Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2010-09-26
Diễn Đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6, là diễn đàn của các tổ chức Phi Chính phủ và Xã hội Dân sự được tổ chức tại Hà Nội và khai mạc hôm thứ sáu vừa qua với 700 đại biểu phó hội.
Để theo dõi không khí cùng nội dung hội nghị, chúng tôi phỏng vấn trực tiếp chị Debbie Stothard, Điều hợp viên tổ chức Đông Nam Á Quốc hiệp Thế đại Võng lạc thuộc phong trào dân chủ Miến Điện, hiện đang tham gia hội nghị.
.
Những vấn đề lý thú
Ỷ Lan: Chào chị Debbie Stothard, Chị đến Hà Nội dự Diễn Đàn Nhân dân ASEAN. Xin chị cho biết không khí chung của hội nghị? Có chuyện gì lý thú xẩy ra không?
Debbie Stothard: Rất đông những tổ chức xã hội dân sự thuộc ASEAN tìm cách hướng các cuộc thảo luận theo sự quan tâm của họ - ví dụ như dân chủ và nhân quyền, quyền phụ nữ, quyền thiếu nhi, tình hình giới trẻ, nông dân và ngư dân, những hiệp ước thương mại và quyền lao động.
Tuy nhiên có nhiều khóa họp trong hội nghị gây tranh luận vì cách tổ chức sự việc. Ví dụ như trước khi hội nghị khai mạc, một số tham dự viên không được phép đến Việt Nam, như trường hợp thành viên Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cũng như một số nhà hoạt động trong khu vực Đông Nam Á. Một số bị từ khước cấp chiếu khán, số khác được đến nhưng với quy chế quan sát viên, có nghĩa họ mất quyền phát biểu hay trình bày chuyện họ quan tâm trước đại hội. Đây là cả một vấn đề.
Một vấn đề khác là vào phút chót, những thành viên mới của Ban Thường vụ hội nghị vào thay thế các thành viên cũ. Các thành viên mới này không là những thành viên thuộc các xã hội dân sự mà là những đại diện các chính phủ trong vùng. Hội nghị này được hiểu như hội nghị của các xã hội dân sự, thế mà đại diện chính quyền lại vào nằm trong Ban Thường vụ làm rối ren công chuyện.
.
Giải thích sống sượng
Như thường lệ, mỗi khi có những hội nghị như thế này tổ chức tại Việt Nam , mọi phát biểu đều bị ghi âm cẩn thận. Mỗi khi có sự phê phán về tình hình Việt Nam, là tức thì các nhà tổ chức Việt Nam đột hiện để giải thích dài dòng và cho rằng dối gạt tất cả những phê phán ấy, mọi người phải tin chính quyền Việt Nam như tin vào chân lý.
Ví dụ hôm nay đây, tại cuộc hội thảo dân chủ và nhân quyền, tôi đứng lên phát biểu rằng các chính phủ trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, ASEAN cần có những bác sĩ tâm thần để thắng lướt sự sợ hãi các nhà hoạt động nhân quyền. Tôi có lưu tâm sự kiện Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền bị cấm đến tham dự hội nghị ở Hà Nội. Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền có cơ sở bề thế và được quốc tế công nhận, đồng thời là thành viên của ASEAN.
Khi tôi phát biểu xong, Tiến sĩ Trần Đắc Lợi, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị các Tổ chức, được mời đến, ông vào ngay hội trường. Ông ta khăng khăng giải thích rất dài lý do vì sao Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền không được đến Hà Nội, đó là vì, ông ta nói, vấn đề là không đủ ghế ngồi tại hội nghị. Ai nghe cũng tức cười, vì điều rõ ràng là thông báo trước đây cho biết Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền bị cấm đến vì lý do trong Liên Đoàn có thành viên mang tên Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam mà Hà Nội rất ghét.
Ỷ Lan: Sự có mặt của báo chí truyền thông tại Diễn Đàn Nhân dân ASEAN kỳ này như thế nào, thưa chị?
Debbie Stothard: Thú vị là kỳ này chủ nhà Việt Nam không cho tôi vào Ủy ban Báo chí Truyền thông, mặc các nhóm quốc gia trong khu vực đề cử tôi nhiệm vụ này. Trong các Diễn Dàn Nhân dân ASEAN trước đây, tôi luôn luôn là thành viên tích cực trong Ủy ban Báo chí Truyền thông, và tôi luôn cáng đáng bao biện trên mọi mặt cho giới ký giả hiện diện tại hội nghị.
Tại Hội nghị ở Hà Nội kỳ này giới ký giả có mặt rất ít, đa số là ký giả và truyền thông của Nhà nước Việt Nam . Hôm qua có bản tường thuật của truyền thông Tây phương nói về Diễn Đàn Nhân Dân ASEAN. Buồn cười thay, bản tường thuật này không được đưa lên mạng Internet Việt Nam .
Chúng tôi đã có nhiều trao đổi lý thú. Ví dụ hôm qua tại khóa khoáng đại, Phó tổng thư ký ASEAN thảo luận về thách thức tài chính cho chiến lược Truyền thông ASEAN. Tôi liền phát biểu rằng chiến lược truyền thông chẳng hao tốn bao nhiêu, nếu các chính phủ ASEAN bỏ chuyện kiểm duyệt Internet. Ví dụ như Việt Nam ngăn chặn Facebook và Twitter! Đây là một thực tế khôi hài, vì Văn phòng Tổng thư ký ASEAN có hệ thống Twitter, nhưng chúng tôi chẳng vào xem được khi tới lãnh thổ Việt Nam !
Ngay lúc đó tiến sĩ Trần Đắc Lợi can thiệp và tuyên cáo rằng Facebook và Twitter vẫn hiện diện tại Việt Nam không bị ngăn cấm. Cũng cái ông Tiến sĩ khẳng định Liên Đoàn Quốc tế không được mời vì thiếu chỗ ngồi trong hội trường. Thế là lần thứ hai Tiến sĩ Trần Đắc Lợi nói dối. Ai cũng buồn cười cho lối giải thích sống sượng của các viên chức Việt Nam .
.
Lạm dụng chức chủ tịch ASEAN
Chuyện ngược đời là, bằng cách kiểm soát hội nghị quá chặt chẽ nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy họ chưa đủ thạo đời, cũng chẳng cởi mở chi mấy để xứng đáng làm thành viên ASEAN hay thành viên trong cộng đồng thế giới. Cách xâm phạm này là một ví dụ quá rõ cho thấy cung cách lạm quyền mà Việt Nam lợi dụng chức vụ chủ tịch ASEAN của mình.
Ỷ Lan: Việt Nam không chỉ là chủ tịch ASEAN mà còn là chủ tịch cơ cấu nhân quyền mới gọi là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ ASEAN. Chị nghĩ sao về cách ứng xử giả vờ của Việt Nam ?
Debbie Stothard: Đúng vậy, tôi nghĩ rằng đây là sự thoái bộ cho ASEAN khi vị chủ tịch tỏ ra quá chống nhân quyền và chống tự do ngôn luận, không riêng cho đất nước Việt Nam mà cho toàn khu vực. Thật đáng buồn cho nhà cầm quyền Việt Nam không biết lợi dụng cơ hội ngồi ghế chủ tịch ASEAN để cải tiến cung cách cư xử đối với các xã hội dân sự. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam thật sự khéo léo, họ sẽ có thái độ cởi mở hơn, mềm dẻo hơn, điều sẽ làm cho bộ mặt Việt Nam tươi tắn hơn trong lòng các xã hội dân sự trong khu vực.
Ỷ Lan: Xin chị câu hỏi chót về xã hội dân sự ở Việt Nam , họ có tham dự hội nghị không? Chị có dịp gặp gỡ họ không?
Debbie Stothard: Có một số tổ chức tham dự các khóa hội thảo. Một số trong họ trình bày tốt về tình trạng thiếu nhi bị nhiễm độc chất da cam, v.v… Một số tổ chức khác thì khoái giảng cho chúng tôi nghe về lịch sử Việt Nam . Như vậy đó, cứ mỗi lần chúng tôi nghe được những phát biểu xuất sắc này của người Việt Nam, chúng tôi liền nghĩ hay ho xiết bao nếu nhà cầm quyền Việt Nam cho phép tất cả mọi người, mọi tập thể Việt Nam khác được tham dự hội nghị, bất cứ tổ chức nào cũng đều được tự do và an toàn lên tiếng công khai để chia sẻ những quan điểm của mình.
Ỷ Lan: Xin cám ơn chị Debbie Stothart.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia . All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment