Wednesday, September 1, 2010

ĐÔI ĐIỀU LẠM BÀN VỀ BẰNG GIẢ, BẰNG THẬT

Bằng cấp thật giả, lẫn lộn – đôi điều lạm bàn

Vũ Trọng Khải

Đăng bởi bvnpost on 01/09/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/01/b%e1%ba%b1ng-c%e1%ba%a5p-th%e1%ba%adt-gi%e1%ba%a3-l%e1%ba%abn-l%e1%bb%99n-di-di%e1%bb%81u-l%e1%ba%a1m-bn/

.

Có lẽ do tế nhị, PGS Vũ Trọng Khải chưa đặt hẳn câu hỏi ngay các vị lãnh đạo cao cấp đương quyền đã tốt nghiệp Phó tiến sĩ, Kỹ sư ở nước ngoài trước đây có bao người tự hào là mình trực tiếp viết luận án, và ngày nay còn được bao nhiêu phần trăm có khả năng làm việc trực tiếp với chuyên gia không cần phiên dịch?

Theo chúng tôi hiểu, trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có hai luồng ý kiến nổi bật. Thứ nhất là luồng ý kiến thường rỉa rói, bới móc, đôi khi khoái trá thậm chí vạch trần các xấu xa, bẩn thỉu đang diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta. Các ý kiến này nhìn chung đều đúng nhưng ít khi đưa ra các giải pháp khắc phục, đây là các ý kiến thuộc trường phái "bới rác"!

Luồng ý kiến thứ hai thường nghĩ đến thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của bao thế hệ cha ông, thậm chí phải đổ cả xương máu, cho nên tuy phẫn uất phê phán nhưng thường trăn trở suy nghĩ, tìm cách đưa ra các giải pháp khắc phục. Đây là các ý kiến thuộc trường phái "Quét rác"! Tôi chia sẻ và đồng tình với những người thuộc trường phái quét rác bởi vì nếu chỉ bới rác thì không sao giải quyết được đống rác khổng lồ đang chất chồng thành đời rác!

Trong bài viết, PGS Vũ Trọng Khải đề cập đến lỗi hệ thống, rất có lý nhưng có lẽ không thể không phân tích đến 5 loại thành phần đang tham gia trực tiếp và gián tiếp vào việc điều hành đất nước ta hiện nay là:

1. Những cán bộ lãnh đạo cấp cao được dân bầu hoặc ủy quyền, họ là những người chính danh;

2. Những người không chính danh, không được dân bầu nhưng thân cận, gần gũi với những người lãnh đạo như cố vấn, trợ lý, thư ký, đối tác, v.v. Đây là lực lượng rất đáng kể, thường tham gia tác động trực tiếp vào các quyết sách của nhà nước;

3. Họ hàng, vợ con, người thân, bạn đồng liêu, đồng hương, v.v. của tầng lớp cầm quyền. Hiện nay, khá nhiều người được tiến thân, nâng đỡ nhau theo con đường thân quen này;

4. Những người ngoài hệ thống công quyền nhưng có quyền lực lớn như phụ trách các phương tiện thông tin đại chúng (quyền lực thứ tư);

5. Các đại gia kinh tế đại diện cho các nhóm lợi ích. Anh Việt Phương, một vị trưởng thượng của nước nhà rất bức xúc, mới đây kể cho tôi nghe có một anh Giám đốc ngân hàng ngạo mạn, huênh hoang tuyên bố "Chính phủ cũng là ta"!?

Trong cuộc sống, người dân nào cũng yêu nước nhưng nếu không có tri thức, đất nước không thể phát triển. Bản thân dân tộc ta luôn có sức mạnh của năng động tự thân, vì vậy người cầm quyền thông minh, sáng suốt và khôn ngoan cần biết tập hợp, trọng dụng ba lớp người luôn đan xen với nhau, đó là: (1) Nhiều trí thức và doanh nhân trong thế hệ trẻ; (2) Nhiều doanh nhân và tuổi trẻ trong tầng lớp trí thức; và (3) Nhiều trí thức và tuổi trẻ trong hàng ngũ doanh nhân.

Bằng cấp thật, học thật phải phản ánh qua lăng kính nói được, làm được, viết được và đóng góp thực sự trí tuệ của mình cho sự phát triển của đất nước.

TS Tô Văn Trường

------------------------------------------------------

Thật, giả lẫn lộn ở Việt Nam hiện nay trở thành quốc nạn đang cản trở nghiêm trọng sự phát triển của cả dân tộc về hầu như mọi phương diện. Bởi sự thật là “cái giả” đang tồn tại với tư cách là “cái thật” về mặt pháp lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (trong đó, việc tạo mọi điều kiện pháp lý cho “con ông cháu cha” chui vào bộ máy công quyền để “nối ngôi” đã để lộ nguy cơ biến nước ta thành một mô hình Bắc Triều Tiên mà ai cũng thấy hình như là mô hình “lưu xú” có một không hai trên thế giới này, đang kề cận với nước ta sát nút chứ không lâu la gì nữa). Ở đây, tôi xin chỉ bàn riêng vấn đề bằng cấp thật, giả lẫn lộn trong giáo dục hiện nay. Có bằng cấp là “điều kiện cần” để “chui” vào và “leo cao” trên thang bậc của bộ máy công quyền ở nước ta. Mà có chức quyền trong bộ máy công quyền sẽ có “bổng lộc” gấp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần cái “lương còm” nhận được hàng tháng trên tài khoản ATM. Vì vậy, những người không đủ năng lực sống bằng trí tuệ và không chịu cần cù lao động nhưng lại muốn giàu sang nhanh chóng, sẽ chọn con đường “đầu tư” trên “thị trường mua quan, bán tước”. Bởi “buôn vua” như Lã Bất Vi là cách làm đạt siêu lợi nhuận, vừa cao nhất, vừa nhanh nhất. Bởi không có ai ngu toàn diện cả. Nếu một kẻ ngu trên đường học vấn thì lại thông minh trên con đường lắt léo của quan trường.

Lúc đầu, để có bằng cấp mà không mất thời gian, công sức đầu tư cho việc học tập, cách hay nhất là mua bằng. Có cầu ắt có cung. Những nhà cung cấp bằng giả ra đời. Nhưng sau một thời gian, họ thấy cách làm này nguy hiểm cho cả người cầu và người cung, vì cơ quan chức năng rất dễ phát hiện.

Người ta nghĩ ra cách thứ hai: học giả, bằng thật. Kiểm tra văn bằng thì đúng là bằng thật. Kiểm tra lộ trình học tập qua các hồ sơ của cơ sở đào tạo thì cũng chỉ tìm thấy những chứng cứ “thật”: ngày, giờ lên lớp, người dạy, môn học, điểm và chứng chỉ môn học cấp cho người học… Nhưng trên thực tế, người ta chỉ ghi danh mà không học, không thi, cần thiết và có điều kiện (thường là quan chức cao) có người học hộ và thi hộ… Gần giống với cách thứ hai, còn có cách thứ ba, thường thấy ở những người trẻ hơn: họ đi học thật, nhưng chữ lại “chê” cái đầu của họ, không chịu chui vào, nên họ phải bỏ tiền mua điểm, mua “bằng thật”.

Dựa theo “phân khúc” thị trường của kẻ mua bằng, các nhà cung cấp đã tạo ra nhiều “hình thức đào tạo – cấp bằng” rất đa dạng như ta đã thấy. Bằng Tú tài, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước, ngoài nước dưới hình thức đào tạo dài hạn, ngắn hạn, tại chức, từ xa… đều có cả trên “thị trường giáo dục – đào tạo”. Quả đáng tội, không phải khi chuyển sang kinh tế thị trường, định hướng XHCN, Việt Nam mới xuất hiện bằng giả. Trước đây, người ta, vì theo chủ nghĩa thành phần, đã cấp giấy tốt nghiệp phổ thông giả cho một số người thuộc thành phần cơ bản được quy hoạch làm cán bộ để họ sang các nước XHCN học đại học, rồi học Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ). Đã có không ít “bằng hữu nghị” do các trường đại học ở các nước XHCN cấp cho người Việt Nam. Có người nói “con bò được dắt qua biên giới, quay trở về Việt Nam cũng thành Phó tiến sĩ”. Có người lãnh đạo cấp cao của ngành giáo dục lúc đó đã bức xúc kêu lên rằng: “Tôi không thể huấn luyện vịt đực thành sơn ca” (!) Không ít Phó tiến sĩ bảo vệ luận án ở các trường danh tiếng thuộc Liên Xô và các nước XHCN phải thông qua phiên dịch; có vị Chủ tịch hội đồng chấm luận án đã phải ngạc nhiên hỏi người dịch: “Sao Nghiên cứu sinh nói ngắn mà lại phải dịch dài thế?” (!)

.

Học để làm quan, chứ không phải để làm doanh nhân, làm nhà khoa học hay làm chính khách độc lập như ở các nước, đã trở thành truyền thống của cả dân tộc Việt. Bởi “một người làm quan cả họ được nhờ”. Một học giả người Pháp vào giữa thế kỷ XX, khi nghiên cứu Việt Nam đã phát hiện rằng: “Trong bụng mỗi người dân đều có một ông quan. Thằng mõ làng lớn bắt nạt thằng mõ làng bé”! Làm mõ là cái chức “bèo” nhất rồi mà còn không biết thương yêu nhau, lại đi bắt nạt nhau! Ôi, cái khao khát được làm quan sao nó ăn sâu vào tâm khảm người Việt đến mức như vậy? Làm quan để bắt nạt người khác, để có bổng lộc, ấy là mục đích học của rất nhiều người trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt. Chuyển sang kinh tế thị trường, văn minh lúa nước của dân tộc Việt được thay thế bằng “văn minh phong bì”. Tệ hai hơn, “văn minh phong bì” đã trở thành “nét văn hóa” trong ứng xử giữa người dân, doanh nghiệp với quan chức và bộ máy công quyền. Đó là mảnh đất màu mỡ cho thị trường mua – bán bằng cấp và chức tước phát triển như ta đã thấy. Có bằng cấp mới là điều kiện cần. Muốn có chức quyền còn phải “đầu tư tiếp”. Đã đầu tư để có chức quyền thì phải sử dụng chức quyền để thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận nhiều, nhanh theo đúng với nguyên tắc quản lý tài chính của kinh tế thị trường! Vì thế sách nhiễu, gây khó cho người dân bằng đủ mọi lý lẽ của luật pháp trở thành cách ứng xử phổ biến của công chức từ thấp đến cao. Để được việc, người dân phải xử sự bằng “văn hóa phong bì” với nhiều hình thức đa dạng, từ tế nhị, kín đáo đến thô thiển, lộ liễu, trắng trợn.

.

Có vị Luật sư nổi tiếng đã phải thốt lên rằng: Ở Việt Nam luật nhiều như rừng, nhưng xử lý công việc thì theo luật rừng” (!). Nhờ đó, thị trường – giá cả đã hình thành trong nền hành chính và cả dịch vụ công ở Việt Nam. Theo đó, tầng lớp môi giới, mà dân gian thường gọi là “cò”, ra đời và ngày càng đông đúc. Chính cái thị trường và tầng lớp “cò” này đã làm cho hoạt động của cơ quan công quyền và dịch vụ công hoạt động đáp ứng được những nhu cầu hàng ngày của người dân. Người dân tự trấn an bằng lập luận: “Lương thế thì họ phải sống bằng phong bì. Muốn được việc thì phải có phong bì đúng giá. Không biết giá và cách giao dịch thì phải nhờ “cò” cho đỡ mất thì giờ lại nhẹ cái đầu”! Chả thế mà có nhà đầu tư nước ngoài đã nhận xét rằng: “Thử tưởng tượng xem một ngày Việt Nam không có tham nhũng thì công việc làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ ra sao”. Tham nhũng, “văn minh phong bì” đã là chất bôi trơn cho guồng máy công quyền và dịch vụ công hoạt động. Điều đó giải thích vì sao vụ Vedan xả nước thải bẩn cả chục năm không bị phát hiện; bị phát hiện 2 năm rồi mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết; các nhà lãnh đạo Vedan mặc cả, cò cưa, không chịu bồi thường mà chỉ “hỗ trợ người dân ở mức rất thấp” so với doanh thu 3.000tỷ VN đồng/năm ở Việt Nam của Vedan. Chỉ khi người dân biết đoàn kết, sử dụng sức mạnh của xã hội dân sự: tẩy chay không mua sản phẩm Vedan, lập tức chỉ trong không đầy một tuần, quay ngoắt 180 độ, Vedan đồng ý bồi thường theo đúng yêu cầu của người dân (thực ra người dân cũng không biết tính mức thiệt hại của mình, đành phải chấp nhận con số của Viện Tài nguyên môi trường thuộc Đai học Quốc gia TP HCM công bố).

.

Trở lại vấn đề bằng giả, bằng thật. Tuy số “bằng thật học giả” quá nhiều, kiểm tra không xuể, số những người có bằng thật, có thực học và cả những người không có bằng nhưng có thực học, đạt trình độ học vấn uyên thâm đang góp sức mình cho sự phát triển của đất nước, cũng rất đông đảo. Chỉ rất tiếc là những người này lại không chịu đánh mất mình để có các chức vụ cao trong bộ máy công quyền và dịch vụ công lập hiện nay. Điều nguy hiểm hơn là thế hệ trẻ có thực học không chịu và không thể giữ các vị trí trong bộ máy ấy. Người giỏi thì làm ông chủ nhỏ, người kém hơn một chút thì làm thuê cao cấp cho các doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế hoạt động ở Việt Nam. Làm ông chủ lớn thì phải liên kết với quan chức cao cấp tạo thành Mafia, nguy hiểm lắm, họ không làm. Họ thà chịu nhận làm kẻ đưa phong bì chứ quyết không chịu nhận làm kẻ nhận phong bì. Tình hình đó lại tạo điều kiện thuận lợi cho một số người thuộc lớp trẻ, không có thực học nhưng có bằng cấp, chui sâu, leo cao vào bộ máy công quyền, để rồi lại đi quản lý những người có thực học đang làm việc trong doanh nghiệp tư và trong các cơ quan dịch vụ công cộng của nhà nước và của tư nhân. Mâu thuẫn này ắt sẽ đến ngày gay gắt, tạo ra xung đột xã hội. Bây giờ, tìm được một người trẻ có bằng và thực học ở Việt Nam cũng hơi bị hiếm. Kẻ viết bài này đã đôi lần trở thành người tham gia vào những việc “cười ra nước mắt”.

.

Trong một cuộc chấm luận án Tiến sĩ kinh tế học cấp nhà nước cho một nghiên cứu sinh trẻ, ngoài 30 tuổi, 2 thành viên bỏ phiếu xuất sắc, 4 thành viên bỏ phiếu đạt, chỉ có duy nhất 1 phiếu không tán thành của tôi. Thế là cơ sở đào tạo này trong năm 2010 đã góp phần thực hiện kế hoạch đào tạo 20.000 Tiến sĩ của Bộ Giáo dục đào tạo. Tôi đành an ủi bằng câu chuyện dân gian “Bác Hồ là người Thanh Hóa”. Chuyện kể rằng trên một chuyến xe đường dài, có 4 chàng thanh niên, trong đó chỉ có 3 chàng người Thanh Hóa, 1 chàng người Nghệ An. Họ tranh luận rằng Bác Hồ là người Thanh Hóa hay người Nghệ An, kéo dài trong suốt chuyến đi. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết bằng biểu quyết: 3 phiếu cho rằng Bác Hồ là người Thanh Hóa, chỉ có 1 phiếu cho là Bác Hồ quê ở Nghệ An. Kết luận: Bác Hồ là người Thanh Hóa!

Một lần khác, cách đây khoảng 6 năm, một nghiên cứu sinh đã bị tôi yêu cầu chỉnh sửa luận án để sau 12 tháng sẽ bảo vệ lại ở Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước. Sắp đến ngày bảo vệ lại, luận án sửa chẳng được bao nhiêu, người nghiên cứu sinh này đã nói với tôi: “Em năm nay 59 tuổi rồi, chỉ kém thầy 1 tuổi thôi. Bảo vệ xong em cũng sẽ về hưu như thầy. Nhưng em muốn có bằng Tiến sĩ để làm gương học tập cho con của em thôi. Mong thầy thông cảm.” Lý, tình đến thế là cùng, tôi bỏ phiếu tán thành!. Đúng hay sai để người đọc phán xét, tôi không dám có ý kiến gì.

Để người có thực học và có chữ tâm có thể giữ các vị trí từ thấp đến cao trong bộ máy công quyền hay bất kể một tổ chức nào ở nước ta hiện nay, phải làm thế nào? Đó là một câu hỏi khó nhưng lại rất bức xức, cần có câu trả lời để Việt Nam phát triển sánh vai cùng các nước trong khu vực, trước hết là trong ASEAN, làm cho người dân đỡ khổ.

Chả lẽ chỉ vì không có bằng cấp trong thang học vị hiện nay ở Việt Nam mà một người vừa có học vấn uyên thâm, vừa có cái tâm lớn với ngành giáo dục như nhà văn Nguyên Ngọc lại không được làm Chủ tịch hội đồng quản trị Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An? Chả lẽ cứ để cho bao kẻ có bằng thật, học giả, thậm chí bằng giả, không học, vẫn chễm trệ ngồi trên các vị trí từ thấp đến cao của bộ máy công quyền để hạch sách dân chúng, làm ô nhiễm, gây bẩn thỉu môi trường xã hội, rồi tích tụ lâu ngày tạo ra xung đột xã hội gay gắt? Hay đành chấp nhận cái lý lẽ của vị quan cao cấp nói rằng: cách chức hết mấy đứa bằng thật học giả, bằng giả không học, thì lấy ai làm việc?

Điểm không giống ai là khi tuyển dụng người vào bộ máy công quyền, việc đầu tiên là yêu cầu khai lý lịch xem có bằng cấp gì? Con cái nhà ai? Thuộc thành phần gì? (công, nông hay tiểu tư sản, tư sản…), có phải Đảng viên Đảng Cộng sản không, mà không biết hỏi làm gì. Không thử tay nghề theo các vị trí cần tuyển dụng với các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, không cần có một bản lý lịch kê khai những công việc đã từng làm được tốt, xấu ra sao, yêu cầu điều kiện làm việc của người được tuyển dụng là gì? Không bắt người xin tuyển dụng phải mô tả công việc họ có thể làm….

.

Theo thiển nghĩ của kẻ viết bài này, phải làm mấy việc trước mắt để xử lý vấn đề bằng cấp thật, giả hiện nay:

- Nhà nước tuyên bố: bằng cấp không phải là điều kiện cần để giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền; khuyến khích mọi người tự khai báo bằng giả, bằng thật học giả (sẽ được miễn kỷ luật);

- Phát hiện được những kẻ sử dụng bằng giả, hay chứng minh được kẻ có bằng thật, học giả, đều phải buộc bọn họ thôi việc. Đó là hình thức kỷ luật nhẹ nhất. Nhưng cũng phải thấy là trong số họ, có một số người có năng lực nhất định xứng đáng ngồi ở một vị trí nào đó trong bộ máy công quyền, vì sức ép của cơ chế, họ phải kiếm bằng cấp trên “thị trường giáo dục”. Đối với số này, có thể tuyển dụng lại vào những vị trí mà họ có thể đảm nhận được, bằng phương pháp tuyển dụng khoa học, thực tế;

- Trong tất cả các vị trí của bộ máy công quyền, phải có sự kiểm tra và thi tuyển lại theo những phương pháp khoa học hiện đang áp dụng phổ biến ở các nước văn minh;

- Đối với những ứng viên trẻ, cần tuyển dụng vào các vị trí cần thiết của bộ máy công quyền và dịch vụ công, nhất thiết phải áp dụng công khai, minh bạch việc thi tuyển theo những phương pháp khoa học, có cạnh tranh. Nhiều người cùng thi tuyển cho một vị trí trong một tổ chức nào đó. Ở các vị trí quản lý, người thi tuyển phải trình bày được phương án, chương trình hành động khả thi, nếu được bổ nhiệm.

Xét về lâu dài phải sửa lỗi hệ thống, nếu không vẫn chỉ có bọn bất tài tìm cách chui vào bộ máy công quyền để tham nhũng, thị trường mua bán bằng cấp, quan chức vẫn tồn tại và phát triển. (Sử dụng thuật ngữ “ lỗi hệ thống” là cách khôn khéo của giới sỹ phu Bắc Hà để chỉ nguyên nhân sâu xa của tất cả những hư hỏng của đất nước hiện nay, chứ chưa phải thuật ngữ khoa học chỉ rõ được bản chất của vấn đề). Nếu không sửa lỗi hệ thống, Việt Nam vẫn mãi là đất nước của những nghịch lý, trong đó nghịch lý của mọi nghịch lý là “Mọi người đều chấp nhận sống chung với mọi nghịch lý như là lẽ tự nhiên của đời sống” theo kiểu “sống chung với lũ” của nông dân Nam bộ.

Tháng 8/2010

V.T.K.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Bài do tác giả gửi trực tiếp cho BVN

.

----------------------------------------

Bình luận : Những kẻ có chức có quyền trong bộ máy công quyền ở Việt Nam có phải tất cả đều là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam ? Cái gốc của mọi vấn đề ở Việt Nam là ở đó.

.

.

.

No comments:

Post a Comment