các cơ quan quản lý xã hội và toàn xã hội như việc học hành, thi cử, phân công công tác, lấy vợ lấy chồng…

Đáng lẽ có những hình thức kỷ luật chỉ có thời hạn vài ba năm nhưng cuối cùng kéo dài cho tới thời kỳ đổi mới. Các đối tượng hết hạn tù và quản chế đang là công dân bình thường nhưng vẫn bị quản lý như người mất quyền công dân.

Nói chung là cái biện pháp tổng hợp ấy có một mãnh lực vô hình ghê gớm, nó làm tê liệt mòn mỏi sức lực và tinh thần của một bộ phận trí thức tinh hoa trong thời gian dài 30 năm.

Việc đấu tranh đã tạo ra nhiều bi hài kịch cho các trí thức văn nghệ sỹ, tạo ra những vêt thương đau đớn giữa thầy và trò (24), giữa những người bạn thân cùng chiến đấu trong một chiến hào ngày hôm qua (25), giữa vợ chồng, cha con, anh em (26), giữa con cháu với chú bác ruột (27). Những vết thương ấy cũng kéo dài suốt ba mươi năm, cá biệt cho tới ngày nay.

Trong số các quan hệ làm cho vấn đề NVGP phức tạp lên, nghiêm trọng hơn có thể còn có sự thù ghét cá nhân như quan hệ Trường Chinh- Nguyễn Hữu Đang, quan hệ Tố Hữu- Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt..và các tham vọng cá nhân như đã nói ở phần trên…(28)

Một đảng viên cộng sản châu Âu đã có nhiều năm sống ở Việt Nam trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ví rằng vụ NVGP và vụ án Xét lại sau này là hai cơn bão lớn quét qua bầu trời trí thức Việt Nam.

.

.

.

No comments:

Post a Comment