Monday, September 27, 2010

ĐỒNG BỆNH TÌM TƯƠNG LÂN ? (Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN)


Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN kết thúc
TS Đinh Hoàng Thắng
Ngày 27.09.2010, 09:24 (GMT+7)
SGTT.VN - Đồng cảnh ngộ thường dễ thoả thuận. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần thứ 2 đã thiết kế được một lộ trình nhằm xây dựng và triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Cam kết này bền vững và nhất quán đến đâu còn là câu chuyện dài.

Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc tế, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cùng chủ trì một hội nghị thượng đỉnh bàn về các vấn đề an ninh và phát triển của ASEAN. Sự kiện này đủ nói lên ý nghĩa chuyển giai đoạn trong chính trường thế giới ở khu vực. Một trong những nội dung nổi bật của Tuyên bố chung tại hội nghị là mối quan hệ “đối tác tăng cường” (enhanced partnership) giữa Mỹ và ASEAN lâu nay nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược” (strategic partnership) trong năm tới.

Những cam kết nhiều hứa hẹn
Đây quả là một cam kết dũng cảm từ phía ASEAN. Vì trước thềm hội nghị thượng đỉnh này, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đã nhận những lời cảnh cáo, chẳng chút phiếm chỉ, rằng “đừng nên đùa với lửa”, “đừng rước sói vào nhà”… Mỹ cũng bị nhắc nhở “không nên can dự vào những chuyện không phải của mình”. Ý nói việc tự do đi lại trên Biển Đông của Mỹ phải để cho một nước khác (ở ngoài Biển Đông) quyết định. Thật là vượt xa các tiêu chí văn minh của luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng!

Tuyên bố 23 điểm này đã được làm nhẹ phần nào để giữ hoà khí trong bối cảnh các biển Đông Á: Hoàng Hải, Đông Hải, Biển Đông đều đang nổi sóng dữ ngay trong thời bình. Nhiều thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Nhưng một số khác lo ngại thái độ quá thân thiện với Mỹ làm phật lòng Trung Quốc. Sự vắng mặt của Tổng thống Indonesia tại hội nghị, với bất cứ lý do gì, đã phản ánh phần nào thái độ dè dặt nói trên.

Trung Quốc, từ tháng 3 năm nay, tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình làm cho giới ngoại giao và nghiên cứu chiến lược phải giật mình. Cụm từ “lợi ích cốt lõi” được nhắc đi nhắc lại trong các tháng 7, tháng 8, và xuất hiện cả trên báo chí Trung Quốc. Nhưng giờ đây, giới ngoại giao Trung Quốc lại nói rằng họ chưa bao giờ tuyên bố như thế. Mỹ đã dựng lên tuyên bố đó (?!). Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định từ New York: Trung Quốc trỗi dậy nhưng không đe doạ ai.

Dù sao thì có khi do quá bị o ép từ bên ngoài mà chính những căn bệnh kinh niên của ASEAN: “mạnh ai nấy lo”, “nói nhiều làm ít”… được chữa trị dần. Từ nay, ASEAN phải hành động nhiều hơn nữa để tăng cường mức độ tin cậy lẫn nhau cũng như giữa tổ chức với Mỹ nhằm hiện thực hoá các nội dung trong tuyên bố chung, từ gắn kết hơn nữa mối bang giao đến nâng cấp quan hệ, từ tăng cường hợp tác kinh tế đến bảo đảm tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.

Kỷ nguyên mới trong chính trường khu vực?
Ít nhất đã có ba biến chuyển đầy ý nghĩa qua hội nghị này: thứ nhất, chất lượng mối bang giao giữa Mỹ và ASEAN, như một tổ chức, từ nay nâng lên một tầm cao mới với chất lượng khác trước; thứ hai, những cam kết và can dự từ cả hai phía được tăng cường trên cả kênh song phương lẫn đa phương, đòi hỏi tầm nhìn mới, trách nhiệm mới; thứ ba, sự hợp tác và cạnh tranh trong khu vực, cũng như giữa các nước ASEAN với các nước ngoài khu vực từ nay sẽ hình thành một làn ranh rõ ràng và minh bạch hơn trước.

Tuy nhiên, từng nước Asean rồi đây vẫn sẽ cân nhắc thái độ sao cho có lợi nhất trong cuộc cạnh tranh mà Mỹ dần dần chiếm thế mạnh, nhân danh quyền tự do hàng hải trong vùng. Thái Lan, Campuchia và Singapore tỏ ra không muốn tranh chấp Mỹ – Trung leo thang. Miến Điện, nước vừa nhận 4 tỉ USD ODA từ Trung Quốc, chắc chắn không muốn làm Bắc Kinh phật lòng. Một số nước trong khối tuy né tránh tranh chấp, nhưng vẫn muốn bày tỏ ý nguyện của họ là theo đuổi tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Một số khác không đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông lại không mấy thích thú trước sự dính líu sâu hơn của Mỹ.

Nhưng so với các thành viên khác, những thách thức đối với Việt Nam lớn hơn cả. Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự tạo được quá trình “hoà đồng bộ” khi một mặt vẫn phải chung sống hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc, mặt khác vẫn phải tạo nên thế và lực mới (nhờ chính vào quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN) để được tôn trọng hơn, được theo đuổi những lợi ích dân tộc chân chính của mình.
Sự thống nhất trong đa dạng của ASEAN rồi đây sẽ là một nguồn lực hay một cản trở còn tuỳ thuộc vào mức độ bền vững và tính chất nhất quán của quá trình hiện thực hoá các cam kết xây dựng và những can dự toàn diện của cả Mỹ lẫn ASEAN. Trước những biến động có thể thấy trước và chưa thể đoán trước trên “toàn phương vị” trong mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc, Mỹ, Nhật với ASEAN, an ninh và phát triển ở Đông Nam Á vẫn còn là câu chuyện dài nhiều tập.

Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu muốn kiểm tra lại tác động của những lời nói và việc làm đã gây ra các phản ứng ngược. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ rút tuyên bố “Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của mình”. Tuy nhiên các nước đều hiểu rằng, nếu điều này xảy ra thì đó là kết quả của đấu tranh! Trước mắt, Trung Quốc sẽ không ngừng phản đối việc “quốc tế hoá” tranh chấp Biển Đông. Chính trường khu vực, nhất là một số diễn đàn tới đây như hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM-44) và Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ không hề yên tĩnh!
TS Đinh Hoàng Thắng
---------------------------

Mỹ - ASEAN: Giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải   (vietnamnet.vn)  Đây là bản dịch thông cáo chung:  Joint Statement of the 2ND U.S.- ASEAN Leaders Meeting  (White House 24-9-10)
.
.
.

No comments:

Post a Comment