tuanddk
Đăng ngày: 14:44 27-09-2010
Câu chuyện Cổng thành nhà Mạc sau 418 năm tồn tại phút chốc biến thành một cái lò gạch đỏ son, mới toe ít nhất cũng cho người ta nhận thấy một sự thật: Không phải binh lửa, giặc giã- với chuyện chặt đầu tượng, kéo đổ bia đá; Không phải thời gian, với sự hủy hoại chứng tích lịch sử dần mòn; Cũng không phải là vì một thời “dồn tượng một chuồng, đưa mồ mả vào hợp tác xã” mà chính phong trào “trẻ hóa” di tích, nhắm mắt đổ tiền đạp cũ xây mới, tàn phá một cách hợp pháp các di tích dưới danh nghĩa dự án tôn tạo, chính việc không biết lắc đầu trước cám dỗ và thiếu lạnh lùng để biên ra một chữ “cấm” mới tạo ra sự tàn phá ghê gớm nhất.
Sử gia Dương Trung Quốc nói ông “thực sự bất ngờ và rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những hình ảnh thành cổ bị biến dạng một cách kỳ quặc”. Bởi “Sự chắp vá, đắp mới của công cuộc trùng tu đã phá vỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật vốn có của thành cổ. Người ta đã cố tình làm xấu, làm biến dạng và làm mất đi cái hồn của thành nhà Mạc”. Lời khuyên chân thành nhất dành cho Tuyên Quang bây giờ: Họ nên có thêm một cái biển và ghi rõ “Ở đây đã từng tồn tại di tích thành nhà Mạc”.- PGS TS Nguyễn Hải Kế, khoa Lịch sử- ĐH QG Hà Nội nói mỉa mai. Đối với TS Kế, cũng như hầu hết các nhà khoa học và dân chúng, thành nhà Mạc coi như đã mất sau 418 năm tồn tại. Bởi vì ai sẽ công nhận cái lò gạch xây mới không có một chút nào kiến trúc cũ đó là di tích thành nhà Mạc? Bởi “Không thể có chuyện lò gạch vừa xây xong thì thành di tích”.
Nhưng đáng ngạc nhiên nhất trong các bản tin về thành nhà Mạc phải là sự ngạc nhiên. Tại sao lại phải ngạc nhiên khi “cái lò gạch” không phải công trình kiến trúc lịch sử đầu tiên bị tàn phá, và tất nhiên cũng không phải công trình cuối cùng. Hai năm trước, Đình Thụy Phiêu, ngôi đình cổ nhất ở Việt Nam đã bị biến thành ngôi đình giả cổ với mái ngói đỏ au, cột đá xanh lè trong ngoài trước sau sơn son thếp vàng! Một năm trước, ngay cả việc khai quật Hoàng thành Thăng Long cũng được đưa máy vào để xúc như cái cách đào bới… công trình thủy lợi! Ở đình Mông Phụ, khi xây mới, người ta vứt bỏ những viên đá ong hàng trăm tuổi mà sau đó vì quá tiếc, Họa sĩ Thành Chương đã xin mua lại. Rồi thì chùa Dâu được “trùng tu” với dáng vóc mới y cái quán Ngon. Tại sao phải ngạc nhiên, phải đi tìm sự tận diệt ở tít tận xứ Tuyên Hóa khi mà ngay bên bờ hồ Gươm sự hủy hoại cũng đang diễn ra!
Có một người không ngạc nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên, người chủ trì dự án Điều tra cơ bản về di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ. “Tình trạng mai một kiến trúc cổ của ta, không phải chỉ vì những lý do khách quan như chiến tranh, thời tiết... Ngày xưa, là không có tiền để tu sửa, bây giờ thì nhiều khi lại vì có tiền mà thiếu hiểu biết nên được/bị tu sửa theo kiểu "hiện đại hoá”. Ông nói sau cuộc điều tra. Và một ví dụ rất dễ kiểm chứng là tượng vua Lê, ngay bên Bờ Hồ, cũng đang được đối xử với một cách thức y hệt. Theo TS Kiên, người ta đã “gộp” hai di tích Đình Nam Hương và tượng vua Lê vào làm một. Ở đó, có những con “rồng” bò ngược theo cầu thang mà “20 năm làm trùng tu di tích, chưa từng thấy con rồng bò ngược”. Chỉ cách đó vài mét, là một con rồng chúc đầu ôm cột “ngay cả nằm mơ cũng không thấy”. Kiểu đèn đá sân vườn kiến trúc Nhật Bản, một vấn nạn của các di tích kiến trúc cổ, được đặt một cách thô kệch và xấu xí, vô nghĩa lý và vô văn hóa, dù chúng được thanh toán với giá “không hề rẻ”. Ở đó, còn có câu chuyện xuyên tạc lịch sử khi một cơ quan “cấp phường” cho rằng Đình Nam Hương là để thờ vua Lê Thái Tổ và để “hợp lý hóa”, người ta ngang nhiên đưa một bức tượng vua Lê- sản xuất năm 2010, vào ban thờ. Rồi thì chó gốm màu sắc lòe loẹt- quái vật cung tiến không nỡ không bày…Tất cả đều là phá hoại chứ không phải tôn tạo di tích. “Giá các nhà báo và dư luận lên tiếng từ khi người ta biến di tích Cổng Bắc thành nhà Mạc thành đảo giao thông..” TS Kiên ngậm ngùi.
GS William Logan, Chuyên gia thẩm định, đánh giá di sản thế giới của Unesco khi được hỏi về phong trào “mới hóa”, bêtông hóa, “trẻ hóa”, “tầm thường hóa”, “rẻ hóa” dưới danh nghĩa trùng tu di tích ở Việt Nam đã trả lời: giá trị các di sản thế giới nằm ở tính chân thực, nguyên gốc của nó. Bêtông hóa sẽ phá hỏng tính nguyên bản của di tích, di sản. Vị chuyên gia này thậm chí còn không chấp nhận cả việc xây dựng công viên ở ngay đường sau khu Văn Miếu. Bởi theo ông người ta làm mới nhưng không có những nghiên cứu cụ thể. Vụ án thành Tuyên, ác nghiệt thay, lại được bắn ra từ 1 viên đạn súng lục, không, phải là một quả bom- nặng cỡ 10 tỷ đồng có cái tên là dự án trung tu. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một trong số những người đầu tiên phát hiện vụ “Thành nhà Mạc thất thủ”, viết về sự đánh đổi như sau: Người ra đã gọt bỏ rêu phong, phá bỏ các phom cổng, các bức tường thành lưu dấu mấy trăm năm dâu bể, đã phun hoá chất diệt trừ tận gốc các “toà thiên nhiên” dây leo, cây cổ thụ, để dựng nên tại đó một cái lò gạch nằm trọn vẹn, tơ hơ, gạch mới đỏ au, tinh tươm, mới mẻ từ chân lên đầu, từ trong ra ngoài, trét ximăng trắng lốp tứ bề, xung quanh “đảo” là chi chít cọc bằng inox sáng choang với xích sắt to bằng ngón chân cái.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm nhất lại là ở chỗ người ta hoàn toàn vô tội trong các vụ tàn phá di tích. Bởi vì tất cả đã được thực hiện theo các quy trình có đủ các báo cáo, thẩm định, bút phê. Bởi tiền đập thành cổ xây lò gạch là tiền nhà nước, từ túi nhân dân. Và bởi những vụ phá hoại kiểu này hoàn toàn không có trong bất cứ một báo cáo nào của ngành văn hóa. Bởi vì hành vi tàn phá đó đang được những người có trách nhiệm coi là bảo tồn. Nếu ngày mai, người ta xây ngay một cái lò gạch giữa hồ Gươm thì vì thế, cũng chẳng nên lấy làm ngạc nhiên.
------------------------
Phóng sự ảnh: Báo động từ di tích! - Thứ Sáu, 27/03/2009, 23:11 (GMT+7)
Thành nhà Mạc: Di tích hơn 400 tuổi biến thành… 1 ngày tuổi
THÀNH NHÀ MẠC ở Tuyên Quang - Thursday, 18 June 2009 04:59 - www.5vietnam.com
Ngày đăng: 23/11/2009
(TTXVN)
Thứ ba, 14 Tháng ba 2006, 17:09 GMT+7
Thứ ba, 14 Tháng ba 2006, 08:23 GMT+7
Thứ tư, 15 Tháng ba 2006, 08:29 GMT+7
Thứ hai, 13 Tháng ba 2006, 14:00 GMT+7
Thứ ba, 06 Tháng chín 2005, 19:08 GMT+7
Thứ tư, 07 Tháng chín 2005, 09:13 GMT+7
Thứ tư, 07 Tháng chín 2005, 14:57 GMT+7
nguyenxuandien.blogspot.com
govn.wordpress.com
vietbao.vn
TRÙNG TU TÔN TẠO THÀNH NHÀ MẠC Ở TUYÊN QUANG: BIẾN DI TÍCH 400 TUỔI THÀNH...1 NGÀY TUỔI - ĐỖ DOÃN HOÀNG
.
.
.
No comments:
Post a Comment