Thursday, September 30, 2010

KINH TẾ NHÀ NƯỚC GIỮ CHỦ ĐẠO : SỰ LẪN LỘN TRONG TƯ DUY

Nguyễn Quang A
Đăng bởi bvnpost on 30/09/2010

(VNR500) – "Nhà nước hãy tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, bắt buộc tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, không ưu ái cho bất cứ khu vực doanh nghiệp nào. Đấy là các công cụ hữu hiệu nhất chứ không phải các doanh nghiệp nhà nước" – TS. Nguyễn Quang A.

LTS: Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020, một khi được chính thức thông qua, sẽ trở thành những cơ sở rất quan trọng làm định hướng cho những quyết sách lớn của đất nước trong 10 năm tới.
Khi Chiến lược được đưa vào những quan điểm phát triển đúng đắn, hợp lý sẽ góp phần rất to lớn giải phóng tiềm năng phát triển kinh tế. Trường hợp ngược lại sẽ làm kìm hãm và làm mất đi cơ hội của đất nước.
Để tôn trọng tính đa chiều trong thông tin, Diễn đàn VNR500 trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Quang A, với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế. Bài viết có thể có nhiều điểm cần phải tranh luận, bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, điều đó bắt nguồn từ cái tâm của một nhà tri thức với mong muốn tột cùng là đưa đất nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Mời bạn đọc cùng tranh luận. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về vnr500@vietnamnet.vn. --------------------------------------
"Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020" vừa được công bố đề cập nhiều vấn đề, bài viết này chỉ bàn sơ về khẳng định sau của nó: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển".
Trong khi đó dự thảo cương lĩnh nhắc đến vấn đề này một lần duy nhất trong câu "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" còn dự thảo báo cáo chính trị bốn lần nhắc đến "vai trò chủ đạo".

"Vai trò chủ đạo": Sáng tạo riêng? Dư luận, các chuyên gia đã bàn quá nhiều về vai trò chủ đạo là gì. Bản thân các văn kiện của các Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam cũng không xác định rõ "vai trò chủ đạo" là gì. Kinh tế nhà nước có đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam (1986) gắn vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh với việc "chiếm tỷ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông"; năm 1989, doanh nghiệp quốc doanh vẫn có vị trí chủ đạo, nhưng "không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành, nghề".
Cương lĩnh 1991 của ĐCSVN chỉ nêu gọn "Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế". Chiến lược 1991 của ĐCSVN nói rõ hơn: "Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh".
Rồi Đại hội X của ĐCSVN giải thích về vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước như sau: "… Vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỷ trọng đóng góp GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển".
Ngày 10/4/2006, trong Báo cáo phát triển kinh tế – xã hội, cụm từ "vai trò chủ đạo" xuất hiện một lần duy nhất trong "vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương". Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng CSVN khóa X đã nhiều lần nhắc lại "vai trò chủ đạo" của kinh tế nhà nước.
Lần này "vai trò chủ đạo" cũng xuất hiện một lần duy nhất trong câu được trích dẫn ở trên và được nhắc đến bốn lần trong dự thảo báo cáo chính trị, một lần trong dự thảo cương lĩnh.
Có người lý giải, kinh tế nhà nước không những bao gồm các DNNN mà cả các chính sách kinh tế, ngân sách nhà nước cũng như các khoản đầu tư của nhà nước. Nhưng chính sách kinh tế, chi tiêu ngân sách và đầu tư hạ tầng, thì có nhà nước nào trên thế giới không coi trọng? Chẳng nước nào nói về vai trò chủ đạo của chúng cả.
"Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" là một "sáng tạo" riêng của Việt Nam và độc nhất vô nhị trên thế giới. Bốn lần nhắc đến "vai trò chủ đạo" trong dự thảo báo cáo chính trị đều gắn với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối và chúng đều "góp phần tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" hoặc "để giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước".
Như thế, hoàn toàn nhất quán với cách hiểu trước đây của Đảng rằng các doanh nghiệp nhà nước trước đây giữ vai trò chủ đạo hoàn toàn, thì nay chí ít phải có phần cốt lõi trong cái gọi là "vai trò chủ đạo" này. Hãy xem vai trò chủ đạo theo cách hiểu như vậy xem sao.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp nhà nước sử dụng lượng nguồn lực (vốn, đất đai, tài nguyên, quyền kinh doanh, vân vân) rất lớn của xã hội (chiếm vị trí số 1 so với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài).
Thành tích của các doanh nghiệp nhà nước: chỉ đóng góp được khoảng 27% GDP (toàn bộ khu vực nhà nước là 34,35% GDP kể cả hành chính, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế,…) trong năm 2008; tạo ra số việc làm bằng 23,9% tổng số việc làm trong các loại doanh nghiệp năm 2007; đạt cỡ 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu và là nguyên nhân chính của căn bệnh nhập siêu kinh niên; tạo ra 20% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007; đóng góp 15,94% vào thu ngân sách nhà nước năm 2007 (lưu ý tất cả các số liệu này là của Tổng cục Thống kê, trừ số liệu xuất khẩu là ước lượng của các chuyên gia, thu ngân sách từ dầu khí là mục riêng theo Tổng cục Thống kê).
Nếu coi chính sách kinh tế, ngân sách nhà nước, đầu tư nhà nước vào hạ tầng cơ sở là bộ phận cấu thành của kinh tế nhà nước thì chắc nước nào cũng coi trọng và chẳng ai gán cho nó "vai trò chủ đạo" làm gì và khỏi phải bàn.
Chỉ lưu ý rằng việc sử dụng ngân sách nhà nước của Việt Nam rất kém hiệu quả. Bội chi ngân sách là căn bệnh kinh niên, và có thể dẫn đất nước lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và vai trò của các DNNN cũng thực có tính "chủ đạo" ở đây (nợ của riêng Vinashin gần bằng 5% GDP mà toàn dân phải gánh chịu, còn nợ của các tập đoàn khác thì sao?).

Sự lẫn lộn trong tư duy
Người ta lại cũng viện dẫn vai trò xã hội của các doanh nghiệp nhà nước. Không có doanh nghiệp nhà nước, thì ai kéo điện lên vùng sâu vùng xa? Ai đưa điện thoại đến đó? Vân vân và vân vân.
Đấy cũng là một sự hiểu lầm hết sức ấu trĩ. Nghĩa vụ xã hội cao nhất của doanh nghiệp là hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, đóng nhiều thuế cho nhà nước, tạo điều kiện tốt cho người lao động phát triển.
Việc hô hào doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ "hỗ trợ" cho huyện này huyện kia và để chúng viện dẫn đến trách nhiệm xã hội chỉ chứng tỏ sự lẫn lộn trong tư duy. Việc làm từ thiện tự nguyện là việc đáng khen.
Nhưng chính sách xã hội là việc của nhà nước phải làm và có thể làm tốt, đừng đùn đẩy cho doanh nghiệp. Nếu có khoản thuế được "đánh dấu" cho việc phát triển ở các vùng sâu vùng xa, cho các đối tượng yếu thế vân vân, thì vừa tách bạch chính sách xã hội vừa dùng cơ chế thị trường để giải quyết các vấn đề đó một cách hiệu quả.
Chỉ nêu một thí dụ về thuế "tiếp cận phổ quát" đánh, chẳng hạn 10 đồng/phút, đồng đều với tất cả mọi người dùng điện thoại. Khoản thuế đó chỉ dùng trợ cấp cho bất cứ hãng viễn thông nào cung cấp dịch vụ ở các vùng sâu vùng xa, các hãng viễn thông cạnh tranh nhau vì khoản trợ cấp này.
Điện, y tế, giáo dục cũng vậy. Việc viện dẫn trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhà nước chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết "vô tình" hay "cố ý" mà thôi.

Thực tế chứng minh điều ngược lại
Như thế vai trò chủ đạo có lẽ chỉ còn ở tính công cụ của nó: "là lực lượng vật chất quan trọng để…" trong câu được trích ở trên. Coi chính sách kinh tế là công cụ là hoàn toàn đúng, nhưng lập lờ để coi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như "công cụ điều tiết" là một sai lầm.
Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, chúng không góp phần ổn định kinh tế vĩ mô mà chính là nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô, gây ra nhập siêu, thâm hụt ngân sách…
Hãy nhìn các hậu quả mà Vinashin gây ra (mà gần đây nhất là ngày 15/9/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giao Bộ Tài chính lấy 300 triệu USD từ tiền chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế để trả thay cho khoản vay của Vinashin tại ngân hàng Netixis, một khoản vay chưa từng được nhắc đến - Công văn số 6528/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí)
Hãy xem tập đoàn điện lực EVN bắt bí các doanh nghiệp khác ra sao, và thúc ép nhà nước ra chính sách có lợi cho mình thế nào.
Hãy xem nhà nước ưu ái cho Tập đoàn Dầu khí ra sao (mà gần đây nhất là việc chính phủ đi vay với lãi suất 6,95%/năm về cho PetroVietnam vay lại 3,6%/năm trong 13 năm, và phần chênh lệch lãi suất ấy mọi người dân phải trả bằng thuế nếu sau 13 năm họ trả được nợ, chứ không như Vinashin – theo Vneconomy ngày 22/9, tin "Petro Vietnam được vay 1 tỷ USD lãi suất 3,6%/năm").
Hãy xem bao nhiêu công ty nhà nước khác làm ăn sa sút và trên bờ phá sản.
Hãy ngẫm về sự "trên bảo dưới không nghe" của bao nhiêu tập đoàn và tổng công ty nhà nước; thậm chí, còn ảnh hưởng đến bản thân chính sách sao cho có lợi cho mình.
Tập đoàn và tổng công ty nhà nước có thực sự "tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển" hay không? Đáng tiếc họ chưa làm nổi yêu cầu này.
Ngược lại, các doanh nghiệp nhà nước còn chèn ép, chiếm hết nguồn lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lành mạnh.
Nhà nước hãy tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, bắt buộc tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, không ưu ái cho bất cứ khu vực doanh nghiệp nào. Đấy là các công cụ hữu hiệu nhất chứ không phải các doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước có thể ra lệnh hành chính cho chúng (đó là 1 công cụ chỉ nên dùng khi khẩn cấp) và đấy là một cám dỗ lớn đối với những người ít biết sử dụng các công cụ khác một cách hữu hiệu mà chỉ thích quyền lực bằng cách ra mệnh lệnh.
Xét về mọi khía cạnh, "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" là sáng tạo riêng của Việt Nam, không phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Nên dứt khoát từ bỏ việc gán vai trò như vậy cho các doanh nghiệp nhà nước.
N. Q. A
Nguồn: VNR500
.
.
.

No comments:

Post a Comment