Sunday, September 26, 2010

NÀY, CHÁU CÓ DÁM CỞI HẾT VÌ NGHỆ THUẬT ?

Đăng ngày: 10:51 24-09-2010

(các bé gái làm người mẫu cho người lớn nhắm sống chỉ ít tồi tệ hơn việc chúng bị đẩy vào nhà thổ?)

Người mẫu 16 tuổi thì nói về chuyện chụp ảnh nude. Bé gái 14 tuổi được báo chí gọi là siêu sao vì có số đo 3 vòng nở nang: 86-60-90. Và Cô dâu 12 tuổi đẹp mê hồn…Càng ngày, độ tuổi của các cô bé con “trưởng thành bất thường về thể xác”, bị bắt làm người lớn- càng lúc càng nhỏ lại. Không biết sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa, không biết sẽ còn có con số nào nhỏ hơn nữa được báo chí háo hức tìm kiếm, khi sự trưởng thành bất thường về thể xác của những đứa trẻ con hôm nay được đem ra làm món PR kiếm tiền của người lớn, tràn lan trên mạng với vô số những lời bình phẩm tục tĩu. Nếu hôm nay người lớn hỏi chúng quan điểm về ảnh nude, tiêm nhiễm vào đầu óc chúng niềm tự hào về số đo 3 vòng nở nang và độ miên man của các cặp chân dài, nếu hôm nay chúng được tung hô khi trình diễn các bộ váy cô dâu thì liệu ngày mai những cô bé, những đứa trẻ đó sẽ còn trình diễn thứ thời trang gì nữa? Bikini ? Hay xuất hiện dưới bộ dạng Eva?

Nhiều người hẳn sẽ sửng sốt khi đọc những dòng chữ sau đây:“…Sở hữu chiều cao hơn 1m70 cùng vóc dáng phổng phao, đầy đặn, Bảo Trân đã bắt đầu sự nghiệp người mâu của mình khi mới 12 tuổi….Chân dài tuổi teen này vẫn mang đến một làn gió lạ cho làng thời trang Việt”. Và đây là một cái chú thích ảnh: “Phút lạnh lùng của chân dài 9X đời cuối”. Bài báo về “Cô dâu 12 tuổi đẹp mê hồn” sau đó được đăng lại nguyên văn trên Hoa Học Trò, một tờ báo dành cho tuổi mới lớn; và tràn ngập trên mạng, trong mục “tin độc” hoặc “Văn hóa”, bên cạnh những "Màng trinh giả như…hũ thịt thiu", "Rơi ma cà rồng giết 5 trẻ em", "Yến trang để ngực trần ôm thỏ", "Đàn bà chơi tợn hơn đàn ông", "Những màn đánh ghen độc địa của teen", và "dịch vụ tươi mát cao cấp"…. Rõ ràng, đây là một bản tin- chí ít là để phục vụ sự tò mò của người lớn. Không rõ phản ứng của cha mẹ cô bé đó ra sao khi biết đang tràn ngập trên mạng, thậm chí ở các trang chỉ dành cho người lớn, hình ảnh đứa con gái 12 tuổi của mình- mặc bộ trang phục dành cho người lớn- trong vòng tay của một người lớn khác. Mà cô bé 12 tuổi đó đang “trình diễn” chung, đang “làm bạn” với ai? Với Trang Trần, một người mẫu không mặc áo ngực đi xem biểu diễn thời trang và sau đó giải thích: “…chỉ hở phần trên bầu ngực mà việc hở một nửa là điều rất bình thường tạo nên sự gợi cảm”. Trang Trần mới đây còn  nổi như cồn về chuyện tố cáo các người mẫu đồng nghiệp bán dâm trong khi mình thì: “Chưa thử đi khách”. Và với Vũ Thu Phương, một người mấu thi thoảng lại tụt váy, lại “lộ hàng khủng” và lộ tới gần 1 phút để gây bão táp trên mạng vì chuyện “tai nạn nghề nghiệp”…

Công ty luật Hợp danh nhận xét: Theo quy định của pháp luật, người lao động (ở đây là người mẫu) phải có độ tuổi ít nhất là 15. Theo thông tư 21/1999/TT-BLĐTBXH ngày 11-9-1999 của Bộ LĐ TB & XH thì trẻ em dưới 15 tuổi có thể được phép tham gia vào một số công việc mang tính nghệ thuật như múa, hát, xiếc, sân khấu (kịch, tuồng, chèo, điện ảnh…). Nhưng không có công việc “người mẫu”. Tất nhiên, cũng không nhất thiết phải quá máy móc. Nghề người mẫu phần nào đó cũng có thể xem là nghề nghiệp mang tính nghệ thuật. Nhưng chắc chắn nghề người mẫu không phù hợp với các cô bé 12 tuổi và càng không phù hợp khi người lớn “bắt” phải trình diễn trang phục cô dâu (người lớn).

VN là nước Châu Á đầu tiên và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước về quyền trẻ em từ năm 1990. Nhưng quyền cơ bản nhất của trẻ em là được làm một đứa trẻ thì dường như lại chẳng có ai quan tâm, thậm chí thứ quyền nghiễm nhiên và tưởng như giản dị đó còn bị lạm dụng thô bạo. Đây là một câu hỏi của một phóng viên dành cho một đứa trẻ, bị bắt làm người mẫu quá sớm: Vậy còn phong cách sexy, như trong rất nhiều show diễn và những bộ ảnh mẫu của Q? : “Nếu như Q  nhận được một lời mời chụp nude nghệ thuật, bạn sẽ đồng ý chứ?”. Câu này hoàn toàn có thể biên lại, thành: Này cháu, có dám cởi tất cả vì nghệ thuật không? Tại sao một người lớn lại hỏi chuyện cởi truồng đối với một bé gái nhân danh “nghệ thuật”? Tại sao một phóng viên lại có thể buộc một cô bé phải nghe, và phải trả lời những câu hỏi thô bạo như thế nhỉ? Chết tiệt là vì bị tiêm nhiễm quá nhiều vì đã được “phát hiện và đào tạo từ năm 12 tuổi”, cô bé này cũng đã trả lời, về phong cách sexy như sau: “Đó luôn là thế mạnh của phụ nữ mà. Thể hiện được vẻ đẹp sexy, "khoe" những đường cong tự nhiên trời phú là yêu cầu của nghề nghiệp. Bởi lẽ sự gợi cảm quyến rũ sẽ thu hút ánh nhìn và gây thiện cảm với công chúng”. Chả hiểu các công ty người mẫu đào tạo, tiêm nhiễm những gì đối với một đứa bé để đến nỗi từ bé chúng đã bị nhồi sọ rằng nghề người mẫu là phải sexy, phải khoe. Và từ sexy đến nude, từ khoe đến cởi, từ thụ động đón nhận “ánh nhìn” đến chủ động tạo ánh nhìn bằng những tai nạn rơi váy tụt áo có lẽ hầu như không có khoảng cách. Cô bé 12 tuổi được người lớn tung hô hôm nay ngày mai sẽ trở thành thứ gì? Những đàn chị đang tìm mọi cách thể hiện đẳng cấp của mình bằng những scandal cũ rich, nhàm chán và rẻ tiền? Hoặc tồi tệ hơn, kiếm tiền bằng nhan sắc?

Cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao sau khi đọc những bài báo nói về những đứa trẻ bị buộc phải làm nghề “đào thài”. Đào thài “nghề chuyên môn” của các trại hòm để chỉ những đứa trẻ đứng chầu bốn góc quan tài, "hầu" linh hồn người chết. Có câu chuyện rằng: Sau khi chết, linh hồn con người phải qua rất nhiều cửa ải dưới địa ngục. Nếu ai không thông thuộc "phép tắc", sẽ bị quỷ dữ tấn công, hành tội. Nhưng nhờ có bốn vị "thần đèn” đưa đường chỉ lối, linh hồn sẽ đến được miền cực lạc. Những đứa trẻ đào thài sẽ được trang điểm, ăn mặc như các nhân vật hát bội. Đào thài canh hòm khi làm lễ di quan, đứng chào khi hạ huyệt, thậm chí đứng trên nắp áo quan. Đổi lại là mức tiền công 40 ngàn vnd/đám. Độ tuổi “đẹp nhất” cho công việc “chầu người chết nghe nhạc đám ma” là từ 6 đến 12 tuổi. Tuổi thọ của nghề đào thài tùy thuộc vào vóc dáng, nếu lớn nhanh sẽ dễ bị "về hưu non". Kinh nhất là chuyện một cậu bé mới 7 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 2 năm trong nghề.

Theo Bộ lao động thương binh và xã hội, hiện có khoảng trên 25 ngàn trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Trong cuộc hội thảo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Viện Khoa học Lao động - Xã hội phối hợp tổ chức hồi đầu tháng 7, trường hợp cháu Nguyễn Thị Hoa, 13 tuổi, làm việc tại một xưởng may tư nhân ở Từ Liêm, Hà Nội đã được mang ra làm ví dụ cho tình trạng lao động nhí bị bóc lột tồi tệ: “Cháu đã làm ở đây được hai vụ rồi. Lương được bác chủ giữ hộ. Hằng tuần, cháu được lĩnh 20.000 - 30.000 đồng. Chúng cháu làm việc rất vất vả, đến tận 12 giờ đêm mới đi ngủ, 5-6 giờ sáng lại phải làm tiếp. Đến cuối năm, bác chủ nhà bảo hàng ế, người ta chịu tiền, chưa trả nên bác chỉ đưa cháu 100.000 đồng để về quê. Cháu muốn tìm chỗ khác, nhưng cứ phải làm ở đây để đòi lại số tiền năm ngoái”.
Trẻ em phải đi biển ở Quảng Ninh; khai thác đá ở Hà Tĩnh; chế biến cá bò ở Quảng Nam; khai thác mủ cao su ở Gia Lai; làm việc trong các lò gạch ngói ở An Giang; làm đào thài ở TP HCM; làm phương tiện vận chuyển ma túy ở…khắp nơi (Không thấy nói đến chuyện trẻ em làm mại dâm ở VN). Nhưng nói cho cùng tất cả những gì mà trẻ em đang phải làm như đã nói ở trên, có lẽ còn ít man rợ hơn việc tung hô, việc “choáng váng” những đứa trẻ lên sàn thời trang làm trò tiêu khiển cho người lớn nhắm sống, dù nhiều khi việc hở mỗi nơi một tí, vì là người mẫu- được cha mẹ chúng đồng tình và ít bị dư luận phản đối. Có lẽ việc các bé gái làm người mẫu chỉ ít tồi tệ hơn việc chúng bị đẩy vào nhà thổ- vẫn đang xảy ra, hoặc đóng dấu ô nhục như đã từng xảy ra ở thời kỳ trung cổ mà thôi.

(Nghề đào thài, 12 tuổi là "về hưu non" nhưng có lẽ còn ít man rợ hơn nghề người mẫu)
.
.
.

No comments:

Post a Comment