Saturday, September 25, 2010

VIỆT NAM - CON HỔ VỀ GIÁO DỤC Ở CHÂU Á ?

Vũ Thị Phương Anh
Saturday, September 25, 2010
Theo lời "giới thiệu" của bạn bè (thực và ảo), tôi vừa đọc bài viết trên VnExpress, có tựa là cái tựa của entry này. Bài viết ấy ở đây.

Đoạn mở đầu nhằm giới thiệu bài viết nguyên văn như sau:
Báo Christian Science Monitor của Mỹ viết về những bước đi mới trong đào tạo đại học ở Việt Nam, nước mà tờ báo này đánh giá có thể trở thành một con hổ mới trong giáo dục và đào tạo ở châu Á.

Đọc những giòng này, tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Trước hết là vì trong kinh nghiệm ít ỏi của tôi, tôi không nghĩ rằng các nước đang đánh giá về giáo dục VN như thế. Nói đến con hổ giáo dục đại học châu Á, ngoài những nước đã thành công rõ ràng như Nhật, Hàn, Singapore, hoặc có thể là Đài Loan, hay Mã Lai, có lẽ hiện nay người ta chỉ nghĩ đến Trung Quốc, chứ chưa nghĩ đến VN đâu. Nếu có nghĩ đến VN, chắc là chỉ nghĩ đến tham nhũng trong giáo dục, và chất lượng giáo dục đại học thấp, mà thôi.

Vả lại, bản gốc của bài viết này tôi cũng đã đọc qua rồi và không hề có cảm giác giống như lời giới thiệu kia. Bài ấy viết bằng tiếng Anh, trên tờ Christian Science Monitor, cách đây ít lâu. Tôi chỉ nhớ bài viết nhằm giới thiệu VGU, tức Đại học Việt Đức, một trong 4 trường ĐH được thiết kế để trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế vào năm 2020 theo "mơ ước" của chính phủ VN, sử dụng vốn vay của các tổ chức tài trợ quốc tế, hình như là của World Bank, và cũng có thể là có cả Asian Development Bank nữa.

Một bài viết không sắc sảo, nhưng có lẽ được đăng vì nó đưa một cái tin ... là lạ, đó là VN cho phép trường ĐH có hiệu trưởng là người nước ngoài được thử một cơ chế quản lý mới tại nước mình.

Và bài báo nếu còn gì hấp dẫn thì có lẽ là do cách đặt vấn đề của tác giả có chút ít mỉa mai, vì "mơ ước" của chính phủ VN xem chừng ... ngây thơ quá! Vì một trường đại học với chỉ hơn 10 năm hoạt động (năm nay đã là 2010, đến 2020 chỉ còn 10 năm, VGU thì mới tuyển sinh được 2 lần thì phải), làm sao lại có thể vào ngay được top 200 trên thế giới như vậy được?

Trong khi ĐH La Trobe nơi tôi học (trường này cũng chỉ là một trường thường thường bậc trung của Úc thôi), với hơn 40 năm tồn tại (La Trobe thành lập năm 1967) và hoạt động trong điều kiện của Úc, tức tốt hơn điều kiện VN rất nhiều, có đầy đủ quyền tự chủ đại học theo "mô hình mới" mà trường VGU đang cố gắng áp dụng, thì hiện nay cũng chưa trong top 200 của QS (kết quả năm 2010 là 286).

Vì vậy, khi đọc bài trên từ VnExpress, tôi buộc phải tìm lại bài tiếng Anh để đọc lại, xem tôi hiểu đúng hay tờ VnExpress hiểu đúng. Bản tiếng Anh ở đây này, các bạn đọc cùng tôi nhé.

Đấy, tôi đã bảo mà. Đúng là họ mỉa mai mình. Chỉ cần đọc cái tựa và mấy giòng đầu tiên thôi, thì thấy ngay.
Asia's next economic tiger? Hint: it's not India or China
Vietnam is building up its universities in an effort to join economic tigers Taiwan and South Korea. Roadblock: hidebound university practices.

Nếu tôi mà dịch đoạn trên, thì tôi sẽ dịch như thế này này:
Đố biết con hổ kinh tế mới ở Châu Á là ai? Nhắc tí: Không phải Ấn Độ hay Trung Quốc đâu
Việt Nam đang xây dựng các trường đại học của mình trong nỗ lực tham gia vào đội ngũ các con hổ kinh tế là Đài Loan và Hàn Quốc. Trở ngại: cách điều hành "hủ lậu" tại các trường đại học.

Các bạn chú ý cách dùng từ nhé: hidebound. Trong tiếng Anh, "hide" là bộ da thú, còn "bound" (quá khứ phân từ của bind) là trói chặt, bó chặt. Hidebound nghĩa đen là bị bọc trong bộ da (chật hẹp). Phần giải thích nghĩa của từ hidebound, lấy ở đây, có thể xem dưới đây:
hide·bound
adj.
1. Stubbornly prejudiced, narrow-minded, or inflexible.
2. Having abnormally dry, stiff skin that adheres closely to the underlying flesh. Used of domestic animals such as cattle.
3. Having the bark so contracted and unyielding as to hinder growth. Used of trees.

The American Heritage® Dictionary of the English Language, Fourth Edition copyright ©2000 by Houghton Mifflin Company. Updated in 2009. Published by Houghton Mifflin Company. All rights reserved.
-----------------------------------------------------
hidebound [
ˈhaɪdˌbaʊnd]
adj
1. restricted by petty rules, a conservative attitude, etc.
2. (Life Sciences & Allied Applications / Zoology) (of cattle, etc.) having the skin closely attached to the flesh as a result of poor feeding
3. (Life Sciences & Allied Applications / Botany) (of trees) having a very tight bark that impairs growth
Collins English Dictionary – Complete and Unabridged © HarperCollins Publishers 1991, 1994, 1998, 2000, 2003
-----------------------------------------------------
Đó là phần đầu của bài viết. Phần còn lại thì nói về VGU, trong đó điểm duy nhất đáng quan tâm là nó được trao quyền tự chủ.

Sau đó là phần cuối, nói về điều mà ai cũng biết rồi, đó là giáo dục ĐH của VN nếu muốn phát triển thì nên học tập TQ, tức thu hút những người đi học Tiến sĩ ở nước ngoài về đây làm việc. Nhưng muốn vậy, phải có môi trường mới, trong đó có tự do học thuật (và tất nhiên là phải có rất nhiều tiền, vì nghiên cứu không hề rẻ.)

Bài viết như vậy mà bảo, họ xem mình là con hổ về giáo dục ở Châu Á sao? Tôi nghĩ, báo VnExpress đã hiểu không đúng bài này. Thành ra, viết bài tiếng Việt với cái tựa như thế rất dễ làm độc giả hiểu lầm. Có lẽ cần sửa lại.

Và tôi cũng nghĩ tiếp, có lẽ VN hãy khoan đừng nghĩ tới việc thành rồng thành hổ gì cả. Mà hãy làm đúng, làm tốt những cái đang làm. Ví dụ, có một đề án tiếng Anh trên cả nước kia kìa, hãy cố gắng làm nó cho thật tốt đi đã. Chứ đừng đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi.

Tóm lại, theo tôi thì thế này: muốn cho giáo dục đại học VN, và cả khoa học VN nữa (cái này là ảnh hưởng của bài viết tôi mới đọc trên trang web của GS NVT viết về sự thống trị của tiếng Anh trên PubMed Central), có ngày mở mặt mở mày với thiên hạ, thì trước hết, hãy học và dạy tiếng Anh cho tốt đã. Hãy là những người Việt Nam nói đúng tiếng Việt, sử dụng tốt tiếng Anh, rồi sau này muốn thành rồng thành cọp gì cũng được. Chuyện ấy, tính sau.

Tôi nghĩ thế, chẳng hiểu có đúng hay không nữa? Không hiểu những người khác thì nghĩ thế nào nhỉ?
.
.
.

No comments:

Post a Comment