Sunday, September 26, 2010

TRUNG QUỐC VẪY VÙNG TRONG CƠN MỘNG BIỂN CẢ

26/09/2010

Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post,  Hongkong) đã đăng một bài viết có tên “Tiêu chuẩn kép” của tác giả Greg Torode, trưởng ban Á châu của báo. Bài viết đặt ra một kịch bản rằng nếu như Nhật Bản không phải bắt giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của tàu cá Mân Tấn 5179, đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông, mà là bắt giữ hàng trăm ngư dân. Trong số đó, người thì bị lật đổ thuyền, người thì bị tịch thu hết ngư cụ, và thân nhân của những người này phải chi ra hàng nghìn đô la Mỹ để “chuộc” người. Khi đó, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?

Kịch bản trên được tác giả đưa cho một sinh viên Trung Quốc và phản ứng của bạn sinh viên đó là: “Tôi không dám tưởng tượng hậu quả” và khi đó “tôi không tin là có người dân Nhật Bản nào có thể sống an toàn trên đất Trung Quốc”. Nhưng bạn sinh viên kia đâu biết rằng kịch bản đó hoàn toàn có thật khi Trung Quốc bắt giữ các tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển mà họ gọi là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Có thế mới thấy, trong khi Trung Quốc không ngừng  gia tăng sức ép để Nhật thả thuyền trường Chiêm Kỳ Hùng và kịch liệt phản đối hành động bắt giữ, thì chính Trung Quốc cũng đã thực hiện hành vi trên đối với ngư dân các nước khác.

Không quá khó để giải thích lý do tại sao Trung Quốc lại có một “tiêu chuẩn kép” như thế trong việc hành xử các vấn đề về chủ quyền trên biển. Trung Quốc đang có tham vọng trở thành một siêu cường, nên việc mở rộng ảnh hưởng trên biển là tối quan trọng, chỉ có biển cả mới giúp họ nới rộng ảnh hưởng lên khắp nơi.

Tiếc thay, từ xưa đến nay, Trung Quốc tuy có hơn một số nước trong châu lục về ảnh hưởng trên biển nhưng so với các cường quốc lâu đời thì họ kém xa. Ngày trước, các cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha đều thông qua con đường hàng hải để thực hiện những đợt phát kiến địa lý rầm rộ và rồi thâu tóm thuộc địa. Sau này là Mỹ, Nhật cũng không ngừng phát triển ảnh hưởng trên biển. Nhưng trong suốt lịch sử hàng hải, thì Trung Quốc chỉ nổi bật nhất với thành tích của đô đốc Trịnh Hòa, vốn là một thái giám sống vào thời nhà Minh, Trung Quốc. Thành tích hàng hải của đô đốc Trịnh Hòa khi đó cũng chỉ mới giúp cho Trung Quốc mở rộng giao thương chứ chưa có được kết quả nào trong việc tăng cường ảnh hưởng trên biển.

Lịch sử đó khiến cho Trung Quốc không lấy gì làm hài lòng, bởi bao lâu nay Trung Quốc vẫn luôn muốn vươn dậy trở thành siêu cường có sức ảnh hưởng toàn cầu. Nói một cách khác, Trung Quốc thiếu hẳn một nền tảng cần thiết trên biển để trở thành siêu cường. Cho nên, giờ đây khi Trung Quốc đang tăng trưởng vượt bật về kinh tế thì việc mở rộng ảnh hưởng trên biển trở thành cơn mộng đeo bám theo họ trong giấc mơ về một ngày sẽ trở thành siêu cường. Khi cơn mộng còn đeo bám, chắc chắn Trung Quốc sẽ còn “vẫy vùng” bằng nhiều hành xử có thể rất trái ngược nhau chỉ để đạt được ý nguyện.

Một lần nữa lại phải dùng từ “tiếc thay”, bởi cơn mộng kia rất khó thành hiện thực. Tại sao cơn mộng khó thành hiện thực? Đơn giản là bối cảnh hiện tại không cho phép Trung Quốc tự do bành trướng trên biển theo như mình mong muốn. Đầu tiên là địa lý khu vực. Ở khu Đông Bắc Á, Trung Quốc có các đối trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc, còn ở phía Đông Nam Á thì có khối ASEAN. Rồi những va vấp với “anh em một nhà” Đài Loan. Xa hơn còn có Úc, vốn cũng là một thế lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước này đã công khai một chương trình phát triển hải quân trị giá nhiều chục tỷ USD, vào năm ngoái, khiến cho Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích. Một thực tế khác là nếu đem so kè hải quân Trung Quốc và Nhật Bản thì chưa biết ai hơn ai.  Nên dẫu Trung Quốc có mạnh đến đâu cũng khó có thể dám tạo ra một va chạm toàn diện với cả hai khu vực trên để mở rộng ảnh hưởng trên biển của mình. Khối ASEAN cũng ngày càng gắn kết nhiều hơn và nhận thực được giá trị của việc liên kết cùng nhau. Bằng chứng là Malaysia và Việt Nam đã cùng nhau đệ trình hồ sơ chủ quyền trên biển Đông.

Chính vì vậy, nếu nhìn theo hướng ngược lại thì Trung Quốc đang nằm trong vị trí bị kèm cặp bởi vô số đối trọng. Gần đây, Trung Quốc lại chủ động thúc đẩy sự va chạm với hầu hết các đối trọng bởi họ nghĩ với thế mạnh kinh tế đang lên thì đây là cơ hội. Nhưng khi ở giữa vô số đối trọng đó, họ càng vẫy vùng thì càng làm cho các đối trọng xiết chặt hơn. Một hệ quả không mong muốn khác chính là tạo lý do cho các đối trọng trong khu vực của Trung Quốc tìm đến những thế lực bên ngoài để đảm bảo hơn nữa cho sự cân bằng. Thế nên, Hoa Kỳ có cái cớ hoàn toàn hợp lý để xuất hiện trong khu vực như một cái chân kiềng thứ ba.

Với tất cả những điều đó, cách vẫy vùng hiện tại của Trung Quốc sẽ chỉ khiến họ va chạm nhiều hơn.
Ngô Minh Trí
--------------------
.
.
.

No comments:

Post a Comment