Wednesday, September 29, 2010

NHÂN VỤ GS PHẠM MINH HOÀNG : BÀN VỀ CHUYỆN ĐẢNG VIÊN & ĐẢNG CHÍNH TRỊ

KAMI
29.09.2010

Phấn đấu để trở thành đảng viên đảng Cộng sản Việt nam ngày trước rất khó, vì lúc trước đảng ta còn trong sạch vững mạnh thì điều được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản nó là điều vinh dự cho mỗi cá nhân chúng tôi lúc trước. Đó là khi Đảng CSVN chưa tiến hành công cuộc đổi mới, khi ấy không chỉ cái ăn, cái mặc mà cái gì cũng thiếu thốn khan hiếm, kể cả sách báo, phim ảnh cái mà người Việt nam ta gọi là món ăn tinh thần cũng thế. Muốn nghe tin tức thì ra ngồi dưới cột điện đầu phố nơi có treo cái loa công cộng cho cả khu phố nghe, hay buổi tối muốn văn nghệ hay phim ảnh một chút thì đi xem nhờ TV nhà hàng xóm, mấy chục người châu đầu xem cái TV đen trắng màn hình 14″ có khi là 9″ cỡ bàn tay to hơn cái điện thoại di động 3G thời bây giờ.

Có lẽ vì thiếu thốn món ăn tinh thần như vậy nên có tình trạng mấy ông đàn ông ngại phiền nhà hàng xóm, thì hay sử dụng cái vốn “tự có” của bà xã để bù đắp khoản thiếu hụt món ăn tinh thần, chả vì thế ngày ấy việc tổ chức các phong trào “Vận động sinh đẻ có kế hoạch” còn rầm rộ hơn học tập tư tưởng Hồ Chí Minh bây giờ, họ phải dùng tới cả cụ Võ đại tướng làm thống sóai. Tương tự, cánh đàn ông xa vợ ở nhà tập thể vì vợ ở quê, hay mấy cậu trẻ chưa có gia đình mà cũng ngại làm phiền nhà hàng xóm thì nghĩ tới phấn đấu vào đảng để giải quyết khâu oai với mọi người. Vì thời ấy người có chức có quyền hơn anh nhân viên chân trắng có vài lạng phiếu mua thịt, chứ đâu khác biệt lớn về bổng lộc như bây giờ.

Chuyện phấn đấu để vào đảng ngày xưa khác thời bây giờ, ngày ấy không phải muốn vào đảng và có tiền mua mà được như bây giờ. Ngày xưa thì yêu cầu cơ bản là ngoài sự hiền lành, đôi chút nhút nhát, õng ẹo, không biết sáng tạo trong công việc, nói tóm lại phải là người sai đâu đánh đấy không ho he kháng cự là được xếp vào danh sách học lớp cảm tình đảng. Sau khi tham dự lớp cảm tình, một thời gian được chi bộ theo dõi nếu vẫn không chuyển biến (vẫn đần như cũ) thì được chấm để đi học lớp bồi dưỡng đối tượng đảng. Học xong coi như là đi được nửa chặng đường, vấn đề còn lại là tùy vào số phận (lý lịch) của mỗi người, anh chị nào nào may mắn có được ông bà, bố mẹ đều là bần cố nông, trong gia đình có người đã là đảng viên thì coi như trúng quả đậm.

Vấn đề chỉ còn là chờ xác minh lý lịch để báo cáo cấp ủy ra quyết định kết nạp, nếu như được anh Tổ trưởng đảng hay Bí thư chi bộ quan tâm là mọi việc hoàn chỉnh chỉ chờ ngày được giơ nắm đấm trước tượng Bác Hồ mà thề sống chết theo Bác mãi mãi. Thời gian để hòan thành thủ tục để trở thành đảng viên dự bị nhanh thì một hai năm, chậm thì vài ba bốn năm tùy theo cái hứng của Bí thư chi bộ nơi mình công tác.

GS Phạm Minh Hoàng (hàng đầu, giữa) và các sinh viên của Đại Học Bách Khoa TPHCM trong buổi tiệc Tất Niên ngày 28/01/2010. (Hình do gia đình cung cấp)

Đấy là nói chuyện kết nạp đảng ở cơ quan dân sự hay hành chính sự nghiệp, nó rầy rà rắc rối muôn vàn khó khăn, khi ấy những người bên ngoài người ta nghĩ chắc là khó sẽ làm cho đảng viên càng hiếm và càng có giá trị. Nhưng trong lực lượng vũ trang như quân đội, công an thì ngược lại hoàn toàn, họ bắt phải vào đảng, không vào không được, đó là trường hợp mấy anh em sinh viên mới tốt nghiệp Đại học được cử vào phục vụ trong quân đội sau khi dự khóa huấn luyện Sĩ quan dự bị bắt buộc với quân hàm thiếu úy. Mấy anh sĩ quan trẻ có học không khoái cái món chính trị, vì không muốn rách việc theo kiểu không muốn có tóc cho thằng khác nắm cho thoải mái, cuối cùng chỉ sau 6 tháng tất cả đều bị ép vào đảng một cách tự nguyện như vào đảng ở các nước dân chủ vì đó là chỉ tiêu của đơn vị và điều đó có lợi cho đảng CSVN.

Kể chuyện lý do người ta muốn vào đảng và trình tự quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản vô cùng phức tạp để bạn đọc hiểu nguyên nhân của nó. Nó đơn giản là người ta tham gia một tổ chức hay một đảng phái vì cái tổ chức hay đảng phái đó mang lại quyền lợi cho cá nhân họ theo đúng con đường mà họ theo đuổi, như vậy thì người ta thích vào đảng. Nhưng nếu vào đảng để giải quyết khâu “oai” với lối xóm, để giải quyết món ăn tinh thần thiếu thốn kiểu để đỡ phải đi xem nhờ TV nhà người khác, hay để có thể trèo lên con bậc thang của con đường quyền lực chẳng hạn thì nó lại có ý nghĩa khác. Những khó khăn, những rắc rối  và trở ngại của việc vào đảng cộng sản để trở thành đảng viên cộng sản đó chỉ có duy nhất ở đảng cộng sản ở Việt nam, Trung quốc, Cu ba, Lào và Bắc Triều tiên mấy nước cộng sản cũ đi theo con đường của chủ nghĩa cộng sản còn sót lại, vì vào đảng Cộng sản sẽ có nhiều quyền lợi khác ngoài quyền lợi chính trị cho cá nhân và gia đình của họ.

Nhưng ngược lại ở tất cả các quốc gia không phải cộng sản thì việc cá nhân tham gia các tổ chức chính trị hay các đảng phái lại là vì quyền lợi của đảng của họ mà họ tham gia chứ không phải hoàn toàn vì quyền lợi của cá nhân họ, đó là điều khác biệt cơ bản. Những người có xu hướng thích quan tâm tới chính trị thì họ cũng có một hoặc vài đảng chính trị mà họ hâm mộ, Cái này thì cũng  y như một cổ động viên bóng đá yêu thích một đội bóng, tôi thích đảng X không chỉ vì đường lối của họ mang lại quyền lợi cho cá nhân tôi và gia đình nhiều hơn các đảng khác, mà có thể là vì ông thủ lĩnh đảng X trẻ và đẹp trai như tài tử xi nê, hoặc vì đảng X là đảng đại diện cho người miền Trung như tôi v. v…

Nói như vậy để thấy ở các nước dân chủ đa đảng thì đảng nào có nhiều người hâm mộ thì có lợi thế trong các cuộc bầu cử vì sẽ được nhiều phiếu bầu. Người hâm mộ không nhất thiết phải là đảng viên của đảng mà mình thích, trừ những ai có máu chính trị và có tiền, hay có người có tiền bạc chống lưng cho, thì họ sẽ tham gia các đảng phái chính trị để trở thành các chính trị gia, hoặc một vài fan cuồng nhiệt quá đà cũng xin đăng ký là đảng viên của đảng đó nếu họ cảm thấy thích. Ngỏ ý muốn là đảng viên thì ngay ngày hôm sau họ phát cho một cái thẻ là đảng viên của đảng X.  là xong, không phải phấn đấu, không phải thẩm tra lý lịch và càng không phải thử thách và khi nào chán không muốn mất thì giờ thi coi như thôi. Vào đảng dễ như vào nhà WC công cộng, ai có nhu cầu thì vào, ai hết nhu cầu thì ra, đảng chính trị nó đơn giản như thế thôi.

Hôm nay xin nói tới chuyện đảng chính trị vì chuyện này liên quan đến tin nổi bật hôm nay (29/9/2010) trên các báo ở Việt nam đều đưa tin hot, đó là tin Bắt giảng viên đại học vì hoạt động lật đổ chính quyền”, tin nói về việc cơ quan An ninh Việt nam đã tiến hành bắt giữ và khởi tố với ông Phạm Minh Hoàng, người có song tịch Việt-Pháp bị bắt giữ vì có tham gia đảng Việt tân với tội danh có âm mưu lật đổ chính quyền.

Chuyện đảng Việt tân có là tổ chức khủng bố hay không, hay việc ông Phạm Minh Hoàng đã bị bắt giữ có đúng luật pháp hay không xin để dành cho các cơ quan bảo vệ pháp luật của chính quyền xử lý theo luật pháp hiện hành. Ở đây chỉ bàn tới vấn đề liên quan tới bà Lê Thị Kiều Oanh (vợ ông Hoàng) bị ông Phạm Minh Hoàng lôi kéo tham gia tổ chức này như  VNN  mô tả, trích: “ Liên quan đến vụ án, cơ quan ANĐT còn xác định có vai trò không nhỏ của Lê Thị Kiều Oanh (vợ của Hoàng). Tuy nhiên người phụ nữ này đang nuôi con nhỏ và thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật của Đảng và Nhà nước“.
Điều đáng nói ở đây là, bằng chứng phạm tội của bà Lê Kiều Oanh theo đài BBC  cho biết là (trích) “ Thời điểm bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Hoàng, gia nhập Việt Tân không được nói rõ, nhưng cơ quan an ninh nói tháng 1/2009, bà Oanh cùng chồng đã sang Malaysia để tham dự một khóa tập huấn của Việt Tân“. Đồng thời BBC cũng cho biết trích “Từ TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Kiều Oanh bác bỏ cáo buộc trên. Bà nói với BBC sau khi nghe tin: “Tôi không phải đảng viên Việt Tân và chuyến đi Malaysia của vợ chồng tôi hoàn toàn là chuyến đi du lịch, gặp gỡ bạn bè cũ của anh Hoàng …”  và “Bà Oanh nói bà đang cân nhắc yêu cầu luật sư kiện việc công an “tung tin không chính xác”.

Qua chuyện này cho thấy, không chỉ các nhân viên công an của cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an và đa phần bạn đọc ở Việt nam không hiểu, cứ nghĩ rằng việc tham gia đảng phái chính trị ở nước ngoài cũng giống và khó khăn như việc phấn đấu vào đảng CSVN. Và có thể họ nghĩ rằng nó cũng giống như việc Bác Hồ tuyên truyền lôi kéo bà Nông Thị Ngát, mẹ của đồng chí TBT Nông Đức Mạnh năm 1941 ở hang Pắc bó Hà quảng Cao bằng tham gia Mặt trận Việt minh ngày xưa. Vì hiểu như thế nên họ đã áp dụng theo “định luật” trường hợp của Bác Hồ để suy rằng bà Lê Thị Kiều Oanh là vợ chính thức có hôn nhân hợp pháp và có một cháu gái 6 tuổi với ông Phạm Minh Hoàng, có nghĩa là bà ta là đảng viên đảng Việt tân?!  Mà có điều thắc mắc là tại sao kẻ tham gia tổ chức khủng bố nguy hiểm như bà Lê Thị Kiều Oanh lại được cơ quan an ninh khoan hồng “nhân đạo” dễ dàng như thế? Hay là vì chứng cứ buộc tội bà Oanh quá non tay,, hoặc cơ quan An ninh điều tra vu vạ họ cho qua chuyện hay vì họ chạy tiền cho ai?

Trên thế giới và kể cả ở Việt nam luật pháp không thể và không hề cấm người dân tham gia và tổ chức hội đoàn trên cơ sở tôn trọng pháp luật của nhà nước theo đúng tinh thần của “Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người của LHQ” và hội, đoàn hay đảng kể cả đảng chính trị chỉ có lợi từ người dân tham gia ủng hộ hay đăng ký làm đảng viên. Chính vì thế việc có nhiều gia đình vợ ủng hộ đảng X, chồng ủng hộ đảng Y nhưng con lại ủng hộ đảng Z  v.v… là chuyện thường tình, mỗi kỳ bầu cử người trong gia đình của họ tranh cãi nhiều khi giận nhau nhưng khi bầu cử kết thúc thì họ gác chuyện chính trị lại thì khi đó họ lại là một gia đình hạnh phúc.

Đừng quên rằng, đảng chính trị cũng chỉ như một đội bóng đá mà thôi, anh đá hay thỏa lòng fan hâm mộ thì tôi sẽ lôi kéo nhiều người cùng tôi đăng ký làm cổ động viên cho anh, chúng tôi sẽ mua nhiều đồ thể thao của CLB, sẽ ủng họ tiền bạc cho đội bóng mình ưa thích và ngược lại anh cứ đá dở, vài năm làm một cái vụ bê bối như vụ Vinashin thì chúng tôi cũng phải xin bye bye… các anh để em “ngược” cho sớm.

Đừng bao giờ nghĩ rằng sinh hoạt chính trị của người dân là cái gì phức tạp và những ai tham gia đảng chính trị thì họ cũng cũng học theo cái tấm gương của Bác Hồ và thân mẫu của đồng chí TBT Nông Đức Mạnh, mà chúng ta hàng ngày phải học tập. Chuyện bậy bạ kiểu ấy của chú Già Thu với cháu liên lạc giúp việc thì chỉ có ở các đảng theo chủ nghĩa cộng sản mà thôi.

Hãy đơn giản hóa sinh hoạt chính trị của xã hội, trong một bữa ăn người ta có quyền nói đủ thứ chuyện mà họ quan tâm, như chuyện chứng khoán cho người ham làm giàu, chuyện minh tinh người mẫu cho mấy bà rửng mỡ thừa tiền, chuyện thóc cao gạo kém của giai cấp vô sản. Nếu cho họ thả sức bày tỏ chính kiến, được lên tiếng có pháp luật bảo vệ thì có lợi vô cùng cho sự an toàn của chế độ. Ngược lại khi mà giai cấp vô sản, giai cấp gắn liền với nghèo đói bị áp bức chèn ép quá mức thì sinh lắm chuyện, bởi khi hết lối thoát thì họ nghĩ tới việc vùng lên.

Đó mới là điều đáng sợ cho những ai đang cầm quyền, bài học của vợ chồng nhà độc tài Rumania Seau Cescu năm xưa hẳn các vị chưa quên?
Ngày 29/9/2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment