Tuesday, September 21, 2010

TƯỞNG NIỆM VŨ HOÀNG CHƯƠNG

TƯỞNG NIỆM VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Tuesday, September 21, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/tuong-niem-vu-hoang-chuong.html

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương qua đời ngày 6 tháng 9 năm 1976 (ngày âm lịch là 13 tháng Tám).

Hôm nay Diễn Đàn Thế Kỷ tưởng niệm ông, một nhà thơ hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, bằng một bảng tiểu sử chi tiết do nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến sưu tầm; hai bài viết về ông, một của Mai Thảo, một của Thanh Tâm Tuyền đăng trên báo Văn – Sài Gòn, ngày 14 tháng 2 năm 1975; một bức thư đề ngày 15-9-1999 của bà Vũ Hoàng Chương nhũ danh Đinh Thị Thục Oanh gửi cho nhà nghiên cứu Đặng Tiến ở Pháp; và sau cùng là một số bài thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm sau tháng Tư 1975 vốn ít được phổ biến bằng các tác phẩm đã in của ông trong thời gian trước.


Một số bài viết ít ỏi về nhà thơ như một chút hương hoa đặt lên bàn thờ tưởng niệm nhân ngày giỗ của ông vào mùa Tết Trung Thu. Diễn Đàn Thế Kỷ ước mong sẽ đi sâu trình bày kỹ hơn về sự nghiệp thi ca lớn lao của thi sĩ Vũ Hoàng Chương vào một dịp thuận tiện khác.

.

.

.

Vũ Hoàng Chương (1915 - 1976)

Đặng Tiến sưu tầm và cập nhật

Tuesday, September 21, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/vu-hoang-chuong-1915-1976.html

Chính quán: xã Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên
Sinh quán:
thành phố Nam Định
Năm sinh:
Ất Mão (1915), tháng Tư, ngày mồng Một, trên giấy khai sinh đã ghi 5.5.1916.
Gia đình khoa bảng giàu có. Bố tên Vũ Thiện Thuật, làm tri huyện, nho học uyên thâm, sành văn học, mất 1941; mẹ họ Hoàng, hay chữ và chơi đàn nguyệt, buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Định, mất tại Sài Gòn, 1961,(?).
Học chữ Hán từ năm 5 tuổi, 12 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp, trường tiểu học Nam Định.
1931: Vào trường trung học Albert Sarraut, Hà Nội.

.

Vũ Hoàng Chương năm 24 tuổi.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhaNSbEs6rXMSzky_Q4rl59UBvGm6kQl2SFzAsWslNaeNJTXJQLI0yph49mQsFzHVvE-RtjYLKPpurUJ5nps64g-xHpClWBLR-4xV9mzoPa5Rsif2rne0cEO7Ep0Hzyj9c82E1xg91ZEg/s320/VHC+24+tuoi_0002+-+copie.JPG

.

1937-1938: Tú tài Pháp, phần I Cổ ngữ, La-tinh Hy-lạp, phần II Toán.
1938:
Học Luật tại Hà Nội.
1939:
Thôi học, ra làm việc Hỏa Xa, ngạch phó thanh tra, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm.
1940:
Tự xuất bản THƠ SAY, nhà Cộng Lực ấn loát và phát hành. Nxb Nguyễn Đình Vượng tái bản 1971, Saigon.
1941:
Thôi việc ở Hỏa Xa , học ban Toán Đại Cương tại đại học Khoa học vừa mới thành lập tại Hà Nội.
1942:
Thôi học, xuống Hải Phòng dạy cho một tư thục. Trở về Hà Nội lập ban kịch Hà Nội cùng với Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Diễn vở kịch thơ VÂN MUỘI tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (12.12.1942).
Gặp gỡ Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng, thành hôn 1944.
1943:
Xuất bản tập MÂY, nxb Đời Nay, Hà nội (Nxb Văn Học, Hà Nội, tái bản 1991, 1995.
Nxb Hội Nhà Văn, TPHCM 1992).

1944: Xuất bản tập kịch thơ, gồm 3 vở: VÂN MUỘI, TRƯƠNG CHI, HỒNG DIỆP; nxb Anh Hoa, Hà nội.
1945:
Về Nam Định, diễn vở kịch thơ LÊN ĐƯỜNG của Hoàng Cầm (sau Cách mạng tháng 8).
1946:
Tản cư về vùng duyên hải Nam Định (Khu Ba).
1948:
Xuất bản tập THƠ LỬA cùng với Đoàn Văn Cừ, Thái Nguyên; do cơ quan Kháng chiến Liên khu 3.
Sang tỉnh Thái Bình dạy học.
1950:
Hồi cư về Hà Nội.
1951: Cho diễn vở kịch thơ TÂM SỰ KẺ SANG TẦN; dạy học cho một tư thục, dạy Toán Lý Hoá, rồi dạy Việt văn và tiếp tục mãi công việc này cho đến 1975.

1952: Diễn kịch thơ THẰNG CUỘI.
1953:
Đăng báo kịch thơ CÔ GÁI MA.
1954:
RỪNG PHONG, nxb Phạm Văn Tươi, Sài Gòn, trước hiệp định Genève. Di cư vào Nam, khoảng tháng 8 năm đó, và định cư tại Sài Gòn cho đến 1976.
1959:
HOA ĐĂNG, nxb Văn Hữu Á Châu (tháng 7). Tập thơ này đượcc giải thưởng Toàn Quốc về thơ. Tham dự hội nghị Thi Ca Quốc Tế, cứ 2 năm họp một lần tại tỉnh Knokke-Le Zoute, nước Bỉ (tháng 9).
1960:
Tự tái bản 2 tập THƠ SAY và MÂY in chung vào 1 tập mang tên MÂY,
Xuất bản tập CẢM THÔNG (nhan đề Anh ngữ là COMMUNION ); gồm 6 bài thơ mới sáng tác sau cuộc Âu du và 9 bài cũ lựa chọn lấy tính cách tiêu biểu; do Nguyễn Khang phiên dịch và xuất bản.
Tái bản VÂN MUỘI, TRƯƠNG CHI, HỒNG DIỆP, do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng.
1961:
Kịch thơ TÂM SỰ KẺ SANG TẦN, nxb Lửa Thiêng.
Tập thơ TÂM TÌNH NGƯỜI ĐẸP (nhan đề Pháp ngữ là LES 28 ETOILES); gồm 42 bài thơ Nhị thập bát tú, kèm theo bản dịch của nữ thi sĩ Bỉ Simone Kuhnen de La Coeuillerie; nxb Nguyễn Khang.
1962:
Tự xuất bản tập TRỜI MỘT PHƯƠNG.
1963:
Xuất bản tập THI TUYỂN (nhan đề Pháp ngữ là POEMES CHOISIS) kèm theo bản dịch của Simone Kuhnen de la Coeuillerie: do nhà xuất bản Nguyễn Khang (tháng 3).
Sáng tác bài thơ LỬA TỪ BI ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, tháng 7. Xuất bản tập Lửa Từ Bi; do nhóm Thanh Tăng (tháng 12).
1964:
Tham dự hội nghị Văn Bút Á Châu họp tại Bangkok.
1965:
Tham dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại tỉnh Bled, Nam Tư cũ.
1966:
Xuất bản tập ÁNH TRĂNG ĐẠO, do nha Tuyên Uý Phật giáo (tháng 7); xuất bản tập DIE ACHTUNDZWANZIG STERNE, thơ dịch ra Đức ngữ, do nhà Hoffmann Und Campe, tỉnh Hamburg, Đức. Dịch giả là thi sĩ Áo Kosmas Ziegler (tháng 10).
1967:
Tham dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire (Phi Châu) Xuất bản tập BÚT NỞ HOA ĐÀM, do nhà xuất bản Vạn Hạnh (tháng 12).
1968:
Xuất bản NHỊ THẬP BÁT TÚ I, nxb Văn Uyển; Tập II, nxb Lửa Thiêng.
CÀNH MAI TRẮNG MỘNG, nxb Văn Uyển.
1969-1973:
Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.
1970:
TA ĐỢI EM TỪ BA MƯƠI NĂM, nxb An Tiêm, Sài Gòn, in 2 lần. Tái bản lại tại California, Mỹ.
TÂN THI, nxb Nam Chi, Saigon
LOẠN TRUNG BÚT, tùy bút, văn diễn thuyết, nxb Khai Trí.
1971:
NGỒI QUÁN, nxb Lửa Thiêng.
ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI, nxb Lửa Thiêng (Phần I: Tuổi học trò, 17 bài thơ đầu tay 1936-1939).
1972:
Giải thưởng Văn Chương toàn quốc
1974:
CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU, nxb Rừng Trúc, Paris.
TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA, hồi ký, nxb Trương Vĩnh Ký, Saigon. Nxb Hội Nhà Văn tái bản, 1993, TPHCM.
Vũ Hoàng Chương đã dịch nhiều thơ chữ Hán từ nhiều tác gia Việt Nam và Trung quốc, khoảng 100 bài.
Có dịch thơ từ tiếng Pháp.
1975:
Gia đình từ đường Phan Đình Phùng dời về Phú Nhuận ở nhà bà Mộng Tuyết, rồi dời về Khánh Hội ở chung với bà Đinh Hùng, em dâu.
1976:
bị bắt ngày 13/4, giam tại khám Chí Hoà. Bệnh nặng đưa về nhà một thời gian ngắn thì mất, lúc 23 giờ ngày 6.9.1976, nhằm ngày 13 tháng 8 năm Bính Thìn.
Bà Vũ Hoàng Chương qua đời ngày 7.5.2005 tại TPHCM.

Đặng Tiến
sưu tầm và cập nhật
Orléans, Tết Dương lịch 2007
_______________________

Phụ chú


1) Tập thơ Tâm Tình người đẹp do thi sĩ Ý, LIONELLE FIUMI đề tựa.
Tập Thi Tuyển do thi sĩ Pháp ANDRE GUIMBRETTIERE, giáo sư trường Quốc gia sinh ngữ Đông phương (Paris) đề Tựa.

Tập DIE ACHTUNDZWANZIG STERNE do thi sĩ Đức RUDOLF HAGELSTANGE đề tựa.
Các tập thơ Lửa Từ Bi, Ánh Tăng Đạo và Bút Nở Hoa Đàm đã lần lượt được Thượng tọa Trí Quang, Tâm Giác, và Đức Nhuận đề tựa.
2) Các tập Rừng Phong, Hoa Đăng, Mây (lần tái bản) Vân Muội (cả lần in thứ 1 và lần in thứ 2), Tâm Tình người Đẹp đều do thi sĩ Đinh Hùng vẽ bìa, nền hoặc phụ bản.
Tập Mây (lần in thứ nhất, 1943) do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày ; bản 1992: Nguyễn Trung vẽ bìa.
Tập Trời Một Phương do họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ bìa, (từ 1952).
Tập Bút Nở Hoa Đàm do họa sĩ Nguyễn gia Trí vẽ bìa.
Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm, do họa sĩ Duy Thanh, rồi họa sĩ Hồ Thành Đức vẽ bìa.
Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai, họa sĩ Văn Thanh vẽ bìa.

Tài liệu tham khảo:

- Tạp chí Văn Học, Sài Gòn, số 97, 1969, có bài của Vũ Bằng, Bàng Bá Lân, Dương Thiệu Mục.
- Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 150, 3/1970, đặc biệt Vũ Hoàng Chương. Có tiểu sử khá đầy đủ, bài của Nguyễn Mạnh Côn quan trọng và nhiều bài khác.
- Lê Huy Oanh, Giai Phẩm Văn, Sài Gòn, 20/8/1974, bài VHC qua Thơ Say.
- Phan Xuân Sanh. Tạp chí Đại Học, số 9, 1959, Huế, bài Ảnh hưởng Phật giáo qua thi ca.
- Đoàn Thêm, Báo Văn Hóa Nguyệt san, Sài Gòn, 1964, bài Đọc lại thơ VHC.
- Bách Khoa, Sài Gòn, tạp chí, bài Nguyễn Ngu Ý phỏng vấn, Nguyễn Văn Xuân điểm sách, không nhớ số (khoảng 1960).
- Tạ Tỵ, Mười gương mặt văn nghệ, nxb Kim Lai, 1970 Sài Gòn.
- Bàng Bá Lân : Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, 1962, Sài Gòn.
- Mai Thảo, Chân dung 15 nhà văn nhà thơ, nxb Văn Khoa, 1985 California, Mấy tháng cuối cùng với VHC.
- Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Thơ, nxb Văn nghệ, 1999 California.
- Đỗ Lai Thúy, Con Mắt thơ, nxb Lao Động, 1992, Hà Nội, VHC Đào nguyên lạc lối, 25 trang.
- Chế Lan Viên, Phê bình văn học, nxb Văn Học, trang 86-98, 1962, Hà Nội. Bài viết, 4-1960, nhắm vào cá nhân Vũ Hoàng Chương, bất công và tai ác sẽ làm tiền đề cho bản án VHC về sau.
- Đặng Tiến, Từ điển văn học, tạp chí Thế Kỷ 21, 6/2005, California.

.

.

.

Tưởng niệm Vũ Hoàng Chương: Mai Thảo kể lại

Tuesday, September 21, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/tuong-niem-vu-hoang-chuong-mai-thao-ke.html

LTS. Những dòng dưới đây của Mai Thảo kể lại một buổi họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương, có lẽ là lần cuối cùng, mà chúng ta còn biết được trước khi miền Nam sụp đổ.


25.1.75
Cùng trở lại Út Viên biệt thự với Cung Tiến, Phan Lạc Phúc, Thái Tuấn, Hoài Bắc, Thanh Nam. Trao tận tay Vũ số tiền 600 ngàn đã trừ mọi phí khoản thu được về đêm thơ ở Khánh Ly trà thất. Tóc Vũ như tóc thằng bờm, bờm hết mọi sợi. Chân cẳng Vũ, hai cái ống trúc, làm khẳng khiu cả một vùng cầu thang. Bàn ghế dẹp, theo yêu cầu. Chiếu trải trên nền phòng. Cảnh tượng tháo giầy cùng dăm thế ngồi dân tộc tính gợi không khí một họp mặt tiền chiến của đám thi sĩ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đầu bù tóc rối.

Vũ nhận gói bạc, hơi ngỡ ngàng. Nhiều thế này. Cho cám ơn cả nhé. Đoạn, chìa mấy tờ giấy: đây, cảm đề ít hàng đêm thơ tao. Chúng tôi truyền tay nhau hai cái tứ tuyệt. Của chị Mộng Tuyết, giấy vàng ngà quý phái, nét chữ nhi nữ thanh nhã:
Thế kỷ lầm hay đã chẳng lầm

Mà nghe bốn bể vọng thanh âm
Duyên thơ gợn sóng trên tơ nhạc
Đồng điệu hòa lên khúc cẩm tâm

Của Vũ:
Thế kỷ đang còn một góc thôi
Mà duyên nhiều thế ư hai mươi?
Đêm thơ quán nhạc tình tri kỷ
Tận thế rồi men cũng chẳng vơi.

Rồi, trong hoàng hôn Tây Bắc Sàigòn, sự quây quần chung quanh một bữa nhậu thanh đạm dọn trên mâm đồng. Chuyện mở vào thơ, tất nhiên. Gọi về Thâm Tâm. Rủ Nguyễn Bính tới. Cho Xuân Diệu, Huy Cận, ngồi ghé một mép chiếu. Nhấp một ngụm rượu của thời bây giờ, thả ngược cái ngà ngà hậu sinh nơi mình, tới những xứ thơ, những cõi thơ đã tịch lặng, tôi vỡ nhẽ được một điều thơ này là phải ở thật sâu và xa trong mịt mùng tịch mịch, những bài thơ bất hủ mới sáng chói tới cùng độ ánh sáng, trong suốt tới cùng độ trong suốt. Như cái hiện tượng một vật thể có phản chiếu, khi đã ở thật cao trên thượng tầng không khí, không còn bị khí quyển độc vẩn che lấp, vật thể đó mới cực điểm hào quang. Nghe Vũ vừa đọc vừa dẫn giải một số hạt ngọc của thơ nghìn cũ, tôi theo chân bạn, đẩy nhẹ cánh cửa Tịch Mịch, lọt được vào một cõi thơ Đường nguy nga những hạc vàng. Đứng lại, kính thành, trước từng bài thơ Đường nâng đẩy tình, nghĩa, tri kỷ, bằng hữu lên thành khí phách trí thức và hoài bão một đời, thần giao cách cảm trong khoảnh khắc với những Giang Nam trăng nước, Tô Châu núi non, Động Đình dương liễu, bỗng thấy được, dầu rất đỗi mơ hồ, thế nào là trạng thái linh hiển của ngôn ngữ trác tuyệt. Phi phàm, hiển thánh, siêu việt. Chỉ có thơ, ở những thăng hoa tột đỉnh, tất nhiên xứng đáng những danh xưng này. Và tài năng. Bất chấp mọi phán đoán, tài năng, một giá trị tương đối, hàm hồ, lại là cái đích thực, hiển nhiên nhất của mọi giá trị mặt đất. Lăn ra khỏi những lớp lớp từng từng giá trị hư ngụy và đầy ngờ vực khác, tài năng sáng chói, dù dưới nghìn thước sâu. Như lân tinh trong búi cỏ về đêm. Tô Thùy Yên.

(Văn, 14.2.1975)

.

.

.

ĐÊM * THƠ * VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Tuesday, September 21, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/em-tho-vu-hoang-chuong.html

Đoạn văn dưới đây là phần chính bài nói chuyện của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong Đêm Thơ Vũ Hoàng Chương ngày 16-1-1975 tại phòng trà Khánh Ly, đường Tự Do, Sàigòn.

Thanh Tâm Tuyền


Sự hiện diện của các bạn cùng chúng tôi hôm nay là một cuộc tôn vinh cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Chẳng những cho riêng thi sĩ, người suốt đời chỉ biết làm thơ - không biết, không thể làm gì khác - mà còn cho tất cả mọi thi sĩ và qua các thi sĩ là một cuộc tôn vinh cho Thơ.

Tôn vinh Thơ? Tại sao tôn vinh Thơ? Thơ quan hệ chi đến đời sống chúng ta? Sướng ích chi mà có những người để một đời như Vũ Hoàng Chương để theo đuổi thơ?

Thi sĩ có thể không biết - thật chăng? Có lẽ cũng chỉ là một cách nói riêng của thi sĩ. Riêng chúng ta có biết, chúng ta biết tận trong thâm tâm chúng ta, biết qua động cơ thúc đẩy cuộc hội họp tối nay được chính chúng ta giấu diếm bằng những lý lẽ rất tầm thường hằng ngày. Chúng ta biết rằng chúng ta muốn gặp mặt nhau, nhìn mặt nhau đêm nay: “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa - Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.” Chúng ta biết rằng khi mọi giá trị thiêng liêng đều chẳng còn đáng gì, đều bị liệng bỏ dần dọc theo đời người thì thơ vẫn còn lại. Phải thế chăng? Dù cho thơ có thể chẳng thay thế được các giá trị thiêng liêng. Không là giá trị thiêng liêng - có bao giờ thơ như thế? - thì nó vẫn ở cùng trong đời sống chúng ta - như lúc này, giây phút này đây - và nó đủ năng lực để cuốn đời sống chúng ta đến chân trời viễn vọng. Thơ nhắc rằng chúng ta đang sống, sống lạ lùng, sống với ta và sống với người.

Chúng ta còn có thể nói đến những điều ghê gớm hơn nữa về thơ nhưng rồi thơ lại còn có thể vượt ra ngoài mọi điều ghê gớm ấy. Tuy nhiên nói cho đến cùng (biết đâu là cùng?) Thơ vẫn chỉ là lẽ thường của đời người, là sự thường của kiếp sống - ngắn ngủi và vô hạn như một tiếng hát.


Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.


Và lẽ thường của đời người, sự thường của kiếp sống là Thơ trong nỗ lực sống với ta và sống với mọi người rốt cuộc - cho đến bao giờ? - vẫn là sống với một số người nào đó, một bộ lạc nào nhất định. Nói như Đinh Hùng Thơ là “tiếng ca bộ lạc.” Đêm nay chúng ta quây quần nơi đây nào khác, như giữa đám rừng dầy hung bạo có ngọn lửa kia đốt lên và tiếng trống kêu gọi ta đến. Ngọn lửa Thơ, lời gọi cùng thẳm của Thơ mời chúng ta đến tôn vinh cho Thơ. Thơ như nhịp trống bập bùng gọi ta về tụ hội, tiễn ta đi tản mạn, cầm chân ta ở lại vui chơi, giục ta đi săn đuổi mịt mùng.

Nhưng tôn vinh cho Thơ cũng là tôn vinh qua các thi sĩ - kẻ làm thơ, suốt đời chỉ làm thơ, không biết và cũng không thể làm gì khác. Giữa chúng ta có một vài người, như Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng.

Làm thơ. Làm thơ hành động tối thậm phi lý, mở mọi ngõ ngách phi lý, đẩy đưa đời người vào cõi phi lý. Ngõ ngách phi lý ấy là chính chúng ta, cõi phi lý ấy chính là đời chúng ta. Như đêm nay không giống mọi đêm đã qua và sẽ chẳng bao giờ giống một đêm nào ở mai kia. Làm thơ như rong chơi, quên lãng, hay làm thơ như tận tụy với một mối duyên tình hay làm thơ như đốn ngộ hốt hoảng thì vẫn là cái “không thể làm” được ở đời người, ở kiếp sống. Tri kỷ khả nhi vi chi, biết không làm được mà lại cứ làm. Tại sao? Tại sao vậy?

Trầm trọng phải không? Tự nhiên cái sự thể nó như thế. Trầm trọng cũng là tự nhiên của thơ và của việc làm thơ.

Thi sĩ đêm nay của chúng ta Vũ Hoàng Chương - làm thơ suốt một đời. Một đời để ra làm thơ. Thơ Vũ Hoàng Chương đi từ “Đêm Hoa Đăng đèn xanh bóng trăng” từ “Phách ngọt đàn say đêm khói êm” từ “Áo vải mộng phong hầu” đến “Ngồi quán” đến Isabel Baes đến nhị thập bát tú và không gian “bốn bề vẫn chỉ một phương,” đến Ngày lớn. Chúng ta không thể nào hiểu Vũ Hoàng Chương còn đi đến đâu - hỏi thực cũng như chúng ta đây chúng ta trong giây phút này có biết chúng ta đi đến đâu - nhưng hiện thời chúng ta cũng đang biết - biết gì? - biết Vũ Hoàng Chương đang ăn nằm với Thơ như đang ăn nằm với cái chết. Chết cũng là một cách nói thôi. Như Trang nói chết là tỉnh giấc chiêm bao. Và có “tỉnh lớn” thì mới biết được “chiêm bao lớn.” Ta có một đời để sống, để chết hay có vô vàn đời? Ai biết? Mà nói chi những điều ấy. Nhưng người làm thơ cứ nói. Nói miết. Thay nhau nói. Tranh nhau nói. Để làm gì?

Thôi nói chi những chuyện ấy. Thơ là lời và hơn lời. Đã đến lúc chúng ta cần nghe thơ. Thơ đọc trong đêm nay dành cho Vũ Hoàng Chương.

16-1-1975
(Văn, giai phẩm, 14-2-75)

.

.

---------------------------------------

Vũ Hoàng Chương - vi.wikipedia.org

Vũ Hoàng Chương - vnthuquan.net

Vũ Hoàng Chương - nghiathuc.wordpress.com

Vũ Hoàng Chương - chungta.com

Vũ Hoàng Chương - sachxua.net

Vũ Hoàng Chương: kỷ niệm 33 năm - miendumusic.blogspot.com

Trang thơ Vũ Hoàng Chương - thivien.net

Trang thơ Vũ Hoàng Chương - thica.net

thơ Vũ Hoàng Chương (#26) - archive.damau.org

Thơ Vũ Hoàng Chương - tvvn.org

………………………..

.

.

.

No comments:

Post a Comment